Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.139.595
Truy câp hiện tại 25.873
Người cán bộ Tuyên giáo gương mẫu
Ngày cập nhật 02/07/2015
Người cán bộ, đảng viên gương mẫu

Đó là Ông Lê Anh Miêng (SN 1957), Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới là một cán bộ, đảng viên nhiệt tình, tâm huyết với Nghề Tuyên giáo, một đảng viên tiêu biểu, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sinh ra và lớn lên tại xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, từ nhỏ Ông đã ấp ủ hoài bão trở thành giáo viên. Và điều Ông mơ ước đã trở thành hiện thực, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Năm 1977-1978, Ông học tại Trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1979 ra trường, Ông dạy học tại Trường Thanh Niên Dân tộc Nội trú huyện, từ năm 1982-1983 Hiệu trưởng Trường Tiểu học cơ sở Bắc Trung. Gắn bó với ngành giáo dục không nhiều nhưng đã để lại trong Ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt Ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tháng 7/1983 với cương vị là Hiệu trưởng Trường Tiểu học cơ sở Bắc Trung (nay là Trường TH Bắc Sơn), Ông được cấp trên điều động về Huyện ủy và nhận công tác tại Ban Tuyên giáo, với sự năng nổ, nhiệt huyết trong công tác chuyên môn được cấp trên giao phó, năm 1994 - 1997 Ông được bổ nhiệm chức vụ Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Trưởng Phòng Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện, từ năm 2002 – 2010 Ông luôn giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Hội đồng nhân dân huyện, của các Ban đảng, năm 2010 đến nay Ông được bổ nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy. Với những thành tích, nỗ lực trong công tác của mình, Ông Miêng tâm sự: Chuyển công tác lâu rồi nhưng tôi vẫn luôn nhớ những ngày đầu trên bục giảng, nhớ những anh, em đồng chí đồng nghiệp cùng cam cộng khổ, nhưng lại rất vui….Thời gian đầu mới đi dạy học, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện lại không có, trường lớp đơn sơ nhà tranh vách đất, ăn uống thiếu thốn, lương bổng hạn hẹp... Nhưng với lòng yêu nghề, quyết tâm đem lại kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số, tôi chưa bao giờ nản chí. Nhiều em, gia đình nghèo muốn bỏ học, tôi đến tận nhà để động viên phụ huynh cho con em đến trường. Lâu rồi, không còn công tác trong ngành giáo dục nữa, nhưng tôi vẫn thấy nhớ những tiết dạy, nhớ những học sinh thân yêu của mình.

A Lưới, không ai không biết là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp nên công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, ông Lê Anh Miêng luôn chú trọng chỉ đạo các bộ phận, cán bộ tuyên giáo cơ sở lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp để giúp người dân dễ dàng tiếp thu và thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện nhà. Làm công tác tuyên giáo của một huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ông Miêng nhận thức rằng: Do trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân chưa đồng đều, còn nhiều mặt hạn chế, nên muốn tuyên truyền tốt để đưa chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng các cấp vào cuộc sống, bản thân phải thật sự gương mẫu “nói đi đôi với làm” và phải có phương pháp khoa học, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Từ nhận thức đó, ông đã gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là điều kiện quan trọng giúp Ông luôn đạt kết quả tốt trong công tác tuyên truyền của một người cán bộ tuyên giáo, bởi “làm dân thấy, nói dân tin”. Do đó, khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó chú trọng việc làm theo, không chỉ tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đảng viên, mà Ông còn tuyên truyền, vận động nhân dân ở các thôn, bản trên địa bàn huyện tích cực tham gia, hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: Gương mẫu trong công tác, trong lao động sản xuất, trong đạo đức, lối sống; yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau; vượt khó, thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống… Với tâm niệm: Học tập Bác phải “Lòng trong, tâm sáng”

Trong công tác chuyên môn, Ông luôn nghiên cứu sâu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; không ngừng học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng và những vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực công tác tuyên giáo.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ông luôn gương mẫu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Ông nói: “Bản thân tôi luôn nhận thức rõ mình phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao và coi đây là biện pháp cơ bản, nhiệm vụ thường xuyên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Là một cán bộ, đảng viên trong ngành Tuyên giáo, tôi luôn cố gắng học tập; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình đối với bản thân và tập thể, giữ gìn sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, chi bộ. Thường xuyên học hỏi, hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc chuyên môn…Ông là một đảng viên gương mẫu, thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Gương mẫu học tập và làm theo gương Bác trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ông Lê Anh Miêng được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện tặng nhiều Bằng khen, giấy khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Ban Thường vụ Huyện ủy tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2011-2015). Trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ông tích cực tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc, các đơn vị, phòng, ban, đoàn thể thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực thông qua việc đăng ký và tổ chức các công trình, phần việc cụ thể. Chủ động phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Duy trì và đổi mới công tác tuyên truyền miệng; tham mưu cho cấp ủy kịp thời định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.    

Ông Miêng chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi những người làm công tác Tuyên giáo trong thế hệ hôm nay: Không ai sinh ra là để làm nghề Tuyên giáo. Không có trường lớp nào dạy tất cả kiến thức để có thể khi ra trường làm được tất cả các công việc của ngành Tuyên giáo. Muốn làm công tác tuyên giáo một cách thuyết phục và hiệu quả trước hết cần phải học và tự học đó là:

Học ở mọi nơi, học ở mọi người, là tiếp nhận kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, để nâng cao sự hiểu biết cuộc sống, xã hội. Học và tự học là để tiếp nhận, thu nạp kiến thức giúp chúng ta tự hoàn thiện để có điều kiện làm tốt công tác của mình. Làm công tác tuyên giáo, yêu cầu phải học và tự học thường xuyên, học và tự học suốt đời. Phải học ở mọi nơi, học ở mọi người, học ở mọi lúc. Đọc một trang sách, xem một tờ báo, xem kênh truyền hình, vào mạng đọc một tin trên trang báo điện tử với người làm công tác tuyên giáo, đó là học. Điều quan trọng nhất của đọc là: “Đọc sách phải thông tường nghĩa sách”. Đọc phải hiểu phải tiếp nhận ở mỗi trang đọc có thể giúp chúng ta nhận biết thêm những điều gì mới mẻ, những thông tin cần thiết hữu ích phục vụ cho hoạt động công tác của mình.

Dự hội nghị là học. Trao đổi thảo luận là học, đi tham quan thực tế là học, trong lúc trò chuyện, giao lưu với mọi người cũng là học. Người xưa có câu: “Tam nhân đồng hành, tất ngã sư yên” có nghĩa là có ba người cùng đi trên đường, tất có người là thầy của ta.

Nói là làm, Nghề Tuyên giáo là một nghề lao động trí óc tổng hợp, nghề lao động sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết. Nói của người làm công tác tuyên giáo là để truyền tải Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân. Nói là để truyền tải những tư tưởng tình cảm nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước để từ đó Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối chính sách phù hợp với quy luật, với thực tiễn, với ước vọng lớn lao của nhân dân. Nói là để tạo sự đồng thuận, tạo khối đoàn kết nhất trí, tạo niềm phấn khởi, tạo hành động tích cực đối với người đọc, người nghe góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Sống gương mẫu, trách nhiệm: Người làm công tác Tuyên giáo, mọi lời nói của chúng ta sẽ có ý nghĩa nếu chúng ta sống đúng mực gương mẫu và trách nhiệm với mọi người. Sống đúng mực gương mẫu không phải chỉ với mỗi người trong gia đình mà cần phải đúng mực gương mẫu trách nhiệm với mỗi người trong làng xóm, nơi cư trú mà chúng ta chung sống, gương mẫu trách nhiệm với cán bộ, công chức trong cơ quan, đúng mực gương mẫu trách nhiệm với bạn bè, với cộng đồng xã hội, đặc biệt là với người nghe, người đọc, người xem bài nói của chúng ta. Nếu người nói sống không đúng mực, thiếu gương mẫu, có nhiều khuyết tật thì người xưa đã nói “Há miệng mắc quai”, nói không dám nói rõ, nói không dám nói hết, nói không dám nói chính xác. Nếu nói, sẽ chạm vào mình. Nếu người nói, tư cách trái ngược với lời nói thì đúng là nói một đằng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, không những bài nói không có tác dụng mà trở nên phản tác dụng.

Niềm vui của người làm công tác Tuyên giáo: Với người làm công tác Tuyên giáo, niềm vui lớn nhất là bài nói, bài viết của mình được người đọc, người nghe đón nhận, hoan nghênh, cảm phục. Niềm vui gắn liền với nhiệm vụ được phân công khi nhiệm vụ thực hiện được hoàn thành xuất sắc. Điều quan trọng nhất của người làm công tác Tuyên giáo là giúp được người đọc, người nghe ghi nhớ và cùng làm theo những điều tốt đẹp mà chúng ta đã nêu ra, tránh những điều không nên làm. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta đã góp được phần nhỏ bé của mình để tạo sự đồng thuận, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Với những kết quả đạt được ở các cương vị, ông Lê Anh Miêng nhiều năm liền được các cấp, các ngành khen thưởng. Đó thật sự là niềm tự hào, vinh dự nhưng đối với ông, niềm tự hào, vinh dự to lớn hơn, chính là sự tin tưởng, tôn trọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tại địa phương. Vì lẽ đó, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng ông vẫn hăng say, nhiệt tình công tác và tiếp tục gương mẫu trong chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng - Nhà nước, trong công tác và ngoài xã hội, để được mọi người tín nhiệm là con người luôn “nói đi đôi với làm!”. Có thể nói Ông là một đảng viên gương mẫu, người chiến sỹ Cộng sản trung kiên, suốt cuộc đời Ông luôn giản dị, khiêm tốn dù ở bất cứ cương vị nào.

Hồ Đàm Giang - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày