Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.136.757
Truy câp hiện tại 23.959
A Lưới - nơi quá khứ và hiện tại gặp gỡ…
Ngày cập nhật 22/11/2010
Thị trấn A Lưới

 NDĐT - Chặng đường từ Huế lên A Lưới theo QL 14 về phía tây chỉ khoảng 70km, băng qua chừng dăm cái đèo và mấy con dốc ngắn. Vậy mà đợt lên A Lưới lần trước, chúng tôi phải mất tới năm tiếng đồng hồ, hai tay ghì chặt lấy thành xe bởi đường đi quá hẹp, quanh co. Lần đi này, đường lên A Lưới đã trải nhựa bằng phẳng và mở rộng gấp rưỡi. Dù nhìn qua cửa kính xe, vẫn những dáng cây trơ trọi ven đường và dòng suối Máu dưới xa kia ầm ừ cuộn chảy…

 Đất và người A Lưới

Thị trấn A Lưới hiền lành, khang trang và khác nhiều so với điều tôi hình dung. Cảnh vật thanh bình đến nỗi ít ai ngờ ba lăm năm trước, đây vốn là một vùng chiến sự ác liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là đầu mối giao thông quan trọng để vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương miền bắc vào chi viện chiến trường miền Nam.
 
 Nếu không tính tổng chiều dài các nhánh rẽ về đồng bằng của bốn con đường 71, 72, 73, 74 và tuyến đường Tây Trường Sơn từ Lào sang, thì đoạn đường mòn Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn đi qua huyện A Lưới có chiều dài gần 90km. Vì thế, không có gì lạ khi hầu hết các địa danh ở đây đều gắn chặt với ký ức về một A Lưới đau thương nhưng anh hùng bất khuất.

 Đèo Pê Ke và đường tránh 35 (xã Hồng Vân)- một trong những điểm trọng yếu của tuyến vận tải Hồ Chí Minh; địa đạo Khu Ủy Trị Thiên (xã Hồng Quảng)- nơi năm 1968 Khu Ủy Trị Thiên làm việc và chiến đấu; Động Tiên Công, điểm tránh của con đường đặc đạo Tây Trường Sơn qua Dốc Mèo (núi Ki-a-nông) nơi đế quốc Mỹ đã thả bom làm sập miệng hang, làm 30 bộ đội hy sinh; địa đạo A Đon, nơi đặt Đài phát thanh giải phóng đầu tiên của Quân khu Trị Thiên Huế vào năm 1968; đồn và sân bay A Sầu- trung tâm huấn luyện biệt kích của Mỹ nhằm mở rộng hành lang chiến lược Tây và Đông Trường Sơn, nơi ta tấn công buộc địch phải rút chạy. Rồi đến đồn A Bia, nơi trở thành di chứng khủng khiếp trong lịch sử của quân đội viễn chinh Hoa Kỳ mà những người lính Mỹ đã đặt tên cho nó là Đồi Thịt Băm...

 Đồ ăn ở A Lưới ngon và khá rẻ. Một dĩa cơm, tô bún giò hay phở bò thơm lừng có giá chung là 15 ngàn. Thậm chí tô cháo bò tôi ăn ở một quán nhậu bình dân, bỏ đầy thịt bò mà chỉ có 10 ngàn. Vào chợ A Lưới, giá cả còn rẻ nữa. Một buồng chuối to vật vã chỉ chừng 10-12 ngàn. Lên A Lưới, thích nhất là được nói chuyện với người dân địa phương. Dân cư sống ở đây chỉ chừng 30% là người Kinh, còn lại là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tà Ôi, Pa Cô và Cà Tu…

 Người dân tộc bản địa ở đây đa phần rất dễ nhận ra ở làn da nâu đậm, môi dày, lông mày rậm và ánh mắt rừng, có đôi chút hoang dã và ngơ ngác. Ở họ, điều có thể dễ nhận ra nhất là sự chân thành và hồn nhiên. Hầu hết người dân tộc đều biết nói tiếng Kinh, nhưng vẫn dùng song song tiếng nói dân tộc mình, nghe ríu ra, ríu rít. Nhất là phụ nữ, cứ chân thành và hồn nhiên như thế, họ bộc bạch mình một cách rất vô tư, không chút điệu đà.

 Vậy mà, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, A Lưới có tới gần 10.000 người ở độ tuổi khác nhau tham gia cách mạng, trong đó hơn 2.000 người là chiến sỹ quân giải phóng, đóng góp 33.873 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn dân công hỏa tuyến. Toàn huyện có 557 liệt sỹ người dân tộc Pa Cô, Ca Tu, Pa Hy, 1.018 thương bệnh binh, 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 anh hùng lực lượng vũ trang, 17 trong tổng số 21 xã được phong tặng danh hiệu anh hùng. Điều đặc biệt đáng kính nể là dân số của A Lưới thời kỳ ấy chỉ khoảng gần 15.000 người, có nghĩa là hầu hết bà con đều đi làm cách mạng.

 Theo số liệu, hàng chục trận đánh dữ dội đã diễn ra, hàng triệu tấn bom, đạn và pháo hạng nặng đã trút xuống, và máy bay rải chất độc hoá học Mỹ đã “đan lưới” trên vùng đất nhỏ bé này, thiêu rụi hàng nghìn cánh rừng nguyên sinh. Hàng chục nghìn người các dân tộc thiểu số miền tây Trị-Thiên đã bị chết vì bom đạn, vì chất độc hóa học, vì đói. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, mỗi ha ở huyện A Lưới bình quân có tới 60 hố bom.

 Khi cuộc chiến đã chấm dứt hơn ba chục năm, A Lưới giờ đã thấp thoáng bóng dáng một đô thị hiện đại, như một nét chấm phá trong mầu xanh thẳm của núi rừng. Đi chợ A Lưới, tôi chọc một cô bán hàng ở chợ: “Bán cho cái avin!” A vin là dụng cụ làm cỏ truyền thống của đồng bào. Cô lắc đầu. Avin bây giờ đã ít được sản xuất vì người dân đã cấy cày cả rồi.

 Khi hỏi một thanh niên Pa cô về trang phục dân tộc truyền thống của họ, tôi biết thêm được một từ mới: quần hai lá. Đàn ông Pa Cô xưa chỉ biết quấn khố, giờ thì khác rồi. Họ mang vải đến thợ may đặt may quần đàng hoàng, nhưng vẫn gắn thêm hai mảnh vải trước, sau mô phỏng chiếc khố ngày xưa, và gọi đó là quần hai lá. Tuy nhiên, trang phục dân tộc truyền thống này bây giờ chỉ còn xuất hiện trong những dịp lễ lạt quan trọng của người dân tộc mà thôi.

 Ở A Lưới, đi ngoài đường, nhiều người phục sức, dáng vẻ y như người Kinh, chỉ đến khi nghe họ nói mới phát hiện ra thật ra lại là người dân tộc. Đừng ngạc nhiên khi thanh niên A Lưới đang ríu ran tiếng dân tộc với nhau đã có thể quay sang hát một bài hát thời thượng của Phương Thanh, Cẩm Ly...

 Đổi thay vùng chiến khu xưa

 Vùng chiến khu xưa giờ đã đổi thay rất nhiều. Sân bay A Lưới cách đây trên 30 năm, nếu không được giới thiệu khó lòng ai có thể biết căn cứ quân sự của chế độ cũ, nơi những chiếc máy bay các loại lên xuống tham gia tấn công cắt đứt đường vận tải của quân giải phóng và tham gia rải chất độc hoá học xuống rừng Trường Sơn...

 Sau hơn 30 năm, khó lòng nhận thấy dấu tích cũ, mà bây giờ chỉ là hai ngôi trường hai tầng kiên cố,  trường tiểu học và phổ thông trung học A lưới, xung quanh là khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em và các hộ gia đình quây quần trong thôn văn hoá.

 Trung tâm thị trấn A Lưới nằm ở dọc hai bên đường Trường Sơn. Tuyến đường trung tâm chạy qua huyện lị với hai làn đường hiện đại rải nhựa áp-phan với dãy đèn chiếu sáng không khác gì những con đường hiện đại dưới xuôi. Đi trên đường rộng thênh thang, ít ai biết đó chính là nền đường 1B cũ, nơi in những dấu chân của người Pa Cô, Ca Tu, Pa Hy, từng tham gia làm đường 559. Cả khu vực quân sự ngày nào bây giờ là khu dân cư, là trường học sầm uất. Khu vực Thác A Nô, nơi đặt trụ sở kháng chiến của UBND xã Thượng Hùng trước đây, giờ đã thành một thắng cảnh nổi tiếng của A Lưới, thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan.

 Hơn 35 năm sau chiến tranh, A Lưới hôm nay đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 61% năm 1999 xuống còn 24% trong năm 2009. 98% người dân nơi đây đã có điện để dùng, 78% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

 Từ chỗ chưa đến 10% đồng bào biết chữ trong kháng chiến, thì đến nay toàn huyện đã có 95% người dân biết chữ. Số cán bộ huyện và xã ở A Lưới là người dân tộc có trình độ đại học lên tới gần 50 người. Hiện hàng trăm thanh niên A Lưới đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước...

 Khi chúng tôi tới, Nhà máy tinh lọc cao lanh tại xã Hồng Kim đã xây dựng xong, chuẩn bị đi vào hoạt động và A Lưới đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến gạch tuy nen trên địa bàn huyện với công suất 7000 triệu viên một năm. Kết cấu hạ tầng đã có thay đổi lớn. Những công trình lớn như Cầu Hồng Thuỷ, đường vào trung tâm các xã Hồng Thái, Đông Sơn, A Đớt, khu du lịch đồi A Bia đã thực sự làm đổi thay bộ mặt của vùng đất lịch sử này. Đặc biệt, chương trình kiên cố hoá trường học bắt đầu triển khai từ năm 2008 đã góp phần hoàn chỉnh cơ sở vất chất trường học các cấp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện.

 Kinh tế của A Lưới đang dần dần ổn định. Từ chỗ nhiều vùng thiếu ăn phải chờ Nhà nước trợ cấp, đến nay A Lưới đã đảm bảo đủ lương thực với bình quân lương thực đầu người đạt gần 320kg/năm. Trong năm qua, huyện A Lưới đạt năng suất lúa nước bình quân từ 38 - 40 tạ/ha/vụ. Nhiều đồng bào người Tà Ôi - Pa Cô ở A Ngo, A Ðớt đã biết vận dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng lúa đạt năng suất 40-48 tạ/ha.

Ðến nay trên địa bàn toàn huyện A Lưới, vùng đồng bào Tà Ôi - Pa Cô đã trồng được 800 ha cà-phê, 5.000 ha rừng, nhận khoán, quản lý và bảo vệ khoảng 73.000 ha rừng, tái sinh trên 8.000 ha rừng khác. Cây cà phê, cao su, sắn công nghiệp, cây chuối xuất khẩu tìm được chỗ đứng trên mảnh đất này với diện tích hơn 1200 ha. Màu xanh của cây cối đã từng bước khỏa lấp đi những cánh đồi trơ trụi lá.

 Nhận xét về sự đổi thay của quê hương mình, Anh hùng Kan Lịch tâm sự: Đồng bào mình đã đỡ vất vả, không còn phải thiếu thốn thực phẩm, không còn phải vào rừng kiếm sống như trước đây nữa. Ngày trước là đường mòn Hồ Chí Minh, còn bây giờ là quốc lộ Hồ Chí Minh với hơn 100 km đi qua A Lưới và với hàng trăm km nữa là đường bê tông, đường nhựa đến tận các thôn bản.

 Buổi sáng sớm A Lưới thật yên tĩnh với những làn gió se lạnh từ núi rừng thổi vào. Ngoài đường phố, thỉnh thoảng vẫn gặp vài người dân tộc lững thững đi bộ mang gùi, theo sau là mấy con dê vừa quen thuộc, vừa mơ hồ xa xưa… Thật khó để không liên tưởng những câu thơ: A Lưới trập trùng chiều trở lại / Mưa nối mưa, nắng thay nắng từng giờ /Vẫy tay lau trắng lên sườn dốc /A Ling, A Sáp xuôi đất khách / Năm tháng trôi đi, năm tháng về … (Trở lại A Lưới- Nguyễn Khoa Điềm). Văng vẳng đâu đây âm thanh tiếng hát của cô gái mở đường Trường Sơn và hình bóng những thiếu nữ Pa Cô “Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ…”.

 

Theo nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày