Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.222.509
Truy câp hiện tại 7.015
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục Luật An toàn giao thông đường bộ cho thanh, thiếu niên
Ngày cập nhật 13/11/2015
Đoàn viên, thanh niên tuần hành cổ động an toàn giao thông

Xác định rõ việc giáo dục Luật An toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) cho thanh, thiếu niên là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của tổ chức Đoàn thanh niên, đồng thời xác định rõ vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong việc nâng cao ý thức và hành vi tuân thủ pháp luật ATGTĐB cho thanh, thiếu niên là rất lớn và tập trung ở những khía cạnh, đó là tổ chức các chiến dịch truyền thông về ATGTĐB; xây dựng mạng lưới thanh niên tình nguyện phục vụ công tác giữ gìn trật tự giao thông; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông nắm danh sách và có các hình thức xử phạt đoàn viên vi phạm ATGTĐB; phối hợp với các đoàn thể chính trị, nhà trường và gia đình giáo dục thanh, thiếu niên chấp hành Luật ATGTĐB...Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hướng đến việc nâng cao ý thực chấp hành Luật ATGTĐB cho thanh, thiếu niên nhất là những thanh, thiếu niên vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm Luật ATGTĐB.

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện Đoàn phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện đề ra kế hoạch tổ chức các đợt tuyên truyền Luật ATGTĐB tại các cơ sở Đoàn, trong đó ưu tiên những địa phương, đơn vị có số lượng thanh, thiếu niên vi phạm Luật ATGTĐB cao và có những điểm đen về tai nạn giao thông. Kết quả trong 05 năm qua, cùng với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện A Lưới chúng tôi đã tổ chức 50 buổi tuyên truyền trực tiếp (42 buổi tại chi đoàn khu dân cư, 04 buổi tại các Đoàn trường THPT và 04 buổi ký cam kết đối với ĐVTN khối các cơ quan); mở 05 lớp tập huấn về Luật ATGTĐB cho 700 ĐVTN; tổ chức kiểm điểm trước chi đoàn hoặc có giấy thông báo cho chi đoàn là 170 ĐVTN; tổ chức 02 Hội thi với chủ đề “Thanh niên với văn hóa giao thông” thu hút gần 1.000 ĐVTN tham gia. Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn toàn huyện đã khai thác rất hiệu quả các trang mạng xã hội trong việc tuyên truyền Luật ATGTĐB bằng việc mỗi cơ sở Đoàn lập ra một địa chỉ Facebook với nội dung công việc chính là tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật nói chung và Luật ATGTĐB nói riêng, đưa các hình ảnh của các vụ tai nạn giao thông lên để cảnh báo đến ĐVTN cũng như nhận những ý kiến chia sẻ, phản hồi từ ĐVTN tham gia. Những nỗ lực của các cấp bộ Đoàn toàn huyện đã góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn.

Tuy nhiên, qua thực tế tại huyện A Lưới cho thấy ý thức chấp hành Luật ATGTĐB của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên còn thấp, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm luật ATGTĐB (lạng lách, đánh võng, chở ba, không đội mũ bão hiểm khi đi xe máy, chở quá người quy đinh, uống bia rượu khi điều khiển xe…); vấn đề tai nạn gia thông vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm trên cả ba tiêu chí là số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương, trong đó thanh, thiếu niên là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn cũng như là nạn nhân của tai nạn giao thông…Trong khi đó lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa phát huy sức mạnh đồng bộ của các lực lượng xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cho thanh, thiếu niên.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải – HUV - Bí thư Huyện Đoàn cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục Luật An toàn giao thông đường bộ cho thanh, thiếu niên trong thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất: Giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình. Gia đình là nơi các bạn trẻ sẻ chia, tâm sự, trao đổi thông tin, tình cảm. Đây cũng là môi trường giáo dục đầu tiên dành cho các bạn trẻ. Vì vậy, cần thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với gia đình trong việc giáo dục, nhắc nhở ý thức tham gia giao thông cho thanh, thiếu niên, đặc biệt là cha mẹ, những người lớn trong gia đình cần phải gương mẫu, phải có ý thức tham gia giao thông an toàn để con em học tập.

Thứ hai: Tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho thanh, thiếu niên ở nơi thanh, thiếu niên ở, làm việc, sinh hoạt. Đặc biệt cố gắng vận động đoàn kết tập hợp thanh, thiếu niên vào các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích... Đưa các nội dung về vấn đề an toàn giao thông vào trong các đợt sinh hoạt của các CLB, đội nhóm để các thành viên của các CLB, đội, nhóm thanh niên được nghe, được biết, được hiểu và cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm, từ đó có sự cải thiện trong tư duy, cải thiện về ý thức tham gia giao thông của mỗi thanh, thiếu niên.

Thứ ba: Công tác tuyên truyền, giáo dục, phải có nội dung, phương pháp khoa học để có hiệu quả cao. Hiện nay, nếu chỉ tuyên truyền bằng lời nói chưa đủ sức thuyết phục, trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày vẫn cập nhật tin tức giao thông, những hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông. Những tư liệu đó khi tác động trực quan sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của mỗi bạn trẻ. Thực tế, nhiều thanh, thiếu niên khi trực tiếp chứng kiến hoặc thấy các vụ tai nạn giao thông trên truyền hình, báo chí đã bị ám ảnh rất lâu, điều đó cũng đã có sự tác động lớn đến ý thức tham gia giao thông của họ. Do vậy, trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông, nên đưa ra các hình ảnh, các số liệu cho thanh, thiếu niên biết.

Thứ tư: Sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zing…) để tuyên truyền. Ngày nay, giới trẻ sử dụng các trang mạng xã hội ngày càng nhiều, đây là một kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh và hiệu quả rộng rãi. Việc sử dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ những thông tin về tai nạn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông, cảnh báo những sự cố bất an toàn khi tham gia giao thông, kinh nghiệm tham gia giao thông an toàn... sẽ được giới trẻ đón nhận và phản hồi rất tích cực.

Thứ năm: Nắm danh sách các thanh, thiếu niên vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông và phân loại thanh, thiếu niên vi phạm (học sinh, thanh, thiếu niên nông thôn đã bỏ học hay thanh niên cán bộ, công chức, viên chức) để đề ra các cách xử phạt khác nhau phù hợp với từng đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm.

Ý thức tham gia giao thông an toàn chính là yếu tố có tính quyết định trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Vì vậy, phải tạo dựng được ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông an toàn trong mỗi người dân nhất là thanh, thiếu niên để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng khi tham gia giao thông.

Trần Toàn - HD A Lưới
Các tin khác
Xem tin theo ngày