Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những tiềm năng phát triển du lịch A Lưới
Ngày cập nhật 24/06/2019

A Lưới là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách Thành phố Huế 70km về phía Tây. Là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Ở đây không chỉ giàu những cánh rừng già đa dạng sinh học, những suối trong, thác đẹp cho hành trình du lịch sinh thái, mà còn giàu có di sản văn hóa có thể lựa chọn làm sản phẩm cho du lịch văn hóa tộc người, du lịch ẩm thực, du lịch lịch sử - cách mạng... Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh cùng quốc lộ 49 nối trung tâm huyện A Lưới với thành phố Huế và cửa khẩu quốc gia sang các tỉnh Salavan, Sê Kông của nước bạn Lào, đã tạo ra hạ tầng cơ bản cho phát triển kinh tế du lịch. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, du lịch A Lưới ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

 

Về đặc điểm điều kiện tự nhiên

Ví trị địa lý

Địa giới huyện A Lưới được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 1600'57'' đến 16027’ 30'' vĩ độ Bắc và từ 1070' 3’ đến 10730' 30'' kinh độ Đông.

Ranh giới hành chính của huyện được xác định:

- Phía Bắc giáp huyện Phong Điền và huyện Đa Krông (tỉnh Quảng Trị);

- Phía Nam giáp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam;

- Phía Đông giáp huyện Hương Trà, Nam Đông và thị xã Hương Thủy;

- Phía Tây giáp nước CHDCND Lào.

Huyện A Lưới nằm trên trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 14 xã, thị trấn trong huyện đã phá thế ngõ cụt, nối liền A Lưới thông suốt với hai miền Bắc-Nam đất nước; cách không xa quốc lộ 9- trục đường xuyên Á, có thể thông thương thuận lợi với các nước trong khu vực qua cửa khẩu Lao Bảo-Quảng Trị; đồng thời, Quốc lộ 49 nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A, đây là trục giao thông Đông-Tây quan trọng kết nối A Lưới với quốc lộ 1A, thành phố Huế và các huyện đồng bằng. Có 85 km đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào và là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 khẩu quốc tế A Đớt-Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân-Kutai (tỉnh SaLavan) liên thông với CHDCND Lào, đây là các cửa ngõ phía Tây quan trọng, là lợi thế để huyện mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với nước bạn Lào và các nước trong Khu vực.

Địa hình

A Lưới là huyện miền núi, nằm trong khu vực địa hình phía Tây của dãy Trường Sơn Bắc, có độ cao trung bình 600-800 m so với mặt nước biển, độ dốc trung bình 20-250. Địa hình A Lưới gồm hai phần Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

Khí hậu

A Lưới nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng và ẩm, có hai mùa rõ rệt: mùa nắng và mùa mưa. Với độ cao trung bình từ 800-1000m và địa hình chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên lãnh thổ huyện A Lưới chịu ảnh hưởng của cả gió Tây Nam về mùa hè và gió Đông Bắc về mùa đông. Đặc trưng khí hậu ở đây là có tính chất chuyển tiếp giữa khí hậu Đông và Tây Trường Sơn nên mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn ( từ tháng 5 đến tháng 12). Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng từ 21- 22C. Vì vậy kiểu vùng khí hậu A Lưới  thuộc kiểu khí hậu á nhiệt đới ẩm trên núi, có mùa hè mát, mùa đông hơi lạnh và hàng năm có trên 70 ngày có sương mù. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng A Lưới là "Đà Lạt thứ hai" của Việt Nam.

 Thủy văn

A Lưới là khu vực thượng nguồn của 5 con sông lớn, trong đó có 2 sông chảy sang Lào là sông A Sáp và sông A Lin; 3 sông chảy sang phía Việt Nam là sông Đa Krông, sông Bồ và sông Tả Trạch (nhánh tả của sông Hương).  Ngoài ra A Lưới còn có mạng lưới các suối phân bố hầu khắp trên địa bàn huyện. Phần lớn sông suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, lòng sông hẹp, thường bị sạt lở vào mùa mưa, gây khó khăn cho xây dựng cầu, đường và đi lại.

 

Các nguồn tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch tự nhiên

Vùng núi Thừa Thiên Huế trong đó có A Lưới được xem là “một trong 200 vùng sinh thái quan trọng nhất về đa dạng sinh học trên toàn cầu”. Thiên nhiên đã ưu đãi cho huyện A Lưới có được một môi trường sinh thái rất thuận lợi đó là: khí hậu mát mẻ, ôn hoà và trong lành, núi rừng điệp trùng với nhiều loại gỗ quý và nhiều chủng loại cây lâm sản khác, động vật rừng đa dạng... Đây chính là những tài nguyên tự nhiên có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng.

Rừng nguyên sinh

A Lưới có nhiều cánh rừng nhưng khu rừng nguyên sinh được coi là đẹp nhất và được đưa vào hoạt động du lịch của huyện là khu rừng ở xã A Roàng, cách thị trấn A Lưới 30 km kéo dài từ A Lưới đến tận huyện Giàng của tỉnh Quảng Nam. Khu rừng già nguyên sinh bao gồm nhiều dãy rừng còn khá nguyên vẹn với diện tích 3.000 ha và nhiều hệ động thực vật quý hiếm. Đặc biệt, khu rừng này có đường mòn Hồ Chí Minh đi qua nên rất thuận lợi trong việc đi lại tham quan, nghiên cứu. Khu rừng nguyên sinh với nhiều thác cao, vực sâu rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho ai thích phiêu lưu, mạo hiểm, ưa cảm giác mạnh.

Thác A Nôr – áng tóc trữ tình giữa đại ngàn Trường Sơn

Thác A Nôr cách trung tâm huyện 3km về phía Đông Bắc. Phong cảnh tuyệt đẹp với 3 thác nước liên hoàn, cao 8m, 60m và 120m, tựa như áng tóc trữ tình của các thiếu nữ miền sơn cước... Thác A Nôr còn giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ, thời tiết ở đây mát dịu tạo cho du khách tham quan hưởng một cảm giác trong lành, mát mẻ. Với con người thân thiện, mến khách cùng các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô luôn làm say lòng các du khách khi đến với mảnh đất này.

Điểm du lịch sinh thái Thác A Nôr. Ảnh HNA Nguyễn Hữu Đính

Suối Pâr Le, xã Hồng Hạ

Suối Pâr Le tọa lạc tại xã Hồng Hạ cách thành phố Huế 50 km và cách Thị trấn A Lưới 18 km. Với 2 bãi tắm có sức chứa lớn là vịnh Cất Toom và vịnh Âm Bát, các bãi tắm đẹp và rộng hơn 100m2 cho khách thoải mái nô đùa cùng dòng nước mát. Ngoài ra ở thượng nguồn con suối có hệ thống hang động rất đẹp, những mạch nước ngầm trong lành chảy từ trong núi. Hệ rừng nguyên sinh ở đây hầu như còn nguyên vẹn, vào mùa hè, ở đây còn có rất nhiều trái cây rừng thơm ngon mang vị ngọt của thiên nhiên.

Với 10 sàn (chòi) lớn, nhỏ vững chắc, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản núi rừng, giao lưu, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, hòa nhịp với những làn điệu dân ca đặc sắc mang “âm hưởng của núi rừng”.

Suối A Lin, xã Hồng Trung

A Lin là con suối đẹp, cách đường Hồ Chí Minh 700m. Với bãi tắm rộng đẹp, làn nước trong xanh cùng với vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của nó đã cuốn hút biết bao lữ khách. Hai bên suối, nhiều tảng tá lớn nhỏ và hơn 15 sạp gỗ rộng rãi, thoáng mát giúp bạn tha hồ ngồi chơi trò chuyện, thưởng thức ẩm thực truyền thống.

Đối với những ai thích đam mê khám phá thì phía trên thượng nguồn, du khách càng bị lôi cuốn bởi những khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời, những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau tạo nên hang động kì bí. Thảm thực vật rừng ở đây phong phú, cây cối xanh um cùng với tiếng róc rách suối chảy, tiếng hót líu lo của chim rừng bạn sẽ có cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên trong lành.

Tài nguyên suối khoáng

- Suối nước nóng A Roàng

          Suối nước nóng A Roàng thuộc địa phận xã A Roàng, cách Thị trấn A Lưới khoảng 25 km về phía Nam. Suối nằm ngay cạnh đường 14, trong một vùng đất rộng khoảng 10 ha, có núi cao bao xung quanh. Tại đây, có mạch nước khoáng lộ thiên có nhiệt độ khoảng 60 - 70oC, chứa nhiều thành phần khoáng chất có giá trị chữa bệnh.

- Suối nước nóng Hồng Hạ

          Suối nước nóng Hồng Hạ nằm tại xã Hồng Hạ, cách Thị trấn A Lưới khoảng 35km dọc trên đường quốc lộ 49 từ Huế lên A Lưới. Giếng nước có đường kính khoảng 1m, nằm trong một vùng đất bằng phẳng, nhiệt độ trung bình của giếng nước từ 25-30oC nên có giá trị chữa bệnh rất tốt. Giếng nước nằm cạnh bên một con suối rất đẹp mà người dân ở đây thường gọi chung là suối Hồng Hạ nên tên gọi suối nước nóng Hồng Hạ cũng từ đó mà ra.

Ngoài các điểm tài nguyên du lịch tự nhiên trên, ở địa bàn huyện A Lưới còn các điểm du lịch có khả năng thu hút du lịch như thác Pông Chất, đập Ta Rê, nhiều con sông, con suối lượn bao quanh huyện như sông A Sáp, A Lin, Tà Rình...   

Tài nguyên du lịch nhân văn

Các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng

A Lưới từng là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của chiến trường Trị - Thiên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất này đã ghi nên bao chiến công vang dội với nhiều tên đất tên người đã đi vào lịch sử. Trong đó di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; với hệ thống di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như DTLS Đồi A Biah/Hamburger hill, khu chứng tích chiến tranh hóa học sân bay A Sho, Di tích Dốc Mèo, DTLS đường 71, 72, 73, 74, hệ thống địa đạo của khu ủy Trị Thiên trong dãy núi A Túc, cụm địa đạo Động So, A Đoon, động Tiên Công; các sân bay ASo, A Lưới, A Co…

Bia tưởng niệm ở Đồi A Bia, xã Hồng Bắc

Một số lễ hội, văn hóa, ẩm thực truyền thống tiêu biểu

          Du lịch văn hoá tộc người vùng A Lưới hấp dẫn du khách nhờ các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá và tín ngưỡng của các sắc tộc thiểu số. Với những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới như nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà Rông của dân tộc Tà Ôi, nhà Dài của dân tộc Pa Cô. Với chất liệu chính là gỗ, tre, nứa, tấm lợp lá cọ tạo cảm giác thoáng mát, để rồi cảm nhận mối giao hoà giữa con người và thiên nhiên hoà quyện vào nhau, để tâm hồn thư giãn sau những công việc thường ngày. Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ các lễ hội truyền thống như: Lễ A riêu Car, lễ A riêu ADa, lễ A Riêu Piing... các loại hình văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca như hát Kâr lơi, Ba boih, Cha chấp, Xiềng… mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn; Các phong tục, tập quán đặc sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc nơi đây; Thưởng thức những món ăn, thức uống được chế biết rất cầu kỳ độc đáo mang đậm chất vùng cao.

Lễ hội A Riêu Car truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới.

 

Nhằm phát huy tiềm năng du lịch sinh thái đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, huyện nhà đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Nhâm.

Đến nay huyện đã có 05 mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thôn A Ka1, xã A Roàng; Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thôn A Hưa, xã Nhâm; Làng du lịch sinh thái Việt Tiến, xã Hồng Kim, Tổ hợp tác du lịch suối Pâr le - Homestay Hồng Hạ, Homestay Hương Danh. Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên ban tặng cùng với những nét đặc sắc về truyền thống văn hóa, đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa đặc sắc và đặc biệt du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch văn hóa với chương trình “Một ngày làm già làng Pa Cô”, tham quan bản làng, thỏa sức mình vào dòng nước mát lành của Thác A Nôr, suối Pâr Le, suối A Lin…, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian, chương trình lửa trại giao lưu cộng đồng, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới.

Hoạt động du lịch sinh thái gắn với cộng đồng cư dân A Lưới không chỉ mang lại lợi ích cho người dân địa phương, mà đã và đang là điểm nhấn thúc đẩy nền kinh tế A Lưới phát triển. Sản phẩm du lịch truyền thống ngày càng phát triển, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác du lịch được đẩy mạnh thông qua các phương tiện đại chúng...

Từ những tiềm năng và thế mạnh của du lịch A Lưới như đã nêu thì đó là cơ sở khoa học, khẳng định A Lưới đủ điều kiện để xây dựng nơi tham quan, du lịch phục vụ đáp ứng nhu cầu cho du khách trong và ngoài nước. Hơn thế nữa A Lưới còn có một lợi thế quan trọng đó là trung tâm ngã tư trục đường giao thông Quốc gia nối liền với các vùng, cả nước trước mắt và lâu dài. Phía tây giáp với hai tỉnh Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào, phía bắc giáp huyện Đakrông (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), phía nam giáp huyện Tây Giang (Quảng Nam), phía đông giáp các huyện Hương Trà, Nam Đông và thị xã Hương Thủy. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch A Lưới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người dân, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại địa phương.

Thi Thi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.159.511
Truy câp hiện tại 6.910