Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.077.749
Truy câp hiện tại 12.969
Hội nghị giao ban giáp ranh năm 2012 giữa huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam
Ngày cập nhật 08/01/2013

Ngày 07 tháng 01 năm 2013, tại huyện A Lưới đã diễn ra Hội nghị giao ban giáp ranh năm 2012 giữa huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Thanh Nam – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới, đồng chí Hồ Xuân Trăng – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện A Lưới và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành huyện A Lưới. Về phía huyện Tây Giang có đồng chí Đoàn Thanh Thuận – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang, đồng chí Bhling Mia – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cùng đại diện các ban, ngành huyện Tây Giang.

Các em học sinh vẫy cờ chào mừng lãnh đạo hai huyện tham dự Hội nghị 

Hội nghị giao ban giữa hai huyện là dịp để đánh giá kết quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam năm 2012, bàn một số nhiệm vụ cơ bản của công tác phối hợp năm 2013.

Năm 2012, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Chào mừng kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trong năm 2012, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, sắc tộc và tôn giáo; khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biên giới, nhất là tình hình tại khu vực biển Đông trong thời gian qua ngày càng diễn biến phức tạp, căng thẳng.

Huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam có đặc điểm chung là huyện miền núi biên giới, có chung đường biên giới với nước bạn Lào, là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng trọng điểm về quốc phòng - an ninh nên kẻ địch luôn tìm mọi cách để xâm nhập, móc nối nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong những năm qua, mặc dù luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao (Tây Giang: 58,25%; A Lưới: 16,88%), thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các địa phương trong tỉnh (A Lưới: 12,21 triệu đồng/người/năm; Tây Giang: 9,41 triệu đồng/người/năm); kinh tế - xã hội tuy đã có sự phát triển nhưng vẫn còn chậm, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyến đường từ huyện đến tỉnh, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của người dân.

Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, khai thác khoảng sản trái phép, săn bắt động vật quý hiếm vẫn còn xảy ra; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tuy đã được đảm bảo nhưng vẫn còn tiềm ẩn những phức tạp, khó lường: Tình hình tai nạn giao thông và vi phạm các quy định về giao thông đường bộ, nạn cờ bạc, trộm cắp vẫn chưa giảm thiểu và ngăn chặn triệt để. Việc người dân thường xuyên đề nghị giải quyết các chế độ chính sách, đề nghị đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng do xây dựng các công trình không hợp lý, đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn xảy ra, đã gây áp lực và khó khăn cho chính quyền địa phương.

Tuy còn gặp những khó khăn nhất định, nhưng huyện A Lưới và huyện Tây Giang luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an và các sở, ban ngành cấp tỉnh, sự chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy, sự phối hợp của các ngành, địa phương, UBND hai huyện A Lưới và Tây Giang đã cụ thể hóa bằng nhiều biện pháp, giải pháp để chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Tổng giá trị sản xuất toàn xã hội năm 2012: Huyện A Lưới đạt 342 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2011; huyện Tây Giang đạt 146,8 tỷ, tăng 11,31% so với năm 2011); đời sống nhân dân hai huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; các cơ quan, ban ngành liên quan, lực lượng vũ trang hai huyện, chính quyền các địa phương giáp ranh thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin khá kịp thời, cơ bản thực hiện tốt các nội dung tại Biên bản ký kết về công tác phối hợp, trao đổi thông tin phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2012 giữa huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lãnh đạo hai huyện ký kết Biên bản phối hợp năm 2013

Tại Hội nghị, lãnh đạo hai huyện đã bàn bạc và thống nhất ký kết Biên bản phối hợp, trao đổi thông tin phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa hai huyện năm 2013, với các nội dung chính như sau:

1. Các cơ quan, ban ngành liên quan, lực lượng vũ trang hai huyện, chính quyền các địa phương giáp ranh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi huyện, góp phần trong việc giữ vững chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố và đảm bảo phòng - an ninh trong năm 2013.

2. Giao ban lồng ghép giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Kiểm lâm, Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La và chính quyền các xã giáp ranh mỗi quý một lần do các Đồn Biên phòng luân phiên chủ trì. Quý I, III tổ chức giao ban tại Đồn Biên phòng Anông - 645 (huyện Tây Giang), Quý II, IV tổ chức giao ban tại Đồn Biên phòng Hương Nguyên (huyện A Lưới), thống nhất vào ngày 28 của tháng cuối quý (nếu trùng vào ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ thì tổ chức giao ban trước một tuần). Đồn Biên phòng nào chủ trì sẽ phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các địa phương, cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, địa điểm, mời đơn vị Hạt kiểm lâm, Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La, Văn phòng HĐND và UBND huyện và chính quyền xã cùng tham gia, thông báo cho các đơn vị liên quan của huyện bạn (bằng giấy mời) để tổ chức giao ban đạt kết quả.

3. Giao ban giữa hai Đồn Biên phòng: Đồn Biên phòng Hương Nguyên (huyện A Lưới) và Đồn Biên phòng Anông - 645 (huyện Tây Giang) mỗi tháng một lần. Giao ban giữa các xã giáp ranh thuộc hai huyện một quý một lần theo hình thức luân phiên. Thời gian, nội dung giao ban do hai Đồn Biên phòng và chính quyền các địa phương thống nhất.

4. Đồn Biên phòng Hương Nguyên và Đồn Biên phòng Anông - 645 báo cáo bằng văn bản kết quả giao ban lồng ghép mỗi quý cho lãnh đạo hai huyện biết để nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo khi có các vụ việc phức tạp xảy ra.

5. Tổ chức giao ban cấp huyện năm 2013 tại huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Lãnh đạo hai huyện chụp ảnh lưu niệm

TDNQ
Các tin khác
Xem tin theo ngày