Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.213.343
Truy câp hiện tại 12.244
Nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn
Ngày cập nhật 26/02/2015
Đoàn viên, thanh niên phát quang và trồng cây tại khu vực đồi thông

Là thanh niên ai cũng có những ước mơ, hoài bão nhưng chỉ ước mơ cho bản thân mình thì chưa đủ mà còn phải biết ước mơ cho mọi người, cho đất nước, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn. Chính vì khát vọng cháy bỏng đó mà bao lớp thanh niên thế hệ trước đã tình nguyện ra đi để bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, truyền thống đó được lớp lớp thế hệ các thanh niên kế thừa và phát triển thông qua các hoạt động tình nguyện.

Tính thiết thực của phong trào thanh niên tình nguyện không chỉ thể hiện ở hiệu quả mỗi hoạt động mang lại cho cộng đồng, xã hội, mà còn đem lại nhiều kiến thức, kỹ năng sống cho các tình nguyện viên. Song, thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều tình nguyện viên chưa "cháy" hết mình với hoạt động tình nguyện; nhiều cán bộ đoàn, Hội còn tư tưởng chung chiêng, chưa nhất quán về mục tiêu, ý nghĩa, cách thức tổ chức, dẫn đến hiệu quả hoạt động tình nguyện ở đâu đó vào những thời điểm cụ thể còn hạn chế, hình thức. Vậy, đâu là “mầm bệnh”?

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ huyện nhà phát triển nhanh về chiều rộng, song còn thiếu chiều sâu. Vì sao như vậy? Xin dẫn lời chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện đoàn A Lưới: “Trong những năm qua, chúng tôi chủ trương tập trung hướng về cơ sở, hạn chế hoạt động bề nổi để đầu tư có chiều sâu về thời gian, nhân lực, kinh phí cho cơ sở. Các hoạt động lớn, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ giao dần cho các cụm thi đua và cấp cơ sở đăng cai, vừa có thể tiếp cận nhanh chóng đội ngũ đoàn viên, vừa tạo cho cán bộ đoàn cơ sở có điều kiện nâng cao tính chuyên nghiệp trong công việc. Tuy nhiên, về chất lượng cán bộ đoàn các xã, thị trấn nhiệm kỳ này thì một số cán bộ đoàn kỹ năng tổ chức, quản lý và triển khai kế hoạch của Đoàn cấp trên còn chậm và hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc đề ra. Mặt khác, cán bộ đoàn khối hành chính và trường học phần lớn là kiêm nhiệm nên công việc chuyên môn là ưu tiên số một, việc đầu tư về thời gian, tâm huyết cho hoạt động tình nguyện chưa cao dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh của ĐVTN khối hành chính, trường học”.

Điều này phần nào lý giải vì sao một số cán bộ đoàn chưa hết mình với nhiệm vụ, nhất là đối với phong trào tình nguyện không mang tính bắt buộc, cán bộ đoàn thiếu ý thức càng dễ “bỏ quên” trách nhiệm. Khi cán bộ lơ là, chắc chắn khó tập hợp, giáo dục và giữ chân được đoàn viên, thanh niên tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động của Đoàn. Như vậy, có thể khẳng định, đây chính là “mầm bệnh” hình thức, lãng phí trong một số hoạt động tình nguyện của Đoàn. Chưa hết, từ thực tế còn cho thấy, hiện nay khá nhiều nội dung hoạt động của phong trào thanh niên tình nguyện đa dạng, song không có khuôn mẫu, trong khi đó đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở chưa mạnh dẫn đến hiệu quả không cao. Mặt khác, hoạt động tình nguyện của Đoàn cơ sở chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, nhiều khi chỉ tổ chức vào các dịp cao điểm, khi có sự kiện, nên chưa tạo thành thói quen, nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đoàn. Điều này dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, nặng về hình thức, đó là quan tâm số lượng thành viên tham gia hơn là chất lượng công việc. Đáng buồn hơn nữa, tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “phát” nhưng không “động” cũng xuất hiện trong hoạt động tình nguyện. Vậy phải khắc phục những mặt còn hạn chế đó bằng cách nào?

Để khắc phục những mặt còn hạn chế của tổ chức Đoàn trong các hoạt động tình nguyện, hầu hết cán bộ đoàn khi được hỏi đều đồng tình kiến nghị, việc quan trọng và cấp thiết nhất là phải tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên về vị trí, vai trò quan trọng của các hoạt động tình nguyện. Song song với đó là chú trọng bố trí công việc tình nguyện gắn với chuyên môn (đoàn viên, thanh nien khối hành chính, trường học), giúp họ phát huy vai trò, sức lực, trí tuệ của mình và “cháy” hết mình với hoạt động tình nguyện. Đây chính là hai yếu tố tạo nên đòn bẩy quan trọng để phong trào đi lên tầm cao mới.  Mặt khác, để hoạt động tình nguyện thiết thực, thì vai trò định hướng và chỉ đạo cụ thể của Huyện đoàn là vô cùng quan trọng. Trước mỗi chiến dịch tình nguyện, cần có nhiều buổi tọa đàm giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tính hiệu quả của hoạt động tình nguyện tác động đến người dân, dư luận xã hội như thế nào. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cần đổi mới tư duy quản lý, phương pháp tổ chức hoạt động, cần tăng cường tính chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, tổ chức xây dựng các chương trình tình nguyện. Bên cạnh phong trào lớn để tạo sức lan tỏa trong xã hội, cũng cần có những chương trình, hoạt động cụ thể dễ làm, dễ nhân rộng và mang lại hiệu quả cụ thể. 

Với hàng loạt vấn đề trên, thiết nghĩ, các cấp bộ đoàn cũng cần lưu tâm hơn nữa đến việc bồi đắp lý tưởng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. phải làm sao để mỗi cán bộ, đoàn viên khi tham gia tình nguyện đều thấy rằng sự đóng góp của họ, dù ở góc độ nào cũng đều có tác động trực tiếp đến con người, một nhóm người, thậm chí là đông đảo nhân dân để mỗi lần tham gia tình nguyện mỗi đoàn viên, thanh niên đều mang trong mình:

“Những trái tim như ngọn lửa hồng

Lòng khát khao tình yêu cuộc sống

Như cánh chim trời tung bay

Góp sức tô đẹp tương lai

Nối đất trời vòng tay thân ái”.

Tác động tốt của hoạt động tình nguyện chắc chắn sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, còn nếu theo chiều ngược lại, không chỉ gây tổn thất về kinh phí, nguồn lực, nguy hại hơn còn làm giảm uy tín của cả một tổ chức, trong khi Đoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng - là đội dự bị tin cậy của Đảng, là mùa Xuân của đất nước. Do vậy, không thể coi hoạt động tình nguyện mang tính chất may rủi, tùy tiện, thích điều chỉnh hay thực hiện kiểu gì cũng được. Càng không thể để tồn tại những “mầm bệnh” trong đội ngũ thanh niên, tuổi trẻ - những người được lựa chọn tham gia các hoạt động tình nguyện, bởi hiệu ứng tiêu cực từ những việc làm thiếu nghiêm túc của các tình nguyện viên có thể làm người dân có cái nhìn không đẹp đến màu áo xanh tình nguyện. 

Trước tất cả những vấn đề đặt ra như vậy, tổ chức Đoàn cần xác định việc nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện bằng cách loại bỏ những “hạt sạn” trong nhận thức, những “mầm bệnh” đã và đang tồn tại. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nhắc chúng ta lưu ý “Lãnh đạo mà không có kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Với thực trạng hiện nay, các cấp bộ Đoàn càng hết sức lưu tâm tới nhiệm vụ này, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có cơ chế, quy định cụ thể cho từng hoạt động gắn với đó cần xây dựng tiêu chí để xác định, quy trách nhiệm cho cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, có cơ chế cụ thể ngay cả với việc phối hợp cùng chính quyền địa phương, nhà trường, cơ quan, đoàn thể có thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện, để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, giáo dục, loại bỏ tư tưởng sai lệch.

Bằng các biện pháp tổng hợp như vậy, tin rằng hoạt động tình nguyện sẽ ngày càng có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng và xã hội, đồng thời bồi đắp lý tưởng, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung cho thế hệ trẻ. Hứa hẹn Tháng Thanh niên năm 2015, tuổi trẻ huyện nhà sẽ gặt hái nhiều thành công.

Nhìn lại một số hoạt động tình nguyện tiêu biểu của tuổi trẻ A Lưới trong năm 2014

Đào kênh mương dẫn nước tại xã Hồng Vân

Khơi thông kênh dẫn nước tại xã Hồng Vân

Giúp dân cải tạọ vườn

Đổ đường bê tông nông thôn tại xã Hương Lâm

Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ huyện A Lưới khám cấp phát thuốc miễn phí tại xã Hồng Vân

Trần Toàn - HĐ A Lưới
Các tin khác
Xem tin theo ngày