Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.154.091
Truy câp hiện tại 3.316
Về địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So
Ngày cập nhật 15/01/2011

(TTH) -  Nằm phía tây Thừa Thiên Huế, nơi có nhiều núi cao và rừng già hiểm trở bao bọc, thung lũng A So trở thành chiến lũy tự nhiên, khu căn cứ cách mạng quan trọng của Đảng bộ, quân và dân Trị Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 Những 1950 - 1960, tại A Lưới, đế quốc Mỹ tiến hành xây dựng nhiều đồn bốt, hệ thống kìm kẹp tại các vị trí xung yếu trên suốt chiều dài của huyện, cùng các sân bay A So, A Co ở phía Nam đến sân bay A Lưới ở phía Bắc, nhằm ngăn chặn tuyến đường Hồ Chí Minh từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam đi qua địa phận A Lưới và làn sóng cách mạng từ đồng bằng lên, cũng như mối liên lạc của các cơ sở cách mạng giữa các xã trong huyện.

Địch mở những chiến dịch vây ráp, càn quét, dồn dân vào các ấp chiến lược, xung quanh các đồn A So, A Co, A Lưới. Đi đôi với thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dưới chiêu bài “mở mang phát triển vùng núi”, Mỹ - ngụy còn huy động người dân địa phương đi làm đường 12 từ Huế lên A Lưới, bắt họ đi dân công từ A Lưới đến A So... Ở A So, chúng bắt nhân dân đóng góp tre, gỗ làm đồn bốt, phục vụ ngày công. Năm 1959, địch còn ra sức củng cố bộ máy kìm kẹp ở tổng, xã, làng, tăng cường bọn mật vụ đội lốt con buôn và giáo sĩ “Tin lành” vào các bản làng tổ chức gián điệp, dân vệ bí mật, bắt người dân vào các ấp chiến lược A So, A Lưới…

 Năm 1960, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng miền núi, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương phát động khởi nghĩa, tiến tới làm chủ miền núi, xây dựng căn cứ địa cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc. Ở huyện A Lưới, trước sự lớn mạnh và sức lan tỏa của tuyến đường Trường Sơn cùng sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ hoang mang lo sợ, chúng mở rộng hệ thống phòng thủ ở vùng rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn, cho mở rộng đồn A So và tiến hành xây dựng sân bay A So, nơi được xem là vị trí yết hầu trên con đường huyết mạch Hồ Chí Minh, đồng thời còn là địa điểm tập kết các loại chất độc hóa học của Mỹ (để phun rải trên chiến trường tây Trị Thiên) và là nơi đỗ các loại máy bay C123, C130… nhằm tăng cường tiềm lực quân sự để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta, tổ chức đánh phá vào các kho tàng, tuyến đường hành lang, vây bắt đồng bào vào khu tập trung A So, A Lưới với hàng trăm cuộc càn quét có quy mô lớn vào các bản làng. Tội ác của chúng gây căm phẫn sâu sắc trong đồng bào các dân tộc.

 Trong lúc này, cách mạng miền Nam đứng trước những thời cơ thuận lợi, nhân dân các dân tộc huyện A Lưới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bứt phá nổi dậy đồng khởi, phá ấp chiến lược. Mở đầu là ngày 26-02-1963, tổ du kích do đồng chí Mía chỉ huy bắn rơi 1 máy bay địch ở đồn A So, đã mở ra phong trào thi đua bắn máy bay trong các xã.

Đông Sơn khô cằn do ảnh hưởng chất độc hóa học

Những hố bom xé toạc mảnh đất A So là chứng tích lịch sử còn lại cho vùng đất chịu nhiều đau thương này

 

Trong hai năm 1964 – 1965, Chi bộ Đảng ở các xã trong huyện đã phát động phong trào toàn dân đánh giặc, xây dựng bản làng thành căn cứ địa cách mạng vững mạnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hỗ trợ về mọi mặt cho phong trào đồng khởi ở vùng nông thôn, đồng bằng trong tỉnh. Chi bộ Đảng xã Hương Lâm đã tập hợp lực lượng du kích cùng nhân dân bao vây đồn A So. Lực lượng du kích do đồng chí Cu Tríp chỉ huy đã bắn rơi 1 máy bay L.19, tiêu diệt và làm bị thương một bộ phận sinh lực địch, binh lính địch ở trong đồn A So hoảng loạn về tinh thần, co cụm lại không dám tổ chức hành quân càn quét.

 Năm 1964, du kích xã Hồng Quảng do nữ đồng chí Kăn Tréc chỉ huy cùng phối hợp với bộ đội địa phương đã tổ chức đánh 1 đại đội địch ở đồn A So và A Lưới tiêu diệt 1 trung đội địch, thu 6 khẩu súng trong đó có 1 súng trung liên.

 Phát huy những chiến thắng đạt được, tháng 5-1965 lực lượng du kích đánh mạnh vào đồn A So. Đầu năm 1966 trung đoàn 95, sư đoàn 325 phối hợp đánh tiêu diệt cứ điểm A So, diệt và bắt sống hơn 700 lính đồn trú, tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của địch ở miền núi, làm thất bại những mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự của ta, trong đó có hành lang chiến lược đường Hồ Chí Minh, làm tròn nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường miền Nam.

 Do bị thất bại nặng nề ở đồng bằng và đô thị, đặc biệt là sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ đã tăng cường nhiều hoạt động quân sự ở miền núi. Chúng đánh phá vào tuyến đường vận chuyển của ta, tích cực trinh sát bằng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, kết hợp với biệt kích đánh phá, phun rải chất độc hóa học. Từ tháng 8-1965 đến tháng 12-1970, huyện A Lưới có tới 256 phi vụ rải chất độc, tập trung nhất vào 2 năm 1968 và 1969 với 3 chất chủ yếu: Chất trắng (Agent White), chất da cam (Agent Orange-AO) và chất xanh (Agent Blue). Ngoài chất độc hóa học, A Lưới còn chịu nhiều tác động của bom đạn.

 Theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn về môi trường Hatfield (Canada) và UB 10-80 của Việt Nam về đánh giá sự tồn lưu của dioxin đối với hệ sinh thái và con người ở thung lũng A Lưới xác định: “Điểm nóng” dioxin tại Sân bay A So có hàm lượng dioxin trong đất là 879,85pg/g. Lượng chất diệt cỏ, chất hóa học rải xuống A Lưới bằng ½ các chất hóa học mà quân Mỹ đã rải xuống Thừa Thiên Huế. Khu vực A So (xã Đông Sơn) chịu nặng nề nhất do đây là nơi đỗ máy bay và rửa chất dioxin. Ngoài ra kết quả còn cho thấy, các mẫu lấy từ khu vực A So (mỡ ngan, cá trắm cỏ, mẫu sữa, máu người dân ở A So sinh ra sau chiến tranh dưới 25 tuổi) nói chung có nồng độ TCDD cao. Đây là nguyên nhân mà trẻ em xã Đông Sơn sống ở khu vực A So có tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao hơn các bản ở xã khác.

 Chỉ tính riêng xã Đông Sơn (tính đến 30-02-2009), toàn xã có 61 người bị tàn tật: điếc, bại não, thần kinh, liệt tay chân… liên quan đến dioxin. Trong đó, có 26 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, 12% số trẻ em suy dinh dưỡng.

 Có thể nói, khu vực sân bay A So là một chứng tích tội ác do đế quốc Mỹ gây ra và để lại. Mặc dù cuộc chiến tranh đã đi qua, song những gì còn lại nơi đây (không một mảnh rừng già; không còn một loài thú; nồng độ nhiễm chất độc dioxin trong đất còn cao và các nạn nhân qua nhiều thế hệ vẫn còn nhiều…) sẽ là những bằng chứng hùng hồn đầy sức thuyết phục để tố cáo tội ác của chúng đã gây ra cho nhân dân huyện A Lưới nói chung và đồng bào ở xã Đông Sơn nói riêng. Là nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đó là một cuộc đấu trí, đấu súng đầy thông minh, sáng tạo đã chiến thắng các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh được xem là hiện đại nhất thế giới lúc này. Đây là một bài học kinh nghiệm quý giá về tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.

 Việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận và xếp hạng di tích lịch sử địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại Sân bay A So trở thành di tích cấp quốc gia là cần thiết, làm cơ sở cho việc xây dựng khu chứng tích chiến tranh hóa học, đó cũng là việc làm thể hiện tình cảm thiêng liêng, đồng thời là trách nhiệm to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước anh linh của lớp lớp các thế hệ anh hùng, liệt sỹ, các đồng chí, đồng bào ta đã cống hiến tuổi xuân của mình cho nền độc lập của dân tộc.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày