Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.063.421
Truy câp hiện tại 2.384
A Lưới gặp mặt trí thức trẻ bàn về vấn đề giải quyết việc làm
Ngày cập nhật 04/08/2013

Vừa qua, tại Văn phòng HĐND và UBND huyện, UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Câu lạc bộ lâm nghiệp Thừa Thiên Huế tổ chức buổi gặp mặt với các trí thức trẻ để thảo luận về vấn đề giải quyết việc làm, do đồng chí Hồ Xuân Trăng - Chủ tịch UNND huyện chủ trì.

Năm 2004, huyện A Lưới đã mạnh dạn đột phá trong công tác cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở, đưa các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã, thị trấn. Hiệu quả của việc làm này đã có nhiều bài viết trên nhiều báo ở trung ương và địa phương. Đặc biệt, hiệu quả trên thực tế của ý tưởng này đã được chứng minh thông qua việc năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ  ưu tú, có trình độ đại học về làm PCT UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước.

Gần 10 năm qua, A Lưới tiếp tục tăng cường và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Hàng trăm trí thức trẻ thuộc nhiều lĩnh vực đã được tuyển dụng vào làm công chức hoặc cán bộ bán chuyên trách cấp xã; công chức, viên chức cấp huyện, giáo viên các trường học. Mặc dù vậy, “độ vênh” giữa đào tạo và sử dụng còn hết sức chênh lệch. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 300 thanh niên trên địa bàn được đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm ổn định (dưới đây gọi chung là trí thức trẻ).

Trăn trở trước tình hình này, Anh Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện đã chủ động làm việc với người viết bài này và anh Nguyễn Hữu Lễ, nguyên Giám đốc Sở lâm nghiệp tỉnh, hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Lâm nghiệp tỉnh (CLBLN) đề xuất ý tưởng phối hợp tìm hướng tích cực để giải quyết việc làm tương đối ổn định cho những trí thức trẻ. Chúng tôi thống nhất, điều đầu tiên để giải quyết bài toán khó này là phải chuẩn bị kỹ nội dung để tổ chức một buổi gặp mặt các trí thức trẻ cùng nhau thảo luận cởi mở và cầu thị.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Phát biểu khai mạc
Sáng ngày 20/7/2013, tại Văn phòng HĐND và UBND huyện, UBND huyện A Lưới đã tổ chức buổi gặp mặt với 69 trí thức trẻ được đào tạo ở các lĩnh vực Nông lâm nghiệp, kinh tế, Quản lý đất đai.... Cùng tham dự buổi gặp mặt có Ông Nguyễn Tân Phó Chủ tịch HĐND huyện, Ông Nguyễn Mạnh Hùng Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các phòng: Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Đoàn Thanh niên CSHCM huyện. Mở đầu buổi gặp mặt Ông Hồ Xuân Trăng đặt vấn đề thảo luận: “Hiện nay, trên địa bàn A Lưới có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường, trong lúc con đường vào công chức, viên chức mỗi năm chỉ tuyển dụng một sô chỉ tiêu, chiếm chưa được 10% số sinh viên ra trường hàng năm. Cơ hội tìm kiếm việc làm từ các địa phương khác hoàn toàn không dễ dàng. Vậy làm thế nào để tạo việc làm và sử dụng tốt kiến thức được đào tạo của các trí thức trẻ góp phần xây dựng huyện? Lãnh đạo huyện rất trăn trở, song vẫn chưa tìm ra hướng đi tích cực, rất mong Ban Dân tộc (DT), CLBLN tỉnh cũng như các cơ quan khác ở cấp tỉnh quan tâm đến A Lưới, cùng các trí thức trẻ hãy phối hợp với huyện để tìm lối thoát cho bài toán rất khó này. Buổi gặp mặt này, sẽ giúp UBND huyện nắm được tình hình đào tạo trên địa bàn và tâm tư nguyện vọng của những trí thức trẻ; đồng thời, cùng nhau thảo luận để tìm hướng giải quyết việc làm ngoài con đường công chức, viên chức vốn đã chật hẹp nay ngày càng thêm chật hẹp. Điều mong đợi sau buổi gặp mặt này là cùng nhau thiết lập “kênh thông tin” để thường xuyên liên lạc nhau giữa các trí thức trẻ và giữa trí thức trẻ với lãnh đạo huyện và các bên liên quan. Đặc biệt, chúng ta bàn bạc để xây dựng một mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 để rút kinh nghiệm và nhân rộng, xem đó là một hướng rộng rãi để giải quyết việc làm cho một bộ phận trí thức trẻ nhằm khai thác thế mạnh đất đai, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tại cuộc gặp mặt, mọi người cùng nhau trao đổi và thống nhất rằng, chúng tôi phải thay đổi nhận thức, con đường công chức, viên chức không phải là hướng đi chính cho hầu hết trí thức trẻ, mà phải tìm kiếm việc làm từ các môi trường khác, ở các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Ý tưởng là như vậy, song khó nhất là xác định hướng giải quyết việc làm chủ yếu là lĩnh vực gì, ở đâu, loại hình tổ chức như thế nào? Nhận thấy, tiềm năng A Lưới lớn nhất và chủ yếu nhất vẫn là khai thác thế mạnh từ sản xuất nông lâm nghiệp. Vì vậy, chủ đề thảo luận tại buổi gặp mặt là giải quyết việc làm từ khai thác thế mạnh nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Về loại hình tổ chức sản xuất có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, trang trại, gia trại,...; song hướng chính để mọi người có thể hợp tác, liên kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các trí thức trẻ, giữa trí thức trẻ và các hộ nông dân là phát triển loại hình hợp tác xã (HTX).
Được UBND huyện mời với tư cách là tư vấn cho buổi gặp mặt, người viết bài này đã giới thiệu Luật và các chính sách hiện hành về phát triển HTX. Đồng thời phân tích việc phát triển HTX trên địa bàn huyện A Lưới trong giai đoạn hiện nay có những điểm mạnh là phù hợp với đặc trưng đời sống văn hóa của đồng bào DTTS mang tính chia xẻ và hỗ trợ nhau trong cộng đồng; sự quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo huyện nhằm triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; người dân trên địa bàn đang tìm kiếm cách để liên kết và hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất và dịch vụ nhằm chống việc cung cấp các dịch vụ độc quyền, thiếu tính cạnh tranh như mua bán gỗ rừng trồng, giống cây con, phân bón,... của các doanh nghiệp hoặc cá nhân. Tuy nhiên, điểm yếu của việc tổ chức HTX là năng lực và kinh nghiệm của người dân, của các thành viên quản lý HTX trong tương lai cũng như nhận thức về kinh tế tập thể trong nhân dân còn nhiều hạn chế; nguy cơ can thiệp sâu vào hoạt động HTX của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là công tác nhân sự, có thể gây tâm lý bất an cho cán bộ HTX trong tương lai, dù rằng Luật đã xác định nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Về cơ hội, yêu cầu xã được công nhận nông thôn mới phải có HTX (hoặc tổ hợp tác) hoạt động có hiệu quả sẽ thúc đẩy chính quyền các xã quan tâm hỗ trợ để sớm hình thành và đi vào hoạt động bảo đảm tính hiệu quả; Luật HTX và các chính sách hiện hành có nhiều hỗ trợ và ưu đãi cho loại hình kinh tế HTX; nhu cầu của người dân hợp tác cùng nhau để cung cấp các dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn để triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Về thách thức, môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi ai cung cấp dịch vụ tốt nhất, giá cả hợp lý nhất và thân thiện nhất sẽ được người tiêu dùng lựa chọn sẽ là 1 thách thức lớn đối với các HTX, trong bối cảnh cán bộ quản lý còn thiếu kinh nghiệm; mặt khác, khả năng vay vốn tín dụng cũng như huy động vốn đóng góp từ các thành viên còn nhiều hạn chế, sẽ dẫn đến nguy cơ, thành viên đóng góp nhiều vốn có thể thao túng một số mặt hoạt động của HTX. Nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức như vậy để khi các bạn trí thức trẻ  trao đổi, thảo luận trong buổi gặp mặt cũng như trong quá trình tham gia xây dựng HTX có thể lường trước mọi vấn đề nhằm mục đích phát huy cao độ các điểm mạnh và cơ hội; đồng thời ngăn ngừa, hạn chế tối đa các điểm yếu và thách thức.
Nếu hình thành HTX theo hướng hợp tác giữa trí thức trẻ và các hộ nông dân trên địa bàn, những ý tưởng ban đầu về hoạt động của HTX có thể thực hiện được ngay như: UBND huyện, Ban DT có thể hỗ trợ để HTX có các hoạt động dịch vụ cung cấp về cây, con giống, phân bón, các loại vật tư nông nghiệp,… phục vụ cho hộ nghèo để thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135; Quyết định 102/ 2009/QĐ-TTg  ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về  chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc  hộ nghèo vùng khó khăn. Sự liên kết hợp tác giữa các hộ dân được giao đất và giao rừng với các trí thức trẻ là thành viên của HTX trong việc cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế theo Thông tư số 23/2013/TT-NNPTNT ngày 4/5/2013 hoặc trồng cao su trên đất lâm nghiệp theo Thông tư số 58/2009/TT-NNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên được giao theo Dự án trồng rừng sản xuất thuộc chính sách 147 hiện A Lưới đã và đang triển khai, để hướng tương lai phát triển ngành nghề mây tre đan trong HTX. Một hoạt động dịch vụ khác rất được người dân trên địa bàn quan tâm mà HTX có thể tổ chức là, mua bán gỗ rừng trồng keo thông qua liên kết với các nhà máy dăm giấy hoặc các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng.Về tăng cường năng lực cho HTX và đội ngũ cán bộ theo chính sách hiện hành sẽ có sự hỗ trợ giúp đỡ của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX tỉnh; Dự án Mây bền vững, Dự án Carbi thuộc tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới hiện đang hoạt động trên địa bàn A Lưới cũng đã cam kết có những hoạt động lồng ghép hỗ trợ thúc đẩy hình thành và các hoạt động phát triển HTX.
 Tại hội trường, 15 trí thức trẻ đã phát biểu và tham gia thảo luận cùng với lãnh đạo huyện, Ban Dân tộc và CLBLN Thừa Thiên Huế. Mọi người đều thấy nhu cầu giải quyết việc làm là vô cùng chính đáng và hết sức bức thiết. Tất cả các ý kiến đánh giá cao việc lãnh đạo huyện tổ chức buổi gặp mặt này và cách đặt vấn đề của anh Hồ Xuân Trăng; nhiều ý kiến tán thành và mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình phát triển HTX. Để có thể thu thập đầy đủ thông tin, chúng tôi đã phát phiếu hỏi ý kiến đến tất cả trí thức trẻ về thông tin cá nhân, ý tưởng thành lập HTX, các ý tưởng mới, nguyện vọng và đề xuất các ý kiến về xây dựng huyện,... 32 ý kiến bày tỏ ủng hộ ý tưởng và sẵn sàng liên kết giữa trí thức trẻ với nông dân để hình thành các HTX; 29 ý kiến chưa sẵn sàng và 8 ý kiến đang suy nghĩ. Tất cả các ý kiến đều mong muốn có việc làm ổn định, có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và trả nợ vay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong quá trình học tập. Kết thúc buổi gặp mặt, UBND huyện thống nhất giao Văn phòng HĐND và UBND huyện làm đầu mối liên lạc giữa các bên liên quan; đồng thời đề nghị Ban Dân tộc và CLBLN Thừa Thiên Huế cùng với UBND huyện chuẩn bị các bước tiếp theo để phối hợp với các bên liên quan và 32 trí thức trẻ đã đăng ký thúc đẩy sớm hình thành mô hình HTX trên địa bàn huyện.
Hẵn nhiên, còn rất nhiều việc phải làm và những khó khăn ở phía trước để có thể hình thành 1 HTX hoạt động có hiệu quả, có thể nói “vạn sự khởi đầu nan”. Song nếu tất cả chúng ta, các bên liên quan ở tỉnh, ở huyện vì đời sống và việc làm của đồng bào DTTS nói chung và trí thức trẻ nói riêng phối hợp chặt chẽ và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ cả trước, trong và sau khi HTX đã hình thành, chắc chắn một HTX thí điểm ra đời sẽ sớm hoạt động có hiệu quả, tạo tiền đề để tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng trong tương lai. Làm được vậy sẽ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho trí thức trẻ nói riêng và mở mang sản xuất nông lâm nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân nói chung; góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện A Lưới./.
Võ Văn Dự
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày