Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tổ chức, tái hiện sân khấu hóa các lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc
Ngày cập nhật 05/07/2018

Ở huyện miền núi A Lưới có 5 dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh cùng chung sống, cùng phát huy giá trị nền văn hóa độc đáo riêng biệt của chính dân tộc mình. Đặc biệt là trong lễ hội dân gian, tuy mỗi dân tộc có sự khác biệt về quy mô, quy trình tổ chức, nhưng nội dung ý nghĩa của mỗi lễ hội gần như tương đồng nhau. Tiêu biểu với các lễ hội như: Lễ hội A Riêu Piing (Pa Cô),  Tặc Pyng (Tà Ôi, Cơ Tu) một lễ hội lớn và linh thiêng nhất được cộng đồng làng đứng ra tổ chức đối với dân tộc Pa cô, phạm vi gia đình, họ tộc đối với dân tộc Tà ôi, Cơ tu. A Riêu Piing hay Tặc Pyng là một lễ hội thể hiện ân tình sâu nặng và trách nhiệm thiêng liêng cao cả giữa người còn sống với người đã khuất… Lễ hội A Da ( Pa Cô), Cha Da da (Tà Ôi), Cha A da (Cơ Tu) để tạ ơn mẹ lúa và các mẹ giống cây trồng khác đã sinh sôi nảy nở cho mùa bội thu nuôi dưỡng lớp lớp con người lớn lên trưởng thành…A Riêu Car (Pa Cô) một lễ hội nhằm thắt chặt tình gắn bó keo sơn giữ các làng kết nghĩa…A Riêu Âr pục (Pa Cô) Lễ hội đại đoàn kết dân tộc giữa các xã, huyện anh em thân thiết…Với giá trị nhân văn sâu sắc của mỗi lễ hội mang lại cho cộng đồng xã hội.

A Lưới là một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, được hội tụ các nét văn hóa các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh. Đặc biệt, vùng cao A Lưới được xem là cái nôi sản sinh ra nhiều lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc giữa con người với con người, giữa cha mẹ thiên nhiên uy linh rộng lớn… hiện nay, A Lưới vẫn còn hiện hữu các cụ già làng, trưởng bản am hiểu sâu sắc về các loại hình lễ hội và nhiệt huyết trong công tác tổ chức các lễ hội truyền thống. Vẫn còn một số làng lưu giữ được không gian khá lí tưởng để diễn ra các lễ hội lớn, nhỏ của dân tộc. Vì vậy, việc “Tổ chức, tái hiện, sân khấu hóa các lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc” sẽ đạt được thuận lợi nhất định.

Được sự quan tâm rất lớn của Huyện ủy, HĐND, UBND đã ra  Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa X) về “Xây dựng và phát triển Văn hóa, du lịch Huyện A Lưới giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 ”; Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân huyện A Lưới về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020. Đây là chủ trương đường lối ý nghĩa lớn lao, nhằm thúc đẩy cán bộ, nhân dân có lòng nhiệt huyết trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát huy làm sống lại các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có các lễ hội dân gian. Tổ chức tái hiện các lễ hội tuy được phát huy giá trị và duy trì thường xuyên vẫn không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Đó là:

- Các lễ hội truyền thống dân tộc luôn được tổ chức duy trì, nhưng quy mô và thời gian diễn ra bị rút gọn lại, đặc biệt là các lễ hội lớn như A riêu Piing, A Da, Ariêu Car…vì kinh phí hạn hẹp.

- Đâm trâu là tập tục lâu đời không thể thiếu, một nghi thức bắt buộc mang tính quyền uy, linh thiêng giữa tâm linh và giữa bạn bè láng giềng. Vì vậy, việc thuyết phục các già làng, trưởng bản về việc không đâm trâu trong các lễ  hội lớn như A Riêu Car, A Riêu Piing, Mừng nhà Moong, Roong, Gươl mới của làng gặp rất nhiều khó khăn.

- Đa số hiện nay, không gian làng truyền thống ở các làng thôn trên địa bàn huyện ngày càng thu hẹp dần, không còn lưu giữ không gian làng truyền thống như vốn có của nó, vì vậy, việc “Tổ chức, tái hiện, sân khấu hóa các lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc” gặp khó khăn, trở ngại.

- Trong các lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tuy ý nghĩa và thời điểm tổ chức giống nhau nhưng mỗi dân tộc có quy trình quy mô tổ chức khác nhau hoàn toàn.  Ở dân tộc Tà ôi, Cơ tu, quy mô tổ chức nhỏ lẻ, quy trình gọn nhẹ khá đơn giản, chỉ trong phạm vi họ tộc. Còn  ở dân tộc Pa cô quy trình khá phức tạp, quy mô lớn được cả làng đứng ra tổ chức. vì vậy, khi tổ chức tái hiện hoạc nghiên cứu về lễ hội giữa hai dân tộc Tà ôi và Pa cô mà gộp chung thì gặp rất nhiều khó khăn vì văn hóa lễ hội của hai dân tộc này khác biệt khá lớn. Vì vậy, để tiếp tục phát huy những mặt mạnh và hạn chế khắc phục những mặt chưa đạt được thì cần có những giả pháp cụ thể như:

- Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, phân bổ diện tích xây dựng không gian hoạt động văn hóa truyền thống của làng, xã. Trong đó, có không gian hoạt động lễ hội.

- Phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản việc xây dựng kịch bản, quy trình, thông qua kịch bản, quy trình nhằm thống nhất ý kiến trước khi tổ chức tái hiện các lễ hội.

- Có sự phân công phân nhiệm rõ ràng trong khâu tổ chức lễ hội. Các già làng là người đứng ra chịu trách nhiệm chủ trì về phong tục tập quán, quy trình, nghi thức của lễ hội. Trưởng thôn là người chỉ đạo công tác an ninh trật tự, vệ sinh và tiếp đón khách du hội…tinh thần, vật chất khác liên quan đến lễ hội.

- Tuyên truyền kịp thời, sâu, rộng với tầng lớp nhân dân, với Già làng, trưởng bản, những người uy tín trong cộng đồng thực hiện nghiêm túc Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL, ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ Văn hóa Thông tin Du lịch, Quy định về tổ chức lễ hội.

- Khi tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống cần tuân theo nghiêm túc theo giá trị bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc, không lai căng, không thêm bớt,không gộp chung, phải chặt chẽ, đầy đủ các nghi thức, vật tế, vật lễ, để bảo đảm sự linh thiêng và nét giá trị độc đáo của từng lễ hội, từng dân tộc của vùng miền A Lưới.

- Tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống trong các dịp sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, diễn ra trên địa bàn huyện, do huyện, tỉnh, trung ương tổ chức.

- Tái hiện lễ hội truyền thống bằng sân khấu hóa trong các cuộc tham gia liên hoan Nghệ thuật quần chúng, Nghệ thuật dân gian, Liên hoan các làng du lịch cộng đồng, Liên hoan các làng văn hóa… của cấp tỉnh, trung ương.

- Đăng tải trên trang website của huyện để quảng bá rộng rãi đến công chúng quan tâm.

- Tham gia tái hiện lễ hội ở các hoạt động định kỳ, hoạt động sự kiện, tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Hà Nội.

- Xây dựng tờ rơi, tờ gấp đăng tải, giới thiệu các loại hình lễ hội truyền thống cho khách tham quan du lịch tại địa phương.

- Tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ, công chức văn hóa huyện, xã, thị trấn về công tác nghiên cứu sưu tầm, kĩ năng tìm hiểu và xây dựng kịch bản quy trình các lễ hội.

- Cử cán bộ, công chức xã, huyện, thị trấn tham gia chứng kiến các hoạt động lễ hội diễn ra trên địa bàn huyện.

- Phối hợp với các xã, thị trấn, già làng, trưởng bản, tổ chức mở lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ, điêu khắc, đan lát, chuẩn bị các lễ vật liên quan đến các loại hình lễ hội.

Trong những năm qua, việc tổ chức tái hiện các lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống của cán bộ và nhân dân, góp phần không nhỏ vào sự phát triển Kinh tế, Văn hóa, xã hội, An ninh quốc phòng trên địa bàn huyện. Các lễ hội dân gian đã được tổ chức tái hiện như A Da ( Tết cổ truyền), A Riêu Car (Lễ  hội đại đoàn kết dân tộc), A Riêu Piing (Lễ hội giỗ mồ mã), Lễ Zoon akay, Pa choo târ moot (Lễ cưới hỏi), Lễ A Pier (Lễ tra hạt giống), Ngọi đung (Mừng nhà mới) của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới rầm rộ diễn ra không chỉ trên địa bàn huyện, các lễ  hội trên đã được tổ chức nhân rộng ở làng văn hóa Việt Nam, Đồng Mô, Hà Nội và các huyện, tỉnh bạn khác. Việc tái hiện, sân khấu hóa các lễ hội dân gian trên trên sân khấu nghệ thuật cũng đã đạt thành tích cao trong các cuộc Liên hoan lớn do tỉnh, trung ương tổ chức, mang lại niềm vinh dự lớn cho huyện nói riêng, tỉnh nói chung. Tổ chức tái hiện, sân khấu hóa các lễ hội dân gian đã cổ vũ tích cực tinh thần chung tay bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của miền cao A Lưới, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Bác Hồ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc “ Sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” giữa bạn bè láng giềng, bồi dưỡng đạo đức, đạo làm người của con cháu với người đã khuất, lòng biết ơn đối với cha mẹ thiên nhiên đã che chở, mang lại cho con người cuộc sống tốt đẹp… thông qua tái hiện các lễ hội dân gian là cơ hội quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tể hiểu rõ hơn về nét độc đáo riêng có của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ta Dưr Tư
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.366.173
Truy câp hiện tại 3.814