Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.215.986
Truy câp hiện tại 14.001
Tuổi trẻ A Lưới trong việc gữ gìn văn hóa dân tộc
Ngày cập nhật 06/01/2015

Tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp hai tỉnh Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào, A Lưới là một huyện miền núi phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trên tuyến đường của một thời xẻ dọc Trường Sơn cứu nước, huyện A Lưới rất giàu truyền thống cách mạng; nơi đây còn lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa cách mạng tiêu biểu cho một quá trình đấu tranh bền bỉ hy sinh oanh liệt chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi A Bia (đồi Thịt Băm)…Đây là vùng đất mang đậm màu sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Kinh với sự đa dạng, phong phú thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ hội như: Lễ hội Aza; Lễ hội A Riêu; các điệu múa bài hát theo các lễ hội; nghề dệt Dzèng của người Tà Ôi; nhà Moong của người Pa Kô; nhà Gươl của người Ka Tu…  

Nguồn di sản văn hóa quý giá đó một thời gian dài do nhiều yếu tố khách quan hay chủ quan đã bị mai một và có nguy cơ mất dần từ trang phục, chữ viết, tiếng nói cho đến những phong tục tập quán tốt đẹp cũng như điệu múa, làn điệu dân ca. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cũng như tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số là một vấn đề được A Lưới quan tâm, chú trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “…Thanh niên là rường cột nước nhà, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên…”. Để khẳng định vai trò xung kích đi đầu trong các hoạt động của mình, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện A Lưới đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc cho đoàn viên thanh niên. Huyện đoàn A Lưới đã lập kế hoạch cùng các nghệ nhân ở địa phương triển khai các hoạt động dạy hát dân ca, hát ru và điệu múa của các dân tộc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các cơ sở cho các đoàn viên thanh niên.

Những câu hát, điệu múa từ lâu đời đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây nhưng theo thời gian, nhiều người cũng không còn mấy “mặn mà” với những câu hát, điệu múa của dân tộc mình nữa. Vì thế những nghệ nhân nơi đây luôn muốn truyền dạy cũng như giữ gìn những nét đặc trưng ấy cho con cháu mình, dân tộc mình. Phong trào học hát dân ca trong các buổi sinh hoạt đoàn không chỉ thu hút đoàn viên thanh niên mà còn thu hút cả lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, tại các buổi sinh hoạt các em được các bà, các chị dạy cho những bài hát, điệu múa truyền thống giúp các đoàn viên thanh niên được tiếp cận gần và hiểu sâu về văn hóa mình cũng như hiểu rõ hơn về những nét văn hóa riêng các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Quan trọng hơn là giúp các đoàn viên thanh niên thấy say mê và hứng thú trong các buổi sinh hoạt.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nhưng người dân nói chung cũng như thanh niên các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy trên địa bàn huyện A Lưới vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt, đi học, đi làm cũng như trong các lễ hội; sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong đời sống hàng ngày. Các lễ hội truyền thống được tổ chức vào các dịp đầu xuân cũng luôn thu hút được đông đảo thanh niên tham gia hưởng ứng nhiệt tình.

Đoàn viên thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Nơi đây có nhiều nghi thức cưới xin, phong tục tập quán đặc sắc riêng. Nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại một số hủ tục như thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn, đặc biệt là gia tăng hộ nghèo đói. Khi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn thì hủ tục thách cưới gây ra không ít phiền phức và sự tốn kém. Vậy nên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện A Lưới đã đồng lòng, quyết tâm phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp và thôn, bản tổ chức triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Không những vậy còn tuyên truyền các chính sách, pháp luật về hôn nhân; tăng cường công tác kiểm tra cơ sở, tổ chức xây dựng nhiều CLB “Tiền hôn nhân”, ở các xã xa... với hi vọng sớm đẩy lùi những hủ tục lạc hậu để tránh những hệ lụy không đáng có, giảm thiểu sự gia tăng đói nghèo trên địa bàn huyện. Nhằm đẩy lùi các hủ tục lạc hậu cũng như phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện A Lưới còn giúp bà con tổ chức sửa chữa và làm mới các nhà như: nhà Moong của người Pa Kô; nhà Rông của người Tà ôi; nhà Gươl của người Ka Tu;… Ngoài ra còn tổ chức phát quang Đồi A Bia, làm hàng rào xanh tại Nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về khu di tích Đồi A Bia… Đoàn viên, thanh niên trong huyện còn thực hiện dự án phát triển các làng nghề truyền thống như học dệt Dzèng; lưu giữ những món ăn truyền thống…

Một số hình ảnh hoạt động tham gia gìn giữ văn hóa dân tộc của đoàn viên, thanh niên 

Có thể nói những cách làm mới mang đậm màu sắc tuổi trẻ đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn cũng như giữ được nhưng nét văn hóa dân tộc truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới không bị mai một. Việc giữ gìn văn hóa dân tộc là nhiệm vụ, trách nhiệm vinh quang mà mỗi đoàn viên thanh niên A Lưới phải thực hiện.

Phan Hiếu - Huyện Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày