Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.101.376
Truy câp hiện tại 29.401
Phát triển kinh tế bền vững cho vùng biên
Ngày cập nhật 30/11/2011

Căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi địa phương trên tuyến biên giới, BĐBP Thừa Thiên - Huế xây dựng chương trình tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với đặc điểm, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình này đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên biên giới Thừa Thiên - Huế. 

 

Mô hình nuôi cá của BĐBP Thừa Thiên - Huế được nhân rộng ở nhiều hộ gia đình trên địa bàn biên giới.

Trong những năm qua, BĐBP Thừa Thiên-Huế đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng 20 mô hình kinh tế hộ làm điểm ở 13 xã biên giới. Đại tá Lê Đình Duyệt, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Quá trình thực hiện các mô hình, cán bộ làm nhiệm vụ vận động tuyên truyền thực sự sâu sát cơ sở, nắm bắt khả năng lao động sản xuất của bà con, nhất là kỹ thuật và vốn sản xuất để có sự đầu tư thích hợp. Cán bộ vận động quần chúng ở các đơn vị BP kiên trì, bền bỉ, miệng nói tay làm, cầm tay chỉ việc, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào. Nhờ đó, bà con dễ hiểu, dễ làm theo nên mô hình phát huy hiệu quả. Đa phần các mô hình kinh tế điểm được thực hiện theo phương thức vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) như nuôi dê, bò, các loại cá nước ngọt, các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao như nhãn, xoài, cam, chuối...”.

 

Dấu ấn “quân hàm xanh”

Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân quản lý địa bàn các xã Hồng Trung, Hồng Thủy và Hồng Vân của huyện A Lưới. Thời gian qua, đồn đã tăng cường 3 cán bộ về làm Phó Bí thư Đảng ủy ở 3 xã để giúp các địa phương phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững an ninh tuyến biên giới. Hồng Vân là địa bàn còn nhiều khó khăn, toàn xã có 619 hộ, có đến 274 hộ nghèo, chiếm 44,26%.

Đồn BP Hồng Vân đã cử hẳn một tổ công tác cắm địa bàn gồm 4 người, có cả quân y sĩ để giúp khám, chữa bệnh cho bà con. Đảng viên đơn vị xuống thôn, bản giáp biên cùng sinh hoạt, nắm tình hình tư tưởng, giúp đỡ lãnh đạo thôn và người dân phát triển các mô hình kinh tế. Tổ công tác BP lập trụ sở ngay đường ra vào để tiện tiếp xúc, giúp đỡ lo ăn, ở và vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trung tá Đồn trưởng Hồ Văn Xuân tâm sự: “Hàng ngày, anh em cầm tay chỉ từng việc một cho bà con đổi mới cách làm ăn, tránh tình trạng làm xong hôm trước hôm sau họ lại quên”.

Tổ công tác tăng cường cứ thế thay nhau bám bản, hướng dẫn cho bà con cách làm ruộng cấy lúa nước, nuôi lợn, chăn bò, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng... Ông Quỳnh Bê, ở thôn A5 xúc động: “Nhờ BĐBP giúp đỡ cho gia đình mình mô hình kinh tế VACR nên đến nay, mình đã có nguồn thu mỗi năm gần 30 triệu đồng. Từ đó, con cái được học hành tử tế, kinh tế gia đình khấm khá hơn. Nếu không có BĐBP giúp đỡ thì dân bản không biết làm sao mới khá lên được”. Từ một xã cách đây mấy năm còn nghèo nàn lạc hậu, nay Hồng Vân đang thay đổi từng ngày. 

Chia tay với Hồng Vân, tôi “ngược dòng” về tổ công tác BP xã Nhâm để tiếp xúc với đội Vận động quần chúng thuộc đồn BP Hồng Trung. Đây là một xã khó khăn thuộc vùng biên ở A Lưới. Cũng như các địa phương khác, công tác vận động hướng vào thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nhằm phát triển kinh tế. Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Đồn trưởng đồn BP Hồng Trung ví von: “Khó khăn của đồng bào giống hệt như ngọn núi trước mặt kia, có quá nhiều việc cần phải làm để giúp bà con... Để hướng dẫn bà con phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, anh em phải học làm cán bộ khuyến nông, tìm hiểu các quy trình kỹ thuật, rồi làm mô hình điểm để bà con học tập nhân rộng”.

Thắp sáng niềm tin

Cả xã Nhâm có gần 500 hộ (chủ yếu là người Tà ôi), đến nay, hơn 95% số hộ đã tham gia trồng cà phê nông hộ, điều đó đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân miền sơn cước này. Nếu như những năm trước đây, Nhâm là một xã có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo đói chiếm khá cao, thì từ khi có dự án trồng cà phê và nhờ sự giúp đỡ của những người lính “quân hàm xanh”, nhiều hộ khó khăn ở đây không những xoá được đói, giảm được nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất biên cương.

Chủ tịch UBND xã Nhâm, Phạm Minh Cải phấn khởi: Đến nay, bà con đã nhận chăm sóc 570 ha cà phê, sản lượng thu hoạch ước đạt 5-6 tấn/ha. Riêng cà phê nông hộ đã trồng được gần 200ha. Rồi nhiều mô hình khác như mô hình chăn nuôi dê của hộ anh Quỳnh Mâm, ở thôn Nhâm 2, do tổ công tác biên phòng đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đang được nhân rộng. Địa phương phấn đấu năm nay đạt bình quân thu nhập đầu người 6-8 triệu đồng/năm...

Không thể đi hết từng xã, nhưng những nơi chúng tôi ghé đến, gặp những người dân biết vận dụng khoa học kỹ thuật để giúp quê hương mình thoát khỏi đói nghèo thật sự khiến chúng tôi tin ở ngày mai của A Lưới. Ngày mai tươi đẹp ấy có công rất lớn của những người lính biên phòng đã có mặt nơi ngút ngàn đá núi để thắp sáng niềm tin cho người dân biên ải. 

Bá Trí (báo TTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày