Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
45 năm A Lưới xây dựng và phát triển
Ngày cập nhật 03/03/2021

Tháng 3 năm 1976, huyện A Lưới chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 quận: Quận 1, quận 3, quận 4. Giai đoạn đầu mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân không ổn định, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số muốn du canh du cư, đồng bào kinh thì vào miền Nam sinh sống. Giao thông liên xã, liên thôn, đang còn đất đá; điện lưới quốc gia và nước sạch chưa có; nền kinh tế chủ yếu tự cung - tự cấp, đời sống nhân dân rất khó khăn, thường xảy ra nạn đói giáp hạt. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn yếu về chất lượng, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi còn cao, trường học chủ yếu tranh, tre, nứa, lá; phương tiện thông tin đại chúng còn thiếu, sóng truyền hình chưa có; dịch bệnh sốt rét kéo dài nhiều năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao; các tập tục lạc hậu còn nặng nề; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp; đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã thiếu và yếu; thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra đã tàn phá, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và nhân dân toàn huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, bám sát Nghị quyết của Đảng, xây dựng huyện A Lưới phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng qua từng năm.

Đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất đang ở mức 10,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đến năm 2019 đạt 1.245 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp 482 tỷ đồng, chiếm 38,7%, giảm 13,4%; công nghiệp - xây dựng 382 tỷ đồng, chiếm 30,7%, giảm 5,8%; dịch vụ 381 tỷ đồng, chiếm 30,6%, tăng 19,2% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 9,4 triệu đồng so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 823 tỷ đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 135 tỷ đồng, trong đó, phần giao huyện thu 29,2 tỷ đồng, tăng 10,0 tỷ đồng so với năm 2015.

Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 482 tỷ đồng, trong đó: Trồng trọt đạt 139 tỷ đồng, chiếm 28,8%; Chăn nuôi đạt 171  tỷ đồng, chiếm 35,5 %; Lâm nghiệp đạt 102 tỷ đồng, chiếm 21,2%; Cây cao su - Chuối đạt 38 tỷ đồng, chiếm 7,9%; Thuỷ sản đạt 32 tỷ đồng, chiếm 6,6%. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm ước đạt 5.927 ha/năm, đạt 98,8% chỉ tiêu Nghị quyết. Sản lượng lương thực có hạt bình quân 18.400 tấn/năm, đạt 95,2% chỉ tiêu Nghị quyết. Tổng đàn gia súc tính đến nay là 43.545 con, đạt 93% chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó: đàn bò: 11.613 con, tăng trên 2.000 con so với năm 2015. Tổng đàn gia cầm: 357.250 con, đạt 119% chỉ tiêu Nghị quyết.

Tình hình sử dụng điện: có 13.141 hộ sử dụng điện thường xuyên, đảm bảo an toàn, chiếm tỷ lệ 99,95%. Hiện nay, trên địa bàn huyện có đường dây 35 KV với chiều dài là 68,356 km, đường dây 22KV có chiều dài là 140,3 km và đường dây hạ áp đi qua tất cả thôn trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng chiều dài là 156,245 km; 11 trạm biến áp 35 KV, 106 trạm biến áp 22KV đều bảo đảm quy trình kỹ thuật an toàn điện. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt toàn huyện đạt 65% (Trong đó khu vực nông thôn đạt 59%). Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải trên 80%; chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.

Văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ, cụ thể một số kết quả nổi bật: Hệ thống giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từ chỗ chưa có gì, đến nay đã được đầu tư xây dựng, trang cấp đồng bộ hóa, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu dạy, học. Đến nay, toàn huyện có 31 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66%; có 17 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 11,2%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,82% (2.049 hộ nghèo). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân, các đơn vị tích cực hưởng ứng thực hiện; đến nay, có 12.916hộ/13.855 hộ đã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 93,2%. Trong đó, có 10.905/12.916 hộ đã được xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa trên tổng số đăng ký, đạt 84,4%; Có 95/95 làng, thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa, đạt 100%; 91/95 làng, thôn, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,7%. Có 124/124 cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa đạt 100%. Trong đó có 118/124 cơ quan, đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,1%. Các thiết chế văn hoá được đầu tư, hầu hết các thôn, tổ dân phố đều có nhà sinh hoạt cộng đồng; đến nay có 100% xã, thị trấn phủ sóng truyền thanh, truyền hình; các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên được tổ chức. Chính sách an sinh xã hội và các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chăm lo người có công…được triển khai kịp thời và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và phát triển xã hội. 

Công tác xây dựng nông thôn mới được hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện tăng 31 tiêu chí, đạt 71,3% so với bộ tiêu chí, bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã. Có 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. An ninh, quốc phòng được tăng cường, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ ngày càng đi vào nề nếp. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội đạt nhiều thành quả tốt, chính trị ổn định.

Hệ thống chính trị không ngừng được chăm lo xây dựng, đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công cuộc đổi mới ở địa phương. Số lượng đảng viên tăng lên nhiều lần. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; xử lý nghiêm đảng viên và tổ chức đảng vi phạm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương đều được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đến nay được áp dụng rộng rãi từ huyện đến cơ sở.

Những thành tựu quan trọng qua 45 năm xây dựng và phát triển là nền tảng, là động lực để Đảng bộ, quân và nhân dân huyện A Lưới rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyết tâm cao để xây dựng A Lưới phát triển nhanh, bền vững hơn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.288.382
Truy câp hiện tại 1.180