Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Gìn giữ và phát huy các điểm DTLSCM trên địa bàn huyện A Lưới
Ngày cập nhật 23/04/2019

A Lưới là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, gìn giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng tiêu biểu. Trong đó di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đặc biệt, các hệ thống di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu là hệ thống địa đạo của khu ủy Trị Thiên trong dãy núi A Túc, cụm địa đạo Động So, A Đon, động Tiên Công, các sân bay ASo, A Lưới, A Co, đồi ABia và các hệ thống di tích LSCM có giá trị khác vẫn còn hiện hữu cùng thăng trầm thời gian và còn nguyên giá trị lịch sử cách mạng của dân tộc. Ngày 24/12/2018, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ( tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum,Bình Phước ) được Thủ tướng Chính phủ công  nhận nhận xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5-2019) chúng ta cùng tìm hiểu về các điểm di tích LSCM trên địa bàn huyện A Lưới.

Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Huyện ủy A Lưới về thực hiện Nghị quyết lần thứ 11 của BCH Đảng bộ huyện (khóa X) về xây dựng và phát triển Văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định, ngoài những tiềm năng du lịch để A Lưới phát triển về mọi mặt thì trong đó việc bảo tồn, phát triển, phát huy các di tích lịch sử cách mạng ven đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện là một khả năng khả quan bởi khi nói đến A Lưới, ngoài những du lịch văn hóa dân tộc thì tham quan hệ thống các di tích lịch sử cách mạng sẽ vô cùng bổ ích, thiết thực cho những đợt về nguồn. Nhằm giới thiệu, quảng bá và khái quát về các điểm di tích lịch trên địa bàn huyện A Lưới, để bạn đọc có thể nắm rõ hơn trong việc tìm hiểu lịch sử cũng như dễ dàng hơn trong việc tham quan du lịch.

Thuận lợi: Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện A Lưới vẫn còn hiện hữu các hệ thống địa đạo, hang động, sân bay và các điểm di tích quan trọng khác mang giá trị tầm vóc về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, vẫn còn sống và cung cấp nguồn tư liệu xác thực nội, dung, ý nghĩa các trận đánh lịch sử liên quan đến các điểm di tích LSCM trên địa bàn huyện.

Khó khăn: Trên nền các điểm di tích LSCM đã bị xấm lấn bởi các công trình nhà ở, nương vườn của người dân. Một số di tích đã bị ngập nước hoàn toàn, gặp khó khăn trong việc xác định hiện trạng. Trải qua thăng trầm của thời gian, thời tiết khắc nghiệt, nhiều điểm di tích đã bị xói mòn, vùi lấp xuống cấp trầm trọng. 

Di tích LSCM là những bảng chứng vật chất, minh chứng sống mang ý nghĩa quan trọng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích giúp con người hiểu được cội nguồn lịch sử cách mạng của dân tộc mình. Chính vì vậy việc gìn giữ và phát huy các điểm DTLSCM trên địa bàn huyện A Lưới để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ  trẻ trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay là hết sức quan trọng và cấp thiết.

1. Hệ thống các Địa đạo

1.1. Địa đạo A Đon:  Nằm sát chân đồi A Đòn thuộc xã Hồng Quảng, đây là nơi cất dấu và xây dựng Đài phát thanh giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế và chuẩn bị cho chiến thắng Mùa xuân 1975. Đã được xếp hạng di tích cấp Tỉnh ngày 13/10/2006.

1.2. Địa đạo A Nôr:  Nằm ở phíá Đông Bắc xã Hồng Kim, địa đạo này có 3 hầm do quân và dân xã Hồng Kim đào. Đây là địa điểm hoạt động bí mật của trụ sở kháng chiến xã Hồng Kim giai đoạn từ 1965 đến 1973.

1.3. Địa đạo A Púc: Nằm gần suối A Púc, xã Hồng Kim. Đây là nơi trú ẩn từ năm 1967 đến 1970 của đơn vị K 200 thuộc Sư đoàn 324, Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Trung làm chỉ huy trường, phụ trách mặt trận đường 12 tuyến Huế - A Lưới.

1.4. Địa đạo A Ting: Nơi đây  là hầm của Sở chỉ huy Sư đoàn 324 thuộc Quân khu 4. Địa đạo này cũng là chỗ tập kết nhân lực và quân nhu, chuẩn bị cho trận đánh đồn và Sân bay A So trong thời gian, tháng 1,2,3 năm 1966.

1.5. Địa đạo Ca Vá:  Thuộc địa phận xã Nhâm, đây là nơi trú ẩn của đồng bào xã Hồng Quảng, che chở nuôi quân, cán bộ du kích trong vùng và các xã lân cận.

1.6. Địa đạo Còng A Bó:  Nằm phía Đông của xã Hương Lâm huyện A Lưới, đây là nơi đơn vị bộ đội mang số hiệu 643 thuộc Quân khu 4, địa đạo này nhằm để khống chế toàn bộ khu vực 03 xã Hương Lâm, A Roàng, A Đớt. Địa đạo được đào năm 1963 đẻ hỗ trợ cho Bộ tư lệnh Quân khu 4 chuẩn bị tấn công và tiêu diệt sân bay A so vào tháng 3 năm 1966.

1.7. Địa đạo Cốp: Nằm giữa địa phận 2 xã A Ngo và Sơn Thủy, đây là đồn trú ẩn của Trung đoàn 8 Quân khu 4. Được hình thành từ năm 1967 và có di chuyển vào 1970. Và là nơi tập trung huấn luyện cho các Chỉ huy trưởng bộ đội địa phương. Trong địa đạo có Hội trường, trạm chỉ huy trưởng bộ đội địa phương, trạm xá. Địa đạo này quân ta đặt  sở chỉ huy trực tiếp mặt trận đường 12 tuyến A Lưới – Huế vừa khống chế thung lũng sân bay A Lưới.

1.8. Địa đạo 49: Nằm giữa địa phận xã Hồng Quảng và Nhâm, đây là nơi quân đoàn thuộc Quân khu 4 làm sở chỉ huy, tập trung chủ đạo lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu. Địa đạo được hình thành từ năm 1968 và di dời năm 1972, nằm về phía Đông Nam đồi A Biah gần sông A Sáp.

1.9. Địa đạo Hồng Kim: Được đào vào cuối năm 1967, nằm gần ụ tên lửa chân đồi A Túc thuộc địa phận thôn Đụt xã Hồng Kim. Địa đạo có chiều sâu 12 m, chiều rộng 1,5, chiều cao 1,8m

1.10. Địa đạo Nam Sơn - Hồng Bắc: Nằm dưới chân đồi A Biah. Đây là nơi tập trung huấn luyện cán bộ chỉ huy cho các trung đoàn, tiểu đoàn của mặt trận các hướng, phối hợp với các lực lượng binh chủng bảo vệ kho 61 và khống chế thung lũng A Lưới.

1.11. Địa đạo Động So - A Túc, Hồng Bắc: Đây là cụm địa đạo để chuẩn bị cơ sở vật chất, khí tài cho chiến trường Miền Nam mà trước tiên là chiến dịch Xuân 1968. Ngay giữa năm 1965, được sự đồng ý của Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương quân khu Trị Thiên Huế sau nhiều lần khảo sát đã quyết định chọn dãy núi Động So – A Túc thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, nơi rất gần với đường Hồ Chí Minh đi qua và cách trung tâm Thị trấn A Lưới không xa để đào nhiều địa đạo thành từng cụm mỗi cụm từ 2 đến 3 địa đạo, nơi đào địa đạo gần khe nước, mỗi địa đạo thường có 2 cửa cao từ 1,55m – 1,65m, rộng từ 1,35m – 1,45m làm điểm tập kết lực lượng cất giấu vũ khí, làm nơi tập trung nhiều đơn vị mỗi khi hành quân qua khu vực này. Sự xuất hiện của cụm địa đạo Động So – A Túc đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cao ở chiến trường miền Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, góp phần xứng đáng trong thắng lợi chiến dịch Xuân 1968. Cụm địa đạo Đông So -  A Túc đã được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 2005 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

1.12. Địa đạo An Hô: Nằm ở địa phận xã Hương Nguyên, Địa đạo có chiều rộng 2m, chiều cao 2m và chiều dài gần 100m hình chữ U, 2 cửa. Địa đạo này đã giúp cho bộ chỉ huy của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 trú quân để chỉ huy các trận đánh và các chiến dịch. Đồng thời dự trữ vũ khí đạn dược, lương thực, quân nhu cho phòng tuyến An Hô, góp phần giữ vững vùng giải phóng, tạo đà cho chiến dịch giải phóng TP. Huế và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975. Hiện nay, Bảo tàng LSCM tỉnh đang xây dựng hồ sơ đề nghị được công nhận xếp hạng di tích LSCM cấp tỉnh.

2. Hệ thống các hang động

2.1. Động Kòong: Đây là một hang động này nằm ở phía Bắc của Động Tiên Công thuộc địa phận xã Hồng Kim. Là nơi đồn trú của đại đội thông tin thuộc sư đoàn 324 Bộ Quốc Phòng từ năm 1967 đến năm 1975. Động gồm có 3 bậc. Bậc 1 sâu 16m, rộng 10m, cao 0,5m; bậc 2 sâu 1m, rộng 3m, cao 1m; bậc 3 sâu 9m, rộng 2,5m, cao 2,5m.

2.2. Động Kòonh Óc: Nằm ở khe Trệt, xã Đông Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây được chọn làm trụ sở cho cán bộ hoạt động bí mật từ năm 1956 đến 1962. Tại đây đã hình thành nhiều tổ chức, cơ sở, đội, nhóm tham gia kháng chiến.

2.3. Động Pâr Lěěch: Nằm trên địa bàn xã A Đớt. Từ năm 1962 – 1966, tại đây đồng bào thôn  Pâr Lěěch đã sử dụng động này để che chở và nuôi dấu cán bộ, bộ đội, quân du kích hoạt động kháng chiến chống Mỹ.

2.4. Động Tiên Công: Nằm ở độ cao 1091m, Động nằm ở lưng chừng núi A Túc, dưới chân là con sông Târ Rěnh, phía trước mặt có đường Hồ Chí Minh đi qua. Đứng trên động có thể quan sát toàn cảnh thung lũng A Lưới. Chính những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta đã khai thác nơi này như một trạm tiền tiêu lợi hại. Ở đây luôn có một đại đội công binh túc trực tại một khoảng  đất trống và bằng phẳng có bề dài hơn 300m, bề rộng hơn 150m và đây còn là nơi tập kết chuyên chở hàng hóa như lương thực, thực phẩm, pháo 175 ly, xe tăng thiết giáp vào kho 61. Là nơi trú ẩn kiên cố, an toàn cho hàng vạn lượt cán bộ chiến sĩ khi công tác qua đây những năm 1965 – 1976. Động Tiên Công đã được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 2005 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

3.  Hệ thống di tích sân bay.                                 

Để thực hiện âm mưu bình đinh các cuộc đồng khởi nổ ra ở miền núi Thừa Thiên Huế mà nhất là ở A Lưới, trong khoảng thời gian từ năm 1957 đến năm 1965, Mỹ - Ngụy đã tốn khá nhiều công sức cho việc xây dựng các sân bay quân sự và sân bay dã chiến nhằm thực hiện mưu đồ đó. Nhưng với tấm lòng yêu nước, yêu quê hương bảo vệ từng bản làng. Nhân dân và các chiến sĩ ở A Lưới đã đánh phá toàn bộ hệ thống các sân bay của Mỹ - Ngụy làm cho quân thù phải khiếp sợ. Các sân bay A Co, A Lưới, A So đã gắn liền với những tên tuổi của các anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Hồ Thị Đơm. Gồm có 04 sân bay: Sân bay A Lưới, A So, A Cuồn, A Co…

3.1. Sân bay A Lưới: Sân bay được xây dựng ngay giữa trung tâm Thị trấn hiện nay, bởi đây là dải đồng bằng rộng nhất huyện A Lưới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quan sự, kinh tế của huyện A Lưới. Làm chủ được khu vực này thì hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình ở đây. Chính từ tầm quan trọng đó, đế quốc Mỹ đặc biệt quan tâm và do vậy kế hoạch xây dựng sân bay A Lưới được quan tâm hàng đầu và khởi công xây dựng vào tháng 8/1957. Sân bay A Lưới là trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ - Ngụy từ Đông sang Tây, chặn ngang mạch máu nối liền từ Bắc vào Nam của quân ta. Sự tồn tại của sân bay đã gây không ít khó khăn trở ngại cho cán bộ, bộ đội ta mà ảnh hưởng trực tiếp là đường Hồ Chí Minh. Vì vậy việc giải phóng sân bay A Lưới là nhiệm vụ cấp bách nhằm đập tan hệ thống phòng thủ của quân địch, tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự lớn tiếp theo. Với quyết tâm đó ngày từ năm 1964, bên cạnh hoạt động phá ấp chiến lược, diệt phá kìm, lực lượng vũ trang quân khu Trị Thiên Huế đã chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất, khí tài chờ thời cơ tiêu diệt sinh lực địch. Đến ngày 09/01/1965 bộ đội ta đã bất ngờ đồng loạt nổ súng và chỉ trong 1 thời gian ngắn bộ đội ta đã làm chủ được sân bay A Lưới, một dải đồng bằng rộng lớn từ Hồng Vân phía Bắc đến Hương Lâm phía Nam của huyện được giải phóng. Chiến thắng giải phóng sân bay A Lưới đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Sân bay A So đã được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 2005.

3.2. Sân bay A Cuồn:  Thuộc địa phận xã Hồng Thái, nằm sát bờ sông A Sáp, giáp với ngã ba sông Târ Rěnh. Được xây dựng vào năm 1960 với âm mưu của Mỹ - Ngụy là thực hiện chiến lược chặn ngay tuyến hành lang Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, kiểm soát và ngăn chặn con đường liên lạc giữa A Lưới với đồng bằng.

3.3. Sân bay A Co: Thuộc địa phận thôn Tà Bạt, xã Hồng Thượng, cách ngã ba Bốt Đỏ (ngã ba đường 72 – 14B) 2km về hướng Tây Nam, cách trung tâm Thành phố Huế 70km về hướng Đông theo quốc lộ 49 (đường 12). Sân bay được Mỹ - Ngụy xây dựng vào năm 1960 có quy mô nhỏ hơn so với các sân bay khác ở A Lưới và đồng bằng nhằm chống phá tuyến đường vận tải vào Nam ra Bắc của quân ta. Đây là âm mưu mà Mỹ - Ngụy  thực hiện chiến lược “chặn ngay cả 4 phía” và cũng là một trong ba tụ điểm tập trung cải trang của tiểu đoàn biệt kích Mỹ. Song mọi nỗ lực của đế quốc Mỹ và tay sai đều không thực hiện được.Phong trào đồng khởi năm 1963 – 1964, quân và các dân tộc ở A Lưới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam đã đồng loạt nổi dậy phá ấp chiến lược, đánh chiếm đồn Bốt Đỏ, sân bay A Co buộc địch phải tháo chạy, góp phần rất lớn trong việc phá bỏ hành lang chiến lược đường Hồ Chí Minh. Sân bay A Co đã được Nhà nước công nhận là DTLS cách mạng cấp Quốc gia năm 2005.

3.4. Sân bay A So:  Thuộc địa phận thôn Ân Sam, xã Đông Sơn cách đương Hồ Chí Minh 2km về phía Đông, cách trung tâm Thành phố Huế 90km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Những năm 1955 – 1959, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được sự hả hơi tiếp sức của đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đòn bốt ở các vị trí xung yếu tại A Lưới như A So, Bốt Đỏ, A Co... xây dựng các trại tập trung, dồn  đồng bào ta vào ấp chiến lược hòng cô lập đồng bào với cách mạng. Song với tinh thần kiên cường và bất khuất, nhân dân các dân tộc A Lưới đã đoàn kết một lòng, thủy chung với cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ. Nhờ đó mà phong trào cách mạng nơi đây được mở rộng và lan tỏa khắp nơi. Để đối phó với tình hình đó, Mỹ đã xây dựng Sân bay A So vào năm 1960, với mục đích tăng cường tiềm lực chống phá cách mạng, nhất là ngăn chặn sự lớn mạnh của tuyến đường Hồ Chí Minh. Năm 1966, Sư đoàn 324 của quân khu 4 đã phối hợp với bộ đội chủ lực địa phương phá hủy hoàn toàn sân bay này. Cả một vùng rộng lớn phía Nam A Lưới được giải phóng, tạo điều kiện cho đường Hồ Chí Minh phát triển. Từ 1960 đến 1966 nơi đây đã diễn ra 2123 trận đánh lớn nhỏ, tiêu hao 2200 tên địch, hàng binh 705 tên. Sân bay A So được công nhận là DTLS cấp Quốc gia vào tháng 2 năm 2013.

4.Hệ thống các điểm di tích LSCM quan trọng khác.

4.1. Di tích Ra Pát - Hồng Thượng: Tại chòi Koonh Minh, làng Ra Pát (cũ), xã Hồng Thượng, từ ngày 21 đến 24 tháng 4 năm 1961 đã diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ IV, gồm 52 đại biểu chính thức. Đại hội kiểm điểm tình hình trong tỉnh từ năm 1954 – 1960 và đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác, trừ gian, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, quyết định thành lập lực lượng vũ trang địa phương.

4.2. Di tích A Nôr - Hồng Kim:  Năm 1947, khi mặt trận Huế vỡ, nhiều cán bộ chiến sĩ từ đồng bằng lên miền Tây Trị Thiên Huế tham gia hoạt động cách mạng và ông Ku Nô ( Hồ Ngọc Mỹ) đã chọn nơi đây làm trường học dạy chữ Pa cô – Tà ôi và Trường học cách mạng đầu tiên cho bà con cùng các chiến sĩ cách mạng là người dân tộc thiểu số. Tại đây hàng trăm cán bộ chủ chốt là người đồng bào dân tộc ít người đã được tôi luyện thêm về chủ nghĩa Mác – Lê Nin và về đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đây cũng là điểm giao công văn, thư mật, thông tin giữa đồng bằng với miền núi. Cũng tại đây, năm 1967 du kích xã Hồng Kim đã lập nên chiến công oanh liệt bàng những bẫy đã với nhiều mưu trí, dũng cảm, sáng tạo đã giết chết 16 tên địch khi chúng càn dọc suối A Nôr.

4.3. Di tích Km0 đường B45A – Hồng Vân: Đây là con đường được nối từ đường Hồ Chí Minh từ Đông Trường Sơn từ ngã ba Hồng Vân thuộc thôn Kêr dưới chân đèo Pe kêr sang Tây Trường Sơn tại La Hạp thuộc tỉnh Sê Kông nước bạn Lào. Đường được xây dựng từ 1966 – 1975, đây là trọng điểm đánh phá ngăn chặn ác liệt của không quân, bộ binh Mỹ - Ngụy từ năm 1966 đến năm 1973.

4.4. Di tích Dốc Mèo - Hồng Vân: Nằm trên sườn núi  A Nong, thuộc địa phận xã Hồng Vân, cách đường Hồ Chí Minh 1km, đây là một trong những trọng điểm chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh, ta quyết tâm giữ còn địch quyết tâm phá. Dốc con Mèo có địa hình phức tạp, núi đã hiểm trở, trước tình hình đó, năm 1969 Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế quyết định mở đường tránh Dốc con Mèo để phá vỡ thế độc quyền và phân tán mục tiêu đánh phá của địch, đồng thời vẫn bảo đảm thông tuyến chi viện tốt cho các chiến trường, chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất cho chiến dịch Xuân 1975. Đã được công nhận DTLS cấp Quốc gia ngày 20/5/1991 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

4.5. Di tích Dốc Chè - Hồng Vân: Bắt đầu từ chiến khu Hòa Mỹ (Phong Điền) vượt ngang qua dãy Trường Sơn đến thung lũng A Lưới thuộc địa phận xã Hồng Vân ngày nay. Nơi đây có một rừng chè tự nhiên tươi tốt vừa làm trạm dừng chân, vừa là khu vực an toàn có thể nghỉ ngơi của những đoàn cán bộ ngược xuôi đồng bằng, miền núi trong những năm kháng chiến.

4.6. Di tích Đồi Con Cọp - Hồng Vân: Nằm ở sườn núi  ANong, đây là một trọng điểm quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, là hậu cứ tập kết vũ khí, quân trang, quân dụng của quân giải phóng trong kháng chiến của quân đội ta. Đã được công nhận DTLS cấp Quốc gia ngày 20/5/1991.

4.7. Di tích Đồi A Biah - Hồng Bắc: Ngày 10-5-1969, sư đoàn không vận 101 nổi tiếng của Mỹ tấn công các vị trí của miền Bắc VN dọc đường biên giới với Lào. Đó là đồi 937. Quả đồi này đã được ghi vào lịch sử quân đội Mỹ như một nỗi khổ nhục với biệt danh đồi Thịt Băm. Các bác sĩ bệnh viện di động của quân đội Mỹ nói họ chưa bao giờ thấy nhiều người bị thương đến vậy trong một thời gian ngắn...Trong mười ngày chiến trận ở đồi Thịt băm, nhà xác vùng 1 chiến thuật lúc nào cũng đầy xác lính Mỹ. “Cuộc hành quân ở đồi Thịt Băm là cuộc hành quân điên rồ và vô trách nhiệm”, thượng nghị sĩ Kennedy đã bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn và ông cũng không thể tìm lời nào gay gắt hơn những lời này. Được  công nhận là DTLS cấp tỉnh ngày 13/10/2006 .

4.8. Di tích Ngã ba Đường 71 -14B, Hồng Vân:  Được mở vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, đường 71 bắt đầu từ La Num (huyện A Lưới) nối với đường 14B ở km 74 – 75, qua Dốc Chè ở sườn Tây núi       Cu Pung xuống Tam Dần đến Hòa Mỹ ( xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền), có chiều dài hơn 70 km, do lực lượng công binh của đoàn 559 thi công. Nhận thấy đây là tuyến đường trọng điểm của ta để phát triển lực lượng xuống đồng bằng, đầu năm 1971 Trung đoàn công binh Quân khu Trị Thiên 414 do đồng chí Nguyễn Hoa - Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy mở tiếp và hoàn thiện con đường nhằm đưa vật chất, khí tài chi viện cho các huyện Nam Quảng Trị, Bắc Thừa Thiên Huế và lực lượng chủ lực của trung đoàn 6 đang đóng quân trên địa bàn, đồng thời đưa pháo xuống Tam Dần chi viện cho các đơn vị bộ binh hoạt động. Trong chiến dịch Xuân 1975, đường 71 phát huy tác dụng mạnh mẽ, là đường tiến quân của các đơn vị phía bắc Huế như trung đoàn 4, tiểu đoàn pháo cao xạ Đại đội 12 tiến đánh giải phóng quận lỵ Phong Điền. Đã được Nhà nước công nhận là DTLS cấp Quốc gia ngày 20/5/1991 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

4.9. Di tích Ngã ba Đường 72 – 14B: Thuộc 3 xã Phú Vinh, Hồng Thượng, Sơn Thủy. Ngã ba đầu đường 72 - đường 14B và địa điểm Bốt Đỏ, nguyên trước đây là con đường mòn có từ thời Pháp, gọi là đường 49 (đường 12) đi từ Huế lên Bình Điền, Tà Lương, Bốt Đỏ, A Lưới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ta chủ trương lợi dụng con đường sẵn có này để phát huy lực lượng, tấn công xuống Huế khi có điều kiện. Trước năm 1968 ta đã sửa chữa đường 49 từ A Lưới xuống đến gần Tà Lương (khoảng 40 km) nhằm đưa vật chất, phương tiện, lực lượng vũ trang xuống áp sát mục tiêu chính là thành phố Huế và sân bay Phú Bài, khi đó địch đã rãi nhựa đường 49 từ Huế đến Bình Điền và lập hệ thống phòng thủ ngăn chặn hoạt động của ta, khi phát hiện ta làm đường, địch đã tập trung hỏa lực nhằm ngăn chặn nhưng với quyết tâm của ta, tuyến đường vẫn được mở. Cơ sở vật chất, kể cả pháo và xe tăng ta đã dần dần “lót ổ” Bản trên tuyến. Đường 49 là trục đường tiến quân và triển khai lực lượng xuống hướng Nam Bắc Huế. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân (1968) của Trung đoàn 9; Trung đoàn 6 và Trung đoàn 12. Được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia  năm 1993.

          4.10. Di tích Ngã ba Đường 73 – 14B: Hương Lâm. Đường 73 là một đường xuất quân của các lực lượng ta trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế xuân 1975. Nguyên trước đây, đường 73 đã có đường mòn. Năm 1972, Quân khu Trị Thiên quyết định mở con đường này thành đường cơ giới hướng xuống đồng bằng Nam Thừa Thiên. Đường 73 (còn gọi là đường 74A) nối với đường 14B xuống động Tà Lài, gặp đường 74 ở km 24 rồi về Tà Ve ( Ta věh) xuống phía Tây khu vực Lương Miêu, Dương Hòa. Xuân 1975, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên Huế đóng cơ quan ở Tam Dần (khu vực đường 71) một bộ phận quân cánh Bắc đóng ở Hòa Mỹ (cuối đường 71) cánh Nam đóng ở Khe Bút (khu vực đường 73). Đường 73 là một đường xuất quân của các đơn vị bộ đội trong chiến dịch Xuân 1975 xuống các huyện phía Nam Thừa Thiên Huế. Khi mở đường 74 – đường vận tải cơ giới, thì đường 74 được sử dụng chủ yếu hơn. Được Nhà nước công nhận là DTLS cấp Quốc gia năm 1993.

4.11. Di tích Ngã ba Đường 74 – 14B, Hương Lâm: Là ¼ nhánh tiểu mạch về giải phóng đồng bằng Thừa Thiên Huế. Đường 74 nối với đường 14B ở km 116 - 117 phía Nam đồn A Sầu, xuống A Roàng, về Động Do xuống Nam Đông (đoạn này dài 64 km). Đường 74 được bắt đầu thi công vào giữa năm 1974, sau sáu tháng thì hoàn thành, lực lượng làm đường gồm toàn bộ lữ đoàn công binh 219 của quân đoàn 2 và được tăng cường thêm hai tiểu đoàn công binh Quân khu Trị Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Hoa, lữ đoàn trưởng công binh 219 trực tiếp phụ trách thi công. Mục tiêu của chúng ta khi mở đường 74 nhằm đưa vật chất, phương tiện, khí tài và lực lượng ta xuống Quốc lộ 1A, chuẩn bị cho hướng tiến công chủ yếu của ta trong chiến dịch Xuân Hè 1975. Do vị trí và tác dụng của tuyến đường này trong ý đồ  chiến dịch nên Bộ tư lệnh quân khu Trị Thiên Huế và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp và thường xuyên chỉ đạo, tăng cường thêm phương tiện như máy móc, thuốc nổ, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt khi tuyến xuống sâu như mũi dao nhọn, hấp thúc vào sườn địch nên chúng xuống cao điểm 64 (km6) để ngăn chặn đường tiến quân của ta. Nhưng với phương châm “mở đường để đánh địch, đánh địch để mở đường” lực lượng công binh ta đã dùng hỏa lực để đánh địch, buộc địch phải rút ngay trong ngày khi chúng đổ quân xuống. Đường làm đến đâu, vật chất, binh khí kỹ thuật, xe tăng, pháo 130 ly cũng theo dân lót sẵn chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công xuân 1975. Được Nhà nước công nhận là DTLS cấp Quốc gia  năm 1993.

Các điểm di tích LSCM là minh chứng hiện thực, sống động về giá trị lịch sử cách mạng của quân và dân A Lưới trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Nơi đây là giảng đường bài học vô giá về những trang sử hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, hi sinh xương máu bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu, trân trọng, học tập và nối tiếp tinh thần yêu nước, hi sinh quên mình cho đất nước hòa bình thống nhất. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các điểm di tích LSCM cho muôn đời sau. Kịp thời tuyên truyền, giới thiệu cho các cán bộ, nhân dân và các em học sinh, sinh viên, nhằm giáo dục cho thế hôm nay và mai sau về truyền thống cách mạng, sự hy sinh gian khổ của thế hệ cha anh đi trước trong hai cuộc chiến chinh của dân tộc, giáo dục cho cán bộ, nhân dân, học sinh, lòng yêu quê hương đất nước. Nhằm bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thêm vững tin vào sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, Bác Hồ kính yêu, phổ biến cho quần chúng nhân dân hiểu biết về truyền thống lịch sử cách mạng của quân và dân A Lưới anh hùng, để  trân trọng, bảo tồn, phát huy giá trị  lịch sử cách mạng thời kháng chiến trường kỳ của đồng bào dân tộc A Lưới, góp phần cho đại thắng mùa xuân năm 1975. Nhiệm vụ tới cần tiếp tục thực hiện, đó là: Tiếp tục phối hợp với Phòng di sản văn hóa, Bảo tàng LSCM tỉnh trong việc tổ chức khảo sát và kiểm tra, đánh giá thực trạng của các điểm di tích LSCM để kịp thời tu bổ, tôn tạo; Giới thiệu và dẫn du khách, các đoàn Cựu chiến binh trong và  ngoài tỉnh đến tham quan, trở lại lại chiến trường xưa để ôn lại một thời hào hùng của dân tộc; Phối hợp với chính quyền địa phương, các cựu chiến binh tiếp tục tìm kiếm, khảo sát các điểm di tích có giá trị lịch sử cách mạng khác để bổ sung vào danh mục hệ thống di tích LSCM trên địa bàn huyện; Phối hợp với các địa phương liên quan đến các điểm di tích LSCM đi kiểm tra khảo sát, theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích.

- Giải pháp quản lý chỉ đạo: Chỉ đạo các địa phương liên quan  thường xuyên tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang và trồng cây xanh, cây cảnh tại các điểm di tích lịch sử; không để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình lấn chiếm khu vực được khoanh vùng và xâm hại di tích. Các địa phương có các điểm di tích, tiến hành thành lập Ban quản lý di tích hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm phân công quản lý, bảo vệ di tích có hiệu quả. Các công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích phải được bảo vệ về đất đai, mặt bằng và không gian. Các dự án cải tạo, xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích nhưng ảnh hưởng đến di tích phái cách khu vực khoanh vùng bảo vệ tối thiểu 1000 m đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và tối thiểu 500 m đối với di tích cấp tỉnh. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn. Hàng năm, tiến hành rà soát, kê khai các công trình xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư tôn tạo, nâng cấp trả lại hiện trạng ban đầu của các điểm di tích đã xuống cấp.

- Giải pháp tuyên truyền: Phối hợp với các địa phương liên quan, đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về giá trị và tầm quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích LSCM. Xây dựng bảng nội quy, biển chỉ dẫn tại các điểm di tích LSCM để nhân dân nhận biết và có ý thức bảo vệ di sản chung của địa phương, quốc gia.

- Giải pháp đào tạo: Tham gia thường xuyên các khóa tập huấn đào tạo công tác Kiểm kê sưu tầm,bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa trong đó có các điểm di tích LSCM, do tỉnh, Bộ Văn hóa tổ chức.

Tổ chức tập huấn cho Công chức văn hóa các xã, Thị trấn về công tác Kiểm kê sưu tầm,bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa trong đó có các điểm di tích LSCM.

Các hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện A Lưới, liên quan đến các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và có sức ảnh hưởng lớn đến trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam được cả thế giới biết đến. Với giá trị ý nghĩa to lớn đó việc tiếp tục  gìn giữ và phát huy các điểm DTLSCM trên địa bàn huyện A Lưới là vô cùng quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Đáng tự hào rằng, trong những năm qua, cán bộ và nhân dân huyện A Lưới đã thực hiện tốt việc Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các điểm DTLSCM trên địa huyện, đã phát huy tốt trong công tác giới thiệu phục vụ các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm các địa danh lịch sử của cách mạng như:  Địa đạo: A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng A Pó, Động So A Túc, Cà Vá, Động Tiên Công, Kòng, Nam Sơn, Hồng Kim; An Hô xã Hương Nguyên.Hang động: Động Coong, Koonh Óc, Pâr Leech, Động Tiến công…Sân bay A Lưới, A So, A Cuồn, A Co, sân bay Bẹc, Sân bay A Mưng và hệ thống các điểm di tích quan trọng khác như: Ra pát, Hồng Thượng, ANôr, Hồng Kim, Km0 B45A,  Hồng Vân, Dốc Mèo, Dốc Chè, Đồi con Cọp,  ngã 3 đường 71, A Bia, Ngã ba Đường 72 – 14B, Ngã 3 đường 73 14B, Ngã 3 đường 74 14B…đã vận động cán bộ nhân dân huyện hiến tặng  trên 520 hiện vật, kỉ vật chiến tranh và đã phân bổ trưng bày tại Nhà trưng bày hiện vật, kỉ vật chiến tranh, khiện vật văn hóa tại trung tâm SHVH các dân tộc huyện A Lưới; Nhà trưng bày hiện vật, kỉ vật chiến tranh A Bia; Nhà trưng bày chứng tích A So. Đón trên 263 tour và trên 21.214 lượt khách đến tham quan du lịch, các đoàn Cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa tại các điểm di tích LSCM trên. Trong những thời gian tới, Phòng Văn hóa và thông tin tiếp tục phối kết hợp với các cấp các ngành liên quan trong công tác sưu tầm, tổ chức tìm hiểu, khảo sát các điểm di tích LSCM đang còn tiềm ẩn chưa được phát hiện, để kịp thời Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các điểm DTLSCM trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thanh Bình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 22.947.060
Truy câp hiện tại 1.722