Theo phong tục tập quán của người Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, con trai, con gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, gia đình chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới chu đáo.
Đối với người Pa Cô, khi có con đến tuổi lập gia đình, thì cha, mẹ, anh em trong dòng họ sẽ bắt đầu chuẩn bị các lễ vật để làm của hồi môn. Đối với con trai cần có: Tiền, vàng, bạc, cườm, bò, heo, áo quần, thau, chiếu…Đối với con gái cần các lễ vật: Dèng, chiếu (A lơơq), gạo ngon các loại, gà, vịt, cá… Số lượng của hồi môn nhiều, ít là tùy vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Theo truyền thống để lại, con trai hay con gái sau một thời gian tìm hiểu yêu đương và quyết định tiến tới hôn nhân phải có trách nhiệm làm lễ báo cáo cho hai bên gia đình. Trong nghi thức lễ cưới gồm có nghi lễ sau:
A Cay ân têr a đâ a y a ăm (lễ báo cáo cho bố, mẹ)
Đây là nghi lễ thể hiện sự kính trọng, lễ phép của con cái đối với bậc sinh thành, báo cáo để bố mẹ biết đứa con của mình đã có sự quyết định trong hôn nhân và để chuẩn bị các lễ vật liên quan đến việc cưới hỏi của con sau này. Đôi trẻ chủ động về báo cáo cho bố mẹ của mình về việc đã quyết định chọn người yêu chính thức để làm chồng hay làm vợ của đời mình, mong bố mẹ chấp thuận tình yêu của con cái.
-Tâng hung (họp bàn)
Để việc cưới hỏi được suôn sẻ, thành công, gia đình thông báo cho trưởng họ về việc con trai, con gái đã báo cáo xin kết hôn. Sau đó, trưởng họ tổ chức họp các gia đình, trong dòng họ để chuẩn bị cho lễ hỏi cưới. Đồng thời, xin ý kiến các gia đình sẽ đóng góp vật chất, tinh thần cho gia đình để lo việc sắp tới và thống nhất thời gian, phong tục, lễ vật tổ chức đám hỏi, đám cưới.
-Pôôc xeeq (đám hỏi)
Đây là nghi lễ mang tính quyết định để đôi trẻ tiến tới hôn nhân, 2 bên gia đình kết tình thông gia. Lễ nhà trai mang đến đám hỏi gồm: tiền, vàng, bạc, hạt mã não… Lễ vật có giá trị lớn hay nhỏ tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình. Phía nhà gái chuẩn bị sẵn mâm cỗ để đón nhà trai và một tấm Dèng để thể hiện sự đồng ý chấp thuận người con rể. Sau khi ra mắt,họ nhà trai đã chuẩn bị một mâm cỗ gồm có thịt heo hoặc trâu, bò, dê và rượu… Nhà trai mời nhà gái dùng mâm cỗ trước khi thưa chuyện. Để thể hiện sự tôn trọng, đại diện bên nhà gái mở lời trước cho nhà trai thưa chuyện. Trong quá trình trao đổi, nhà trai trao cho nhà gái lễ vật đính ước và xin nhà gái gả con gái về dòng họ mình. Sau đó ướm hỏi sự đồng ý của nhà gái. Khi được sự đồng ý của nhà gái và cô gái, nhà trai sẽ trao lễ vật cho cô gái và tiến hành chuẩn bị các lễ vật bắt buộc và ấn định thời gian để tiến tới hôn nhân. Sau khi hoàn tất công việc, nhà gái đáp lễ lễ nhà trai bằng mâm cỗ.
+ Ty rặp ty reng (chuẩn bị)
Sau khi kết thúc việc ăn hỏi, nhà trai sẽ chuẩn bị tất cả lễ vật nhà gái yêu cầu, thông thường một đám cưới truyền thống gồm: mười con heo dành cho Cu múi (ông bà tổ tiên), a em, a chai (họ hàng), câr rang (tập tục khiêng), Yang Cợt (thần hộ mệnh cha mẹ cô dâu), Târ poong ân nôm căn (nhà ngoại cô dâu), Câr reng (nghi thức tẩy uế), Târ luh (lại nhà trai), Âm par (lại nhà gái), Tâng hoar (báo lễ cậu mợ chú rể), một con dê dành cho Câr reng (lễ tẩy rửa). Những lễ vật này chỉ bắt buộc về số lượng, trọng lượng thì tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, họ tộc. Một sợi dây chuyền hạt mã não hay vàng, bạc, một bộ áo quần cho bố mẹ cô dâu và một bộ áo quần cho ông trưởng họ nhà gái. Đối với nhà gái sẽ phải chuẩn bị các lễ vật bao gồm: Các loại gạo, nếp ngon, gà, vịt, cá, chim, rượu cần. Các lễ vật này vừa làm lương thực, thực phẩm để tiếp đãi họ nhà trai, vừa làm lễ vật biếu tặng. Ba tấm Dèng đặc biệt dành lễ cho ông bà thông gia và con rể, những tấm Dèng còn lại để làm của hồi môn cho con gái, số lượng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.
Sau lễ hỏi khoảng bảy ngày thì cho phép tổ chức lễ cưới, lễ cưới được tổ chức long trọng tại nhà trai và nhà gái: Pôôc đooq (đám cưới tại nhà trai), Pa liah, a leq kâr mai (đám cưới nhà gái).
Pa choo târ moot, poi a cay (đám cưới tại nhà trai)
Ngày ấn định đã đến, sáng sớm trước khi đưa con gái về nhà chồng, chủ nhà gái làm nghi lễ Pai a ngôh (lễ xuất gia)và báo cho tổ tiên biết là cháu gái đã đi lấy chồng, mong tổ tiên luôn dõi theo phù hộ cho sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Nhà gái mang theo một số lễ vật đại diện như: Dèng, gà, xôi… để tiễn con về nhà chồng. Để tránh những điều xui xẻo trên đường đi về nhà chồng,cô dâu choàng thêm bên ngoài một tấm Dèng gọi là Pâr lang.
Mẹ chồng chờ sẵn tại cổng nhà để đón con dâu rồi cởi tấm Dèng đó ra và đeo cho cô dâu chuỗi cườm để đón nhận người con dâu hiền.
Khi nhà gái vào nhà, nhà trai tiến hành các nghi thức sau:
Pâr xool (báo cho tổ tiên nhà trai)
Nhà trai chuẩn bị một chén nước lã sạch, hai tấm lá chuối xanh rồi đứng trước bàn thờ báo cho ông bà tổ tiên biết, nhà gái đã tiễn con dâu tới nhà mình, cầu mong mọi việc tốt lành. Các lễ vật đã đủ đầy, mong ông bà tổ tiên phù hộ, không trách mắng, không gây ốm đau cho con cháu, cho nhà thông gia. Sau đó, nhà trai dọn mâm cỗ và giao cho nhà gái tự phân bổ mâm cỗ theo lượng khách của nhà gái.
+ Zoon Plô (trao lễ vật)
Người Pa Cô ngày nay đã văn minh, tiến bổ, loại bỏ các thủ tục lạc hậu, thách cưới… Nhà trai trao tặng của hồi môn bao nhiêu thì lấy nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi, không thách cưới. Nhưng riêng các lễ vật liên quan đến phong tục tập quán thì bắt buộc nhà trai lo cho bằng được theo số lượng quy định, còn trọng lượng thì tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của nhà trai.
Nghi thức trao lễ vật cho nhà gái:
Trưởng họ nhà trai giao phần lễ vật bắt buộc, đó là 10 con heo tuần tự từng nội dung cụ thể. Tiếp đến trao cho ông bà thông gia bộ quần áo và sợ dây chuyền để tạ ơn công sinh thành dưỡng dục đứa con gái lớn khôn, ngoan hiền, xinh đẹp. Trao cho Trưởng họ để tạ ơn vì sự lo lắng, đỡ đần cả vật chất lẫn tinh thần cho nhà thông gia trong việc cưới hỏi. Cuối cùng là trao của hồi môn của con gái cho nhà trai cất giữ, sử dụng và một phần chia lại cho anh em, họ tộc để tỏ lòng cảm ơn sự chung tay lo liệu cho đám cưới được viên mãn.
Sau nghi thức trao lễ vật thì lễ cưới ở nhà nam kết thúc. Nhà gái định thời gian để tổ chức lễ cưới tại nhà gái.
Khi công việc đã hoàn tất, nhà trai tiễn nhà gái ra về và không quên trao một số lễ vật đã chuẩn bị từ trước gồm: một con heo nhỏ luộc chín, một tấm chiếu, mười cái bát nhỏ, đáp lại nhà gái cũng đã chuẩn bị sắn một con gà trống to luộc sẵn, một tấm a lợ (chiếu truyền thống), một tấm dèng, xôi và rượu cho nhà trai. Sau đó, đại diện nhà trai và gái cầm hai sợi lá chuối nhúng vào chén nước lã, hất lên bàn thờ tổ tiên và khấn rằng: Lễ cưới tại nhà trai đã thành công tốt đẹp, các lễ vật theo yêu cầu của nhà gái đã trao đầy đủ, nhà gái cũng đã có đủ lễ vật cho nhà trai, cầu mong Yang đừng hỏi han quở trách, vui lòng đón nhận cháu dâu trở thành người của nhà trai chính thức, cầu xin phù hộ cho nhà gái trở về nhà mạnh khỏe, an toàn, mong lễ cưới tại nhà gái được suôn sẻ thành công.
Nghi thức Pa tưp a đeh, pa cha đoi (ăn cơm chung)
Đêm đầu tiên con dâu về nhà chồng, cha mẹ chồng thực hiện nghi thức Pa tưưp a đeh, pa cha đooi để cầu mong cho đôi trẻ tình cảm mặn nồng, hạnh phúc bền lâu, sinh con đẻ cái khỏe mạnh và cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đêm nay, họ sẽ chính thức thành vợ chồng, và được ăn chung một chén xôi và hai quả trứng gà đã luộc sẵn. Chồng nắm xôi đưa vào miệng vợ, vợ đưa vào miệng chồng dưới sự chứng kiến của cha mẹ chồng để “Cầu mong đôi bạn trẻ luôn quan tâm chăm sóc nhau khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, mãi mãi hạnh phúc bền chặt đến đầu bạc răng long”.
Đến ngày hôm sau, để tránh những điều rủi cho cô dâu phải thực hiện một kiêng cữ Pa tăm Pâr lang (tránh vận xui), gia đình nhà chồng sẽ cấm cô dâu ra ngoài giao lưu với người khác, mà chỉ ở trong khu vườn nhà của mình.
+ Pa xâr a cay (đám cưới tại nhà gái)
Khoảng một tuần sau lễ cưới tại nhà trai, để hai gia đình được thuận lợi trong việc qua lại thăm nom nhau mà không phải kiêng cự nữa, nhà gái lại tiến hành tổ chức lễ cưới tại nhà gái lễ Pa xâr a ca/A leq câr mai.
Nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật và một số của cải khác, thông thường phải có một con heo to. Khi đến nhà gái, nhà trai phải thực hiện các nghi thức sau:
+ A Leq Câr mai (thả vận xui)
Trong đoàn người tham gia về nhà gái, cô dâu là người đi đầu tiên cưới của đoàn mang theo một chiếc đũa bếp, sau đó bước lên cầu thang và thả chiếc đũa xuống dưới: “Con gái thả đi những điều xui xẻo, ô uế vận phải trên đường đi, để khi vào nhà bố mẹ được sạch sẽ trong lành, từ nay con gái và con rể mới được phép vào nhà bố mẹ, muốn lui tới, thăm nom cha mẹ thì không còn kiêng cự nữa”.
+ Pâr xool (mời nhà gái)
Khi mọi việc đã xong, nhà gái tiến hành làm lễ Pâr xool nhận thông gia. Kể từ đây, hai gia đình đã trở thành thông gia chính thức và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.Nhà trai trao cho nhà gái con heo để làm thịt chuẩn bị cho nghi thức Târ mưh
+ Târ mưh(lễ khai vị)
Trong lúc chờ đợi bữa tiệc chính, để thể hiện sự kính trọng thứ bậc của nhàtrai,nhà gái chuẩn bị sẵn những món ăn nhẹ đã chuẩn bị sẵn tùy theo vị trí, giới tính. Đối với nữ, trẻ em được dọn các lễ vật như: Bánh A coát, chuối,mía... Đối với Trưởng họ và những người lớn tuổi sẽ được mời rượu, gà, cá….
+Tâm pa pêl (tiệc chính), khi mâm cỗ đã được dọn ra, nhà gái sẽ giao cho nhà trai các mâm cỗ đó, để nhà trai tự phân bổ theo số lượng khách của mình.
+ Pa dưn Khơi (hầu nhà trai)
Sau khi bên nhà trai đã thưởng thức bữa các mâm cỗ, nhà gái sẽ thực hiện nghi thức đặc biệt dành cho nhà trai, đó là nghi thức Pa dưưn Khơi nhằm thể hiện sự đối đãi, quý trọng rể quý và nhà thông gia. Lễ vật gồm có gà, cá đã được chế nướng chín, một ché rượu cần đặc biệt. Khi trao lễ vật người trưởng họ, người cha, người chú nhà gái trực tiếp lấy từ gian bếp và đi vào phòng khách bằng điệu múa và giai điệu Câr lơi, khi thấy nhà gái đi vào thì trưởng họ, người cha, người chú đằng nhà trai phải đứng dậy múa theo để đón nhận lễ vật một cách trân trọng.
+ Pâr choo (trao của hồi môn)
Sau khi mọi việc đã hoàn tất, nhà gái sẽ tiến hành trao của hồi môn như đã hứa, các tấm Dèng dành tặng cho những người đặc biệt trong gia đình nhà trai,“ Trao cho bố, mẹ chú rể để gửi gắm đứa con gái còn khờ dại, xem con dâu như con gái trong nhà…Trao cho anh, chị cả là để gửi gắm quan tâm chăm sóc, bảo ban em dâu cách đối nhân xử thế, quan tâm những khi ốm đau hay khỏe mạnh. Trao cho chú rể để gửi gắm hãy yêu thương vợ đến đầu bạc răng long…Trao tấm Dèng Yang Cợtcủa con gái mà bấy lâu bà mẹ cất giữ, nay trao lại cho mẹ chồng trân trọng gìn giữ như gìn giữ tính mạng của chính con dâu mình. Trao cho con gái hãy giữ trọn bổn phận của người vợ người mẹ đứa con dâu trong gia đình, vợ chồng yêu thương nhau suốt đời…Trao cho trưởng họ nhà trai để tạ ơn đã lo lắng giúp đỡ gia đình thông gia trong việc cưới hỏi, trao của hồi môn còn lại cho thông gia, cất giữ và tự phân chia cho anh em họ hàng”.
Đại diện nhà trai nhận lời và cảm ơn nhà gái bằng cách trao lại cho nhà gái các lễ vật mang theo cùng một thể, không trao từng phần như ở lễ cưới tại nhà trai.
+ Târ lêh (tiễn nhà trai)
Sau khi công việc kết thức, hai gia đình thông gia tiễn nhau, nhà gái chuẩn bị sẵn lễ vật gà luộc chín, tấm A lợ, tấm dèng, gùi nhỏ bánh a coát và nhà trai chuẩn bị sẵn đầu heo, tấm chiếu, chén bát, thau nhỏ... để đáp lễ. Sau đó, hai ông thông gia cầm hai sợi lá chuối xanh nhúng vào chén nước lã và hất lên bàn thờ tổ tiên rồi khấn rằng: Lễ cưới tại nhà gái đã thành công tốt đẹp, các lễ vật cho nhà trai đã trao đầy đủ, nhà trai cũng đã có đủ lễ vật cho nhà gái, cầu mong Yang đừng hỏi han quở trách, vui lòng đón nhận cháu rể trở thành người của nhà gái chính thức, cầu xin phù hộ cho nhà trai trở về nhà mạnh khỏe, an toàn.
Lễ cưới của người Pa Cô là một nghi lễ lớn, quan trọng của gia đình, họ tộc. có giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc đời mỗi con người. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của con trai, con gái Pa Cô bước ra khỏi vòng tay cha mẹ để cùng bạn đời xây dựng, vun đắp tổ ấm gia đình, yêu thương, gắn bó bên nhau đến đầu bạc răng long.