Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dạy và học lịch sử địa phương ở các trường THPT trên địa bàn huyện A Lưới
Ngày cập nhật 25/10/2011
Các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân huyện A Lưới

Thực hiện Công văn số 5982/BGDĐT-GDTH về việc Hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương các môn ở Tiểu học và Công văn số 5977/ BGDĐT-GDTrH ngày 7 tháng 7 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở cấp THCS và THPT từ năm học 2008 - 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế tổ chức biên soạn bộ sách Tài liệu Giáo dục địa phương, gồm 7 cuốn, dùng cho học sinh và giáo viên các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông của Thừa Thiên Huế. Và tài liệu này đã được phân bổ về các trường Tiểu học, THCS và THPT trên toàn tỉnh trong năm học 2011 - 2012.

Với việc hình thành bộ sách nói trên đã phần nào giúp cho giáo viên và học sinh thêm hiểu biết và yêu quý quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng, giàu đẹp. Đối với địa bàn huyện A Lưới, là huyện miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi có 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 14/21 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu xã, thị trấn là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nơi có nhiều di tích lịch sử và cách mạng trong kháng chiến, nơi từng là trụ sở của Đài Phát thanh Giải phóng Huế, trụ sở Uỷ ban kháng chiến Thừa Thiên, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện gần 100km…Đầy ắp những sự kiện và nhân vật nêu trên, thì việc dạy lịch sử địa phương lồng ghép với lịch sử địa phương A Lưới là điều quan trọng trong giảng dạy môn Lịch sử ở các trường THPT trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

 
Anh hùng Kăn Lịch
 
Hiện tại tài liệu để giảng dạy lịch sử A Lưới trong các trường THPT trên địa bàn chủ yếu dựa vào cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới (1998), bên cạnh đó, giáo viên có thể tham khảo tài liệu về A Lưới trên các trang web, sách báo, tài liệu tuyên truyền khác. Qua quá trình tham khảo ý kiến của các giáo viên lịch sử ở 3 trường THPT ở A Lưới chúng tôi thấy rằng:
- Bài học lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông trên địa bàn A Lưới nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về vùng đất, con người, những đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục từ năm 1949 đến năm 2010.
- Đối với các bài Lịch sử địa phương ở chương trình lớp 10, giáo viên cần khai thác tư liệu về huyện A Lưới như: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đặc điểm về dân cư, đời sống vật chất và tinh thần.
- Đối với các bài Lịch sử địa phương ở chương trình lớp 11, giáo viên cần khai thác tư liệu để làm rõ những nội dung cơ bản của lịch sử huyện A Lưới trong giai đoạn 1945 - 1954, gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên và quá trình lãnh đạo của Đảng đưa nhân dân A Lưới thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Đối với các bài Lịch sử địa phương ở chương trình lớp 12, do chương trình giành thời lượng nhiều hơn, mặt khác, gắn liền với chương trình lịch sử chính khóa (lịch sử dân tộc) giáo viên cần khai thác tư liệu để làm rõ những nội dung cơ bản về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân A Lưới; thực hiện vai trò căn cứ địa cách mạng của tỉnh; những chiến công tiêu biểu của quân và dân A Lưới; sự kiện đồng bào các dân tộc A Lưới mang họ Bác Hồ; những thành tựu của A Lưới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong thời kì đổi mới.
 
Kỷ niệm ngày đồng bào mang họ Bác Hồ
 
          Qua những sự kiện lịch sử cụ thể, sinh động về vùng đất, con người, truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm sẽ giáo dục học sinh lòng tự hào về quê hương A Lưới anh hùng; quý trọng và biết ơn các thế hệ đi trước, đồng thời có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị của truyền thống quý báu đó, chống lại mọi âm mưu phá hoại , chia rẽ của kẻ thù; phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
1. Để đạt được mục tiêu trên, giáo viên cần chuẩn bị tốt các khâu:
- Xác định loại bài và vị trí của bài trong chương trình để có nội dung và phương pháp dạy học phù hợp.
- Xác định mục tiêu của bài học: mức độ bài học cần đạt về kiến thức, tư tưởng tình cảm và rèn luyện kĩ năng.
- Xác định phương tiện dạy học cho từng bài học cụ thể.
- Giáo án phải thiết kế bài giảng với mô hình dạy học theo hướng tích cực.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động nhận thức của học sinh. Hình thức kiểm tra phải phong phú, nhiều mức độ.
2. Một số biện pháp khi tiến hành bài giảng lịch sử địa phương A Lưới:
- Giáo viên trình bày các sự kiện phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác, cơ bản, điển hình của các sự kiện lịch sử địa phương để làm bật nét đặc trưng giữa địa phương này với địa phương khác, chú trọng đến những sự kiện lịch sử địa phương có liên quan đến lịch sử dân tộc để học sinh thấy được bên cạnh nét đặc thù của lịch sử địa phương.
- Phải xác định chính xác không gian, thời gian, địa danh xảy ra sự kiện để học sinh theo dõi, hình dung, tái tạo lịch sử, tránh tình trạng hiện đại hóa lịch sử.
- Giáo viên phải sử dụng một cách đa dạng, kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý các phương pháp dạy học trong từng bài học cụ thể; trình bày phải sinh động, gây được xúc cảm cho học sinh.
- Khi dạy học lịch sử địa phương, việc đánh giá vai trò cá nhân, quần chúng trong lịch sử cũng như sự đóng góp của nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn A Lưới đối với lịch sử dân tộc.
3. Sử dụng tư liệu lịch sử địa phương để thiết kế bài học trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông
          Tài liệu Giáo dục địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn, phát hành trong nhà trường, Chương trình lịch sử địa phương ở các trường THPT trên địa bàn Thừa Thiên Huế được quy định như sau: Lớp 10, tiết 33 với bài “Thừa Thiên Huế trong quốc gia phong kiến Đại Việt từ năm 1306 đến năm 1858”, lớp 11 tiết 29 với bài “Thừa Thiên Huế đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược”, lớp 12 tiết 43 với bài “Thiên Huế từ năm 1919 đến năm 1954”, tiết 44 với bài “Thừa Thiên Huế từ năm 1954 đến năm 2000”.
Căn cứ vào đề cương và nội dung của Tài liệu Giáo dục địa phương đối với môn Lịch sử thì giáo viên cần vận dụng lồng ghép hoàn cảnh lịch sử A Lưới vào trong các tiết lịch sử địa phương đó. Nội dung kiến thức lịch sử địa phương A Lưới phải đảm bảo tính tư tưởng, quan điểm phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam…Vì vậy, việc lựa chọn nội dung dạy học lịch sử địa phương A Lưới phải đảm bảo yêu cầu:
- Những nét rất đặc thù, rất địa phương.
- Vấn đề lựa chọn để làm tiết dạy lịch sử địa phương phải là vấn đề quan trọng có ý nghĩa giáo dục đối với học sinh về tình cảm quê hương A Lưới.
- Lịch sử địa phương A Lưới sẽ giúp học sinh nhận thức, hiểu được tiến trình chung của A Lưới trong tiến trình lịch sử Thừa Thiên Huế và lịch sử Việt Nam.
- Đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm của bài học.
          Về phương pháp sư phạm cần chú ý đến các yếu tố sư phạm sau:
          - A Lưới là một huyện miền núi, đa số học sinh là dân tộc thiểu số, năng lực nhận thức, điều kiện, ý thức học tập... có phần hạn chế. Vì vậy, việc biên soạn nội dung dạy học lịch sử địa phương cần đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với trình độ và đặc điểm của học sinh.
          - Đảm bảo việc kích thích sự hứng thú học tập của học sinh, sau khi trình bày xong mỗi mục hoặc một đơn vị kiến thức nào đó cần có câu hỏi nêu vấn đề để phát triển tư duy học sinh.
          - Nội dung biên soạn phải đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi đưa vào giảng dạy, kế hoạch giờ dạy phải nêu bật được chặng đường lịch sử vẻ vang mà nhân dân A Lưới đã trải qua, từ đó nâng cao niền tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, quyết tâm xây dựng quê hương A Lưới giàu đẹp, văn minh.
- Cần sử dụng có hiệu quả các kênh thông tin, tranh ảnh, bản đồ lịch sử…Qua đó, góp phần giáo dục ý thức yêu quê hương, tự hào dân tộc và tạo hứng thú học tập cho học sinh.
- Ngôn ngữ diễn đạt của bài học lịch sử địa phương phải trong sáng rõ ràng, dễ hiểu, giàu hình ảnh, phù hợp với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Khuyến khích giáo viên người Kinh học tiếng dân tộc thiểu số để dễ chuyển tải những nội dung hay của lịch sử
- Nguồn tài liệu chủ yếu để biên soạn nội dung các bài lịch sử địa phương là tài liệu Lịch sử đảng bộ huyện A Lưới (1998), Lịch sử/Truyền thống Đảng bộ các xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Quảng, A Ngo, Phú Vinh, Sơn Thủy, A Roàng và thị trấn A Lưới, Tập san Kỷ niệm 40 năm giải phóng A So và 30 năm thành lập huyện A Lưới (2006), Tên đường phố ở thị trấn A Lưới, trang Thông tin Điện tử UBND huyện: aluoi.hue.gov.vn,…Với những tài liệu trên, giáo viên môn Lịch sử có thể vận dụng một số sự kiện và nhân vật sau đây để giảng dạy cho học sinh của mình:

Stt
Nội dung
Diễn biến
1
Chi bộ Đảng A Lưới thành lập
Nhân vật: Hồ Ngọc Mỹ, năm 1949
2
Ngày đồng bào Tà ôi - Pacô mang họ Hồ của Bác
1969
3
Chiến thắng A So
11.03.1966
4
Tiểu sử các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
A Vầu, Kăn Tréec, Hồ Đức Vai, Kăn Lịch, Bùi Hồ Dục, Hồ A Nun, Cu Tríp (Cao Minh Bôn), Kăn Đờm
5
Lược sử các xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Hồng Thái, Hồng Thủy, Hồng Nam, A Đớt, Hồng Quảng (2 lần), Hồng Thượng, Hồng Vân….
6
Tiểu sử các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện
7
Thầy Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ dạy chữ Pacô - Tà ôi
1947, 1959, 1983 bộ chữ Pacô - Tà ôi được Viện Ngôn ngữ học biên soạn lại và chính thức công bố chữ viết năm 1986 theo Quyết định số 1474/QĐ/UB ngày 05.08.1985 của UBND tỉnh Bình Trị Thiên.
8
Các di tích lịch sử và cách mạng
Đường Hồ Chí Minh, địa đạo A Đon, động So - Tiên Công, đồi A Biah, thác A Nôr, A So…

Với một thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện thực trạng giảng dạy lịch sử địa phương còn gặp nhiều khó khăn được thiết lập theo các bảng: Chương trình điều tra này có sự giúp đỡ của một số giáo viên Lịch sử ở trường THPT A Lưới và Hương Lâm.
Bảng 1: Kết quả điều tra thực tế việc dạy học lịch sử địa phương
của giáo viên THPT ở địa bàn A Lưới

Trường THPT
Số lượng giáo viên
Câu trả lời
Ghi chú
a
b
c
A Lưới
3
0
2
1
a. Thực hiện đúng qui định
b. Có thực hiện nhưng không đầy đủ
c. Không thực hiện
Hương Lâm
2
0
2
0
Hồng Vân
2
0
2
0
Tổng cộng
7
0
6
1

Bảng 2: Kết quả tìm hiểu những khó khăn giáo viên THPT ở địa bàn A Lưới gặp phải trong việc dạy lịch sử địa phương

Trường THPT
Số lượng giáo viên
Câu trả lời
Ghi chú
a
b
c
A Lưới
3
3
0
0
a. Thiếu tài liệu và phương tiện
b. Thiếu sự chỉ đạo và hướng dẫn
c. Thời gian không cho phép
Hương Lâm
2
1
0
1
Hồng Vân
2
2
0
0
Tổng cộng
7
6
0
1

Bảng 3: Kết quả tìm hiểu những đề xuất của giáo viên THPT ở địa bàn A Lưới
trong việc dạy học lịch sử địa phương

Trường THPT
Số lượng giáo viên
Câu trả lời
Ghi chú
a
b
c
A Lưới
3
1
2
0
a. Cần có sự chỉ đạo, quản lí về nội dung, chương trình
b. Cần biên soạn tài liệu giáo khoa và phương pháp dạy học lịch sử địa phương
c. Cần đưa nội dung lịch sử địa phương vào kiểm tra định kì và thi học kì
Hương Lâm
2
0
2
0
Hồng Vân
2
0
1
1
Tổng cộng
7
1
5
1

Như vậy, việc dạy học lịch sử địa phương Thừa Thiên Huế nói chung và lịch sử địa phương A Lưới nói riêng ở các trường phổ thông trên địa bàn A Lưới chưa được thực hiện nghiêm túc, chính điều này đã ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về lịch sử địa phương.
 
Tham quan địa đạo A Đon - A Lưới
 
Khó khăn lớn nhất mà giáo viên gặp phải khi giảng dạy lịch sử địa phương là thiếu tài liệu và phương tiện, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các tiết lịch sử địa phương như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã qui định.
          Những định hướng trên đây của chúng tôi chỉ là tham khảo bởi vì hiện nay việc giáo dục địa phương nó không chỉ có trong một môn Lịch sử mà các môn khác như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Địa lí cũng bắt buộc phải dạy. Với những tâm huyết về nghề nghiệp và cũng như muốn giới thiệu với học sinh về những trang sử hào hùng của vùng đất và con người A Lưới mong rằng giáo viên chúng ta hãy làm sống động các tiết dạy bằng cách giáo dục các em tinh thần tự hào về địa phương A Lưới của mình.
          Được biết, trong thời gian sắp tới Thường vụ huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo huyện ủy A Lưới tiến hành biên soạn lại Lịch sử Đảng bộ A Lưới từ khi thành lập đến năm 2010. Đồng thời xuất bản ấn phẩm tóm tắt các sự kiện lịch sử A Lưới để giảng dạy trong các trường phổ thông trên toàn huyện. Mong sao việc làm đó sớm hoàn thiện để thế hệ trẻ càng gần gũi với lịch sử dân tộc hơn, yêu thích môn lịch sử hơn.
Tập tin đính kèm:
KP
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.310.094
Truy câp hiện tại 809