Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Điểm di tích Địa đạo A Đon - Trụ sở Đài Phát thanh Giải phóng Huế
Ngày cập nhật 18/03/2021

Điểm di tích Địa đạo A Đon - Trụ sở Đài Phát thanh Giải phóng Huế nằm ở Đồi A Đon thuộc thôn Cần Nông, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vào tháng Giêng dương lịch năm 1968, Thủ đô Hà Nội đang tất bật chuẩn bị đón Tết Mậu Thân. Trên các báo Xuân 1968 đều in thơ Xuân của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

“ Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên, toàn tháng ắt về ta.”

Trong không khí rạo rực ấy, một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên và công nhân kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam được Ban Thống Nhất Trung ương Đảng triệu tập đến để giao nhiệm vụ: cấp tốc lên đường vào chiến trường Miền Nam thành lập Đài Phát Thanh Giải phóng Huế hỗ trợ đắc lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Trị Thiên Huế.

Đơn vị của đoàn gồm 16 người do đồng chí Nguyễn Kim Cúc, cán bộ phòng Miền Nam Đài Tiếng nói Việt Nam làm Trưởng đoàn và đồng chí Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp chỉ huy đi vào chiến trường Trị Thiên Huế.

Đoàn lên đường trong lúc Hà Nội chuẩn bị đón Xuân, sau 20 ngày đêm len lỏi băng rừng, vượt suối, đoàn đã đến thung lũng A So, thuộc địa phận huyện A Lưới miền Tây Thừa Thiên Huế.

Lúc này cuộc tiến công anh dũng kiên cường của quân và dân ta chiếm giữ thành phố Huế đã hơn 20 ngày. Bị thua đau, quân địch đã phải tập trung mọi lực lượng phản kích để hòng chiếm lại Huế, chúng ra sức lấn chiếm những vùng đất đã mất vào tay quân giải phóng. Vì vậy, theo yêu cầu của Khu Ủy Trị Thiên Huế, Đài Phát Thanh Giải phóng Huế không thể xuống đồng bằng được mà phải duy trì tại hậu cứ ở miền Tây Thừa Thiên Huế. Khu Ủy cũng quyết định bổ sung thêm đồng chí Trần Hoàn - Phó Ban Tuyên Huấn Khu Ủy cùng tham gia Ban chỉ đạo, giúp đỡ đoàn trong thời gian ổn định cơ sở và triển khai công tác.

Những ngày sau đó, đơn vị Đài Phát Thanh Giải phóng Huế rời khỏi thung lũng ASo tiến vào vùng núi Pa Đung (Pât Đuh), gần sông Tơ Rinh (Târ Reenh) để xây dựng cơ sở hoạt động. Binh trạm 7 đường 559 đã cử một Trung đội Công binh giúp đoàn đào Địa đạo xuyên lòng núi. Đảng Ủy Dân Chính Đảng Miền Tây Thừa Thiên Huế giúp một Trung đội dân quân tự vệ người địa phương có nhiệm vụ bảo vệ và giúp những công việc hậu cần. Công việc được tiến hành một cách khẩn trương và nhanh chóng, trong một thời gian ngắn, tất cả các thiết bị máy móc đều được đưa vào hầm Địa đạo dưới chân Đồi A Đon. Địa đạo được chia làm 2 khu vực chính:

Khu vực I : Gồm một Địa đạo, có 2 cửa, được đào thông với nhau. Cửa Địa đạo số 1 của khu vực này, quay về hướng Đông có chiều cao là 1,5m, chiều rộng 1,5m và chiều dài khoảng 10m. Từ cửa số 1 đi về phía Nam 10,8m là cửa Địa đạo số 2, đây là khu vực để sinh hoạt hàng ngày và nơi ăn ở của các cán bộ công nhân kỹ thuật, biên tập viên của Đài.

Khu vực II : Gồm một Địa đạo, có 2 cửa được đào thông với nhau và ăn sâu vào lòng núi theo hình chữ Y. Cửa Địa đạo số 1 lệch về hướng Tây, có chiều cao là 2,5m; chiều rộng là 2m và chiều dài 6m, cách cửa Địa đạo 1 đi về hướng Đông Bắc 12,5m là đến cửa Địa đạo số 2. Cửa Địa đạo số 2 có chiều cao là 2,5m; chiều rộng 2m và chiều dài đến gát cùng của lòng Địa đạo 20m. Từ hai cửa số 1, số 2 đi vào bên trong là lòng Địa đạo. Lòng Địa đạo được bố cục theo hình chữ Y, trong lòng Địa đạo có nơi được đào cao hơn 2m và rộng tới gần 4m. Đây chính là nơi làm việc hàng ngày và nơi đặt các hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật và các phương tiện thu phát sóng của Đài Phát Thanh Giải Phóng Huế.

Cơ sở mới vừa được ổn định, Đài Phát Thanh Giải phóng Huế đã lắp đặt máy phát, liên lạc với CP.90 (tức là Đài Phát Thanh Giải phóng Miền Nam đặt tại Hà Nội) bằng máy phát VTD.15 oát để báo cáo kết quả và bắt tay vào hoạt động.

Sau 26 ngày đêm chiếm giữ, quân ta rút khỏi thành phố Huế, Đài Phát Thanh Giải phóng Huế cũng bị máy bay thám thính VO.10 của địch phát hiện, chúng dùng trực thăng và máy bay B.52 thả bom phát quang, bom Napan rải thảm, tìm và đánh phá mục tiêu, cả thung lũng núi Pa Đung biến thành một chảo lửa ngút trời.

Trước sự đánh phá ác liệt của Mỹ ngụy, Khu Ủy Trị Thiên Huế nhận định địch có thể tập trung quân, dùng chiến lược trực thăng vận ngăn chặn từ xa, đánh ra vùng hậu cứ của ta. Vì vậy, quyết định di dời Đài Phát Thanh Giải phóng Huế đến một địa điểm xa hơn, sâu hơn để bảo vệ người và máy móc. Hướng di chuyển của Đài là về dãy núi Cô Ka Lươi (Cohq Câl Lưi) thuộc địa phận A Vao, quận I, miền Tây Thừa Thiên Huế.

Tại đây Đài Phát Thanh Giải phóng Huế vẫn tiếp tục hoạt động, góp phần đưa tiếng nói của Đảng, của nhân dân cả nước để động viên tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Trị Thiên Huế.

Mặc dù tồn tại trong một thời gian ngắn, song sự xuất hiện của làn sóng phát thanh của Đài Phát Thanh Giải phóng Huế, tiếng nói của chính quyền cách mạng có một ý nghĩa lớn lao, đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta ở chiến trường Trị Thiên Huế vượt qua muôn vàn khó khăn trong những ngày địch phản kích ác liệt, để hoàn thành sứ mạng lịch sử do Trung ương Đảng giao phó; chứng minh một giai đoạn phát triển, phục vụ cách mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam, của CP.90 (Đài Phát Thanh Giải phóng Miền Nam) trong công việc phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của Đảng ta.

Điểm di tích Địa đạo A Đon - Trụ sở Đài Phát thanh Giải phóng Huế khẳng định thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Miền Nam, mà đặc biệt là chiến trường Trị Thiên Huế. Là bằng chứng hùng hồn nói lên tinh thần thông minh, sáng tạo của quân và dân ta đã vượt qua mọi gian lao thử thách để chuyển những thông tin liên lạc cần thiết phục vụ chiến trường, động viên kịp thời tinh thần chiến đấu của cán bộ và nhân dân Trị Thiên Huế. Là niềm tự hào về những đóng góp cho cách mạng của nhân dân Quảng Nhâm, huyện A Lưới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Điểm di tích Địa đạo A Đon - Trụ sở Đài Phát thanh Giải phóng Huế được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh 13/10/2006.

Lê Thị Thưi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.183.764
Truy câp hiện tại 12.316