Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.610.613
Truy câp hiện tại 2.484
Quay lại12345Xem tiếp
Các tin khác
Đôi nét về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân
Ngày cập nhật 06/10/2016
Một buổi giám sát của Thường trực HĐND huyện

Với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, một trong những chức năng quan trọng của HĐND là chức năng giám sát. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND phát hiện những vấn đề bất cập, chỉ ra nguyên nhân và có những kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Mục đích của giám sát là nhằm bảo đảm việc thi hành các văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND ở địa phương được nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả; giám sát để khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất, quyết định các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn.

Chủ thể thực hiện quyền giám sát gồm giám sát của tập thể HĐND tại kỳ họp; giám sát của Thường trực HĐND; giám sát của các Ban của HĐND và giám sát của đại biểu HĐND. Đối tượng thuộc quyền giám sát của HĐND bao gồm: Thường trực HĐND, các ban của HĐND (Thường trực HĐND, các ban của HĐND vừa là chủ thể vừa là đối tượng giám sát), UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; HĐND cấp dưới trực tiếp và các cơ quan nhà nước khác, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân trên địa bàn. Nội dung giám sát bao gồm việc chấp hành pháp luật của Nhà nước (Hiến pháp, luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên) và nghị quyết của HĐND cùng cấp.

Tại một buổi giám sát của Thường trực HĐND huyện

Hình thức giám sát gồm xem xét báo cáo công tác của các đối tượng thuộc quyền giám sát; xem xét việc trả lời chất vấn của những đối tượng này; xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, Nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; tổ chức các đoàn giám sát; thông qua việc tiếp dân và theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND; tiếp xúc cử tri. Nguyên tắc giám sát là bảo đảm công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Sau khi giám sát, nếu phát hiện những vấn đề bất cập, vi phạm, HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các đối tượng giám sát có hành vi vi phạm; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, Nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp nếu các văn bản đó trái pháp luật, gây thiệt hại về KT-XH, ảnh hưởng an ninh, quốc phòng; bãi nhiệm, miễn nhiệm, đối với các chức danh do HĐND bầu; ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn; quyết định giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp.

Tuy nhiên, so với chức năng, quyền hạn của HĐND được pháp luật quy định, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hoạt động giám sát của HĐND tại hầu hết các xã, thị trấn chưa xứng tầm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Tại một buổi giám sát của Ban Pháp chế, HĐND huyện

Tại Hội đồng nhân dân huyện, các cuộc giám sát mới chủ yếu do Thường trực HĐND và các ban của HĐND tổ chức thực hiện; các tổ đại biểu và đại biểu tham gia giám sát còn ít, chủ yếu tại kỳ họp, nhưng cũng chưa nhiều; kỹ năng giám sát của một số đại biểu chưa khoa học; một số kết luận sau giám sát thiếu cụ thể; chưa sử dụng các chế tài đã được pháp luật quy định.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, trước hết do nhận thức chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về chức năng giám sát của HĐND; về vai trò, vị trí của Thường trực, các ban và từng cá nhân đại biểu HĐND. Mặt khác, cơ chế hoạt động giám sát, các quy định về chế tài giám sát trong một số trường hợp chưa thật cụ thể và sát với thực tiễn. Tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, hoạt động giám sát của HĐND được quy định tại Chương VI, mục 1, Điều 87.

Tại một buổi giám sát của Ban Kinh tế Xã hội, HĐND huyện

Thời gian tới, để hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương có hiệu quả hơn, kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc; thiết nghĩ, bộ phận tham mưu phải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tốt hơn nữa cho Thường trực HĐND huyện trình HĐND huyện chọn những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện giám sát sâu. Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu đổi mới về phương thức, hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm, vai trò giám sát của từng đại biểu, Tổ đại biểu HĐND. Tiếp tục thực hiện tốt việc “giám sát sau giám sát”, nghĩa là phải theo đuổi, giám sát xem các ý kiến, kiến nghị cử tri, ý kiến chất vấn, kiến nghị sau giám sát, khảo sát đã được giải quyết đến đâu; đánh giá mức độ đạt được của kết quả giải quyết để có cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết đạt kết quả tốt.

Hà Thiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày