Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quyết định nâng cấp xếp hạng di tích đối với di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đồi A Bia, từ di tích lịch sử cấp Tỉnh thành di tích lịch sử cấp Quốc gia
Ngày cập nhật 06/12/2021
Bia giới thiệu giá trị di tích lịch sử Đồi A Bia

Vừa qua, ngày 03 tháng 12 năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định nâng cấp xếp hạng di tích đối với di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đồi A Bia, từ di tích lịch sử cấp Tỉnh thành di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 3082/QĐ-BVHTTDL.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, Địa điểm chiến thắng sân bay đồi A Bia đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng, nhân dân giao phó là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến trường; góp phần quyết định đưa cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

A Bia, là ngọn đồi quan trọng có vị trí hết sức lợi hại, trên địa bàn rừng núi huyện A Lưới. A Bia cách thung lũng A Lưới, đường Hồ Chí Minh không xa, lại rất gần thành phố Huế (khoảng 50km đường chim bay). Đứng trên đỉnh A Bia có thể quan sát toàn cảnh, thung lũng A Lưới… đường đến A Bia rất hiểm trở nhưng trên đỉnh A Bia lại tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình quân sự, kho tàng, sân bay dã chiến, trận địa pháo… Chính vì những lợi thế chiến lược, xung yếu đó mà cả ta và địch đều tìm mọi cách chiếm lĩnh vị trí quan trọng này. Xung quanh khu vực đồi A Bia nhiều đơn vị Quân – Dân – Chính – Đảng chọn làm điểm đóng quân, nhiều vị trí được chọn đào địa đạo là căn cứ của khu ủy Trị Thiên Huế, là nơi đóng quân của bộ đội chính quy, đườn dây 559, hậu cần tiền phương chọn làm điểm tập kết quân trang, quân dụng… Vì thế, tại nơi này đã xảy ra nhiều trận chiến ác liệt giữa lực lượng vũ trang, quân giải phóng và quân đội Mỹ-Ngụy… Mặc dù bị thất bại nặng nề trong trận Cô Ka Va (01/1969) nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố không chịu từ bỏ ý định chiếm lĩnh các điểm cao ở A Bia. Ỷ quân đông, vũ khí hiện đại, dựa vào chiến thuật ’’ Trực thăng vận, thiết xa vận’’ đế quốc Mỹ triển khai xây dựng các sân bay dã chiến, trận địa pháo, công sự chiến đấu… với hy vọng vỏ thép dày của chiến xa, tính cơ động của trực thăng sẽ giúp chúng nhanh chóng làm thay đổi tình hình chính sự ở A Lưới.

Tháng 5 năm 1969, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam và bộ tư lệnh hành quân, quân đội Sài Gòn quyết định mở cuộc càn quét lên A Bia với mật danh “Tuyết trên núi A Pát” hay “A Pát + Lam Sơn 278” chúng huy động một lực lượng gồm 13 tiểu đoàn (8 tiểu đoàn lính Mỹ, 5 tiểu đoàn quân Ngụy) trong đó có đầy đủ lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn lính nhảy dù Mỹ số 101, một bộ phận của trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ Quảng Trị vào, cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại.

Trong các ngày 10 và 11/5/1969, từ những khu vực đóng quân trên các chốt khu vực A Bia, A Lê Lốc, A Lê Thêm, Cao điểm 1087… Lữ đoàn 3 (Sư đoàn 101 dù Mỹ) tổ chức lùng sục tiềm kiếm lực lượng ta khu vực quanh núi A Bia, ngay lập tức chúng đã bị giáng trả những đòn quyết liệt của các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam, dân quân du kích địa phương, quê hương của anh hùng Hồ Vai, Can Lịch… Với lối đánh sáng tạo, cơ động, mưu trí, dũng cảm, bộ đội ta trong đó lực lượng nòng cốt là trung đoàn 8 (Sư đoàn 324), Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 (đoàn Phú Xuân) hiệp đồng chặt chẽ, chủ động tổ chức nhiều đợt phản công, quyết tâm không cho địch chiếm cất vị trí mà ta đang chốt giữ.

Bị thất bại trong trận ra quân đầu tiên, ngày 12/5/1969, đế quốc Mỹ tiếp tục huy động một lực lượng gồm nhiều máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay ném bom khác, kết hợp pháo binh, cùng một lúc ném bom rải thảm, pháo kích nhầm hủy diệt A Bia trong thời gian nhanh nhất, sau đó dùng lực lượng bộ binh với sự hỗ trợ của xe tăng, xe bọc thép bao quanh chiếm lĩnh các điểm cao tại A Bia… Với một lực lượng đông về quân số, mạnh về vũ khí, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ sớm làm chủ A Bia. Nhưng chúng đã lầm! Với lối đánh du kích, bất ngờ, chia cắt, phân tán lực lượng địch để đánh, bộ đội ta (Trung đoàn 8, Sư đoàn 324) đã ngoan cường, mưu trí, kiên trì giữ vững trận địa, đồng thời chớp thời cơ phản kích, bằng chiến thuật đó chúng ta đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm thất bại chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh của chúng, buộc chúng phải cuốn theo lối đánh của ta… Hỗ trợ cho Trung đoàn 8 (Sư đoàn 324), Tiểu đoàn 2 (đoàn Phú Xuân) liên tục bám đánh quân Ngụy ở dốc Hồng Trung, tiểu đoàn 6 (đoàn Phú Xuân) chủ động đánh quân dù Mỹ đồng thời bao vây sân bay A Bia khi chúng tổ chức đổ quân xuống đây, phá hủy nhiều máy bay lên thẳng, phương tiện chiến tranh… ngăn chặn kịp thời không cho chúng hợp điểm tại A Bia.

Địch chưa kịp hoàn hồn, rạng sáng ngày 13/5/1969 quân giải phóng lại chủ động tập kích ngay nơi đóng quân của tiểu đoàn 2 lính nhảy dù Mỹ ở điểm cao 1078, bắc A Bia, lại một lần nữa: “Các chiến sĩ bộ binh Tây Thừa Thiên Huế tỏ rõ nghệ thuật tập kích nhanh gọn, diệt 3 đại đội bộ binh, công binh địch, phá hủy 8 đại bác, nhiều lô cốt và hầm ngầm bị đánh sập, chiếm sân bay dã chiến A Bia. Đặc biệt cả 4 cụm thông tin liên lạc đều bị diệt ngay từ đầu, làm cho hệ thống chỉ huy của địch bị cắt đứt và không còn ứng cứu được cho nhau”… cùng với những trận đánh quyết liệt của quân gải phóng ở động Tranh… bộ đội địa phương, dân quân du kích tây Thừa Thiên Huế, liên tục vây ép tiến công địch không cho chúng nghỉ. Lữ đoàn 3, lực lượng mà chỉ huy Mỹ cho là còn “sung sức” niềm hy vọng của sư đoàn lính nhảy dù số 101 được tung ra, nhưng cả 3 tiểu đoàn này đều bị quân giải phóng giáng những đòn chí mạng… “ngày 14 tháng 5 năm 1969 Mỹ đều động tiểu đoàn 3 (lữ đoàn 3 - sư đoàn 101 lính dù Mỹ) lên A Lê Lốc (Tây A Bia) tại đây quân giải phóng đã chờ sẵn, giăng lưới lửa trên mặt đất, vừa bao vây địch trên trời, diệt 260 tên, bắn cháy 6 máy bay”… Như những con thiêu thân lao đầu vào biển lửa, ngày 16/5/1969 bộ chỉ huy Mỹ tung nốt tiểu đoàn 2 vào cuộc. Nhưng chúng đã bị một đơn vị bộ đội phục kích tiêu diệt và làm bị thương trên 50 tên Mỹ, thu nhiều chiến lợi phẩm. Như vậy, cả 3 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn dù số 3 sư 101 tham gia chiến dịch đều bị thất bại nặng nề, chưa từ bỏ dã tâm chiếm lại A Bia, ngày 18 tháng 5 chỉ huy quân đội Mỹ quyết định thúc ép lính Mỹ, liều chết để cố chiếm A Bia, hỗ trợ cho cuộc hành quân này, bên cạnh dùng máy bay B52 rải thảm, lính Mỹ còn huy động nhiều máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng vũ trang, cùng các trận địa pháo ở Tà Lương, Cô A Nông…, ngày đêm bắn phá A Bia, chuẩn bị dọn đường cho lực lượng bộ binh tiến lên A Bia. Nói về diễn biến cuộc hành quân này, báo Nhân Dân, số ra thứ 3 ngày 27 tháng 5 năm 1969 (số 5521) viết: “Hàng ngàn lính Mỹ cố leo lên điểm cao và tiểu đoàn 3 do tên trung tá Hơ-Ni-Cớt chỉ huy vừa bám được sườn đồi thì đạn các cỡ của quân giải phóng từ trong các chiến hào, từng mô đất, gốc cây, hố bom đã găm đầu chúng xuống. Tiểu đoàn 3 lính dù Mỹ lại bị diệt 200 tên, trong đó có 2 đại đội bị tiêu diệt, và đánh thiệt hại nặng nề”.

Khắp rừng núi A Bia, chỗ nào lính Mỹ đặt chân tới, chỗ đó là trận địa tiêu diệt chúng, đến chiều 21/5/1969, khi lính dù Mỹ chuẩn bị cho máy bay lên thẳng (sân bay A Bia) bốc quân tháo chạy, tại đây một lần nữa chúng rơi vào vòng vây của các lực lượng vũ trang quân giải phóng đón sẵn bất ngờ nổ súng tiêu diệt 150 tên, quân Mỹ bỏ chạy trong hoảng loạn, co cụm chờ thời cơ thoát thân, nhưng thời cơ không đến, đến 5h chiều ngày 23/5/1969 lính Mỹ liều chết, dùng trực thăng tháo chạy và nhận thêm nhiều thất bại, hơn 100 tên bị tiêu diệt… tổng kết chiến thắng A Bia của các lực lượng vũ trang Thừa Thiên, báo Nhân Dân, số 5530 ra ngày 5/6/1969  nêu rõ, tính từ ngày 10 đến ngày 23/5/1969 ta đã Bẻ gãy cuộc hành quân bị động của 13 tiểu đoàn địch, cuộc hành quân lớn nhất của chúng kể từ đầu năm đến nay lên vùng núi A Bia, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn nhảy dù mang số 101. Diệt và bắt hơn 4000 tên địch, trong đó có 2900 tên Mỹ và 30 tên ác ôn, bảo an, dân vệ, diệt một sở chỉ huy hành quân trung đoàn, 3 sở chỉ huy hành quân tiểu đoàn,… đánh rơi, phá hủy 57 máy bay, phá hủy 80 xe quân sự (có 45 xe tăng bọc thép) 33 đại bác và súng cối, nhiều phương tiện chiến tranh khác…” vẫn chưa chịu từ bỏ ý định chiếm A Bia ngày 9/7 và 22/8/1969, đế quốc Mỹ lại liều lĩnh xua quân lên A Bia và một lần nữa chúng bị các đơn vị lực lượng vũ trang quân giải phóng, du kích địa phương đánh bại” tiêu diệt gần 2000 tên địch trong đó có phần lớn là lính người Mỹ, phá hủy 26 xe tăng, đánh rơi 59 máy bay các loại. Đặc biệt trong trận này có tên trung tướng chỉ huy Mỹ tên là Mê-Đi-Xơn, tư lệnh lữ đoàn 3, sư đoàn 101 bị trọng thương”.

Đến lúc này, có thể nói cuộc hành quân mang tên “Tuyết trên núi A pát” của quân đội Mỹ, trở thành cuộc hành quân bị sa lầy, khốn quẫn nhất của chúng.

Trong cuộc chiến đấu vô cùng gay go, ác liệt ấy, lòng quả cảm, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nền độc lập dân tộc, sự hy sinh cao cả của các Anh sẽ được đất nước, dân tộc, các thế hệ mai sau mãi mãi ngưỡng mộ, tôn thờ, tưởng nhớ và biết ơn…

Chiến thắng A Bia, làm nức lòng nhân dân cả nước, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đồi A Bia, trở thành tử địa, là nỗi kinh hoàng của lính Mỹ, Ngụy đã từng tham gia cuộc hành quân này, họ không ngần ngại khi gọi đồi A Bia là “Đồi Thịt Băm”, “Đồi Xáo Thịt”… Chiến thắng A Bia không chỉ có giá trị về mặt quân sự mà còn có tác động to lớn đến chính trị, ngoại giao… làm giao động phân hóa nội bộ địch, là nguồn cổ vũ động viên to lớn của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, làm phá sản kế hoạch bình định của địch. Thắng lợi đó khẳng định sự thất bại của Mỹ-Ngụy trong âm mưu càn quét đánh phá các căn cứ địa của ta ở rừng núi, buộc chúng phải co cụm ở vùng giáp ranh, đồng bằng.

Báo Nhân Dân số 5521 ra ngày 27/5/1969 trích đăng nhận xét của thông tấn xã giải phóng: “Cũng như các cuộc hành quân bị động lên A So (1968) Cô Ka Va (1969) ở tây Thừ Thiên Huế trước đây, cuộc hành quân liều lĩnh lần này của Mỹ, Ngụy lên vùng núi A Bia đã bị giáng một đòn choáng váng”. Thất bại nặng nề này của chúng đã làm xôn xao dư luận nước Mỹ. Tại quốc hội Mỹ và trươc báo chí Mỹ nhiều chính khách đã lên tiếng chỉ trích “Đây là cuộc hành quân vô nghĩa lý, vô trách nhiệm”, “A Bia là đồi nghiền thiệt lính nhảy dù Mỹ”. Tạp chí Mỹ Lốt-Ăng-Giơ-Lét, số ra ngày 27/5/1969 chỉ trích cuộc hành quân của Mỹ ở vùng A Bia, cuộc hành quân này đã làm chết nhiều lính Mỹ, dưới đầu đề “Sự tốn kém và giá trị của một ngọn đồi ở Việt Nam” bài báo cho biết, “… Trong 11 đợt tiến công ác liệt vào đồi A Bia, được đặt tên là “Ngọn đồi nghiền thịt” bởi vì nó “ngốn lính Mỹ như ngốn thịt lợn”, bài báo viết tiếp “Tình trạng đó thường xảy ra ở hết ngọn đồi đau buồn này, đến ngọn đồi đau buồn khác”.

Chiến thắng đồi A Bia là một trận chiến thắng kép của quân đội nhân dân Việt Nam, có giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn; là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Đây được xem là một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cũng như truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Lê Thị Thưi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.171.599
Truy câp hiện tại 5.638