Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.187.377
Truy câp hiện tại 26.973
Nữ anh hùng Kăn Đơm sau gần 40 năm trở lại thăm Đồi A Bia
Ngày cập nhật 28/11/2014

Ngày 21/11/2014, Ban Biên tập chuyên đề - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới và nữ anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Đơm đã đến Đồi A Bia để tìm lại những chiến công oanh liệt một thời. Phóng sự nói về những chiến công của nữ anh hùng Kăn Đơm - nữ anh hùng mang họ Hồ trong cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Đặc biệt đây sẽ là chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Hát mãi khúc quân hành” phát sóng vào lúc 20h00 ngày 19/12/2014 trên kênh VTV1 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/11/1944 – 22/12/2014).

Suốt chặng đường dài lên đỉnh Đồi A Bia, bà vẫn cười tươi sảng khoái nói: "Con cháu bà sợ bà không đủ sức khỏe để lên đến đỉnh Đồi A Bia, nhưng hôm nay nhờ có đồng đội phù hộ nên bà sẽ hoàn thành được nhiệm vụ”. Chúng tôi theo chân bà đến đỉnh đồi A Bia, vừa đi vừa nghe bà kể về những chiến công của bà.

Bà Hồ Thị Đơm tên gọi khác là Kăn Đơm, sinh năm 1940, dân tộc Pa Cô, quê ở thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tham gia cách mạng năm 1959, nhập ngũ năm 1966. Trong suốt thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tên tuổi của người nữ anh hùng ấy vang dội khắp vùng đất cách mạng A Lưới, với hình ảnh một nữ du kích trẻ tuổi, dũng cảm, hiên ngang cầm súng tiến công vào đồn địch.

Trong khi các đồng chí bộ đội đang hội ý tác chiến, bà lẻn vào lán bộ đội lấy cây súng trường chạy ra nấp sau một mô đất, thấy 3 lính Mỹ nghênh ngang tiến vào làng, vừa đi vừa xả súng, bà nhắm thẳng vào chúng liên tục lên đạn và siết cò, 2 tên gục xuống, tên lính Mỹ còn lại đã chĩa súng vào chỗ bà nấp mà xả đạn như vãi trấu. May mà bộ đội lúc này kịp thời đến tiếp ứng, đẩy lùi được trận càn. Và cô du kích Kăn Đơm đã trở thành người phụ nữ dân tộc đầu tiên của huyện A Lưới cầm súng bắn giặc.

Chiến đấu trong đội du kích Hồng Hạ cho đến đầu năm 1961, Bà được cấp trên tín nhiệm cử làm Xã đội phó. Đội du kích của xã đã kiên trì bám làng và vận động nhân dân vót chông, làm bẫy giết giặc; phối hợp với bộ đội tổ chức nhiều đợt đánh tỉa, phục kích khiến địch trở tay không kịp và phải rút lui. Những năm 1961-1968 là thời kỳ ác liệt nhất, giặc đổ quân xây dựng hàng loạt đồn bốt, sân bay, điên cuồng đánh phá hòng cắt đứt giao thông huyết mạch của đường Hồ Chí Minh.

Gần 40 năm trở lại đồi A Bia, thắp nén nhang cho đồng đội, bà rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nói: “Các đồng đội ơi! Tôi đến thăm các anh, các chị đây”.

Cô gái Pa Kô - Anh hùng một thời kháng chiến nay đã là bà cụ tóc bạc trắng, tuổi ngoài 70. Trầm ngâm một lúc, bà tiếp tục kể cho chúng tôi về những chiến công của bà về cuộc kháng chiến.

Trong trận đánh đồn ngụy đóng tại lô cốt A So, bà có sáng kiến dùng lá ngón thả vào nguồn nước gây nhiễm độc diệt 30 tên, buộc cả tiểu đoàn địch phải rút chạy. Sáng kiến đó của bà đã được cấp trên đánh giá rất cao, tạo điều kiện cho du kích bám được thắt lưng giặc, còn giặc cũng bớt hung hăng, càn quét.

Trong những năm tháng đánh giặc, không một địa danh nào ở A Lưới mà không có dấu chân của bà. Nào là Hồng Hạ, A Ngo, nào là những trận đánh lớn ở làng Kăn Tôm, Kơn Tứt, Rapat, Khe Máu, đèo Mẹ Ơi, Kim Quy, Mỏ Quạ, sông A Sáp, đồi A Bia, núi A Sầu... Đặc biệt, trong những trận đánh mùa khô tháng 5-1962, Kăn Đơm đã chỉ huy một tổ ba du kích sử dụng trận địa chông, bẫy đá, vừa đánh, vừa lừa địch, diệt gọn 21 tên địch, 19 tên khác bị thương.

Thật khó mà kể hết những trận đánh gian nan mà bà Kăn Đơm đã từng tham gia trong giai đoạn 1960-1975. Người A Lưới và đồng đội đã ví bà như “Nữ tướng của rừng xanh”. Bà đã tham gia 316 trận chiến đấu, diệt hơn 300 tên địch, bắt sống tám tên, bắn rơi hai máy bay, thu 25 súng các loại... Bà cũng đã vận động nhân dân vót hàng vạn cây chông, đào được hàng nghìn mét đường hầm, tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền vận động binh lính địch bỏ ngũ trở về. Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, bà đã góp 218 thùng gạo và rất nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ đắc lực cho kháng chiến.

Năm 1994, bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều giấy khen, bằng khen và huân huy chương. Bà xứng đáng là người phụ nữ của dân tộc Pa Cô kiên cường.

Một số hình ảnh đoàn làm phim tại Đồi A Bia

Văn Thị Thi Thi
Các tin khác
Xem tin theo ngày