Tìm kiếm tin tức
BAN BIÊN TẬP
Trưởng ban: Đ/c Lê Trung Hiếu
Phó Trưởng ban: Đ/c Lê Thị Thêm
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.094.146
Truy câp hiện tại 24.464
Giáo dục cách mạng ở A Lưới trước và sau ngày giải phóng
Ngày cập nhật 29/11/2010
Thầy Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ, người dạy chữ đầu tiên ở A Lưới

 Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Hơn ai hết, cũng như các dân tộc thiểu số anh em cả nước, đồng bào các dân tộc A Lưới được Đảng, cách mạng và Bác Hồ dẫn đường chỉ lối đấu tranh để đi đến ấm no, hạnh phúc, văn minh và bình đẳng.

 Sau khi ở đồng bằng Thừa Thiên Huế khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ở miền núi của tỉnh, đồng chí Ăm Mậtđã cùng một số đồng bào dân tộc nơi đây về huyện lị Phong Điền (làng Ưu Điềm) nhiệt liệt chào mừng cách mạng thành côngvà được nhận cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, đồng thời xin một số cán bộ lên tăng cường nhằm tổ chức chính quyền, đoàn thể ở miền núi. Trong lúc này, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời có chủ trương, chính sách mở rộng tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cách mạng cho nhân dân trong toàn tỉnh. Đối với vùng miền núi thuộc huyện A Lưới ngày nay, tỉnh đã chủ trương lựa chọn những cán bộ, Đảng viên ưu tú các huyện đồng bằng như Hương Trà, Phong Điền và Hương Thuỷ, lần lượt được cử lên miền núi để tiếp cận với đồng bào các dân tộc A Lưới, để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng ta đến với đồng bào. Những đồng chí làm nhiệm vụ này đều thực hiện phương châm 3 cùng với dân, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm.

 Trong lúc này để phù hợp với hoàn cảnh, lực lượng lên làm nhiệm vụ chủ yếu là các thầy thuốc và thầy dạy học, vì các lý do, thầy thuốc lên chữa bệnh cho đồng bào để đẩy lùi tệ nạn cúng bái lạc hậu, mê tín dị đoan, còn thầy giáo đem cái chữ lên cho đồng bào tiếp cận ánh sáng văn hoá, văn minh. Tiêu biểu trong phong trào này là thầy giáo Hồ Ngọc Mỹ(1), ngày 20/11/1947 ông đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức 1 lớp học chữ đầu tiên cho bà con dân tộc thiểu số tại làng Câu Nhi, xã Hồng Tiến, có 20 học sinh tham gia. Lớp học thứ 2 được mở vào tháng 12. 1950 tại suối A Nôr, làng A Tia, xã Hồng Kim, có 20 học sinh theo học. Lớp học này cũng do chính thầy giáo Hồ Ngọc Mỹ dạy, tại đây ông đã tôi luyện lý luận cách mạng và tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ theo học là người dân tộc thiểu số.

Đây là 2 lớp học khởi đầu có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với đồng bào các dân tộc ở A Lưới nói riêng và vùng núi Thừa Thiên Huế nói chung. Mặc dù việc dạy và học còn gặp nhiều khó khăn như dùng lá rừng, lá chuối làm giấy, vót tre làm bút, lấy than củi làm phấn viết, lấy đuốc tre làm ánh sáng, lấy nứa đập dẹp hun khói để làm bảng, lớp học đơn sơ bằng tranh tre nứa lá, song với tinh thần và trách nhiệm cao, cả người học và người dạy cùng lập nên những chiến công thầm lặng trong việc diệt và chiến thắng giặc dốt. Một điều đáng tự hào và nể phục hơn nữa, những người thầy này đã biết vận dụng hoàn cảnh hoạt động theo khuôn khổ bí mật, cải trang thành người dân tộc ở địa phương như cưa răng, căng tai, mặc khố, nói tiếng dân tộc, đổi họ để địch khỏi phát hiện. Ngày nay khi nhắc đến những tên tuổi như Cu Nô, Cu Tông, Cu Đẩy(2), chính họ là những người một thời đổi họ để đi gieo chữ cho bà con dân tộc nơi đây.

Tháng 12. 1957, thầy giáo Hồ Ngọc Mỹ cùng với các đồng chí Cu Pông và Cu Tích đã sáng tạo xây dựng hoàn thành bộ chữ phiên âm từ chữ Quốc ngữ thành chữ dân tộc Pacô – Tà ôi đồng thời tiếp tục mở rộng dạy học bằng chữ dân tộc cho người dân trong vùng. Liên tiếp trong hai năm 1958, 1959 ông đã mở được 2 lớp đào tạo giáo viên dạy chữ bằng tiếng dân tộc Pacô – Tà ôi cho người dân tại chỗ.

Lớp học thứ nhất mở năm 1958 tại khe A Xàng, thuộc xã Hồng Trung (xã Hồng Thuỷ ngày nay), có 25 người theo học. Chính từ lớp học này đã tôi luyện tinh thần ý chí cách mạng cho học sinh và sau này những tên tuổi như Cu Têr, Cu Pông, Cu Đăng, Cu Liên, Cu Xuân…đã nối bước các thầy đi truyền cái chữ cho bà con và chiến sĩ là người dân tộc ở vùng cao A Lưới.

Lớp học thứ hai mở năm 1959 tại khe Pi Ây, xã Hồng Quảng (ngày nay thuộc địa phận xã Nhâm), có 30 người theo học do thầy Cu Nô và Cu Đẩy trực tiếp giảng dạy, ở lớp học này với những gương mặt học sinh xuất sắc như Cu Xar, Cu Tình, Kăn Ôi, Ăm Vi…. họ đã cống hiến nhiệt huyết của mình cho cách mạng địa phương

Cùng trong thời gian này các xã Phong Sơn, Phong Lâm, Phong Bình mỗi xã có 1 cán bộ người Kinh được bố trí giúp việc cho các xã, và mở trường dạy học cho đồng bào theo phương châm “người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ” do đó mà việc học đã được nhân dân trong vùng hưởng ứng tích cực, lan toả nhanh và rộng khắp vùng A Lưới lúc bấy giờ. Trong quá trình dạy học, người dạy ngoài việc truyền đạt cái chữ, họ còn gắn liền với các nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, tinh thần giác ngộ cách mạng, ý thức căm thù giặc sâu sắc cho đồng bào. Để từ đó dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp trong vùng là tiền đề quan trọng cho việc tiến hành phong trào đồng khởi miền núi sau này.

 Vì có chuyện học được phát triển và nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng được nâng cao nên tháng 8. 1958 tại làng A Đền (nay thuộc địa phận thôn 3, xã Bắc Sơn) đã tổ chức Hội nghị dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Hội nghị đã quyết định 4 vấn đề quan trọng, đó là:

          Một là: Đồng bào các dân tộc A Lưới một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ đến cùng.
          Hai là: Đồng bào các dân tộc A Lưới đoàn kết chặt chẽ, tạo sức mạnh mới.
          Ba là: Đồng bào các dân tộc A Lưới quyết tâm xoá bỏ những phong tục tập quán lạc hậu và xây dựng đời sống văn hoá mới tiến bộ.
          Bốn là: Đồng bào các dân tộc A Lưới đoàn kết cùng đồng bào cả nước quyết tâm chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương đất nước. 
 
Lời thề đó đã được thực thi thông qua các phong trào giác ngộ cách mạng, đồng bào đã tích cực tăng gia sản xuất ủng hộ cách mạng, đóng góp của cải vật chất, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, từng bước xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Sau hội nghị này, công tác giáo dục của Đảng, của địa phương ngày càng được chú trọng song phải chuyển hướng chỉ đạo, giờ đây các thầy giáo dạy chữ đã mở thêm các lớp phổ cập học chữ cho các cán bộ, chiến sỹ trong vùng, phải nghiêm ngặt trong khuôn khổ bí mật và chuyển mở các trường về các vùng được an toàn. Nội dung giáo dục trong thời kỳ này là tập trung cổ vũ tinh thần, lòng yêu nước, học chữ để tiếp cận chủ nghĩa Mác Lênin, hiểu được những lời Bác dạy, hiểu được những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình học, đồng bào và các chiến sỹ người dân tộc thiểu số đã học được những khẩu hiệu để đối phó với địch, đó là: 3 không “Không biết, không nghe, không thấy”, “Không đầu hàng, không khai báo, không chỉ điểm”  và “Đi không dấu, nấu không khói, nói không lời”.
 
Trong giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1972, tình hình chiến tranh ở A Lưới càng trở nên khốc liệt, các pháo đài bay B52, máy bay không kích của Mỹ đã ném xuống A Lưới hàng ngàn tấn bom các loại, đã rải hàng triệu lít chất độc hoá học… hòng ngăn chặn sự phát triển của cách mạng trong vùng. Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ Trị Thiên, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế cùng các địa phương trong vùng vẫn chăm lo tốt công tác giáo dục, dạy chữ cho các lực lượng Thanh thiếu niên, cán bộ, chiến sỹ tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, tuỳ theo độ tuổi và giới tính. Hình thức học phát triển rầm rộ theo kiểu Bình dân học vụ, địa điểm học cơ động có khi ở nhà dân, học dưới hầm, lớp học dã chiến, học trong hang núi, học ngày, học đêm. Họ vừa học vừa tăng gia sản xuất, vừa học vừa chiến đấu đã đem lại những kết quả vang danh trong cuộc chiến chống Mỹ.
 
Từ năm 1969 đến năm 1975, trường Bổ túc văn hoá tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập tại sông Asáp (thuộc xã Nhâm ngày nay), vùng A Lưới có thầy giáo Lê Thế Khâm người dân tộc Pacô làm hiệu phó . Tại trường này bên cạnh các giáo viên là người Kinh thì cũng có những giáo viên là người dân tộc tại địa phương như Kăn Xanh, Hồ Vui…đã đào tạo được hàng trăm cán bộ nam nữ thanh niên trong tỉnh theo chương trình học đến hết lớp 7 Bổ túc văn hoá, trong đó con em A Lưới đã có nhiều người ở lại phục vụ quê hương A Lưới như: Hồ Mư, Viên Hồ Mường, Hồ Văn Đoan, Hồ Xuân Điền, Lê Hồng Mạch...
 
Tiếp đến năm 1974, Khu uỷ Trị Thiên thành lập trường Bổ túc Công nông tại suối Tà Rê (Trường THCS&DTNT A Lưới đặt tại cụm 2 thị trấn A Lưới ngày nay). Trường này có nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ, bộ đội ở cấp lãnh đạo và chỉ huy trong các cơ quan, đơn vị của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tháng 11. 1974, thành lập Trường Sư phạm miền núi tại khe Cân Tôm (xã Hồng Thượng ngày nay), đến tháng 11. 1975, trường được chuyển về Huế và đổi tên là Trường Trung học Sư phạm Huế (thuộc tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ). Tại trường này đã có công đào tạo nhiều thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đã và đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn hiện nay.
 Sau khi đất nước được giải phóng, để đưa sự nghiệp giáo dục vùng miền núi của tỉnh phát triển mạnh trong đó có A Lưới, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo điều động 82 giáo viên từ đồng bằng lên miền núi làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục, dạy bổ túc văn hoá, xoá mù chữ cho các cán bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng(3) . Như vậy, từ năm 1947 đã có một sự kiện về giáo dục thì đây là lần thứ hai A Lưới được đón nhận những người đi gieo chữ trên quê hương mình.
 
Tháng 3. 1976, huyện A Lưới được thành lập, các xã đã được ổn định, lúc này các mô hình trường lớp được định hình và phát triển. Các trường phổ thông cơ sở ở các xã được thành lập và đi vào hoạt động có nề nếp (nay được tách thành các bộ phận Tiểu học và THCS, nên mô hình này được gọi là Trường Tiểu học). Đến tháng 3. 1978 trường Thanh niên Dân tộc huyện A Lưới, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, mô hình giảng dạy học sinh cấp 2 đến năm 1992 có thêm lớp cấp 3 với quy mô nhỏ và được đổi tên thành trường Trung học cơ sở và Dân tộc nội trú A Lưới (THCS và DTNT). Tháng 8. 2001, trường THPT A Lưới được thành lập trên cơ sở tách ra bộ phận THPT ở trường THCS và DTNT. Đây là bước khởi sắc của huyện nhà để thực hiện tốt hơn sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài nhằm đáp ứng với sự phát triển chung của huyện A Lưới trong gia đoạn mới.
  Nhìn lại qua các bước xây dựng và trưởng thành, từ ngày đồng bào các dân tộc A Lưới bắt đầu học chữ cho đến nay sự nghiệp giáo dục A Lưới đã thực sự phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Năm 1994, toàn huyện chỉ có xã 1 được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, năm 1996 có 11 xã, năm 1997 có 13 xã, năm 1998 có 18 xã và năm 1999 được công nhận là toàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Năm 2004, được công nhận huyện đạt chuẩn quốc gia về giáo dục phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2005, được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Đến nay, mạng lưới trường học toàn huyện hiện có: 03 trường THPT; 07 trường THCS; 21 trường Tiểu học; 13 trường Mầm non; 01 Trung tâm GDTX và 01 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Về xây dựng cơ bản đến nay đã có 100% trường, lớp được xây dựng bằng bê tông hoá, tầng hoá, lớp học khang trang và đã chấm dứt tình trạng học 3 ca trong ngày. Nguồn nhân lực hiện nay toàn ngành có hơn 700 giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, với hơn 300 Đảng viên, 22 trường có chi bộ Đảng và 100% trường học có Đảng viên. Đó chính là những thành tựu, kết quả của một quá trình xây dựng và trưởng thành trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện A Lưới trong suốt những năm qua.
**********************
Chú thích:
(1): Hồ Ngọc Mỹ: Người làng Phổ Lại, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 21 tuổi đã sớm giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 11. 1947, khi mặt trận Huế vỡ, ông được tổ chức phân công hoạt động vùng Tây Trị Thiên mà chủ yếu ở A Lưới với cái tên gọi mới Cu Nô.
(2): Cu Nô, Cu Tông, Cu Đẩy: Chính là tên gọi của 3 thầy giáo đổi họ đi gieo chữ: Hồ Ngọc Mỹ, Đoàn Văn Dương (nguyên Tỉnh uỷ viên, Bí thư Quận uỷ quận 4), Lê Đấu (Quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc).

           (3): Ngày nay đội ngũ giáo giới và đồng bào ở A Lưới vẫn còn nhớ tên những thầy cô giáo đến với vùng đất này từ sau những ngày mới giải phóng như các thầy cô: Huỳnh Đình Kết, Lê Quang Kết, Lê Quang Tùng, Phan Tấn Tô, Võ Thị Bông, Châu Thị Loan, Châu Quang Lộc, Lê Việt Chiến….

Tập tin đính kèm:
Trần Nguyễn Khánh Phong
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày