Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đổi thay trên quê hương những người mang họ Bác Hồ - Bài 2
Ngày cập nhật 11/07/2016

Ấn tượng đối với A Lưới hôm nay là tuyến đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại chạy dọc theo huyện lỵ trở thành động lực cho phát triển đô thị. Bên cạnh đó, huyện A Lưới còn xây dựng hàng trăm ki lô mét đường bê tông, đường nhựa đến tận các thôn bản, để việc đi lại, buôn bán, vận chuyển... của đồng bào đỡ vất vả hơn.

GIAO THÔNG TẠO SỨC VƯƠN CHO A LƯỚI

Nhớ lại thời kỳ đầu mới giải phóng, được cử đi công tác ở huyện A Lưới ai cũng thấy ngại. Ngày đó, lên A Lưới phải đi vòng qua Đăkrông (Quảng Trị) trên quãng đường dài 220 km, gần hai ngày ngồi ô tô mới đến nơi. Nay từ Huế đi A Lưới theo đường mới mở chỉ với 70 km, mất khoảng gần 2 giờ.

Bà con đi chợ, người thân đến thăm nhau bằng xe đạp, xe máy, không còn cảnh băng rừng, lội suối như xưa. Đêm đêm, nhà cửa, phố xá đèn điện sáng trưng, không còn cảm giác đó là thị trấn của một huyện vùng cao.

Giao thông nông thôn ở xã Hồng Kim được kiên cố hóa.

Càng bất ngờ hơn khi đến xã Nhâm, phần đông đồng bào các dân tộc ở đây được thu nhận vào làm công nhân nông trường, đi chăm sóc cà phê bằng xe máy. Mới đưa vào trồng thử từ năm 1996, năm nay A Lưới dự tính phát triển thêm 1.000 ha, nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên khoảng 1.800 ha. Quá trình chăm sóc, người dân còn được nông trường đầu tư phân bón và hoàn trả tiền đầu tư sau khi có sản phẩm thu hoạch nên bà con đồng tình và hưởng ứng cao. Ngoài diện tích cà phê nông hộ của mình, hiện có hơn 1.000 hộ nhận khoán, chăm sóc và hưởng lợi trên toàn bộ diện tích của nông trường theo thỏa thuận với người lao động. Huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho đồng bào các dân tộc, phấn đấu đưa năng suất năng suất khoảng từ 4 - 5 tấn/ha như hiện nay lên hơn 10 tấn/ha.

Nhiều người dân ở A Lưới còn làm công nhân ở công trường thủy điện A Lưới. Ngày chặn dòng, đưa công trình vào sử dụng, bản làng vui như có hội, thức trắng đêm chứng kiến dòng sông A Sáp, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đại ngàn hùng vĩ phải khuất phục. Cán bộ và nhân dân A Lưới hiểu rằng, nay mai nguồn điện từ A Lưới sẽ thắp sáng ước mơ, đưa vùng đất nghèo khó này cùng Thừa Thiên - Huế đi lên. Chính điều đó lý giải vì sao có 1.066 hộ dân trong vùng lòng hồ phải di chuyển đến nơi ở mới để phục vụ cho việc thi công công trình nhưng mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi, bà con đều tự nguyện chuyển đến nơi ở mới, nhường chỗ cho công trình.

Đến với bản làng vùng cao Hồng Hạ, nơi có 5 dân tộc anh em gồm: Ka Tu, Pa Cô, Ta Ôi, Pa Hy và dân tộc Kinh sinh sống, bà con biết chung sức trồng mới, bảo vệ làm cho một vùng rừng vốn bị tàn phá trong chiến tranh nay xanh tốt. Đến nay, Hồng Hạ đã trồng được 1.070 ha rừng phòng hộ, dẫn đầu các xã trong toàn huyện. Xã tổ chức phát triển kinh tế trang trại, tận dụng nguồn đất bãi bồi đầu nguồn sông Bồ trồng được 50 ha cao su tiểu điền, 10 ha cây ăn quả, hơn 2.000 hố tiêu. Đời sống nhân dân nâng cao nhờ kinh tế rừng phát triển. Toàn xã có 57 chiếc xe máy, 65% số hộ có ti vi, 100% hộ có rađiô. Bà con người Tà Ôi ở A Roàng còn được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã, huyện hướng dẫn lập vườn rừng, vườn đồi, vườn nhà để định cư, phát triển chăn nuôi.

Ngoài kinh tế vườn, rừng, hiện A Lưới còn đầu tư, thúc đẩy phát triển các nghề thủ công truyền thống để làm giàu. Đặc biệt là nghề dệt zèng của người Tà Ôi vốn là nghề có từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng, bởi khi có con gái lớn lên đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Người Tà Ôi quan niệm, con gái lớn đến tuổi lấy chồng, cô dâu phải dệt được tấm zèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng, đó còn là thước đo vẻ đẹp của những cô gái... Bởi vậy, dệt zèng đã trở thành nghề không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc.

Mới đây, trong khuôn khổ Dự án du lịch tiểu vùng sông Mê Kông triển khai tại A Lưới, việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng.

Huyện A Lưới còn khai thác địa điểm du lịch sinh thái Pâr Le và đá tâm linh A Zoi (xã Hồng Hạ). Ở đây, địa phương chỉ mới xây dựng 8 chòi, sạp, tuy khá đơn giản nhưng theo phương thức truyền thống để khách nghỉ ngơi; mở rộng đường vào suối; trang bị vợt, phao cứu hộ, phao bơi, dây bảo hiểm và các bảng quảng cáo; có dịch vụ ẩm thực truyền thống đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy mới bắt đầu đi vào hoạt động nhưng dịp hè này, mỗi tháng điểm du lịch này thu hút hơn 2.000 lượt khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và có cả khách quốc tế đến tham quan, tắm suối. Xã Hồng Hạ đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục như làm nhà để xe, đường cấp phối, thành lập thêm các tổ đan lát, tổ dệt, tổ văn nghệ dân gian, xây dựng nhà bán hàng lưu niệm… hướng đến phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh và du lịch văn hóa cộng đồng.

Giao thông kết nối vùng, miền đã tạo điều kiện không những cho du lịch phát triển, hàng hóa lưu thông mà giá trị của sản phẩm cũng được tăng lên gấp bội. Nếu được đầu tư đúng mức, nghề dệt zèng ở A Lưới và các ngành nghề truyền thống cùng với hàng hóa nông sản ở đây có điều kiện vươn xa, ngày càng đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng...

Theo Baomoi.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.237.839
Truy câp hiện tại 4.360