Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020
Ngày cập nhật 05/06/2020

Trong 05 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, các cấp, các ngành đã kịp thời tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, tìm những giải pháp thiết thực, hiệu quả để các phong trào thi đua lan tỏa, nhân rộng; trên cơ sở thành quả đã đạt được của giai đoạn trước, đồng thời, khắc phục những khó khăn, thách thức, Nhân dân và cán bộ huyện A Lưới đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước và đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất các lĩnh vực:

1. Trên lĩnh vực kinh tế

Nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 10,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng giá trị tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đến năm 2019 đạt 1.245 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp 482 tỷ đồng, chiếm 38,7%, giảm 13,4%; công nghiệp - xây dựng 382 tỷ đồng, chiếm 30,7%, giảm 5,8%; dịch vụ 381 tỷ đồng, chiếm 30,6%, tăng 19,2% so với năm 2015.

Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 9,4 triệu đồng so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 823 tỷ đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 135 tỷ đồng/năm, trong đó, phần giao huyện thu 29,2 tỷ đồng/năm, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2015.

a) Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, năng suất, sản lượng tăng cao:

- Mặc dù thời tiết những năm qua diễn biến hết sức phức tạp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của bà con nhân dân, sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, nền nông nghiệp của huyện đã tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Các phong trào thi đua trên lĩnh vực nông nghiệp được lồng ghép, phát động rộng khắp, một số phong trào thi đua tiêu biểu như: Phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, phong trào “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp”,… đã được nông dân tích cực hưởng ứng, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong bà con nông dân. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện liên tục được mùa, năng suất, sản lượng vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó: Trồng trọt đạt 139 tỷ đồng, chiếm 28,8%; Chăn nuôi đạt 171 tỷ đồng, chiếm 35,5 %; Lâm nghiệp đạt 102 tỷ đồng, chiếm 21,2%; Cây cao su - Chuối đạt 38 tỷ đồng, chiếm 7,9%; Thủy sản đạt 32 tỷ đồng, chiếm 6,6%. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm ước đạt 5.927 ha/năm. Sản lượng lương thực có hạt bình quân 18.400 tấn/năm, đạt 95,2%. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất được nông dân ngày càng áp dụng rộng khắp.

- Tổng đàn gia súc tính đến nay là 43.545 con, trong đó: đàn bò: 11.613 con, tăng trên 2.000 con so với năm 2015. Tổng đàn gia cầm: 357.250 con.

 - Lâm nghiệp: Đã giao 15.711 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên 60 tỷ đồng. Tổng diện tích rừng kinh tế là 11.211 ha. Diện tích khai thác và trồng lại mỗi năm khoảng 2.000 ha, cho giá trị thu nhập bình quân ước khoảng 50-55 triệu đồng/ha. Triển khai kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2017 - 2020 tại các xã, thị trấn; Kế hoạch tham gia chứng chỉ FSC (chứng nhận tiêu chuẩn rừng) giai đoạn 2017 - 2020, với diện tích 264,94 ha.

- Diện tích nuôi cá nước ngọt 242 ha, sản lượng bình quân đạt 830 tấn/năm, tăng 300 tấn so với năm 2015. Chủ động nguồn cung cấp con giống, các loại cá giống cho năng suất cao được quan tâm đầu tư.

- Nhìn chung, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp phát triển theo hướng bền vững, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo tính phát triển theo hướng bền vững; bước đầu triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị. Đầu tư sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ý thức người dân trong sản xuất có chuyển biến theo hướng tích cực, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Năng suất sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Bước đầu sản xuất của một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hà, hộ ông Nguyễn Ngọc Tế - Hội viên nông dân thị trấn A Lưới; hộ bà Lê Thị Hằng - Hội viên nông dân xã Hồng Thượng; hộ ông Phạm Hải Vân - Hội viên nông dân xã A Ngo; hộ ông Hồ Viên Mười - Hội viên nông dân xã Quảng Nhâm và nhiều hộ gia đình tiêu biểu khác…

Kết quả thực hiện các đề án, chương trình, mô hình:

- Đề án phát triển đàn bò: Từ năm 2016 đến năm 2019, toàn huyện đã nhập 1.473 bò cái hậu bị, trong đó, Đề án: 924 con, các Dự án khác: 549 con.

- Chương trình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị: Các hạng mục được triển khai thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gồm 07 hạng mục/18 xã: Tổng kinh phí: 2.630 triệu đồng, Trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.340 triệu đồng, Ngân sách địa phương, hợp tác xã và các nguồn huy động hợp pháp khác: 1.290 triệu đồng.

- Triển khai Chương trình theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm (OCOP) “Mỗi xã một sản phẩm” gồm các sản phẩm: “Chuối già lùn A Lưới” và “Thịt Bò vàng A Lưới”.

- Mô hình rau an toàn và hoa: có 11 hộ/4.300 m2 tại các xã Sơn Thủy, A Ngo và thị trấn A Lưới; mô hình nhân rộng Hoa Ly Ly: quy mô 08 hộ/xã Sơn Thủy và thị trấn A Lưới với số lượng 5000 củ, cây phát triển tốt.

- Mô hình giống lúa JO2: Triển khai tại 07 xã, diện tích 16,0 ha, năng suất 64,0 tạ/ha; mô hình lúa Ra dư: Diện tích 113,8 ha; mô hình trồng Nếp than: Diện tích 15,4 ha, gieo tại 02 xã Sơn Thủy, A Roàng có năng suất ước đạt 43 tạ/ha.

- Mô hình trồng Bơ: Tại xã Hồng Thủy với diện tích 1,5 ha/02 hộ. Triển khai trồng 05 ha Bơ tại xã Hồng Thủy theo dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn.

- Mô hình Chuối nuôi cấy mô tập trung tại xã Hồng Bắc: Triển khai trồng 1,6 ha với 02 hộ dân tham gia. Năng suất bình quân đạt 26,7 tấn/ha/năm; mô hình trồng Mít (Thái Lan): Diện tích 5,0 ha/04 xã (Hương Phong, Hồng Thượng, Quảng Nhâm, Hồng Vân).

b) Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá:

- Phong trào thi đua trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp từng bước được phát triển rộng khắp, tạo động lực tích cực góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2016-2020, một số ngành sản xuất tăng trưởng đạt khá như hàng thủ công mỹ nghệ, nông đặc sản của địa phương.

- Với sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc triển khai hiệu quả Đề án khôi phục và phát triển nghề truyền thống huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020, một số làng nghề truyền thống đã được khôi phục phát huy như Nghề dệt Dèng của người Tà Ôi, Lễ hội A Da Koonh - mừng lúa mới của người Pa Cô. Đặc biệt, nghề truyền thống được hình thành rõ nét như: Nghề dệt Dèng, đan lát, một số sản phẩm vươn ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.

- Hiện nay, toàn huyện có 02 làng nghề và 21 HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng cát sạn, xây dựng…, trong đó, có 02 làng nghề gồm: Làng nghề dệt Dèng A Hươr xã Quảng Nhâm và Làng nghề dệt Dèng A Đớt xã Lâm Đớt, có 5 HTX dệt may và phân phối thổ cẩm (Dèng) gồm các HTX: Dệt may thổ cẩm thị trấn A Lưới, Dệt may thổ cẩm xã Quảng Nhâm, Dệt may thổ cẩm A Co, xã Hồng Thượng, Dệt may thổ cẩm xã Lâm Đớt, HTX dệt và phân phối thổ cẩm xã A Ngo… Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp nặng dần được hình thành như: Các nhà máy thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản, sản xuất gạch làm vật liệu xây dựng, tinh lọc cao lanh; …

- Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện tốt, tạo nên diện mạo tươi mới cho nông thôn huyện A Lưới. Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhằm phát huy nội lực của cộng đồng, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tích cực.

- Công tác chỉnh trang đô thị đạt được một số kết quả nhất định, trong đó: 100% hộ dân cư đô thị sử dụng nước sạch; hệ thống điện chiếu sáng đạt trên 90% tuyến đường nội thị. Có 28 tuyến đường giao thông nội thị thuộc khu vực đô thị A Lưới được mở rộng, nâng cấp; có trên 3.500 nhà ở khu vực đô thị đạt chuẩn theo quy định; hệ thống trường học, y tế đảm bảo nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho nhân dân; hình thành các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao trong khu vực nội thị. Thị trấn A Lưới được công nhận là thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

  c) Thương mại - Dịch vụ - Giao thông vận tải:

- Phong trào thi đua trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá mạnh, các loại hình dịch vụ, du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Hệ thống bưu chính, viễn thông tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho nhân dân. Mạng di động đã được phủ sóng toàn huyện, dịch vụ bưu chính - viễn thông, internet phát triển nhanh; dịch vụ vận tải hành khách được mở rộng, dịch vụ taxi, cho thuê xe tải, ô tô tự lái phát triển; hệ thống phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Hoạt động tín dụng ngày càng đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của người dân và doanh nghiệp…

- Hệ thống dịch vụ phân phối hàng hoá ngày càng đa dạng về chủng loại. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hoạt động quản lý kinh doanh ngày một hiệu quả. Đã có 05 siêu thị mini hoạt động hiệu quả. Hoàn thành xây dựng Chợ Bốt Đỏ và Chợ A Lưới. Hoàn thành dự án hỗ trợ cấp cơ sở “Xác lập, quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vải Dèng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; dự án “Xác lập, quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa gạo Ra dư - Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; Đề án sản xuất rượu từ quả sim tại thị trấn A Lưới; mô hình nuôi gà Sao tại xã A Roàng và chuẩn bị hoàn thành dự án “Xác lập, quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Thịt Bò vàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”. 

2. Các phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa - xã hội

- Các phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đã tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phối hợp tổ chức thành công “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”; Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019; Liên hoan tuyên truyền lưu động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm đồng bào các dân tộc A Lưới mang Họ Bác Hồ; 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), 50 năm Ngày chiến thắng A Bia. Tham gia các hoạt động tái hiện sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019, có sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc của 5 tỉnh (Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và 4 đoàn nghệ thuật quần chúng Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. 

- Hạ tầng du lịch đã được quan tâm đầu tư như: Công trình Nhà Gươl truyền thống tại xã Hồng Hạ; xây dựng chợ Bốt Đỏ, chợ A Lưới; kêu gọi đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng các di tích lịch sử, các địa điểm du lịch sinh thái, các làng du lịch cộng đồng.... Xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình Quảng trường A Lưới, Trung tâm Sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, 02 sân bóng đá cỏ nhận tạo, sân tennis, Nhà văn hóa đa năng tại các xã… góp phần hoàn thiện thiết chế văn hóa, phát huy hết công năng của thiết chế này trong việc phổ biến, nâng cao tri thức, thỏa mãn nhu cầu văn hóa, thể dục thể thao của người dân.

- Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh và từng bước đi vào chiều sâu. Đến năm 2020, qua thẩm tra, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa, toàn huyện có 97/97 làng, thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa, đạt 100%; 89/97 làng, thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 91,75%. Có 128/128 cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, đạt 100%. Trong đó, có 106/128 cơ quan, đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 82,81%.

- Phong trào thi đua trong sự nghiệp phát triển giáo dục tiếp tục triển khai một cách toàn diện và được tổ chức chặt chẽ, tiêu biểu là các phong trào thi đua: Thi đua “Dạy tốt - học tốt”; đổi mới phương pháp dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”, “Xây dựng trường học Xanh - Sạch - Sáng - An toàn”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Sáng tạo, đổi mới phương pháp trong dạy học”, “Đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động giáo dục”, các phong trào thi đua làm thiết bị, đồ dùng dạy học,… gắn kết với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, thông qua đó đã kịp thời phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành và của địa phương đề ra trong từng năm học, một số kết quả đạt được đáng trân trọng. Từ năm học 2014-2015 đến nay, nhiều trường học tổ chức tốt Hội thi giáo án điện tử, Hội thi giáo viên dạy giỏi... đã thực sự dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ trong cán bộ giáo viên, qua đó, tuyển chọn những giáo viên tiêu biểu tham gia hội thi cấp huyện và góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Trong 05 năm qua, đã có 474 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 25 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Có thể nói, phong trào thi đua “Dạy tốt- học tốt” được công chức, viên chức toàn ngành hưởng ứng một cách tích cực, mạnh mẽ. Việc tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” là động lực cơ bản thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn trên chuẩn; xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích cao trong phong trào dạy và học, tiêu biểu như: Trường Trung học cơ sở - Dân tộc nội trú A Lưới, Trường Tiểu học Kim đồng, Trường Mầm Nhâm,... Các cá nhân tiêu biểu như thầy Trần Duy Nguyên - nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, thầy Hoàng Trọng Nho - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo; cô Nguyễn Thị Thu Thanh - giáo viên Trường Tiểu học A Đớt; cô Nguyễn Thị Duyên - giáo viên Trường Mầm non Hồng Bắc,…

- Ngành Y tế tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo khí thế thi đua sôi nổi với tinh thần “chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả và thiết thực”: Trung tâm Y tế huyện đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện và ứng dụng các trang thiết bị y tế, kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến đã được sử dụng trong chẩn đoán, điều trị. Công tác khám, chữa bệnh đối với người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được duy trì và thực hiện tốt; làm tốt công tác Y tế dự phòng, chủ động trong việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm (đặc biệt là Dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua). Cuộc vận động thực hiện 12 điều y đức được ngành Y tế phát động trong toàn cán bộ, công chức, viên chức với khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu", phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong khám, chữa bệnh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đến nay, 100% Trạm Y tế đã có bác sĩ và nữ hộ sinh, 15/18 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Qua đó, có các cá nhân điển hình: ông Hồ Bách Thắng - Bác sỹ chuyên khoa II - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện; bà Nguyễn Thị Chưng - Trưởng trạm Y tế xã Hồng Bắc, bà Hồ Thị Huệ - Cử nhân điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện... đã có nhiều năm liền cống hiến trong ngành Y tế huyện nhà và có nhiều giải pháp, sáng kiến, nghiên cứu một số kỹ thuật mới vào điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân huyện nhà. Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, tặng “Bằng khen cấp tỉnh”,..

- Công tác Dân số - kế hoạch hoá gia đình ngày càng được quan tâm. Gắn công tác dân số với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, triển khai xây dựng nhiều mô hình như: “xây dựng quy mô gia đình ít con để nuôi và dạy cho tốt”, mô hình “xã, thị trấn, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”; Đề án ngăn chặn đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 18,4%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,58%. Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 12%, giảm 5% so với năm 2015. Từng bước nâng cao chất lượng dân số cả về thể lực và trí lực.

- Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và có hiệu quả, nhằm thể hiện sự tri ân với những anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh các gia đình có công với cách mạng. Cùng với việc triển khai thực hiện đầy đủ, chu đáo và kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong huyện A Lưới với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tấm lòng hảo tâm đã tham gia đồng hành cùng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, các đối tượng chính sách và nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực khác, cụ thể như: Hoàn thành hỗ trợ 778/778 nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 (giai đoạn 2), kinh phí 19 tỷ đồng; cơ bản giải quyết xong các chế độ như: Xác nhận thương binh, công nhận liệt sỹ, các chế độ trợ cấp 01 lần; ...

- Các phong trào về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được chú trọng. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tập trung đầu tư nguồn lực; sự tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân… Qua đó, các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% (năm 2015) xuống còn 18,5% (năm 2019), giảm bình quân đạt 4,13%/năm. Các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đúng đối tượng như: hỗ trợ các chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, với tổng số vốn là 5,8 tỷ đồng/1.200 hộ; chính sách vay vốn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, với tổng số vốn vay là 15 tỷ đồng/311 hộ; vốn vay theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg với số tiền 04 tỷ đồng/550 hộ; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg đã cấp 4,8 tỷ đồng cho hơn 12 nghìn hộ; các phong trào đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được tổ chức khá tốt, các “phiên giao dịch việc làm”, tư vấn, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hàng năm vẫn được triển khai đều đặn, đã giải quyết việc làm trên 2.251 người, trong đó, lao động tại các tỉnh phía Nam là 1.878 người, xuất khẩu lao động 65 người.

- Các phong trào nhân đạo, từ thiện đã có nhiều chuyển biến và thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Trong 05 năm, Quỹ “Vì người nghèo” huyện đã vận động quyên góp, ủng hộ được gần 01 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả công tác cứu trợ và an sinh xã hội cho người dân huyện nhà như vận động ủng hộ của các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng. Các tổ chức tôn giáo thực hiện việc từ thiện, nhân đạo trên 02 tỷ đồng/năm. Hỗ trợ xây mới và sữa chữa 462 căn nhà với tổng trị giá hơn 11,5 tỷ đồng; khám chữa bệnh cho 2.027 lượt người với tổng số tiền 232 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 12.297 lượt người nghèo với tổng trị giá gần 03 tỷ đồng. Các phong trào hiến máu tình nguyện diễn ra sôi nổi với hơn 4.000 người tham gia, thu được 4.120 đơn vị máu. Tiêu biểu trong các phong trào thi đua điển hình có Hội Chữ thập đỏ thị trấn A Lưới, xã A Ngo, xã Quảng Nhâm, xã Hương Phong … với các cá nhân điển hình: bà Trần Thị Lộc 38 lần, Bà Nguyễn Thị Xuân 32 lần ...

3. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực Nội chính

- Phong trào "Thi đua quyết thắng" trong lực lượng vũ trang nhân dân được duy trì thường xuyên và triển khai đồng bộ. Công tác huấn luyện, diễn tập trong lực lượng thường trực, công tác xây dựng lực lượng quân sự địa phương đều đảm bảo chất lượng. Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã chủ động chủ trì ký kết phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các xã, thị trấn; ký kết phối hợp công tác tuyên truyền với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục Luật Nghĩa vụ Quân sự cho thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ nhằm nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2015 đến nay, số lượng thanh niên lên đường nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu. Hàng năm, tổ chức phát động phong trào thi đua quyết thắng với chủ đề “Mừng Đảng mừng xuân, ra quân quyết thắng”, phong trào thi đua ra quân huấn luyện và 04 đợt thi đua thường xuyên; bên cạnh đó, tổ chức phát động các phong trào thi đua cao điểm như: “Luyện quân, lập công, quyết thắng”, “Mẫu mực, trách nhiệm, chính quy, an toàn, hiệu quả”, “70 ngày hành động kiểu mẫu”, phong trào thi đua đột kích “30 ngày đêm hành động kiểu mẫu”, “Đoàn kết, sáng tạo, quyết thắng”, phong trào thi đua đặc biệt “Làm theo lời Bác - Thi đua giành 4 nhất”,... được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.

- Phong trào thi đua thực hiện "6 điều Bác Hồ dạy", "Vì an ninh Tổ quốc", "Xây dựng lực lượng công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệnh Công an Nhân dân”, phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tiếp tục duy trì một cách nghiêm túc. Các phong trào đều được xây dựng thành các chương trình hành động, gắn với khẩu hiệu hành động cụ thể, thiết thực. Các phong trào: "Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc", "Chống tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu", "Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội", “Phòng, chống tệ nạn ma túy”; "Nói không với ma túy", "Xây dựng xã, thị trấn không có ma túy", phong trào giữ gìn an toàn giao thông,... đã góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Qua quá trình thực hiện các phong trào thi đua xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tiêu biểu như ông Nguyễn Nam Sinh - nguyên Phó Trưởng Công an huyện; ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Công an huyện … góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng công tác đào tạo cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy trình công tác; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

- Phong trào thi đua trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc và từng bước đi vào nề nếp; chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính và thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có những chuyển biến tích cực. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt vai trò nêu gương và triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, tận tuỵ với công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu như: Trung tâm Hành chính công huyện, UBND thị trấn A Lưới, UBND xã A Roàng, UBND xã Đông Sơn... Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn và trên chuẩn quy định. Ủy ban nhân dân huyện triển khai tốt Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Đề án xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã; tổ chức bộ máy được kiện toàn, đổi mới; quan tâm đầu tư, trang cấp đầy đủ trang thiết bị điện tử, tin học cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử tại huyện A Lưới.

4. Phong trào thi đua của Mặt trận và đoàn thể các cấp

- Mặt trận và đoàn thể từ huyện đến cơ sở từng bước đổi mới nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động, luôn gắn các phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương, đặc biệt là thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, Nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Mặt trận các cấp đã tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận triển khai, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,“Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”... tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng cao trong các tầng lớp nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực. Phát động các phong trào hiến đất, hiến cây để xây dựng công trình phục vụ sản xuất và dân sinh,… Đến nay, nhân dân toàn huyện đã tự nguyện hiến 615.901 m2 đất; các cá nhân điển hình như: Hộ ông Quỳnh Rêh - thôn 4 xã Trung Sơn hiến 10.100 m2 đất, hộ bà Hồ Thị Thí - thôn A So, xã Lâm Đớt hiến 9.000 m2 đất, hộ ông Hồ Văn Tiếc - thôn 4, xã Hồng Kim hiến 2.920 m2 đất. Hưởng ứng “Ngày Nông thôn mới” theo Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND huyện, có 108.175 lượt người tham gia thực hiện các hạng mục: xây dựng 115.157m hàng rào xanh, đào 12.097 hố rác, trồng cây xanh, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, vệ sinh chuồng trại, nhà ở và khu vực công cộng,... điển hình như: Thôn A Hươr - Pa E, xã Quảng Nhâm; thôn A Tin, PaRis - Ka Vin, xã Lâm Đớt; thôn Cân Sâm, xã Hồng Thượng; thôn Pa Ring, xã Hồng Hạ; thôn A5, xã Hồng Vân; thôn Ta Roi, Quảng Mai, xã A Ngo. Đến nay, tổng chiều dài đường được thắp sáng nông thôn của 17 xã: 63,680 km/70 tuyến đường thôn, xóm. Phát động 258 lần ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”, với 36.463 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân hưởng ứng tham gia (trong đó, cấp xã là 30.197 lượt người); thu gom 455 m3 rác thải đến điểm tập kết xử lý rác; trồng được 439 cây xanh; lắp đặt điện chiếu sáng dài 2,69 km; chăm sóc gần 30 km và trồng mới hơn 8,34 km hàng rào xanh; nạo vét 8,2 km kênh mương; xây dựng hơn 600m đường bê tông nông thôn từ nguồn xã hội hóa; trồng mới gần 12.500 m2 hoa các loại tại các trường học, cơ quan công sở, tuyến đường… Các mô hình tiêu biểu của phong trào Ngày Chủ nhật xanh” như: Mô hình “Tuyến đường sáng - xanh; Mô hình “Sạch nhà, đẹp ngõ”;  Mô hình “Bồn hoa bốn mùa”; phát động cuộc thi “Công sở, Trường học Xanh - Sạch - Sáng, “Tuyến đường hoa kiểu mẫu”. Bên cạnh đó, Mặt trận và đoàn thể chính trị các cấp đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; làm tốt việc chăm lo đến đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, người nghèo trong xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

- Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân có nhiều tiến bộ, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nâng cao hiệu quả trên một số lĩnh vực.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện: Tổ chức 63 buổi tuyên truyền cho 2.520 lượt hội viên phụ nữ về các Hiệp định, Quy định biên giới, Luật An ninh quốc gia; 37 buổi tuyên truyền và học tập về Luật An toàn giao thông đường bộ, Luật phòng, chống mua bán người; tổ chức vận động hội viên phụ nữ đóng góp được 22.190.000 đồng gửi đến các chiến sĩ đảo Trường Sa. Có 196 hội viên phụ nữ khó khăn được vay 3-5 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình từ nguồn Quỹ tiết kiệm với tổng số tiền 839 triệu đồng...; các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với mô hình “05 không 03 sạch”…được chị em hội viên tích cực hưởng ứng.

- Hội Nông dân huyện: Với phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức 645 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 23.735 hội viên nông dân; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 3.579 hội viên vay, tổng số vốn là 105,6 tỷ đồng; đã tranh thủ được 26 dự án từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung ương và của huyện với tổng số vốn là 3,22 tỷ đồng, cho 179 hộ vay, qua đó đã tạo việc làm cho hơn 525 lao động là Hội viên nông dân trên địa bàn; hỗ trợ thành lập 07 Tổ hợp tác; tổ chức 09 buổi tư vấn, hỗ trợ pháp lý với hơn 405 lượt hội viên nông dân tham dự.

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện: Tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và phát triển cộng đồng”. Đã thực hiện 531 công trình, phần việc của thanh niên (07 công trình lớn như kênh mương dẫn nước, đường bê tông nông thôn, đặc biệt là công trình “Ánh sáng nông thôn mới” với tổng chiều dài 39,4 km, trị giá hơn 01 tỷ đồng, công trình 11 cổng làng thanh niên, công trình “Hàng cây xanh làm theo lời Bác” trị giá trên 500 triệu đồng; thực hiện 150 công trình măng non tại các trường Mầm non và Tiểu học, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng)...

- Hội Cựu chiến binh huyện: Với phong trào “Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tích cực tuyên truyền, giáo dục hội viên thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hỗ trợ sữa chữa 21 nhà ở, trị giá 168 triệu đồng, xây mới 12 nhà trị giá 360 triệu đồng; đã có 900 hội viên xóa nhà tạm từ nguồn Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Xây dựng 47 tuyến đường tự quản với tổng chiều dài 22,8 km; thành lập 12 tổ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số dư nợ 14 tỷ đồng…

5. Mô hình, gương điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình, hộ sản xuất - kinh doanh:

- Mô hình, gương điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình: Ông Văn Đình Quế - Nông dân lao động sản xuất kinh doanh giỏi của thôn Quảng Vinh, xã Sơn Thủy, thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng; ông Hồ Thanh Đùi, thôn A Đớt xã Lâm Đớt, nông dân lao động sản xuất kinh doanh giỏi, mỗi năm thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi 70 triệu đến 100 triệu đồng; ông Hồ Văn Lô, thôn Kleng - A Bung xã Quảng Nhâm, nông dân sản xuất giỏi, mỗi năm thu nhập từ phát triển sản xuất từ 100 triệu đến 150 triệu đồng và đã có rất nhiều các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu khác trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn toàn huyện.

- Lĩnh vực sản xuất - kinh doanh ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả: Công ty TNHH xây dựng Xuân Hồng, Công ty TNHH xây dựng Hoàng Sơn,... là những cá nhân, doanh nghiệp có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp cho xã hội; có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; tích cực đầu tư mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh; các chỉ tiêu về doanh thu, nộp thuế, lợi nhuận hàng năm tăng trưởng; thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế và chính sách đối với người lao động. Như Công ty TNHH xây dựng Xuân Hồng hàng năm doanh thu 20 tỷ/năm, việc thu, nộp thuế và các khoản thu ngân sách 500 triệu đồng/năm, giải quyết và tạo công ăn việc làm cho 38 công nhân lao động/năm, với mức thu nhập bình quân một người 05 triệu đồng/tháng và nhiều Công ty, doanh nghiệp khác trên các lĩnh vực hoạt động có hiệu quả đã đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm khá lớn cho huyện nhà.

6. Phong trào thi đua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

- Các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đã kịp thời vận động thực hiện các phong trào hiến đất, góp công, góp của,... để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, góp phần hoàn thành các nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực huy động lồng ghép thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2019 đạt hơn 785,5 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương, tỉnh: 41,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 97,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 341 tỷ đồng; vốn người dân và cộng đồng đóng góp: 305 tỷ đồng).

- Hạ tầng đường giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp, sửa chữa (41 công trình thủy lợi, xây dựng mới 3,6 km kênh mương, sửa chữa nâng cấp 32 km đường nội đồng, xây dựng mới 02 trạm bơm điện). Điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. 100% xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,95%. Đời sống khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, thu nhập tăng lên.

- Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách về khuyến nông lâm ngư. Các mô hình sinh kế đã được triển khai có hiệu quả như mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi dê, bò, nuôi cá nước ngọt, mô hình trồng rau an toàn, thâm canh lúa nước. Các chính sách này đã được triển khai kịp thời, đến tận người dân. Tổng kinh phí hỗ trợ là 25,4 tỷ đồng (trong đó: Nhân dân đóng góp 5,9 tỷ đồng) cho 1.918 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (Hương Phong, Sơn Thủy, Phú Vinh và A Ngo).

- Xây dựng vườn kiểu mẫu: Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 60 vườn kiểu mẫu (Xã A Roàng, Lâm Đớt, Hương Phong, Đông sơn, Phú Vinh, Hồng Thượng, Hồng Thái, Sơn Thủy, A Ngo, Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Kim, Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thuỷ, Hồng Hạ, Hương Nguyên); hiện đang lập kế hoạch xây dựng thêm 60 vườn kiểu mẫu trong năm 2020.

- Qua quá trình thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu, điển hình như: Nhân dân và cán bộ các xã: Hương Phong, Sơn Thủy, A Ngo, Phú Vinh, Hồng Hạ, Lâm Đớt, thôn A Hươr - Pa E, xã Quảng Nhâm; về cá nhân tiêu biểu như: Bà Nguyễn Thị Thúy - Bí thư Đảng ủy xã Phú Vinh, ông Lê Minh Niềm - Bí thư Đảng ủy xã A Ngo, ông Đặng Thái Xanh - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Diên Mai - xã A Ngo, ông Hồ Văn Thửa - Hội viên Hội nông dân thôn A Hươr - Pa E, xã Quảng Nhâm, ông Mai Thanh Việt - Công chức địa chính xã Hương Phong, ông Hồ Văn Xiếc - Bí thư Chi đoàn thôn KLeng - A Bung, xã Quảng Nhâm, bà Nguyễn Thị Thơ - Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thôn Cân Sâm - xã Hồng Thượng.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.181.766
Truy câp hiện tại 11.223