Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

CHỈ THỊ Về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Ngày cập nhật 12/06/2019

Ngày 10.6.2019, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian vừa qua đã xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 3.807 xã, 389 huyện của 54 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.374.124 con. Ngoài ra đã có 147 xã thuộc 75 huyện của 25 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 44.097 con. Thời gian qua đã có 54 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 08/6/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 1.272 hộ chăn nuôi, 330 thôn, 75 xã thuộc 8 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 5.065 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 267.035 kg.

Tại huyện A Lưới, có 03 xã đang xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn của 03 hộ chăn nuôi, 03 thôn, 03 xã: Hồng Hạ, Hương Phong, Hồng Quảng. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy 25 con với tổng trọng lượng là 267.035 kg.

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 05/01/2019 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 20/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh. Để chủ động phòng và ngăn chặn xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp sau:

1. Kiện toàn Ban chỉ đạo chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.

2. Chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ và gửi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật.

3. Kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước, các tỉnh có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào địa bàn huyện; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn theo quy định.

4. Tăng cường giám sát nơi buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

5. Triển khai thực hiện ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh”; Kế hoạch số 40 /KH-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2019 của UBND huyện về việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào địa bàn huyện A Lưới; bố trí kinh phí kịp thời để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

6. Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

7. Củng cố hệ thống thú y theo quy định của Luật Thú y để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

8. Tăng cường chốt chặn 24/24 giờ tại 03 điểm tại ngã ba Bốt Đỏ, Hồng Vân và Hương Nguyên để kiểm tra việc vận chuyển lợn nhằm quản lý tình hình dịch bệnh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên; Thủ trưởng các phòng, ban, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Tài chính - Kế hoạch, Công an huyện, Các Đồn Biên phòng, Phòng Văn hoá và Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ đã phân công chủ động phối hợp trong công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt là trong công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn bị bệnh, lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc./.

(Nội dung chi tiết xem file đính kèm)./

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 22.944.271
Truy câp hiện tại 657