Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.078.421
Truy câp hiện tại 13.552
A So, ngày mới
Ngày cập nhật 12/03/2011
Sân bay A So

45 năm sau ngày giải phóng, A So (Đông Sơn, A Lưới) bây giờ đã có một bộ mặt khác hẳn. 

Theo hẹn, anh Nguyễn Văn Phơm, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn đón chúng tôi ngay trước cổng trụ sở. Bí thư Phơm tươi cười: “Nhà báo lên đây tìm hiểu về sự đổi thay của vùng đất A So chứ gì? Sau bao nhiêu năm vùng đất này không một cây gì có thể sống nổi, thì nay, gần 100% hộ dân của xã Đông Sơn đã trồng rừng kinh tế...”. Để minh chứng về sự đổi thay của vùng đất này, Bí thư Phơm dẫn tôi đi thăm những diện tích rừng trồng, rừng kinh tế của địa phương, thăm các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, rồi đến thăm khu sân bay A So - nơi một thời ác liệt của A Lưới.

Vừa đi tham quan, anh Phơm chỉ tay về những diện tích rừng trồng và nhẩm tính: “Cứ 1ha keo lai này, khi thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu cho bà con từ 70-80 triệu đồng đấy!”. Đến nay, gần 100% số hộ dân ở xã Đông Sơn đã có đất trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi hộ trồng 2-3ha. Cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương xóa được trên 200 căn nhà tạm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể trên địa bàn. Theo thống kê của xã Đông Sơn, ở địa phương hiện tại đã có nhiều hộ nuôi hơn 10 con bò, có hộ làm chủ vài chục ha rừng và hầu như nhà nào cũng có 2-3 sào ruộng nước… Nhìn những đổi thay của A So hôm nay, mới thấy tinh thần quật cường của người dân ở vùng đất vốn được mệnh danh là vùng “đất chết” này…

Bí thư Phơm nhớ lại: Sân bay A So do đế quốc Mỹ xây dựng ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới từ những năm 1960 nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn và ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của con đường chiến lược Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559 bộ đội Trường Sơn, nên Mỹ ra sức tàn phá cung đường này. Tuy nhiên, trước thời cơ thuận lợi trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng đồn A Sầu, sân bay A So. Cả một vùng rộng lớn phía Nam huyện A Lưới được giải phóng. Chiến thắng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh. Để hòng xoay chuyển tình thế, tái chiếm lại vùng giải phóng, đế quốc Mỹ đã rải chất độc màu da cam, phát quang, tiêu diệt lực lượng cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân. Sân bay A So trở thành nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân ta, đồng thời là chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ.

Sau ngày hoà bình, bắt tay vào xây dựng phát triển quê hương, cấp uỷ Đảng và chính quyền xã Đông Sơn nỗ lực thực hiện hết khả năng trong điều kiện có thể. Một trong những thế mạnh hiện nay của địa phương là trồng rừng kinh tế và chăn nuôi. Anh Nguyễn Văn Phơm cho biết: “Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn xã hơn 25 tỷ đồng, trong đó gồm có Chương trình 135, các dự án xã biên giới, ADB, WB, ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ... Các nguồn vốn này tập trung vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà tình nghĩa... góp phần đáng kể vào xóa đói nghèo ở địa phương”.

Trở lại A So lần này, con đường đất ngày nào đã được trải nhựa phẳng lì, hạ tầng cơ sở ở đây được đầu tư khá khang trang. Anh Phơm phấn khởi thông tin thêm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập quy hoạch 4ha đất tại khu vực sân bay A So để đầu tư thành khu chứng tích lịch sử cách mạng. Trong đó, sẽ khôi phục lại đường bay, hầm chỉ huy, công trình quân sự và nhà trưng bày hình ảnh A So - Đông Sơn nhằm tạo một địa điểm du lịch trên đường Hồ Chí Minh. Khi đó, A So sẽ thành điểm đến của nhiều du khách.

Vùng đất A So hôm nay thật sự đổi thay. Kinh tế đang dần được ổn định và phát triển, đời sống đồng bào từng bước được nâng cao. Số hộ gia đình thiếu cái ăn, cái mặc đã giảm đáng kể. Đã có những chủ trương, chính sách đầu tư giúp đỡ vốn thỏa đáng để vận động bà con dân tộc phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, và địa phương đang phát huy tiềm năng du lịch của mình để góp phần tạo nên sức bật mới cho vùng đất anh hùng này.

Quốc Tuấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày