Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới
Ngày cập nhật 05/11/2010
Lễ hội A riêu car

 Trên tinh thần nghị quyết của TW 5 khoá VIII, nhiều năm qua, giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số ở A Lưới đã được bảo tồn và phát huy cùng với xu thế mới trong thời kỳ hội nhập.

 Không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở A Lưới là vùng đất nằm về phía Tây của tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm Thành phố Huế 75km, địa hình của huyện nằm gọn trong thung lũng hình “lòng chảo” được bao quanh bốn bề là núi cao hùng vĩ.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn

Chủ nhân của không gian văn hóa truyền thống là cư dân các dân tộc ít người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me (ngữ hệ Nam Á) bao gồm các dân tộc: Katuh, Pa kôh, Tà Ôih, Vân kiều, Pa Hy.

Cư dân ở A Lưới có quá trình tụ cư lập nghiệp từ lâu đời và gắn liền với các bước phát triển của đất nước qua từng thời đại. Trải qua thời gian dài với những biến đổi thăng trầm của lịch sử dân tộc, hiện nay dân số của huyện hơn 43.000 người. Với cư dân các dân tộc thiểu số ở A Lưới, sinh hoạt văn hóa xuất hiện thường xuyên gắn bó với từng cá thể, từng gia đình, làng, bản. Nó được quy định khá phức tạp và chặt chẽ, các dân tộc ở đây sống gắn bó với núi rừng từ lâu đời, từ trong lao động và từ mối quan hệ xa hội. Chính họ đã hun đúc nên những truyền thống văn hóa độc đáo, phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc. Những truyền thống văn hóa này thể hiện một cách sinh động khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội tạo nên một nét văn hóa độc đáo riêng có, nó tô điểm thêm trong bức tranh muôn màu của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lễ hội A riêu car

Trên phương diện văn hóa phi vật thể, ngoài hoạt động kinh tế sản xuất nương rẫy thì ngôi nhà là nơi tụ họp, sinh hoạt và nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Cấu trúc nhà ở truyền thống là nhà sàn có mái dài, thấp để tránh mưa nắng, nếu nói về phương diện kỹ thuật thì nhà sàn Dài là cách tốt nhất, phù hợp nhất về mặt bằng sinh hoạt ăn, ở trên địa hình đất dốc như A Lưới. Người Pa kôh, Tà Ôih thường dựng ngôi nhà dài truyền thống – đại gia đình gồm nhiều thế hệ, mỗi gia đình được chia một gian (hoặc buồng). Mỗi gian có một bếp lửa và cứ như vậy, có bao nhiêu bếp lửa là có bấy nhiêu gia đình nhỏ - trừ một bếp lửa chung của đại gia đình (còn gọi là Moong). Ngoài ra họ còn xây dựng nhà kho, chòi cạnh nương rẫy. Đặc biệt là nhà nhà Rông (dân tộc Tà Ôih), nhà Gươl (dân tộc Ka tuh), nhà Moong (dân tộc Pa kôh) đây là nơi hội tụ sinh hoạt các hoạt động nghi lễ trang trọng.

Cấu trúc ngôi nhà được thiết kế nghệ thuật, dưới bàn tay tài nghệ của các nghệ nhân một phần bên trong ngôi nhà được chạm khắc, trang trí rất tài tình. Điều đó cho chúng ta thấy được đây là một công trình mang đậm bản sắc dân tộc. Phong tục tập quán lâu đời của đồng bào là nam nữ đến tuổi trưởng thành phải xăm mình, cà răng, căng tai, bối tóc, đeo cườm, đeo vòng cổ, vòng tay, mặc váy đối với nữ, đóng khố đối với nam, vải thường được đồng bào tự dệt lấy hoặc trao đổi nội bộ giữa các tộc người trong vùng. Zèng là loại thổ cẩm đặc trưng của người Ta Ôih dệt nên từ các loại sợi được xe từ bông cây và nhuộm bằng các loại vỏ cây, lá, quả và củ rừng. Zèng được trang trí hoa văn, màu sắc đen, đỏ, vàng, trắng. Có trên 50 loại hoa văn khác nhau trên trang phục của người Tà Ôih chủ yếu là những biểu tượng thiên nhiên, những hình ảnh của cuộc sống được họ tái hiện trên những bộ trang phục rất sinh động và vô cùng tinh tế.Theo chu kỳ vòng cây trồng, suốt cả một mùa rẫy (từ tháng 3 âm lịch đến hết tháng 12 hàng năm) rất nhiều nghi lễ được tổ chức như: Lễ hội kết nghĩa giữa làng này với làng khác (A riêu car), Lễ mừng lúa mới ( A riêu Ada), Lễ hội giỗ tổ tiên (A riêu ping), Lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ). Khi nói đến văn nghệ dân gian của đồng bào A Lưới thì đây là một trong những sinh hoạt văn hóa đặc trưng phong phú và độc đáo thể hiện tính hồn nhiên yêu đời và giàu tính giáo dục. Với kho tàng tục ngữ, dân ca, ca dao, điệu múa mang đậm nét dân tộc đồng bào nơi đây đã tích lũy được vốn tri thức và kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên và xã hội những ước mơ tươi đẹp và chính đáng của bản thân. Ở giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào nơi đây vốn có tính hiền hòa, chất phác, đầy tương thân, tương ái trong quan hệ với cộng đồng. Bởi vậy ở bất kỳ hoàn cảnh nào, lời ca của họ vẫn vang vọng cất lên, từ lời ru của người Mẹ, người chị dỗ dành cho em ngủ đến những lời “Cha chấp”, “Xiềng” đối đáp của trai gái yêu nhau, họ gửi vào đó những niềm mong ước và lòng tin tưởng với đứa con sau này lớn lên sẽ thành người khôn ngoan, dũng cảm, gan dạ và gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống.

Các thể loại dân ca rất phong phú như “Kâl lơi” (dành cho người lớn tuổi, hát đối đáp trong những buổi uống rượu, hội hè với những nội dung nghiêng về lý trí mang tính giáo dục khuyên răn). “Ba bói(là thể loại dân ca chỉ hát vừa đủ để nghe trong gia đình hoặc một nhóm người thân cận với cách hát đối đáp, nội dung tâm sự, bàn bạc công việc làm ăn..). Cùng với văn nghệ dân gian là các nhạc cụ dân tộc với các điệu múa, giọng hát, lời ru là niềm tự hào chính đáng trong sinh hoạt văn hóa nội bộ hoặc khi giao lưu với du khách ngoài huyện, tỉnh. Trong lĩnh vực nghệ thuật dân vũ, người dân nơi đây muốn phản ánh phần nào cuộc sống tâm linh trong sinh hoạt, lao động và chiến đấu. Những động tác uyển chuyển và nhịp nhàng của điệu múa hòa theo tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng thanh la với trang phục truyền thống của dân tộc đã toát lên một hình ảnh độc đáo, thể hiện được tình đoàn kết giữa các dân tộc. Điều đó phản ánh được đời sống văn hóa của các cư dân nơi đây khá sinh động và phong phú.Trong vốn văn hóa nghệ thuật dân gian của cư dân nơi đây còn phải kể đến kho tàng truyện cổ tích với những nội dung kể lại những kỳ tích, những hành động của con người trong môi trường thiên nhiên và xã hội qua những thời kỳ lịch sử xa xưa. Chọn lọc từ trong truyện cổ chúng ta có thể tìm thấy dấu ấn mật thiết của chế độ xã hội với tập quán lễ nghi, trình độ sản xuất, sử dụng công cụ, vũ khí đấu tranh, khả năng sáng tạo… và cũng qua nội dung của các truyện cổ chúng ta biết về nguồn gốc của các tộc người thiểu số, qua đây thấy được thế giới quan, nhân sinh quan và những quan niệm về đạo đức, cuộc sống trong lao động, sản xuất cũng như trong sinh hoạt văn hóa đó là ý chí đấu tranh bất khuất để chinh phục thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù, tâm hồn lạc quan, phóng khoáng, trung thực.

Trong tình yêu lòng chung thủy, nồng thắm cho dù phải chịu đựng nhiều thử thách, những cốt truyện đôi khi có những tình tiết éo le (như truyện Piêr choonh của dân tộc Pa kôh), có những truyện nói về hôn nhân giữa Tiền và Tục (như truyện Nàng A đủ Trun của dân tộc Katuh)…Điêu khắc và hội họa là hai môn nghệ thuật hấp dẫn mà cư dân các dân tộc A Lưới đã sáng tạo ra, nhà Dài, nhà Rông, nhà Moong, nhà Mồ, cột đâm trâu là những nơi thể hiện tác phẩm của các nghệ nhân, những hình tượng xăm khắc, vẽ những màu sắc đường nét sặc sỡ, những mô típ trang trí trên cột có liên quan đến tin ngưỡng của dân làng, nguồn gốc. Trên vách nhà là những hoa văn hình học, các chim thú hoa rừng do tưởng tượng ra, tạo nên sự hiền hòa nhịp nhàng giữa các màu sắc của các loại hình vẽ. Đó là hình tượng liên quan đến cái sống, cái chết của đời người.

Trong ý thức hệ cư dân các dân tộc A Lưới đã sớm giác ngộ cách mạng, họ đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng chống lại kẻ thù cướp nước đến cùng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, A Lưới là căn cứ địa cách mạng trọng điểm của tỉnh và cả nước. Đồng bào ở A Lưới là những người đã đùm bọc nuôi dấu cán bộ, bộ đội cách mạng, giúp đỡ bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội đia phương, họ cùng với bộ đội và nhân dân cả nước là chủ thể trực tiếp xây dựng tuyến đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh – con đường huyết mạch, huyền thoại nối liền Bắc Nam. Năm 1966 – 1972, đế quốc Mỹ đã nem xuống đây hàng triệu tấn bom các loại, rải hàng triệu lít chất độc hóa học, bắn phá suốt ngày đêm biến mảnh đất này trở thành chiến trường khốc liệt đụng độ giữa địch và ta. Song đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn không hề khuất phục trước sức mạnh của không lực Hoa Kỳ - họ tự xưng là bộ đội cụ Hồ - đồng bào cụ Hồ nên họ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc thân yêu. Đó là những truyền thống tốt đẹp về văn hóa và truyền thống yêu nước nồng nàn trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của cư dân các dân tộc ở A Lưới. Hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng, các lễ hội văn hoá truyền thống đã được duy trì và tổ chức thường xuyên tại các làng, bản văn hoá. Phòng Văn hoá và Thông tin huyện là cơ quan thực hiện chức năng nhiệm vụ này.

Các giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số ở A Lưới ngày càng được nhận diện và biết nhiều hơn qua các dịp tham gia ngày hội Văn hoá, thể thao toàn Tỉnh, toàn quốc, lễ hội Festival hàng năm, giao lưu nghệ thuật dân gian với các tỉnh bạn như Hướng Hoá – Quảng Trị, Tây Giang – Quảng Nam và với nước bạn Lào (Huyện Sa Muồi – tỉnh Salavan – Lào) cũng như phục vụ du khách trong nước và nước ngoài đến thăm và làm việc với Huyện… Bên cạnh đó giá trị văn hoá đó cũng được thể hiện mình khi tham gia tiếng hát dân ca các dân tộc Việt Nam do Đài THVN tổ chức 2 năm một lần (Mỗi lần tham gia hội thi đều đạt giải nhất, nhì toàn quốc), Hội thi Liên hoan đưa thông tin về cơ sở…

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở nhằm đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được người dân A Lưới hưởng ứng tích cực tạo sự phát triển đồng bộ kinh tế với văn hoá, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội. Chính nhờ vào sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban nghành cấp huyện và cấp xã, thị trấn mà trong những năm qua phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình trong địa bàn toàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, đạt kế hoạch đề ra 100% xã, thị trấn đăng ký xây dựng, 100% làng, thôn, tổ dân cư văn hoá. 

Các loại hình văn hoá phi vật thể (dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội..) các di sản văn hoá được tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đến nay đã tổ chức, thành lập được các đội văn nghệ truyền thống ở các xã đại diện cho mỗi dân tộc trong huyện, mời các nghệ nhân dân gian truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca cổ, những điệu múa cổ, truyền nghề truyền thống nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát, mộc, rèn, chạm khắc mỹ nghệ… Văn hoá ẩm thực như cơm làm, cháo thểm cẩm, rượu cần, rượu đoác, các món ăn đặc sản truyền thống được phổ biến và đặc biệt là đưa vào phục vụ khách du lịch khi đến tham quan ở đây… các thiết chế văn hoá được chú trọng đầu tư xây dựng, tính đến đầu năm 2010 toàn huyện đã xây dựng được 132 ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục và dựng được 15 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôih, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Ka Tuh và 1 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Kôh, 01 nhà Sàn du lịch tại trung tâm Thị trấn A Lưới, sưu tầm được các làn điệu dân ca cổ, truyện cổ tích... của các dân tộc nơi đây. Hiện nay phòng trưng bày, triễn lãm truyền thống văn hoá của các dân tộc thiểu số ở A Lưới đã được thi công và hoàn thành ở giai đoạn 1.Các điểm đi tích lịch sử cách mạng (đường B45, đường 71, 72,73,74), địa đạo Động So, đồi Abia (còn gọi là Đồi Thịt Băm), động Tiên Công...đã được nhà nước các cấp có thẩm quyền công nhận là DTLS cấp Quốc gia và đưa vào quản lý sử dụng có hiệu quả. Công tác kiện toàn bộ máy, đào tạo cán bộ làm công tác văn hoá được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Tính đến nay 100% cơ sở có Trưởng ban chuyên trách về công tác văn hoá được đào tạo, tập huấn theo yêu cầu nhiệm vụ.

Thu hoạch cà phê

Nhìn chung đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá ở cả cấp huyện và cơ sở đều tích cực với sự nghiệp văn hoá, trình độ của đội ngũ cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện đều được đào tạo đúng chuyên ngành từ Cao đẳng trở lên, nhiều đồng chí có tâm huyết với nghề, có nhiều sáng tạo trong việc khai thác và dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ quần chúng, nghệ thuật dân gian, góp phần đưa sự nghiệp phát triển văn hoá của huyện nhà ngày càng tiến bộ rõ rệt.Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số ở A Lưới vẫn còn gặp phải những mặt hạn chế nhất định. Hệ thống các giá trị (nhất là giá trị văn hoá phi vật thể) đã và đang trong tình trạng rạn nứt, thậm chí còn bị phá vỡ. Bởi chúng ta đều biết rằng văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thường được tồn tại và được nuôi dưỡng từ gia đình, dòng họ trong làng bản. Tuy nhiên trải qua chiến tranh tàn phá và trong quá trình giao lưu văn hóa, những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã bị mai một, pha tạp, tình trạng phai nhạt bản sắc văn hóa đang diễn ra rất nhanh chóng và phổ biến, đó là việc mất dần nhà Sàn, nhà Dài, thờ ơ với trang phục truyền thống, quên đi tiếng nói, quên những điệu hò dân ca, dân vũ. Nhất là lớp trẻ ngày nay đang dần quên đi những giá trị văn hóa truyền thống mà lớp lớp cha ông đi trước đã để lại. Bên cạnh việc đầu tư cho công tác bảo tồn những nét văn hóa truyền thống bao gồm cả văn hóa vật chất và phi vật thể vẫn chưa nhiều, chưa mạnh. Hoạt động văn hoá nghệ thuật tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Công tác giao lưu văn hoá tuy có phát triển nhưng chưa mạnh, nội dung còn nghèo nàn, bên cạnh đó các dân tộc trên địa bàn chưa thể hiện được những nét văn hoá riêng có của dân tộc mình. Phương tiện cơ sở vật chất và cán bộ làm công tác văn hoá ở các cấp trình độ, năng lực còn chưa đồng đều… Các dịch vụ văn hoá phát triển nhanh, mạnh, đa dang nhưng khâu quản lý thiếu chặt chẽ nên đã gây ảnh hưởng đến an ninh – trật tự xã hội, các loại hình văn hoá đồi truỵ vẫn còn tồn tại và đang dần xâm nhập vào gia đình, xã hội…Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:

Thứ nhất: Trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp ở nhiều phương diện, nhất là về kiến thức kinh tế thị trường, kiến thức về khoa học công nghệ để áp dụng vào lao động sản xuất phục vụ cho phát triển kinh tế - vốn là nền tảng vật chất của xã hội. Hệ quả là làm cho kinh tế chậm phát triển, đời sống đồng bào khó khăn, nghèo đói dẫn đến sự hiểu biết về văn hoá hạn chế…
Thứ hai: Đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây chưa hiểu hết được tính hai mặt của cơ chế thị trường, nhận thức chưa đầy đủ vai trò của văn hoá trong phát triển KT – XH. Xem nhẹ văn hoá so với kinh tế. Sự không đồng nhất về sắc thái văn hoá địa phương và tộc người cũng là một yếu tố gây cản trở cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá bởi mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều mạng một nét văn hoá đặc thù riêng có.
Thứ ba: Công tác bảo tồn và phát vẫn chưa được chú trọng. Cán bộ làm công tác văn hoá chưa thật sự khai thác hết các bản sắc của mỗi dân tộc, lớp trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến văn hoá thời hiện đại mà quên dần những bản sắc văn hoá truyền thống của cha ông đã để lại…
Thực trạng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới nêu trên như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm công tác văn hóa nói riêng cũng như những ai quan tâm đến văn hóa truyền thống, điều đó thức tỉnh mỗi người chúng ta cần phải có ý thức bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong điều kiện phát triển của nền kinh tế thị thường, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, cán bộ và nhân dân A Lưới cần phải làm tốt những vấn đề sau:
Một là: Chủ trương, đường lối của Đảng , Pháp luật của Nhà nước luôn là kim chỉ nam dẫn đường cho sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc mà trong đó có các dân tộc thiểu số ở A Lưới. 
Hai là: Phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với phát triển văn hoá, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong việc bản tồn và phát huy cần tôn trọng bản sắc văn hoá của từng vùng miền và có sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, các ban nghành chức năng với nhau và với cộng đồng bản địa.
Ba là: Trên cơ sở đã có về những bản sắc văn hoá mà A Lưới đã có, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, sưu tầm, kiểm kê lại toàn bộ di sản văn hoá vật thể và phi vật thể để bảo tồn và phát huy theo luật di sản văn hoá mới ban hành.
Bốn là: Nâng cao trình độ dân trí của người dân bản địa. Đây là một biện pháp cực kỳ quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất bỡi lẽ khi nói đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số chủ thể của nó không ai khác là con người mà cốt lõi của con người là ý thức. Không nhận thức đúng, không hiểu được cái độc đáo của bản sắc văn hoá dân tộc thì hành động sẽ không đúng. Phải khẳng định rằng những nghệ nhân cùng với đội ngũ trí thức mới được đào tạo là chủ thể trực tiếp trong việc kiểm kê, sưu tầm tái jiện lại di sản văn hoá và cũng chính đội ngũ này là lực lượng chính sang tạo ra những giá trị văn hoá mới, nâng cao giá trị văn hoá truyền thống lên tầm cao mới.
Năm là: Tăng cường xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng sâu đến từng làng, bản của các dân tộc ở A Lưới…
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề có tính quy luật cho sự tồn tại và phát triển của một quy luật trong cộng đồng quốc tế, là sợi chi đỏ xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Với văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở A Lưới cũng vậy nếu không có phương pháp bảo tồn cụ thể rất có thể những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp sẽ mất dần. Điều đáng quý là không ít cá nhân, gia đình, làng bản của cư dân ở đây vẫn có ý thức tự tôn, giữ gìn văn hóa truyền thống của mình bằng nhiều cách. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng (khóa VIII) đã khẳng định: Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng về phong cách bản sắc của các tộc người. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau và làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, cũng cố sự thống nhất dân tộc. Là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em. Cụ thể hóa một bước quan điểm đó, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị cụ thể đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục nguy cơ mai một và mất dần bản sắc văn hóa ở một số dân tộc đồng thời triển khai thực hiện tốt Nghị quyết lần thứ 5 của BCHTƯ Đảng (khóa VIII) mà tư tưởng và mục tiêu chỉ đạo là: “Coi trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống và xây dựng phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc… làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc thiếu số. Đồng thời với công việc sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và giới thiệu cần có kế hoạch bảo tồn các công trình, địa chỉ văn hóa có giá trị tiêu biểu ở các vùng dân tộc thiểu số và các giá trị văn hóa khác…”.        Trước xu thế toàn cầu cầu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô lớn thì việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Trong quá trình hội nhập, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tuy có cơ hội để phát triển nhưng đồng thời lại có nguy cơ lớn bị mai một đi, nếu như không bảo vệ những giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống.

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước, trong xu thế hội nhập là vấn đề lớn phù hợp với định hướng bảo vệ di sản văn hóa, làm thế nào để vừa bảo tồn nhưng vẫn phải duy trì được sự phát triển theo xu hướng tiến bộ xã hội bảo vệ văn hóa truyền thống trong nền văn minh công nghiệp. Bảo vệ, bảo tồn nhưng vẫn phải bảo đảm cho những chủ thể ở đây được hòa nhập, được hưởng thụ những thành quả mà xã hội đem lại.

Tập tin đính kèm:
Lê Loan
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.828.386
Truy câp hiện tại 12.466