Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, huyện A Lưới đã triển khai quyết liệt công tác này, trong đó có chương trình, kế hoạch, chính sách giảm nghèo chung, các chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo.
Chương trình giảm nghèo cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia 2010 – 2015 được triển khai thực hiện hiệu quả. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình là 511.526 triệu đồng. Chương trình đã có tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống tinh thần vật chất của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 27,6% năm 2010 xuống còn 11,28% cuối năm 2015 (giảm 16,32%, bình quân mỗi năm giảm 3,16%). Tỷ lệ hộ cận nghèo từ 13,96% năm 2010 giảm xuống còn 10,66% cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo cũ).
Toàn cảnh Hội nghị triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Số hộ đã thoát nghèo nhưng có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Hàng năm vẫn có các hộ tái nghèo. Đời sống của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều cơ cực, thiếu thốn. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn mới) áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, đầu năm 2016, toàn huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,04%; có 412 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,33%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đầu giai đoạn 2016 – 2020 của địa phương là 38,375. Trong tổng số hộ nghèo toàn huyện, số hộ dân tộc có 4.182 hộ, chiếm 96,43%. Đây là số hộ không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục, nhà ở, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà vệ sinh,… số xã chiếm tỷ lệ hộ nghèo trên 25% với 17 xã, trong đó có 6 xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% (Hồng Kim: 255 hộ, 50,40%; Hồng Thái: 190 hộ, 65,52%; Hồng Nguyên: 180 hộ, 58,06%; Hồng Trung: 334 hộ, 63,02%, Hồng Vân: 441 hộ, 56,47%; Hương Nguyên: 180 hộ, 58,06%; Nhâm: 278 hộ, 52,95%).
Để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống trong thời gian tới, UBND huyện A Lưới đã phê duyệt “Đề án giảm nghèo bền vững huyện A Lưới giai đoạn 2016 – 2020” Chỉ tiêu của Đề án là giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/ năm, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện từ 35,04% theo kết quả điều tra cuối năm 2015 xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2020. Giảm các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% từ 17 xã (cuối năm 2015) xuống còn 05 xã vào cuối năm 2020.
Đ/c Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện triển khai kế hoạch phân công giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% giai đoạn 2016 – 2020
Ký Cam kết giúp đỡ giữa Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học được phân công giúp đỡ với Chủ tịch UBND 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%
Về mục tiêu chung trong kế hoạch phân công giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% giai đoạn 2016 – 2020 đó là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nói trên.
Đ/c Hồ Xuân Trăng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đ/c Hồ Xuân Trăng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khẳng định, xóa đói giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, được toàn bộ hệ thống chính trị, người dân quan tâm. Tuy nhiên, để chương trình đạt được kết quả tốt, người dân thật sự thoát nghèo thì cần có sự chung tay vào cuộc toàn bộ xã hội và đặc biệt không được thực hiện một cách hình thức; Cần thay đổi tập quán sinh hoạt chi tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số, có ý thức vươn lên thoát nghèo... Việc phân công giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo được tiến hành đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học; Các cơ quan, đơn vị, trường học và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao nhận thức trách nhiệm, vai trò và nghĩa vụ trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo; Phân công giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, xã nghèo không thực hiện dàn trải mà tập trung chủ yếu ở 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%; Việc giúp đỡ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thực hiện theo khả năng, thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, trường học; Tập trung chủ yếu là 4 nội dung là nhà ở, diện tích nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh; giúp đỡ để người dân tăng cường sản xuất, tăng thu nhập vẫn là chủ yếu và là yếu tố quan trọng (Hạn chế hỗ trợ nhu yếu phẩm, hàng hoá); các cơ quan, đoàn thể được phân công giúp đỡ các xã nghèo nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền các xã, cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo bền vững của địa phương; nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức trong đơn vị về công tác giảm nghèo; huy động mọi nguồn lực trên địa bàn (bao gồm cả nguồn lực xã hội hóa) cho chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương; Có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đoàn thể, trường học... hoàn thành nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo...
Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tổng kết Hội nghị
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của đ/c Bí thư Huyện ủy; Triển quyết liệt thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin...). Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, dân tộc và nhóm dân cư, góp phần đáng kể về giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của Tỉnh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020./.