Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm việc với UBND huyện A Lưới về công tác xúc tiến, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện A Lưới
Ngày cập nhật 01/10/2024

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về công tác xúc tiến, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện A Lưới. Cùng tham dự có các đồng chí Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Kế hoạch Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các Phòng thuộc Sở Du lịch và 05 công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh. Về phía huyện A Lưới có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, các phòng ban chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo UBND các xã có các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn huyện.

A Lưới là huyện miền núi biên giới ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 70 km, có đường biên giới hơn 80km tiếp giáp với nước bạn Lào; có 02 cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng. Toàn huyện có 17 xã, 01 thị trấn, diện tích tự nhiên 1.148,5 km2, với tổng số hộ dân là 14.343hộ/54.402khẩu, có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 05 dân tộc có dân số đông: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh (dân tộc thiểu số chiếm trên 77%).

A Lưới là mảnh đất căn cứ địa cách mạng, với hệ thống 72 điểm di tích lịch sử, trong đó có 12 điểm cấp trung ương, tỉnh công nhận, điểm nhấn là đường Hồ Chí Minh huyền thoại là Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt; Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia xã Hồng Bắc và Địa điểm chứng tích chất độc hoá học Đioxin của Quân đội Mỹ tại Sân bay A So là DTLS cấp Quốc gia; con người nơi đây thân thiện hiếu khách; Văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, hiện có 02 Di sản cấp Quốc gia đó là Nghề dệt thổ cẩm Dèng của dân tộc Tà Ôi và Lễ hội A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô; Hệ thống sinh thái suối thác dày đặc, đẹp, vẫn còn hoang sơ như thác A Nôr, thác Tà Rê, thác Pông Chất, suối A Lin, suối Pâr Le, suối Cân Te, suối Cân Tôm, suối A Rưm, sông A Sáp, đặc biệt khí hậu A Lưới mát mẻ, trong lành được ví như Cổ máy điều hoà khổng lồ mà bạn phải đến A Lưới mới hít thở được. Với lợi thế trên, A Lưới đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hoá cộng đồng và đang có mô hình du lịch trải nghiệm mới đó là du lịch treckking, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh.

Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vật chất tại huyện A Lưới khá đảm bảo, đường Giao thông nối từ thành phố đến A Lưới đã được mở rộng, đường 74 nối từ Nam Đông – A Lưới đang được nâng cấp, đường Hồ Chí Minh xuyên qua các tỉnh trên dãy Trường Sơn luôn ổn định. Cơ sở lưu trú được nâng cấp, làm mới, cơ bản đảm bảo cho du khách, khá đa dạng như phòng đơn, phòng đôi, căn nhà sàn truyền thống với trên 33 cơ sở lưu trú, công suất tối đa trên 880 khách/thời điểm. Thông tin liên lạc tại điểm du lịch, các homestay đảm bảo. Hệ thống thiết chế văn hoá, các điểm checkin đa dạng phong phú, điểm nhấn là Trung tâm SHVHCĐ, Phiên chợ vùng cao, Làng Văn hoá các dân tộc thiểu số A Lưới…. Quốc phòng-An ninh ổn định, an toàn cho du khách.

Trong những năm qua, huyện A Lưới đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển văn hóa và du lịch nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ Nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện  đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án… để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, huyện A Lưới cũng đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Các hoạt động du lịch khởi sắc, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của du khách, đã từng bước nâng tầm vị thế du lịch của huyện. Dịch vụ du lịch, lưu trú từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất vụ du lịch được đầu tư xây dựng, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trong và ngoài huyện, đồng thời đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 24 điểm du lịch và 33 cơ sở lưu trú (09 nhà nghỉ, 24 homestay) công suất tối đa trên 880 khách/thời điểm, 05 Làng văn hóa du lịch cộng đồng đang phát triển khá tốt và 03 làng đang mới xây dựng; hệ thống các nhà hàng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch... Các điểm du lịch sinh thái Pâr Le, A Nôr, A Lin, làng du lịch cộng đồng tại xã A Roàng, Hồng Hạ, Hồng Kim... ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo của khách du lịch. Công tác hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch A Lưới ngày càng phát triển, thu hút đông du khách đến tham quan.

Từ năm 2020-2024, Sở Du lịch đã triển khai hướng dẫn chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện A Lưới (về nguồn vốn sự nghiệp) đã hỗ trợ xây dựng 17 bảng chỉ dẫn thuyết minh điểm đến; Xây dựng mới cơ sở lưu trú trong dân (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng: 04 homestay 15 phòng (2021-2023), đang hỗ trợ xây dựng 09 cơ sở lưu trú trong dân (homestay) tại xã Lâm Đớt, Hương Phong và A Roàng; xây dựng và phát triển 07 sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng; tổ chức 06 khóa đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Cụ thể như sau: Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (Năm 2020: 500 triệu đồng); Du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ, xã A Roàng, xã Trung Sơn (Năm 2022: 216 triệu đồng); Du lịch sinh thái, cộng đồng xã Hồng Kim, xã Hồng Hạ, xã Trung Sơn, xã Lâm Đớt (Năm 2023: 560 triệu đồng); Du lịch sinh thái, cộng đồng xã Hương Phong, xã Lâm Đớt, xã A Roàng, xã A Ngo, xã Hồng Kim, thị trấn A Lưới (Năm 2024: 1.060 triệu đồng). Du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 2554/QĐ-UBND ngày 6/10/2020. Điểm Du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr đã được công nhận OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh về du lịch theo Quyết định số 3153/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Du lịch A Lưới đã nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, trực tiếp là Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện đã triển khai công tác quảng bá du lịch, quay phim, xây dựng website, tập gấp quảng bá du lịch huyện A Lưới. Phối hợp tổ chức các cuộc khảo sát, chương trình famtrip giới thiệu các điểm đến du lịch A Lưới, kết nối với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thường xuyên đang tải thông tin, hình ảnh, video du lịch A Lưới trên các website, fanpage Visit Huế để quảng bá du lịch A Lưới.

Tại buổi làm việc, các Sở ngành, các công ty đã đóng góp các ý kiến rất thiết thực để A Lưới có hướng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng giàu bản sắc văn hoá dân tộc, du lịch xanh, nâng cao chất lượng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Một số công ty lữ hành hứa sẽ cùng với địa phương kết nối khách du lịch từ Thái Lan, Lào đến Việt Nam qua huyện A Lưới và huyện A Lưới sẽ là điểm dừng chân ấn tượng đặc sắc về văn hoá trong chuyến hành trình.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc

Các công ty lữ hành phát biểu tại buổi làm việc

Giai đoạn 2014 – 2020; giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030 Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện A Lưới đã có Nghị quyết, Đề án về phát triển văn hoá du lịch và sẽ tiếp tục xây dựng Đề án phát triển du lịch trong thời gian tới, Huyện A Lưới xác định “ngành nông nghiệp là mũi nhọn, du lịch là ngành kinh tế quan trọng”, “lấy ngành du lịch nuôi văn hoá, lấy văn hoá để phát triển du lịch”  trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định đột phá về hạ tầng du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp và đột phá về chính bản thân người dân trực tiếp tham gia phát triển du lịch. Huyện sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư tại các điểm du lịch A Lin, Pâr Le,… điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr sẽ xây dựng một làng du lịch kiểu mẫu do chính bà con vận hành, điều phối dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Sở Du lịch.

Làng Văn hoá các dân tộc thiểu số huyện A Lưới quy hoạch 30 ha, hiện nay đã sử dụng, xây dựng 05 ha với 04 ngôi nhà (Ngôi nhà chung, ngôi nhà Roong của người Tà Ôi, ngôi nhà Gươl của người Cơ Tu và ngôi nhà Târ Đah của người Pa Cô) sẽ bắt đầu triển khai hoạt động, đồng thời tiếp tục xây dựng các hạng mục tiếp theo như đã quy hoạch gồm xây dựng bãi đổ xe, trạm dừng chân, bến thuyền, bảo tàng, quảng trường, nhà mồ, cắm trại, homestay, chợ vùng cao, làng nghề, vườn cây thuốc dược liệu, khu vườn trồng ngô sắn, … Làng Văn hoá các dân tộc thiểu số huyện A Lưới là mô hình thu nhỏ làng nguyên bản của 03 dân tộc chính đang sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới (Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu), đây sẽ là điểm nhấn trong việc thu hút khách du lịch. Làng Văn hoá các DTTS huyện A Lưới sẽ phân chia từng khu vực riêng để đấu thầu, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Ngoài ra tại điểm dừng chân “Biển hiệu địa phận A Lưới” sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2, với các hạng mục bãi đổ xe, nhà vệ sinh, cảnh quan, … đặc biệt sẽ có biểu tượng Sao La. Đây sẽ là điểm dừng chân thú vị trước khi du khách đặt chân lên trung tâm huyện và các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng, tâm linh (di tich lịch sử) trên địa bàn huyện.  Tiếp tục xây dựng hồ sơ công nhận các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới báo cáo tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tiếp tục khẳng định A Lưới có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, với tiềm năng điều kiện thiên nhiên, khí hậu, đất đai, bản sắc văn hoá, truyền thống cách mạng, có 02 cửa khẩu quốc gia thông với nước bạn Lào…tạo một mảnh đất A Lưới mà không nơi nào có được. Qua sự đóng góp ý kiến rất thiết thực của các công ty lữ hành, các Sở ngành, A Lưới tiếp tục kiên trì triển khai thực hiện quyết liệt, xem đây là lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong thời gian tới. Xây dựng khu vực phía tây của tỉnh là du lịch dịch vụ làm điểm để tạo sự đột phá. Giai đoạn tiếp theo huyện A Lưới cần mạnh mẽ hơn nữa, đột phá hơn nữa, trong đó đầu tiên là chú trọng đến công tác quy hoạch, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; suối nước nóng A Roàng giao Sở Kế hoạch Đầu tư và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xem lại diện tích đất để quy hoạch, trong công tác quy hoạch có sự tham gia của Sở Du lịch; về hạ tầng kỹ thuật du lịch cần chú trọng đến bản sắc văn hoá dân tộc, đặc trưng vùng miền, trồng cây bản địa, quan tâm đến bãi đỗ xe, nhà vệ sinh; định hướng quy chuẩn về cơ sở lưu trú, cơ sở lưu trú phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi; dịch vụ karaoke không nên hoạt động tại các làng du lịch, để không gian thư giản; về Làng Văn hoá, huyện A Lưới cần tổ chức hội nghị để lấy tham gia ý kiến của các Sở ngành liên quan; Giao Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Hội Lữ hành, các công ty lữ hành kết nối du lịch tuyến Pakxe (Champasack Lào) và Việt Nam, có thể kết nối với Thái Lan, xây dựng A Lưới làm điểm dùng chân, đồng thời nghiên cứu tổ chức một chương trình Caravan trong thời gian tới. Tháng 5/2025 tổ chức Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch với sự tham gia của nước bạn Lào sẽ được tổ chức tại huyện A Lưới và các nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh  Thừa Thiên Huế phát biểu kết luận tại buổi làm việc

 

Trước buổi làm việc các đại biểu đã đến tham quan Làng Văn hoá các dân tộc thiểu số huyện A Lưới

P.T
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.897.984
Truy câp hiện tại 7.224