Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.096.168
Truy câp hiện tại 25.857
Nông thôn mới và vai trò nòng cốt của thanh niên ở xã Nhâm
Ngày cập nhật 28/03/2014

Được chọn làm một xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh và huyện A Lưới, Nhâm có vinh dự là một trong hai xã đồng bào thiểu số của tỉnh trong việc thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Điều đó đặt ra trách nhiệm đầu tàu và mang tính gương mẫu của Nhâm đối với các địa phương có đông đồng bào thiểu số khác. Xác định trách nhiệm như vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở xã Nhâm đã vạch ra những phương thức làm việc, triển khai vào từng thôn làng, từng hộ dân. Và xem đó là chìa khóa thành công.

Thỉnh thoảng vào ra xã Nhâm, chúng tôi nhiều lần thấy thanh niên địa phương làm vệ sinh đường trung tâm xã, đường liên thôn và các con đường ở các thôn. Công việc được Xã đoàn nhận và thực hiện gần 3 năm trước, khi Nhâm bước vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Những buổi đầu, khi Xã đoàn nhận nhiệm vụ, đã có những ý kiến không đồng tình. Nhiều đoàn viên đưa ra lý do là phải lo làm kinh tế gia đình, không có thời gian. Tuy vậy, khi xác định và bố trí ngày giờ cụ thể của tuần, của tháng, tất cả đoàn viên đều đồng tình ủng hộ. Những ngày thứ bảy của tuần cuối cùng trong tháng, tất cả cùng làm vệ sinh đường liên xã, liên thôn.

Gặp anh Kêr Xơi, Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Nhâm, cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ từ Đảng ủy, Ủy ban xã, điều khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải chính là việc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để mọi người cùng làm vệ sinh đông đủ và làm đúng thời gian quy định là xong. Thanh niên địa phương thì ai cũng đi làm nương làm rẫy hay làm việc này việc khác. Cho nên, bố trí ngày giờ ai cũng thấy hợp lý là được thôi. Điều đáng mừng là từ khi triển khai đến nay, gần hai năm thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn bảo đảm đúng thời gian và công việc. Nhờ đó, đường liên thôn, đường liên xã hay đường của từng thôn đều được làm vệ sinh sạch sẽ.”

Cách làm của Đoàn thanh niên xã Nhâm trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới có thể không mới nhưng đó là sự thay đổi tư duy của một lớp trẻ đồng bào dân tộc thiểu số trong các công việc chung, đòi hỏi có sự hy sinh thời gian riêng để làm việc có ích cho cộng đồng. Mà xa hơn, đó là góp tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.  

Bên cạnh hoạt động làm vệ sinh các con đường theo định kỳ, đoàn viên của xã Nhâm còn tham gia đào hố vệ sinh cho các hộ dân ở từng khu dân cư, hướng dẫn người dân thu gom rác thải ở gia đình, giúp đỡ những gia đình neo đơn dọn dẹp nhà cửa… Việc thanh niên đứng vai trò đầu tàu trong các công việc như thế đã tạo động lực cho người dân các khu dân cư hiểu rõ việc làm vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải là cần thiết và khi cần có thể có người giúp đỡ. Hơn nữa, nó thể hiện sự quyết tâm của Đoàn thanh niên xã Nhâm với mục tiêu mà địa phương đang hướng tới. Và mọi việc làm bắt đầu từ việc đơn giản và bình thường nhất. 

Một mặt quan trọng khác là đào tạo nghề cho thanh niên, người lao động ở địa phương. Những năm qua, ngoài chương trình đào tạo nghề của các cấp hội và đoàn thể, xã Nhâm cũng chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ và thanh niên địa phương. Với phụ nữ, đó là nghề dệt dzèng truyền thống. Qua các lớp tập huấn, đào tạo và nâng cao tay nghề, nghề dệt dzèng của phụ nữ xã Nhâm không chỉ nâng cao mà còn tạo sự thu hút đông đảo phụ nữ. Vấn đề này đã góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương, nhất là phụ nữ trẻ, trong thời gian rãnh rỗi, thời gian ngoài việc nương rẫy. Đồng thời, có không ít chị em tham gia các lớp học may công nghiệp ở cơ sở dạy nghề của huyện. Điều này góp phần chuyển đổi lao động sản xuất địa phương, giải quyết lao động dư thừa vào các nghề mang lại thu nhập khá hơn, ổn định hơn. 

Với nam giới trong độ tuổi lao động, xã Nhâm cũng vận động phục hồi những ngành nghề truyền thống. Nhất là nghề đan lát. Việc khôi phục nghề truyền thống vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa lâu đời, tạo công ăn việc làm gắn với hoạt động du lịch cộng đồng địa phương vừa giúp thế hệ trẻ học hỏi để tiếp nối truyền thống của nghề. 

Những hoạt động, với nhiều người, lần đầu thấy, có vẻ bình thường, nhưng với một địa phương đồng bào Tà-ôi như xã Nhâm, đó là sự thay đổi tư duy sâu sắc của lớp trẻ nói riêng và mọi người nói chung. Đoàn viên Hồ Văn Mùa kể: “Không chỉ với xây dựng nông thôn mới mà còn với tất cả các hoạt động địa phương, chúng tôi đều tham gia. Vì chúng tôi xác định rằng, mình là nòng cốt trong sự vận động toàn dân vì mục tiêu chung”. Có thể nói, với những người như anh Mùa, xã Nhâm đã khai thác được thế mạnh “đâu cần thanh niên có”. 

Tự hào về Đoàn TNCS HCM địa phương, ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm tâm sự: “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ đặt ra khá nặng nề với một địa phương miền núi còn khó khăn như chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi xác định rằng, đây là vinh dự phải cố gắng thực hiện thành công. Bởi lẽ, khi có sự tin tưởng, chúng tôi cần tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng thời gian đề ra, làm việc có chiều sâu. Điều đáng ghi nhận là sự xung kích, đi đầu của đoàn thanh niên trong mục tiêu lớn này. Đoàn đã có những việc làm, những hoạt động thiết thực, góp phần cho sự thành công không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài.” 

Xây dựng nông thôn mới được xã Nhâm xác định là mục tiêu lâu dài. Vì thế, lấy thanh niên làm nòng cốt trong các hoạt động là chủ trương đúng đắn. Sự xung kích, đi đầu của thanh niên có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các tổ chức, đoàn thể khác của xã, của thôn làng cùng hoạt động có hiệu quả. Từ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới có sự thành công thật sự./.

trt.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày