Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.206.878
Truy câp hiện tại 646
Các giá trị về văn hóa ẩm thực A Lưới ấn tượng và hấp dẫn
Ngày cập nhật 19/05/2016

A Lưới đạt giải 3 tại Liên hoan Ẩm thực Quốc tế năm 2016 tổ chức tại Thành phố Huế. Với gian hàng được trưng bày giới thiệu các loại ẩm thực đặc trưng của vùng núi như cơm nướng ống (cơm lam), thị cá nướng ống và món Lạp, các loại bánh như bánh A Jưh, A quát - hay còn gọi là bánh Tình yêu và một số món đặc trưng bản sắc được giới thiệu cùng những sản phẩm nổi tiếng -  ẩm thực đến từ trong và ngoài nước tham gia liên hoan. Ẩm thực A Lưới còn được biết đến khi những món ăn này ngày càng nhiều du khách thưởng thức qua các chuyến du lịch mùa hè năm nay với các loại hình du lịch đặc trưng đó là du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng và du lịch lịch sử...

Văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số vùng rừng núi được thể hiện ở các vật liệu, sản vật phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày đều được sản xuất, hái lượm, săn bắn từ môi trường tự nhiên. Đó là thịt lợn bản, rau củ quả trồng ở rẫy và hái từ rừng về, cá tôm, cua bắt từ khe suối…

Các món ăn truyền thống của các dân tộc đến nay vẫn được lưu giữ và được ưa chuộng, có nhiều giá trị trong đời sống hiện đại. Sau đây là một số món ăn truyền thống tiêu biểu.

Trước hết là một số món truyền thống thiên về hun, nướng trong ống, như thịt nướng, cá nướng, xôi nướng....

- Đẹp hor: tức món xôi nướng ống. Xôi được làm bằng cách bỏ nếp vào trong ống tre hoặc lồ ô cùng với ít nước, rồi nướng từ từ trên bếp lửa cho đến khi ống đã cháy đen phía ngoài là lúc cơm lam vừa chín tới. Đặc trưng của cơm nướng ống, mùi vị thơm, dẻo và cơm không bị cháy. Ăn cơm ống với các loại thực phẩm nướng như cá, thịt rất ngon, hợp khẩu vị.

Ngoài các loại xôi nếp nướng, đồ thì đồng bào còn chế biến các thực phẩm từ cá, thịt cũng bỏ ống nướng, cách thức cũng như nướng xôi nếp. Bỏ gia vị vào thực phẩm và nướng đến khi vỏ ống phía ngoài đã cháy đen là lúc thức ăn trong ống đã chín. Cá, thịt nướng ống về thời gian thì ít hơn so với nướng xôi nếp, nhưng yêu cầu về độ chính xác khi nướng không được cháy ống, sẽ giữ nguyên được mùi vị của thực phẩm.

 - Cân chẹc: là các món thịt, cá cuốn hoặc đùm lá chuối rừng nướng. Loại này, trước khi nướng đã được tẩm gia vị đầy đủ, trong món này phải có củ, lá kiệu trộn với cá, thịt, thêm rau ngò tây, cùng một số gia vị hái về từ rừng, sẽ có mùi thơm đặc trưng. Cách chế biến thực phẩm đơn giản nhưng khi thưởng thức, các món nướng này có màu sắc, mùi vị thơm ngon rất riêng biệt.

- Lạp: là món gỏi cá và thịt vịt. Món này được chế biến khá công phu, trước hết phải kiếm các loại rau từ rừng như tiêu rừng, lá rừng có vị chua và một số gia vị khác để làm thành món lạp. Riêng cá, phải chọn cá to, nhiều thịt và lóc bớt phần xương băm nhỏ hoặc thái mỏng (tùy sở thích) trộn đều với gia vị kể trên. Món này, được nhiều người biết làm, tuy nhiên do nguyên liệu hạn chế, phải vào rừng sâu mới kiếm được gia vị đặc trưng để chế biến.

- Các món ăn từ nhộng, sùng: Đồng bào đi rừng như lấy từ tổ ong gồm nhộng ong, ong non và con sùng lấy từ ống tre hay con sùng đất được bới lên (loài này thường sinh sản sau mùa lũ). Các món này được chế biến bằng cách xào hoặc rang khô, ăn rất ngon, có mùi vị thơm, đậm đà, hơi cay nồng. Món này thường dùng vào mùa đông, với xôi, cơm trắng đều thích hợp. 

- Các loại rượu: Trong rừng có nhiều cây cối và hương liệu có thể chế biến thành các loại thức uống thơm ngon bổ dưỡng. Đồng bào các dân tộc đã biết tìm một số cây, như cây đoác (đùng đình), cây tu vét. Hai loại cây này cho nước làm rượu. Rượu từ cây khi mang về nhà, phải cho thêm rễ cây (Crieh - gọi là vỏ cây Chuồn) quý từ rừng, để tạo chất vừa thơm, vị đắng và đảm bảo vệ sinh bình rượu, loại rượu này chỉ để được trong vài ngày, để lâu sẽ bị hư không dùng được. Ngoài hai loại rượu kể trên, còn có các loại rượu được chế biến từ gạo, nếp để nấu thành các loại rượu ngon, nổi tiếng nhất là rượu “Tầm bổ”. Để có rượu ngon phải chọn nếp than hoặc nếp đỏ từ rẫy, nấu thành cơm và ủ lên men cho đến khi có độ chín thường dưới một năm. Rượu Tầm bổ dùng cho người mới sinh đẻ, người ốm dậy cần bồi dưỡng.

Đây là loại rượu đặc biệt và người chế biến cũng phải có kinh nghiệm mới cho ra đời sản phẩm ngon.

Rượu Cần một loại rượu được nhiều người biết đến nó được chế biến từ nguyên liệu chính là nếp rẫy. Công đoạn thực hiện khá công phu bài bản và cũng rất cần tỷ mỉ cẩn thận và say mê sáng tạo mới có được hũ rượu cần thơm ngon hấp dẫn.

Rượu Mía được chế biến từ cây mía chọn loại đẹp nhiều nước và thêm hương liệu từ vỏ cây chuồn để tạo ra hương vị riêng rất thơm và bản sắc. Có thể để được lâu hơn nếu thường xuyên bỏ vào bình rượu vỏ cây chuồn một vị thuốc từ cây rừng được sử dụng nhiều trong chế biến ẩm thực là rượu các loại ở vùng núi.

Trong hoạt động văn hóa và du lịch đã được đưa vào giới thiệu cho du khách thưởng thức và đặc sản này không thể thiếu khi quý khách đặt chân lên vùng cao A Lưới đầy ấn tượng với sự thân thiện, hiếu khách của chính chủ nhân của sản phẩm do chính họ sáng tạo ra.

Những nội dung liên quan về ẩm thực A Lưới chúng tôi tiếp tục thông tin đến quý vị trong những kỳ sau.

Pa kôh Thêm
Các tin khác
Xem tin theo ngày