Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Các dân tộc thiểu số huyện A Lưới “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy bản sắc, hội nhập và phát triển bền vững”.
Ngày cập nhật 16/06/2024

Tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá những thành tựu, kết quả trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2024. Qua đó ghi nhận, tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu là đồng bào các dân tộc thiểu số trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đồng thời, đề ra mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cho giai đoạn 2024 – 2029. Sáng ngày 16/6/2024, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ IV

Tại Đại hội, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã báo cáo tình hình dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới và kết quả triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 – 2024, đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029.

Đại biểu tham dự Đại hội

A Lưới là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, được thành lập ngày 03 tháng 3 năm 1976 với tổng diện tích tự nhiên là 114.850,01 ha. Toàn huyện có 17 xã và 01 thị trấn. Trong đó có 16 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 14.343 hộ, 54.402 nhân khẩu, trong đó có 11.028 hộ, 42.534 khẩu là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 77,6% dân số toàn huyện, với 28 dân tộc, trong đó có 5 dân tộc chủ yếu, chiếm đa số là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh.

Đảng bộ huyện có 63 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy, 212 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 5.219 đảng viên (trong đó có 3.383 đảng viên là người DTTS, chiếm 64,82%).

Trong 5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tuyệt đối chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, đời sống của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực: phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh và đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng một khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Đ/c Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

Công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh, của Cấp ủy về các Chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo chung của huyện. Phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu hàng năm, đề ra những giải pháp, biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình và đặc thù của địa phương, trong đó công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc như chương trình 135, Quyết định 1719/QĐ-TTg, Quyết định 90/QĐ-TTg…đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, đảm bảo cho các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND các cấp. Các chỉ thị, Nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ huyện được triển khai bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được tăng cường, giải quyết kịp thời và hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân trong giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phong trào “Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo, không có ma tuý”... đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tạo nhiều chuyển biến tích cực, giúp đồng bào, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc và ngày càng có trách nhiệm cao hơn trong thực thi công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào các DTTS huyện A Lưới

Việc phát triển kinh tế ở vùng đồng bào các DTTS huyện A Lưới chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong 5 năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, dự án, như: Chương trình 135; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...kinh tế của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,22 triệu đồng/người/năm, tăng 10,9 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Nông, lâm nghiệp:

Từng bước hình thành và phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế như chuối hàng hóa, hoa xứ lạnh, chăn nuôi bò, nuôi cá tầm, sâm bố chính, nuôi ong ruồi tự nhiên… Bà con đồng bào DTTS đã áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận hàng vụ đều trên 98%. Năng suất lúa nước đã có xã ĐBDTTS (xã A Ngo) đạt 65tạ/ha, tương đương xã ở đồng bằng. Đã có nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều hộ kinh tế vườn đạt hiệu quả cao như hộ ông Hồ Viết Ái Duy, xã Quảng Nhâm với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ; bà Hồ Thị Sa, xã Đông Sơn với mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò hữu cơ; Nguyễn Hải Teo với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, trồng dược liệu, trồng chuối; Nguyễn Thị Thúy Kiều, xã Lâm Đớt với mô hình trồng rừng và chăn nuôi; Hồ Văn Thắng, xã Hồng Thượng với mô hình nuôi bò, cá, trồng rau hữu cơ...

Đã giao 20.279 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý bảo vệ, hưởng lợi, chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng trồng kinh tế là 11.211 ha, diện tích khai thác và trồng lại mỗi năm khoảng 2.000 ha, cho giá trị thu nhập bình quân ước khoảng 50-55 triệu đồng/ha. Diện tích rừng đã cấp chứng chỉ FSC là 372,84 ha.

Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải:

Toàn huyện có 210 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề; 09 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động và triển khai đầu tư xây dựng, trong đó: 05 nhà máy Thủy điện đang vận hành; 01 Nhà máy gạch tuynel, công suất 10 triệu viên/năm; Thực hiện có hiệu quả Đề án khôi phục và phát triển nghề truyền thống huyện A Lưới giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngành nghề thủ công như rèn, mộc, nề, đan lát, chổi đót; nghề mới như xay xát, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản; nghề truyền thống như dệt Dèng từng bước được khôi phục và phát triển, có 3 làng nghề Dệt Dèng được công nhận làng nghề cấp tỉnh.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng:

Được sự đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Các công trình thủy lợi cơ bản cung cấp đủ nước sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc; 100% đường đến trung tâm xã, đường liên thôn được cứng hóa; 100% xã được phủ sóng viễn thông; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, 78% sử dụng nước sạch; 100% hộ gia đình được tiếp cận thông tin. Diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân các DTTS từng bước được nâng cao, số hộ khá, giàu ngày càng tăng.

Về văn hóa, thể thao, du lịch:

Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh, có 97% cơ quan, đơn vị, 96% thôn, tổ dân phố và 86% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch được thực hiện thường xuyên. Đã biên soạn và xuất bản cuốn sách 100 món ẩm thực của đồng bào DTTS A Lưới và đang tiến hành sưu tầm, biên soạn và xuất bản sách về lễ hội.

Các nghề truyền thống như dệt Dèng, đan lát, sửa chữa nhạc cụ, điêu khắc, làm chổi đót, nghề gốm… được khôi phục và phát triển, trở thành sản phẩm ưa chuộng của du khách. Trang phục thổ cẩm truyền thống được sử dụng phổ biến trong nhân dân…Các lễ hội truyền thống được duy trì và phát huy, như: A Riêu Piing, A Riêu Car, A Da... phù hợp với thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật. Nhiều gương điển hình tiên tiến trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống: Về ẩm thực có ông Hồ Nhật Tân (A Ngo); Dân ca, dân nhạc, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội có em Ra Pát Ngọc Hà (Lâm Đớt), ông Nguyễn Hoài Nam (Hồng Hạ), ông A Têng (Hồng Bắc); Bảo tồn lễ hội, nghề gốm, điêu khắc như ông Hồ Văn Hạnh (Trung Sơn). ..

Với tiềm năng sẵn có và nỗ lực của nhân dân, chính quyền địa phương, Lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Pa Cô ở được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (năm 2019). “Địa điểm chiến thắng đồi A Bia”  được xếp di tích lịch sử Quốc gia (năm 2021). Đến nay đã có 12 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn và kêu gọi đầu tư, xã hội hóa công tác thể dục, thể thao. Nhờ đó, phong trào tập luyện thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, tạo thành phong trào quần chúng rộng khắp trong các đối tượng và địa bàn dân cư. Có nhiều người DTTS tham gia và thi đấu đạt nhiều giải thể thao thành tích cao như: vận động viên Karatedo Hồ Thị Hạ (Quảng Nhâm) đạt Huy chương đồng Châu Á; Vận động viên Karatedo Hồ Thị Hành (Hồng Thái) đạt Huy chương Vàng Quốc gia. Cầu thủ Hồ Thanh Minh (Lâm Đớt), đạt Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31; Em Hồ Văn Đạt (Hương Nguyên) đạt Huy chương Bạc chạy tiếp sức hỗn hợp 4x50m Tiểu học, tại Giải Thể thao học sinh phổ thông toàn quốc năm 2023… góp phần vào thành tích chung của đoàn thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và đoàn thể thao Việt Nam tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn thể thao của huyện cũng đạt nhiều giải cao các môn bắn nỏ, bóng đá, bóng chuyền.

Huyện đã có nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, các phương án hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng… Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng. Phát triển homestay, nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch.

Từ những người dân chân lấm tay bùn, quanh năm làm nương rẫy, người dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã biết làm du lịch, mua bán, giới thiệu sản phẩm, quảng bá du lịch, thành lập hợp tác xã... Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, được du khách ưa chuộng, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững. Nhiều điển hình trong công tác phát triển du lịch như Lê Ngọc Anh, Motell Hà Dèng, Viên Đăng Phú, Hoàng Thanh Duy

Hiện nay, các loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn khá đa dạng, phong phú như: Dịch vụ lưu trú (24 homestay, 09 nhà nghỉ, khách sạn), 05 Làng văn hoá du lịch cộng đồng. Hầu hết các homestay do người DTTS xây dựng và vận hành. Dịch vụ du lịch trải nghiệm, trekking, dịch vụ mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương và các dịch vụ giải trí, tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật…phát triển mạnh. Chợ phiên vùng cao được tổ chức thường kỳ… Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh và năm 2019 được chọn là một trong ba làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Nhãn hiệu du lịch A Lưới đã được cục sở hữu trí tuệ bảo hộ.

Giáo dục và đạo tạo:

Giáo dục và đào tạo của huyện có sự phát triển rõ nét về mọi mặt, hàng năm, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng 1,5-2%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm 0,5-1%, số lượng các em học sinh người dân tộc thiểu đạt giải trong các hội thi, cuộc thi tăng (03 giải Nhất trong Cuộc thi khoa học kĩ thuật, 02 giải Nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, 09 em đạt giải Ba trở lên trong các Hội thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh); tỷ lệ huy động trẻ, học sinh đến trường đều đạt và vượt kế hoạch; công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả cao (huyện A Lưới duy trì và giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xoá mù chữ mức độ 2). Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày được nâng lên: Có 98% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; hàng năm có 06 đến 08 giáo viên đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, có 02 đến 03 giáo viên được biểu dương khen thưởng cấp Bộ Giáo dục và tương đương. Đã tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên cơ sở thực trạng mạng lưới trường lớp và từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa, đáp ứng được nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đã có 08 trường chuẩn quốc gia được công nhận mới, 02 trường được công nhận lại nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 32/47, chiếm 68%. Hàng năm các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho trên 600 học sinh và đã đào tạo nghề cho trên 2000 lao động nông thôn là người DTTS.

Về chính sách xã hội:

Hàng năm, các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng trong mỗi địa bàn dân cư; vận động hàng nghìn suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá trên 31 tỷ đồng; tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ khi có thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên 7,5 tỷ đồng.

Triển khai và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS; thực hiện đầy đủ, đúng chế độ chính sách đối với các gia đình chính sách DTTS như: Chế độ người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người bị nhiễm chất độc hóa học, trẻ tàn tật, mồ côi…. Đã chi trả hàng tháng cho trên 5.500 đối tượng với số tiền gần 11 tỷ đồng. Kịp thời hỗ trợ cho các hộ ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.

Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện tặng hoa và bức trướng chúc mừng đại hội

Nhân dân các dân tộc tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước….

Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh một cách đồng bộ, quyết liệt. Triển khai các biện pháp thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kinh tế - xã hội phát triển. Tập trung huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 24/3/2022 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện và nâng lên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng, hạ tầng đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh; văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường... có nhiều tiến bộ; An ninh chính trị,trật tự xã hội được giữ vững.

Nhân dân các dân tộc tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thách thức. Tư tưởng chính trị và tinh thần yêu nước của đồng bào DTTS trong huyện ngày càng được củng cố; các loại hình văn hóa phi vật thể của mỗi dân tộc được bảo tồn và phát huy, từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Xây dựng một không gian văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng tặng giấy khen cho đại biểu tiêu biểu các DTTS

 

Hà Thiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 27.233.430
Truy câp hiện tại 13.800