Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới với ẩm thực truyền thống
Ngày cập nhật 16/02/2017

Các món ăn không đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống mà nó còn mang giá trị tinh thần và người chế biến ra nó như là một nghệ nhân. Tộc người nào cũng vậy, một trong những vốn quý mà thế hệ trước đã để lại cho thế hệ sau đó là các món ăn truyền thống và tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu cũng vậy. 

Đến thời điểm hiện nay, mặc dù không có sự thống kê có bao nhiêu món ăn tuyền thống của tộc người Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu thế nhưng có thể khẳng định là rất phong phú và đa dạng. Hiện nay đa số các hộ gia đình lại tìm về các món ăn truyền thống để sử dụng mỗi bữa ăn hằng ngày và nhiều món trở thành khoái khẩu của nhiều người trong đó có du khách mỗi lần đến A Lưới như nếp than nướng ống (cơm lam), gạo ra dư, món klèng, thịt ống, món chèo.... Nhiều nguyên liệu đã trở thành món quà tặng nhau mỗi khi lễ, tết như thịt khô, cá khô, nếp than, gạo ra dư.

Các nguyên liệu chính được chính bà con làm nên, thậm chí nhiều món nguyên liệu chính được lấy từ rừng. Cách chế biến các món ăn của đồng bào không cầu kỳ, thế nhưng nếu sai tỷ lệ món ăn sẽ không ngon, không biết cách nấu thậm chí gây ngứa cho người sử dụng như khi chế biến cháo rau môn rừng.

Được ghi nhận mỗi khi huyện nhà tổ chức thi nấu ăn các món ăn truyền thống, nhóm phóng viên chúng tôi nhận thấy xã Hồng Hạ, xã A Ngo là một trong những xã có tài năng chế biến các món ăn truyền thống nhất. Tại ngày hội các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ nhất, xã Hồng Hạ chế biến 30 món ăn truyền thống và đã được Ban Tổ chức trao giải nhất cho đội xã Hồng Hạ.

Đầu bếp chính anh Lê Văn Hóa, xã Hồng Hạ cho biết cách chế biến món Kleng câr mái (hay còn gọi là món Klèng cá xanh): “Sau khi làm sạch, rửa bằng nước muối, cắt từng khúc, không mổ ruột, ướp gia vị từ 10 – 15 phút, mới nấu. Trộn gia vị vừa phải gồm gừng rừng, muối, mì chính, ớt đâm nhuyễn, ít dầu ăn. Nấu khoảng 3 phút rồi đổ nước vào phù hợp với người dùng. Sau 15 phút món klèng cá xanh đã chín rồi rải một ít ngò tây. Món này có vị đắng của ruột cá và vị béo ngọt của cá suối, một chút vị cay cay, bà con thường dùng với cơm rất phù hợp”.

Đối với món cá chình nấu với bắp chuối, làm sạch cá và chế biến tương tự như món klèng cá xanh, chỉ khác nhau là cá chình làm sạch ruột, cắt khúc khoảng 2 phân, khi nấu cho nhỏ lửa, nấu khoảng 15 phút rải 1 ít bắp chuối lên trên, khi bắp chuối mềm là món cá chình bắp chuối đã chín. Món này mọi người đều có thể sử dụng được nhưng phù hợp nhất là cho trẻ con sử dụng vì cá chình ít xương.

Có sự đầu tư về thời gian để đào dế, cộng với bàn tay tài hoa của đầu bếp đã tạo nên món dế nướng ống đặc sản và ngon miệng. Anh Tum – Cán bộ Văn hóa xã Hồng Bắc cho biết cách chế biến món dế nướng lá dong: “Sau khi làm sạch, lấy ruột dế ra, trộn gia vị chủ yếu là muối hạt, mì chính, 1 ít ớt rồi gói vào lá dong hoặc lá chuối. Khi nướng phải nướng bằng than và nướng từ từ, đến khi nào dấy mùi thơm đồng nghĩa với việc món dế nướng lá dong đã chín. Món này được ăn kèm với xôi, cơm hoặc sắn, tùy vào người sử dụng”.

Để thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Huyện ủy khóa X về xây dựng và phát triển Văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Nghị quyết số 03 của HĐND huyện về Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, giai đoạn 2014 – 2020. Trong thời gian qua, huyện nhà không chỉ đã tổ chức các hội thi ẩm thực truyền thống mà còn tổ chức giới thiệu quảng bá về ẩm thực A Lưới đến với du khách trong mỗi đợt tham gia Festival Huế, điểm nhấn là mỗi tối thứ 7, Chủ nhật tại Trung tâm Sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc và tại du lịch cộng đồng A Ka – A Chi, xã A Roàng phục vụ khách du lịch sử dụng món ăn truyền thống. Nhiều dịch vụ và các nhà hàng chế biến các món ăn truyền thống mọc lên. Nhờ vậy, hiện nay mảnh đất, con người và các món ăn của A Lưới đã được nhiều người biết đến và có người đã từng nói rằng: “Từ thành phố Huế lên A Lưới chỉ để ăn món KLèng rồi về” .

Hiện nay, mặc dù các món ăn truyền thống rất phong phú và đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên các món ăn này vẫn chưa có thương hiệu, chưa thật sự trở thành hàng hóa với số lượng lớn xứng với tiềm năng hiện có của nó. Đây là một vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng và hy vọng rằng trong thời gian không xa sẽ có các giải pháp để đưa ẩm thực A Lưới vang xa hơn nữa./.    

H. Hải - P. Tuyết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.308.846
Truy câp hiện tại 374