Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lễ hội cúng dựng cây Nêu trong đời sống tâm linh của người Pa Cô huyện A Lưới
Ngày cập nhật 17/08/2018

Cây Nêu của dân tộc Pa Cô mang biểu tượng Bông lúa vàng, không chỉ là biểu tượng linh thiêng thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn biểu thị cho sự ấm no hạnh phúc của gia đình làng bản và xã hội. Cây Nêu là tâm điểm của các lễ hội lớn của dân tộc, là cây cột để buộc trâu tế, làm cầu nối giữa thế giới thần linh với con người. Cây Nêu thường được dựng lên trong các dịp lễ hội lớn của như: A Riêu Car, A Riêu Âr Pục, Mừng nhà mới, A Riêu Piing... Nghi thức dựng cây Nêu nhằm báo hiệu cho các vị Giàng thần linh biết làng bản sẽ tổ chức lễ hội lớn.

Từ thời xa xưa, trong mỗi dịp diễn ra các lễ hội trong gia đình, bản làng, cây Nêu biểu tượng linh thiêng thường được dựng lên và trang trí  đúng theo nghi thức, phong tục, tập quán để thể hiện sự tôn kính đối với các vị Giàng thần linh. Nguyên vật liệu để dựng cây nêu gồm; gỗ, tre, mây, giang, cây lau lách… được chọn lựa, chuẩn bị rất kỹ càng. Kích thước của cây Nêu tùy thuộc vào quy mô của lễ hội, trong các lễ hội lớn như lễ hội A Riêu Car, A Riêu Âr Pục, A Riêu Piing... cây Nêu cao khoảng 14m; các lễ hội Choan Đung (mừng nhà mới) A Riêu A Za… thì kích thước nhỏ hơn.

Cây Nêu của người Pa Cô được chế tác gồm có 05 bộ phận chính:

- Cột cây Nêu - Tân nool cọ:

Trước đây, gỗ được chọn để phục dựng và chế tác cây Nêu thường là các loại gỗ quý có chất liệu tốt, có độ bền cao, thân gỗ to và thẳng, có tuổi đời từ 30 năm đến 60 năm. Tuy nhiên, hiện nay khi các loại gỗ quý đã trở nên khan hiếm, thì người ta chọn các loại gỗ thường hoặc chất liệu khác để chế tác. Cột cây Nêu được chia thành 3 phần:

+ Phần Gốc cây Nêu được chạm khắc và trang trí đơn giản, dùng để buộc vật tế như: trâu, bò hoặc dê.

+ Phần Thân cây Nêu là phần được trang trí đẹp nhất với nhiều loại hoa văn truyền thống, sử dụng 3 màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng.

Các loại hoa văn được chạm khắc một cách sinh động mềm mại, tỉ mỉ, tinh xảo và công phu qua bàn tay tài hoa kheo léo của người Pa Cô như: Hình ảnh con trâu (sừng trâu), biểu thị cho sức mạnh của cộng đồng, tình đoàn kết keo sơn giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản và giữa các làng kết nghĩa anh em cùng chung sống hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau và cầu mong thần linh ban cho sức khỏe, ý chí để lao động sản xuất tạo ra nhiều của cải; Hình ảnh Piem Cà Truh (chim Bồ Câu), Ân Niết Ca (chim Niết Ca), biểu thị cho sự thanh bình, yên ấm, no đủ của bản làng. Cầu mong các vị Giàng thần linh tiếp tục che chở cho con cháu, bản làng ấm no hạnh phúc; Hình ảnh A Têng Rool (trang sức cho nam giới), A Têng Choong (trang sức cho phụ nữ), được chạm khắc tinh xảo trên thân cây Nêu biểu thị cho sự giàu sang, quyền quý và cầu mong thần linh ban cho trí thông minh để con người có thể làm ra nhiều của cải, cuộc sống ngày càng no đủ; Hình ảnh các loại lá cây trong rừng như lá cây A Rực, lá cây A Rooh. Cây cối chính là biểu tượng biểu thị cho hình ảnh đẹp thân thiện giữa con người và thiên nhiên. Cầu mong các vị Giàng thần linh ban cho bản làng cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

+ Phần Đỉnh cây Nêu là hình tượng A Poal được chạm khắc rất tinh xảo toát lên vẻ uy nghiêm, sắc xảo, thể hiện lòng tôn kính của con cháu, bản làng đối với các vị Giàng thần linh. Cầu mong các vị thần linh về dự hội được vui lòng mát dạ.

- Mâm cây Nêu - A pa Tân nool cọ:

A pa Tân nool cọ, dùng để đựng các lễ vật quý giá như A Têng Rool, A Têng Choong hoặc là mâm cỗ đặc biệt để thách đố sự tinh ý của các vị khách đến dự hội. Đồng thời đó cũng là lễ vật mà chủ lễ dành tặng cho vị khách mời đặc biệt tham gia Lễ hội.

- Bông cây Nêu -  Tul vin cọ:

Bông Nêu là biểu tượng tượng trưng cho bông lúa vàng chắc hạt. Thể hiện sự tôn thờ của con người đối với Mẹ cây lúa đã ban cho gia đình, bản làng mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.

- Mâm buộc gà - Ra pa gioong A oih:

 Ra pa gioong A oih, dùng để buộc con gà còn sống trên bông Nêu, ai nhảy bắt được gà người đó được Già làng chủ lễ hội thưởng con gà đó mang về nhà làm thủ tục cúng tế để tạ ơn và cầu may.

- Chùm cúng cây Nêu -  Ân tooh cọ:

 Chùm cúng cây Nêu thể hiện sự linh thiêng lớn nhất để tiến hành nghi lễ cúng tế chín vật tế.

Trước khi nghi thức cúng dựng cây Nêu chính thức được diễn ra già làng chủ gia đình, dòng họ phải tiến hành các nghi lễ sau:

+ A xa rah - lễ tẩy rửa

Nghi lễ này tẩy rửa những điều ô uế, nhơ bẩn để gia đình, làng bản được trong lành, sạch sẽ, cầu mong làm ăn được phát tài, phôn vinh và hạnh phúc.

+ Ta nôm - hẹn ước

Đây là nghi lễ giao ước giữa già làng và các vị thần linh, khi nào rượu cần lên men, lễ hội chính thức mở ra.

+ Cha choot - chuẩn bị

Nghi lễ báo hiệu cho các vị thần là con cháu làng bản lên rừng, xuống suối tìm kiếm nguyên liệu, vật sản để chuẩn bị các món ẩm thực cho lễ hội, cầu mong được suôn sẻ, may mắn.

Các lễ vật được chuẩn bị trong nghi thức cúng dựng cây Nêu của dân tộc Pa Cô gồm có: Chùm, ché rượu cần, mía, gà, lợn, gạo, nước, xôi, bánh A Coát, lạp, thịt ống, A kiêu, Nếp, chiếu A lớ, ki cul...

Lễ hội cúng dựng cây Nêu được tổ chức chính thức mở đầu bằng nghi Lễ báo cho thần sân bãi:

Nghi lễ này nhằm báo cho thần sân biết là làng bản sẽ chôn cây Nêu tại sân chính. Cầu mong thần sân chấp thuận và phù hộ cho cột Nêu được vững chắc.

- Pỵ  Chooh Cọ Pa đoh ân đoong – Dựng cây Nêu và báo hiệu lễ hội:

Pa đoh ân đoong có nghĩa là báo hiệu lễ hội đã được mở đầu chính thức. Nhằm báo hiệu cho các vị giàng, thần linh trời đất, sông núi cỏ cây hoa lá và các vị giàng thần linh là cây Nêu đã được dựng, cầu mong cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ may mắn và thành công.

- Toong Ti Riaq - Lễ cột trâu:

Nghi lễ này nhằm báo hiệu cho các vị thần linh biết đây chính là vật để tế cho các vị giàng thần linh.

- Nghi thức bắt gà trên bông Nêu:

 Nghi thức nhảy bắt gà trên bông nêu là phần thách đố của chủ Lễ hội đối với khách để chính thức tham gia lễ hội. Ai bắt được người đó sẽ được Già làng chủ lễ hội thưởng con gà đó mang về nhà làm thủ tục cúng tế để tạ ơn và cầu may.

- Pa dục - dâng vật tế cho các vị giàng thần linh.

Ý Nghĩa của nghi lễ này nhằm thông báo cho các vị giàng biết đó là các lễ vật mà con cháu kính dâng lên mong các vị giàng vui lòng đón nhận trước khi tế chín vật tế. Nghi lễ tế sống vật tế do già làng thực hiện.

- Chật Ty riaq- Nghi lễ đâm trâu:

Trong các lễ hội lớn của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, đâm trâu là một nghi lễ trọng tâm và quan trọng nhất. Chính ở thân cây Nêu linh thiêng biểu thị cho sự vững chãi là nơi để cột con trâu khỏe mạnh làm vật tế cho các vị thần linh để khẳng định khối đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc, làng láng giềng kết nghĩa anh em. Đồng thời, để tạ ơn các vị giàng, thần linh đã ban tặng cho con cháu con sông, con suối, đất đai và tài nguyên thiên nhiên quý để xây dựng nhà cửa, công trình lớn, đem lại cho con cháu cuộc sống an lành, hạnh phúc.

- Tưcq bayh Tân nool Cọ - Cúng cây Nêu:

Đây là nghi lễ quan trọng của lễ hội. Là phần cúng lễ trong lễ hội cây Nêu chỉ cúng cho 4 vị giàng lớn, đó là giàng Xứ, giàng Koh (thần núi) giàng Đung (thần nhà cửa) và giàng Âng Kưm (thần sân nhà):

- Cúng giàng Xứ: Nhằm để tạ ơn giàng xứ đã ban tặng cho con cháu làng bản con sông, con suối mát rượi, mưa thuận gió hòa, đất đai mầu mỡ, cây cối tốt tươi mùa màng bội thu. Các vị thần sông, suối, gió, mây, lửa, đất, đường xá gọi chung là giàng xứ.

- Cúng giàng Kooh: Nhằm tạ ơn thần đồi núi đã che chở cho làng bản, cháu con tránh được phong ba bão táp, ban tặng cây cối, tre nứa để làm nhà, đất đai làm nương rẫy và cây cỏ muông thú nuôi sống con người. Đồng thời cầu mong trong những năm tới tiếp tục che chở cho bản làng, con cháu có cuộc sống bình an.

- Zi Zar – Nghi thức báo hiệu lễ hội kết thúc:

Zi zar là nghi lễ cuối cùng của các lễ hội lớn ủa người Pa Cô. Báo hiệu cho các vị giàng, thần linh cũng như các vị khách quý đến tham dự lễ hội đến đây đã kết thúc. Các lễ vật có được từ nghi lễ Zi zar sẽ được các chàng trai cô gái đổ xuống tại cột cây Nêu. Sau đó các lễ vật được Già làng phân chia cho các chàng trai cô gái cùng thưởng thức dưới sự chứng kiến của cây Nêu linh thiêng.

Cây Nêu là nơi các vị già làng, những người đứng đầu uy tín nhất gặp nhau và cùng nhau khẳng định mối tình gắn bó keo sơn, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau, tôn trọng quyền và lợi ích của nhau như đã định ước giữa các dân tộc anh em trên vùng cao A Lưới, một vùng đất hồn thiêng sông núi.

Cây Nêu là một biểu tượng tâm linh không chỉ riêng có của các dân tộc thiểu số A Lưới mà còn là một biểu tượng tâm linh chung của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cây Nêu không chỉ là biểu tượng linh thiêng thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc mà còn biểu thị cho sự ấm no hạnh phúc và phát triển của gia đình, làng bản và xã hội.

Lê Thị Thưi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.201.142
Truy câp hiện tại 7.362