Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.701.666
Truy câp hiện tại 22.303
Những câu chuyện của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới nguyện mang họ Hồ kính yêu
Ngày cập nhật 08/05/2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc Việt Nam và nhân dân trên Thế giới. Người là tấm gương sáng ngời, chí khí cách mạng kiên cường, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cả cuộc đời, từ vị thành niên cho đến phút cuối cùng Người đã dành trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hạnh phúc nhân dân. Mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2017) chúng ta cùng trở về với những ký ức sâu sắc của những người con trung dũng, kiên cường, một thời máu lửa nhớ về thời khắc thiêng liêng về những câu chuyện của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới, nguyện thề mang họ Hồ kính yêu.

Theo lời của anh hùng LLVT Hồ Dục: Ngày mồng 05/9/1969, khi nghe Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đưa tin Hồ Chí Minh đã từ trần đến với đồng bào Miền Tây Thừa Thiên Huế, đã gây sự xúc động sâu sắc đến mọi người, cả cánh rừng Trường Sơn miền Tây lặng đi như lòng người chết lặng “Người tuôn nước mắt trời tuôn mưa” mọi người không ăn không uống, cũng chính từ ngày hôm đó đã có khoảng 20% dân công tự nguyện mang họ Hồ”. Ông Cu Rải ở thôn A Đeeng  Pâr Lieng 1, xã Bắc Sơn huyện A Lưới nhớ lại “Vào tháng 9/1969, khi Bác mất, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Miền Tây khóc cạn nước mắt, ruột gan đau quặn thắt, nhiều người cả nhiều ngày liền không ăn không uống, buồn rầu vì sự ra đi của Bác. Với niềm tiếc thương vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã tổ chức lễ để tang Bác Hồ trong thời gian bốn ngày và làm lễ truy điệu trong vòng bảy ngày”.

Đồng chí Hồ Pàng, nguyên Tư lệnh Miền Tây Thừa Thiên Huế, nguyên Bí thư Huyện ủy A Lưới xúc động nói “Bác Hồ hơn người cha người mẹ đẻ, người Pa cô nguyện mang họ Hồ để chứng minh rằng mình là con, là cháu của Hồ Chí Minh. Khi chưa có Bác đời con có ngày nhưng vẫn như đêm, có mắt nhưng vẫn như mù, có tai nhưng vẫn như điếc. Người là ánh mặt trời soi sáng đời chúng con, Người là ánh sao lấp lánh giữ đêm tối mịt mù, Người là bài dân ca ngọt ngào, sâu lắng ru trái tim con biết yêu quê hương, đất nước nồng nàn, biết căm thù giặc sâu sắc. Bác ơi! Bác ra đi chúng con thương tiếc như đứt ruột xé gan, Bác mất đi như mất ánh sáng mặt trời. Thương tiếc Người chúng con xin nguyện mang họ Hồ, để mãi mãi khắc sâu công ơn trời biển của Người, nguyện làm cháu, con của Người. Hồ Chí Minh kính yêu”.

Tri ân của đồng bào đối với công ơn đối với Đảng, Bác Hồ đã mang lại cho dân tộc cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế nói chung và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới nói riêng đã tự nguyện lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình. Sau này, ai sinh con đẻ cái cũng tự nguyện lấy họ của Bác đặt cho con. Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ngày ấy có các già làng, bô lão, đại diện Mặt trận, trưởng bản cùng toàn thể đồng bào các dân tộc Miền tây A Lưới, họ cùng hướng ra Miền Bắc, hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu cùng thề nguyện “Ai ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng phạt, trời bắt tội, sẽ tàn lụi như cây gỗ mục trong rừng, như dòng suối cạn khô, như cỏ cây cháy rụi…” được mang họ Bác Hồ, đồng bào hứa trọn đời đi theo Đảng, theo cách mạng, thể hiện tấm lòng trung hiếu với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề dân tộc và chính Người cũng đã nêu một tấm gương sáng về đoàn kết, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó Người đã được đồng bào coi như chính người của bản, làng mình. Đối với đồng bào các dân tộc huyện A Lưới nói riêng và đồng bào cả nước nói chung thì hình ảnh của Người thắm đậm son sắt, thủy chung như những người thân yêu nhất trong gia đình. Tình cảm ấy rất mộc mạc, thân thương được hình thành qua quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, tình cảm ấy gắn với “Muối cụ Hồ, rựa cụ Hồ, ni lông cụ Hồ”, đó là những thứ rất đời thường, rất gần gũi của một vị Chủ tịch nước, vị cha già kính yêu của dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Công lao của Đảng, Bác Hồ đối với đồng bào như trời cao biển rộng, tình cảm của đồng bào dành cho Đảng, Bác Hồ như suối nguồn tuôn chảy không bao giờ cạn, như ánh mặt trời không bao giờ tắt, khi Bác đã đi xa, đồng bào lòng đau như cắt ... không biết lấy gì đền ơn đáp nghĩa đối với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu, đồng bào đã biến nỗi đau, nỗi mất mát vô cùng to lớn ấy thành động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trong chiến đấu. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện A Lưới thời ấy đã phát động phong trào thi đua trong sản xuất, trong chiến đấu. Thi đua giữa người với người, giữa bản làng và bản làng, giữa ngành với ngành. Trong đó đưa ra các mục tiêu rõ ràng.

Đối với Thanh niên thực hiện mục tiêu ba sẵn sàng: “sẵn sàng đánh địch, sẵn sàng xây dựng Đoàn địa phương vững mạnh; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần”, làm dấy lên phong trào tòng quân đi đánh giặc trong Thanh niên. Hàng trăm Thanh niên trong các bản làng sẵn sàng tòng quân đánh giặc trong đó có rất nhiều thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.

Đối với phụ nữ thực hiện mục tiêu ba đảm đang; Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu. Làm dấy lên phong trào trong phụ nữ với phương châm chung “Địch đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

Đối với ngành y tế thực hiện mục tiêu “Tam tinh, Tứ diệt”. (Tam tinh: ba cái sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch và bốn diệt: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt rận rệp, diệt chuột bọ). Nhờ vậy mà sức khỏe nhân dân thời đó được đảm bảo.

Thời ấy, trong toàn dân hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, đánh địch trên tất cả các mặt trận, sẵn sàng phục vụ chiến đấu với phương châm “Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thi đua trong sản xuất với phương châm “Đoàn kết đánh địch, đoàn kết sản xuất; đoàn kết chống địch, địch phá một thì làm hai, địch phá ngày thì làm đêm”. Trong đó còn có phong trào trồng sắn từ 500 đến 1000 gốc sắn/người được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng.

Biến nỗi đau thành sức mạnh, phong trào thi đua trong toàn dân dấy lên rầm rộ, nhờ vậy, trong sản xuất không những đảm bảo lương thực cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp rất lớn đáp ứng nhu cầu to lớn của cuộc kháng chiến. Trong chiến đấu, đồng bào đóng vai trò quan trọng đối với cuộc kháng chiến gian khổ, làm nên những chiến thắng như chiến thắng Đồi A Biêyh (A Bia), A So trận Câlmung lịch sử . Những chiến công vẻ vang, lẫy lừng chấn động địa cầu ấy có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới.

Đến nay, huyện A Lưới có hơn 11.827 người mang họ Hồ, chiếm trên 40,3% dân số; huyện Nam Đông có 2.602 người họ Hồ (29%); dân tộc Pa cô có nhiều người mang họ của Bác nhất: trên 7.122 người (trên 45,2%). Trong đó có các vị anh hùng LLVT dân tộc Pa cô nổi tiếng của huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế như: Hồ Vai, Hồ Căn Lịch, Hồ A Nun, Hồ Dục, Hồ Đơm, Hồ A Vầu, Hồ Căn Tréc; dân tộc Cơ tu có Hồ Cu Tríp. Trong những năm kháng chiến, "Muối cụ Hồ; áo cụ Hồ; cuốc, rựa cụ Hồ" đã trở thành biểu tượng cao đẹp về sự quan tâm sâu sắc, tình cảm thiêng liêng sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào. Ai đã từng đi qua chiến tranh, từng sống cảnh đói cơm, nhạt muối... mới thấu hiểu đồng bào trân trọng biết nhường nào những món quà của Bác dành tặng.

Mang họ Bác Hồ, đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới nguyện sắt son một lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác lựa chọn, tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói riêng và đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc nói chung luôn hướng về Đảng và Bác Hồ, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, dành lại độc lập tự do cho dân tộc thống nhất đất nước.

Từ tập quán phát, đốt, cốt, trỉa với công cụ thô sơ nghèo nàn lạc hậu, những người mang họ Bác Hồ trong công cuộc đổi mới hôm nay, với chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc huyện A Lưới luôn luôn nghe theo Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tiếp thu khoa học kỹ thuật, từng bước xây dựng bản làng văn minh, giàu đẹp. Đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới hãnh diện khi là một người con của quê hương A Lưới anh hùng kiên cường, vô cùng tự hào được mang trong mình dòng máu Pa cô, Tà ôi, Pa hi, Cơ tu, Vân kiều là con, là cháu Bác Hồ, nguyện chung tay, góp tất cả sức lực nhỏ của mình để cùng nhau xây dựng một quê hương A Lưới mỗi ngày giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa. Như lời bác Hồ On - nguyên Bí thư Huyện ủy A Lưới - nguyên Trưởng Ban dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng: “Đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế mang họ Hồ là sự kiện đặc biệt có một không hai, đã đánh dấu son trong lịch sử dân tộc, một nét văn hóa, chính trị độc đáo, sâu sắc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Tự nguyện mang họ Hồ là một sự đột phá vượt qua mọi khuôn khổ quy định của luật tục, đứng trên luật tục, như sự bổ sung vào những điều khoản mới, thiêng liêng vào hệ thống luật tục trong di sản văn hóa của dân tộc thiểu số A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Tình cảm sâu nặng mà đồng bào các dân tộc A Lưới dành cho vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh không thể nào kể xiết, vì điều kiện khó khăn, xa xôi cách trở, rất nhiều đồng bào, cựu chiến binh mang họ Hồ chưa được về thủ đô Hà Nội, trái tim đất Việt để ngắm nhìn hình hài thân thương của vị lãnh tụ kính yêu cho thỏa lòng nhớ mong. Thấu hiểu lòng mong ước của đồng bào, từ năm 2009 đến năm 2011, Đảng bộ huyện A Lưới quyết định xây dựng Gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để ngày ngày con cháu đến thăm viếng, dâng nén hương thơm để tỏ lòng thành kính với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Ta Dưr Tư
Các tin khác
Xem tin theo ngày