I. MỤC TIÊU
1. Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
II. ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN TRUYỀN THÔNG
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Chính quyền các cấp; các cơ quan; Bộ đội biên phòng, Hải quan;
3. Người tiêu dùng.
III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG:
Tuyên truyền, hướng dẫn cách sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Đưa tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện.
Biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP, đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về ATTP.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các Thông tư quy định bảo đảm an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan.
Đặc biệt tập trung tuyên truyền giáo dục đến các nhóm đối tượng ưu tiên, cụ thể như sau:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật.
Tuyên truyền sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các hệ thống quản lý ATTP, an toàn dịch bệnh trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
Tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh cá nhân trong chế biến, phục vụ thực khách.
Tuyên truyền cách bảo quản và phục vụ khách an toàn.
2. Chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ sở.
Đưa tin, tuyên truyền về các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.
Hàng tuần, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
Tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của tỉnh, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật mới như:
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
- Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
- Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định về ghi nhãn hàng hóa;
- Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;
- Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu;
- Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
- Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BCT ngày 09/02/2018 của Bộ Công thương về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
- Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản;
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.
3. Người tiêu dùng thực phẩm
Cần tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ mình trong an toàn thực phẩm. Đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Hướng dẫn đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm.
Tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm; Không tiêu thụ những sản phẩm rau, thịt, thủy sản không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của sử dụng rượu, đặc biệt là rượu pha bằng hóa chất, cồn công nghiệp, rượu có chứa hàm lượng methanol cao.
Kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
IV. CÁC KÊNH TRUYỀN THÔNG
Kênh truyền thông đại chúng: Huy động đài phát thanh, truyền hình, báo chí dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về ATTP. Đặc biệt phát huy hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để tập trung chuyển tải thông điệp đến các nhóm đối tượng ưu tiên. Tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên truyền hình, truyền thanh về ATTP, phổ biến các nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để nâng cao hiệu quả thực thi, đưa nội dung của văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống.
Kênh truyền thông trực tiếp: Tăng cường truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, biên phòng, nông nghiệp phát triển nông thôn, các ban ngành, đoàn thể (như Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang, cộng tác viên y tế thôn, bản...) với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, đưa vào thảo luận và có nghị quyết về đảm bảo ATTP trong các đợt sinh hoạt của các cấp ủy đảng.
Các kênh truyền thông khác: Tùy từng địa phương, phong tục, tập quán, địa bàn dân cư triển khai các hình thức truyền thông phù hợp như băng - rôn, khẩu hiệu, hướng dẫn cụ thể bằng cách “cầm tay chỉ việc”.
Đặc biệt, cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về các nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm.