Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Điểm di tích Dốc Con Mèo - Đường B45A
Ngày cập nhật 22/03/2021

Điểm di tích Dốc Con Mèo - đường B45A có độ cao 630m so với mặt nước biển, nằm ở sườn núi Kô Anông (Cohq A Noong) thuộc địa phận xã Hồng Vân, huyện A Lưới, cách thị trấn A Lưới 16km về hướng Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là một trọng điểm quan trọng trên tuyến chiến lược đường Hồ Chí Minh, để đảm bảo chi viện đầy đủ kịp thời vũ khí, quân trang quân dụng phục vụ cho các chiến trường, đặc biệt chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Trước âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ, sử dụng tất cả các loại vũ khí trang bị phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược nhằm ngăn chặn sự chi viện của nhân dân miền Bắc - hậu phương lớn cho chiến trường lớn miền Nam đánh Mỹ. Trên tuyến đường Trường Sơn, tuyến đường giao thông huyết mạch trong chiến tranh, địch thực hiện chiến lược “chiến tranh ngăn chặn” dùng máy bay các loại với vũ khí hiện đại đánh phá nhằm không cho ta vận chuyển hàng vào hướng chiến trường.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết tâm chống lại âm mưu đó bằng nhiều cách. Trong đó, biện pháp tích cực nhất là phải mở nhiều tuyến đường hỗ trợ nhau gần các trục dọc, trục ngang, các tuyến đường tránh lớn nhỏ tạo thành một hệ thống đường liên hoàn giữa các trục dọc, quyết tâm bảo đảm giao thông, giữ được thế chủ động trong quá trình vận chuyển. Làm đường ngang B45A thọc sâu sang Tây Thừa Thiên là quan trọng, là yêu cầu rất cấp thiết. Trên trục chính đường Trường Sơn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế (huyện A Lưới) có nhiều con đường nhánh khác được mở ra phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự như đường 71, đường 72, đường 73, đường 74 nối từ đường B45 từ Lào đến Nam A Sầu (huyện A Lưới) giáp địa phận tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung, Bộ Quốc phòng là triển khai thi công, làm gấp tuyến đường B45A kịp sử dụng trong mùa khô năm 1967. Đường B45A đi vào vùng giáp ranh tranh chấp giữa ta và địch. Trong khi Tiểu đoàn 29 công binh - Binh trạm 2, cùng lực lượng TNXP và Dân công hỏa tuyến của mặt trận Trị - Thiên thi công thì bị địch phát hiện ta đang làm đường, chúng sử dụng máy bay trực thăng đổ quân biệt kích, thám báo xuống khu vực A Lưới, La Hạp lùng sục thăm dò, chúng cho máy bay cường kích bắn phá, huy động máy bay B52 dội bom rải thảm đánh phá vào tuyến nhằm ngăn chặn tiến độ mở đường, phá kế hoạch của ta trên diện rộng. Có đợt lực lượng Công binh mở đường phải tạm dừng thi công, chuyển sang đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Mặt khác phương tiện thi công cơ giới lúc này còn có hạn, thuốc nổ và nhân lực vẫn là những phương tiện thi công chủ chốt, chính vì vậy đến tháng 4 năm 1967 đường B45A mới mở thông, chậm hai tháng so với kế hoạch ban đầu.

Đường B45A sau khi mở thông đưa vào sử dụng, nhưng chất lượng đường còn quá xấu. Nhiều chỗ đường còn hẹp, độ dốc quá cao. Công tác bảo đảm giao thông trên tuyến đường B45A vô cùng gian khổ, khó khăn và căng thẳng. Nhưng nhờ có tuyến đường B45A đến tháng 10 năm 1967, lực lượng vận chuyển đã hoàn thành kế hoạch cả năm cho chiến trường Trị - Thiên và Khu 5.

Bước sang mùa khô năm 1968 - 1969, sự kiện đường B45A được mở thông đã có những đóng góp quan trọng cho công tác vận chuyển tới các hướng chiến trường. Song trước những nhu cầu ngày càng lớn về hàng hóa của chiến trường miền Nam, đòi hỏi công tác vận chuyển phải được nâng lên một bước. Chính vì vậy thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định giao cho lực lượng Công binh Binh Trạm 2 và một Tiểu đoàn công binh của Trung đoàn 10 tăng cường, có nhiệm vụ tiếp tục củng cố, mở rộng đường B45A. Mặt đường trên toàn tuyến được mở rộng 5m, những chỗ cá biệt rộng 4,5m. Nhiều dốc cao được hạ bớt. Mặt đường được san ủi, là tương đối phẳng, xe Zil 157 có thể chạy với tốc độ trung bình 12 - 15 km/h.

 Trong thời gian này địch giảm mức độ đánh phá bằng không quân, nhưng lại tăng cường sử dụng biệt kích, thám báo lùng sục tìm tuyến đường mới của ta, sau đó cho trực thăng đánh phá kho tàng, tấn công các lực lượng trên tuyến. Các lực lượng công binh vừa khôi phục, củng cố đường, vừa triển khai lực lượng đánh địch, bảo vệ đường, bảo vệ lực lượng thi công. Trên đoạn từ La Dụt đến A Lưới, các đơn vị công binh không chỉ bị thám báo, biệt kích địch đánh phá, mà còn bị máy bay địch rải chất độc hóa học làm trụi lá cây, thả bom rải thảm, nhằm ngăn chặn tuyến đường của ta phát triển. Song bộ đội công binh của Binh trạm 2 đã kết hợp tốt việc đánh địch với mở đường, thực hiện việc mở rộng, khôi phục đường với chất lượng tốt. Được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, sự hỗ trợ lực lượng cũng như phương tiện thi công nhanh chóng đến ngày 20 tháng 2 năm 1969, toàn bộ trục đường chính B45A qua trọng điểm Dốc Con Mèo, Động Con Tiên…và cả đường tránh được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Khi tuyến đường chiến lược B45A qua địa bàn Trị Thiên - Huế hoàn thành, thì dốc Con Mèo thuộc huyện A Lưới là một trong những trọng điểm địch tập trung hỏa lực không quân đánh phá rất ác liệt, cả ngày đêm, nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Để phá thế độc tuyến, ta đã chủ động mở đường tránh dốc Con Mèo từ A Túc (rừng thông) men theo sông Đăkrông vào Kô ANông. Tuyến đường tránh dài 3,5 km gọi là đường 35 do lực công binh Binh trạm 42 thi công, thông tuyến vào đúng đêm giao thừa năm 1970. mặc dù địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt những tuyến đường chiến lược từ Tây sang Đông Trường Sơn qua các tuyến đường nhánh vẫn hoạt động có hiệu quả và tiếp tục xây dựng củng cố, để phục vụ các chiến trường và chuẩn bị cho các trận đánh lớn về sau.

Di tích trên đường B45A là nơi ghi dấu những nhân vật, sự kiện tiêu biểu minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và là bài học vô giá cho quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cho sự hy sinh quả cảm “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, cho sự sáng tạo đến kỳ diệu trong “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”, trong “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”… Những bài học vô giá đó mãi mãi vẫn nguyên vẹn những giá trị thực tiễn cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Điểm di tích Dốc Con Mèo - Đường B45A được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 20/5/1991.

Lê Thị Thưi
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.018.757
Truy câp hiện tại 63.598