Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Ngày cập nhật 02/02/2023

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ngày 18/01/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã banm hành Công văn số 545/UBND-TP về hướng dẫn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện như sau:

I. QUY TRÌNH SOẠN THẢO VÀ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Bước 1. Soạn thảo dự thảo nghị quyết (Khoản 1 Điều 133 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình. Căn cứ vào tính chất và nội dung của nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo và tờ trình dự thảo nghị quyết (mẫu số 03 Phụ lục V kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết (Khoản 2 Điều 133 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết.

Cơ quan, tổ chức có liên quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo nghị quyết. Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết thì cơ quan, tổ chức lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến, địa chỉ tiếp nhận ý kiến và bảo đảm ít nhất là 07 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo nghị quyết.

Bước 3. Thẩm định dự thảo nghị quyết (Điều 134 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 42 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020)

Sau khi lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến vào dự thảo nghị quyết, chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Phòng Tư pháp để thẩm định.

Thời hạn, hồ sơ, nội dung thẩm định và báo cáo thẩm định thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 121 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 36 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020.

Bước 4. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện (Điều 135 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm chỉnh lý và gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, thảo luận và biểu quyết về việc trình dự thảo nghị quyết ra Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi tờ trình, dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan đến Thường trực Hội đồng nhân dân để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Bước 5. Thẩm tra dự thảo nghị quyết (Điều 136 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện phải được Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm gửi dự thảo nghị quyết đến Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra. Hồ sơ, nội dung thẩm tra và báo cáo thẩm tra theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 124 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 38 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020.

Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra có trách nhiệm gửi báo cáo thẩm tra đến Thường trực Hội đồng nhân dân để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Bước 6. Xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết (Điều 137 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được tiến hành theo trình tự sau đây:

- Đại diện Ủy ban nhân dân thuyết trình dự thảo nghị quyết;

- Đại diện Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;

- Hội đồng nhân dân thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết. Dự thảo nghị quyết được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực nghị quyết.

Bước 7. Niêm yết, đưa tin về nghị quyết (Điều 150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Thời gian và địa điểm niêm yết công khai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo hoặc niêm yết công khai.

II. QUY TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Bước 1. Soạn thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện (khoản 1 Điều 138 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công và trực tiếp chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân soạn thảo. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo và tờ trình dự thảo quyết định (mẫu số 03 Phụ lục V kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo quyết định (Khoản 2 Điều 138 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định.

Cơ quan, tổ chức có liên quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo quyết định.

Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 07 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo quyết định.

Bước 3. Thẩm định dự thảo quyết định (Điều 139 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 43 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020)

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến Phòng Tư pháp để thẩm định. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm: Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo quyết định (mẫu số 03 Phụ lục V kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); Dự thảo quyết định; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Tài liệu khác (nếu có).

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo quyết định, đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Phòng Tư pháp khi trình Ủy ban nhân dân dự thảo quyết định.

Bước 4. Xem xét, thông qua dự thảo quyết định (Điều 140, Điều 141 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến Ủy ban nhân dân cấp huyện chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày Ủy ban nhân dân họp để chuyển đến các thành viên Ủy ban nhân dân. Hồ sơ dự thảo quyết định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, bao gồm: Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo quyết định (mẫu số 03 Phụ lục V kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); Dự thảo quyết định; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;  Báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; Tài liệu khác (nếu có)

 Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phương thức xem xét, thông qua dự thảo quyết định. Trong trường hợp xem xét, thông qua dự thảo quyết định tại phiên họp Ủy ban nhân dân thì được tiến thành theo trình tự sau đây:

- Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo quyết định;

- Đại diện Phòng Tư pháp phát biểu về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định;

- Ủy ban nhân dân thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định. Dự thảo quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt ký ban hành quyết định.

Bước 5. Niêm yết, đưa tin về quyết định (Điều 150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Thời gian và địa điểm niêm yết công khai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo hoặc niêm yết công khai.

Tập tin đính kèm:
Lê Thanh Huệ - Phòng Tư pháp
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 27.351.614
Truy câp hiện tại 7.222