Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri
Ngày cập nhật 22/02/2021

Tại phiên họp thứ 52, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ vào ý kiến kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục 6 tháng trở lên; không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri tại nơi cư trú như hiện hành và không bổ sung quy định về việc chia nhỏ số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri như đã thể hiện tại dự thảo Nghị quyết trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 51.

Riêng về vấn đề tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm tính ổn định, phát huy các ưu điểm, khắc phục được một số vướng mắc trong kỳ bầu cử trước, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội (bao gồm cả cử tri công tác tại Viện Nghiên cứu lập pháp). Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội triệu tập và chủ trì hội nghị này.

Tại phiên họp, cơ bản nhất trí với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống. Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, đô thị chưa có tổ dân phố, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và Ban quản trị khu chung cư hoặc Ban quản lý khu chung cư, Ban quản trị khu đô thị (nếu có) triệu tập và chủ trì hội nghị, mời cử tri cư trú tại tòa nhà khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống tham dự hội nghị.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể về thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác, nội dung và biên bản hội nghị cử tri, thủ tục tổ chức hội nghị cử tri.

Về giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố, Nghị quyết quy định Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu thành phần.

Trưởng ban công tác Mặt trận triệu tập và chủ trì hội nghị gồm toàn bộ các thành viên của Ban công tác Mặt trận để thảo luận, dự kiến người ứng cử và cử thư ký hội nghị.

Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi giấy mời tham dự hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố. 

Thành phần mời dự hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố gồm: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố; Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung, Nghị quyết quy định việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức và thực hiện theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương V của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn có liên quan.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 16 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành; đồng thời quy định trong quá trình thực hiện Nghị quyết này nếu có khó khăn, vướng mắc thì cơ quan, tổ chức báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời hướng dẫn./.

 

Theo Cổng Thông tin điện tử Hội đồng bầu cử quốc gia
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 22.935.375
Truy câp hiện tại 4.837