Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn ký BBVPHC, lập BBVPHC quá thời hạn, xác định đối tượng và hành vi vi phạm mới
Ngày cập nhật 01/12/2023

1. Về uỷ quyền làm việc, trình bày ý kiến, ký biên bản vi phạm hành chính của cá nhân vi phạm

1.1. Về uỷ quyền làm việc, trình bày ý kiến

Điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”. Trong đó, khoản 17 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: “Người đại diện hợp pháp bao gồm cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý”.

Căn cứ các quy định nêu trên, cá nhân vi phạm hành chính có thể uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc, trình bày ý kiến với cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Phạm vi những người đại diện thực hiện theo quy định của Luật XLVPHC. 

1.2. Về uỷ quyền ký biên bản vi phạm hành chính

Khoản 4 Điều 58 Luật XLVPHC và điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP) quy định: “Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký”.

Điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc 2 trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”.

Luật XLVPHC và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP không quy định cụ thể cá nhân vi phạm không được uỷ quyền ký BBVPHC, nhưng có quy định cụ thể việc lập BBVPHC như đã nêu trên, nên việc phải có xác nhận của cá nhân vi phạm là thủ tục cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý cũng như đảm bảo tính hợp pháp về thủ tục của việc xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, trường hợp cá nhân vi phạm hành chính thì cá nhân phải ký BBVPHC, trường hợp cá nhân vi phạm không ký BBVPHC thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

2. Về biên bản vi phạm hành chính được lập quá thời hạn quy định

Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền”, theo đó, biên bản làm việc được lập khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hành chính (chưa đủ căn cứ xác định vi phạm hành chính). Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Biên bản làm việc quy định tại các điểm a và b khoản này là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính”.

Điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính”.

Như vậy, Luật XLVPHC và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP không quy định về thời hạn lập BBVPHC kể từ khi biên bản làm việc được lập mà chỉ quy định về thời hạn lập BBVPHC khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính (được quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP). Vì vậy, căn cứ vào biên bản làm việc ghi nhận là vi phạm hành chính hay có dấu hiệu vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt tự xác định thời điểm “phát hiện vi phạm hành chính”, từ đó, xác định thời hạn lập BBVPHC theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

 

Tập tin đính kèm:
Lê Thanh Huệ - Phòng Tư pháp
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 27.351.677
Truy câp hiện tại 7.246