Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Diễn văn Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện A Lưới, 50 năm Ngày giải phóng A So và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba
Ngày cập nhật 07/03/2016

Ngày 11/3/2016, huyện A Lưới sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện A Lưới (03/3/1976 - 03/3/2016), 50 năm Ngày giải phóng A So (11/3/1966 - 11/3/2016) và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba tại Quảng trường huyện A Lưới. Ban tổ chức xin giới thiệu đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, các cơ quan thông tấn báo chí toàn văn diễn văn Lễ kỷ niệm:

DIỄN VĂN MÍT TINH KỶ NIỆM

40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HUYỆN A LƯỚI (3/3/1976- 3/3/2016);

50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG A SO (11/3/1966 – 11/3/2016);

 VÀ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA

---

          - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước!

          - Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng; các Anh hùng lực lượng vũ trang!

          - Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!

          Trong không khí cả nước ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng thành công Đại Hội lần thứ XII của Đảng, 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; hướng đến 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Hôm nay, huyện A Lưới long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng A So (11/3/1966 – 11/3/2016), 40 năm ngày thành lập huyện A Lưới (3/3/1976- 3/3/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta bồi hồi, xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới”; vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Chúng ta tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, xin gửi đến quí vị đại biểu, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, các bậc lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng LLVT, các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với Nước lời kính chúc sức khoẻ và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

          - Kính thưa quý vị đại biểu!

          - Thưa đồng bào, đồng chí!

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, song ký ức của những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn in đậm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân miền Tây Thừa Thiên Huế. Đây là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng, là nơi án ngữ hành lang phía tây, nơi trung chuyển vận tải sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam chi viện cho chiến trường; là nơi địa bàn hiểm trở, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, địch tập trung xây dựng các cụm căn cứ A So, A Co, A Lưới, đặc biệt là căn cứ A So. Chúng tập trung lực lượng gồm hơn một tiểu đoàn bộ binh, được trang bị vũ khí hiện đại, kết hợp với căn cứ A So - A Lưới tạo thành thế co cụm liên hoàn, vững chắc án ngữ hành lang giao thông của ta. Địch ra sức ngăn chặn vùng giáp ranh, rải chất độc hóa học, tập trung đánh phá miền núi, tổ chức càn quét quy mô dài ngày, bao vây phá hoại kinh tế đồng bào miền núi với âm mưu giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Quân và dân A Lưới bước vào cuộc chiến đấu mới.

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ chuyển sang giai đoạn mới. Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” thay cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chúng đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu trực tiếp thực hiện chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt vào vùng rừng núi và đường hành lang 559 của ta. Sư đoàn 325B thuộc quân đoàn II Bộ quốc phòng được giao trực tiếp phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A So. Tháng 12/1965 sư đoàn 325B hành quân lên đường. Từ ngã ba La Hạp (gần trụ sở chính quyền huyện Sá Muội, tỉnh Salavan, nước bạn Lào ngày nay) vào khu vực A So phải trải qua địa hình núi cao, vực sâu hiểm trở, việc tiếp tế hậu cần hết sức khó khăn. Mặt khác, địch bố trí nhiều lực lượng bộ binh đánh phá, ngăn chặn, đồng thời chúng sử dụng tối đa lực lượng xe tăng, máy bay lên thẳng đổ quân càn quét, lùng sục các cơ sở cách mạng của ta. Đặc biệt căn cứ A So đóng nơi biệt lập, rất khó cho ta về bố trí lực lượng trinh sát nắm tình hình.

Trước tình hình đó chúng ta chủ trương quân chủ lực phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân du kích trinh sát nắm chắc tình hình, xây dựng lực lượng chuẩn bị hậu cần bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Kế hoạch sử dụng lực lượng, triễn khai đội hình hợp đồng tác chiến: Trung đoàn 95 có nhiệm vụ tăng cường toàn bộ hỏa lực đảm nhiệm tiêu diệt cứ điểm A So, trung đoàn 101 được bố trí ở khu vực A Co, Tà Bạt sẵn sàng chi viện cho trung đoàn 95 và đánh địch đổ bộ đường không đến cứu viện cho A So và đánh địch tháo chạy về phía bắc. Trung đoàn 88 chặn đứng ở ngã ba La Hạp gần trục đường giao liên sẵn sàng đánh quân địch đổ bộ đường không. Quân chủ lực phải tạo ra “quả đấm” chính của chiến dịch. Bộ đội địa phương và dân quân, du kích các xã đánh phối hợp tạo ra 3 mũi giáp công, tạo thế bao vây cô lập địch với phương châm tác chiến là “bí mật, bất ngờ, đột phá”.

 Sau gần 3 tháng chuẩn bị về lực lượng, hậu cần, kế hoạch và quyết tâm chiến đấu, đúng 05 giờ sáng ngày 10/3/1966 hỏa lực của ta đã nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch. Bộ Tư lệnh mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn cối 120 ly, ĐKZ - 75 và các phân đội cối 82 - 60 ly đồng loạt tập kích hỏa lực bắn phá công sự địch, áp đảo đối phương đã làm cho tinh thần của địch hoang mang lo sợ. Đến 18 giờ 10/3/1966, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định cho trung đoàn bộ binh 95 và các đơn vị địa phương được tăng cường phối hợp, bất ngờ nổ súng tấn công trực diện chiếm lĩnh trận địa. Lần đầu tiên chúng ta tác chiến, tấn công một căn cứ điểm kiên cố, chướng ngại vật dày đặc, trước sự chống đỡ quyết liệt của địch, nhưng với tinh thần kiên cường, dũng cảm, mưu trí, các chiến sĩ sư đoàn 325B, bộ đội địa phương, dân quân du kích kiên quyết đánh địch, bám trụ từng tấc đất, người này ngã, người khác đứng lên tạo điều kiện cho các phân đội thọc sâu đánh chiếm trung tâm. Không chịu được trước sức mạnh hỏa lực, tinh thần chiến đấu của Bộ đội ta, một bộ phận quân địch tháo chạy lên phía bắc hòng thoát bằng trực thăng đã bị trung đoàn 101 tiêu diệt và bắt sống. Tin vui thắng trận loan nhanh, bộ đội địa phương, dân quân du kích các quận 1, quận 3, quận 4 và các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm thi đua truy lùng bắt sống tù binh, giúp Bộ đội thu dọn chiến trường. Đến 10 giờ ngày 11/3/1966, ta đã tiêu diệt toàn bộ căn cứ, làm chủ trận địa, cứ điểm A So hoàn toàn được giải phóng.

Chiến thắng A So ngày 11 tháng 3 năm 1966 có ý nghĩa như phát súng lệnh khởi đầu cho việc mở rộng các tuyến hành lang từ hậu phương lớn miền Bắc để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu Nước. Với chiến thắng A So, quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch ở phía bắc quân khu I và vùng I chiến thuật, giáng một đòn chí tử vào âm mưu chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở khu vực miền núi Trị Thiên, đẩy quân Mỹ - Ngụy vào thế cô lập, mở toang cánh cửa cho việc tiến quân vào chiến trường miền Nam. Với chiến thắng oanh liệt đó, quân dân ta có điều kiện mở rộng vùng giáp ranh, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng tiến công Mậu thân 1968 và là bước chuẩn bị cho chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1969, sau khi đồng bào nghe Đài tiếng nói Việt nam phát bản tin đặc biệt thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Với niềm tiếc thương vô hạn đối với vị Lãnh tụ kính yêu - Người cha già dân tộc và để ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, nhiều gia đình đã tiến hành để tang, lập bàn thờ riêng. Điều đặc biệt mang dấu ấn lịch sử sâu đậm đó là nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới đã lấy họ của Bác làm họ của chính mình. Đây là một việc làm xưa nay hiếm đối với đồng bào các dân tộc, chứng tỏ rằng sức mạnh, lòng tin của đồng bào đối với Bác là hết sức to lớn.

Chiến thắng A So đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế như một mốc son chói lọi, miền núi Trị Thiên hoàn toàn được giải phóng.

Có được thắng lợi này trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Khu uỷ Quân khu Trị Thiên, Quân uỷ và Mặt trận dân tộc giải phóng 3 quận miền núi, đã lãnh đạo nhân dân phát huy tốt tinh thần đoàn kết, ý chí tiến công cách mạng, “một tấc không đi, một ly không rời”, thà hy sinh tất cả để giành độc lập cho dân tộc. Sự kết hợp chặt chẽ, gắn bó giữa 3 thứ quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích là sức mạnh vô địch để làm nên chiến thắng; là bài học quí giá về sử dụng lực lượng trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

 Sau thất bại tại cứ điểm A So, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu chiến lược khống chế phong trào cách mạng, ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh. Từ cuối năm 1966 – 1972 ở vùng đất này đế quốc Mỹ đã tập trung hỏa lực không quân, đổ quân càn quét ồ ạt hàng chục tiểu đoàn bộ binh chiếm đóng các cứ điểm A Bia, Kooh Ca Va, A Noong, A Túc, A Lau … chúng đã sử dụng các phương tiện vũ khí tối tân như pháo đài bay B52, máy bay chiến đấu các loại, xe tăng, pháo binh. Chúng tập trung đánh phá suốt ngày đêm, trút xuống hàng triệu tấn bom đạn các loại, rải hàng chục triệu lít chất độc hoá học, thiêu huỷ hàng trăm ngàn hec ta rừng nguyên sinh, huỷ hoại toàn bộ sự sống của thiên nhiên, tàn phá toàn bộ cơ sở sản xuất hoa màu của đồng bào ta, hàng nghìn người chết chóc, hy sinh vì bom đạn và chất độc hoá học, trong đó có những gia đình, dòng họ của đồng bào các dân tộc ở đây đã bị xoá sổ, và hiện nay có hàng nghìn người phải chịu ảnh hưởng, bị nhiễm chất độc đi-ô xin.

Tội ác của đế quốc Mỹ là vậy, song đồng bào các dân tộc A Lưới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù có đốt cháy cả dãy trường sơn chúng ta cũng quyết dành cho được độc lập”; “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quí hơn độc lập tự do”. Đồng bào các dân tộc A Lưới cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đoàn kết quân dân như cá với nước, quyết tâm đánh giặc cứu nước, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, thực hiện khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tiêu biểu như nữ anh hùng Kăn Lịch, Kăn Đơm, Kăn Tréec…

Kế thừa và phát huy chiến thắng lịch sử A So, quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế đã dồn sức người, sức của cùng với cả tỉnh, cả nước tham gia tổng tấn công nỗi dậy Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Với những thành tích xuất sắc của quân và dân A Lưới trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Ngày 20 tháng 12 năm 1979 được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cán bộ, quân và dân huyện A Lưới và đến nay có 16/21 xã, Thị trấn và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 20 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 03 mẹ còn sống, toàn huyện có 19 tập thể AHLLVT, được tặng thưởng trên 16 nghìn huân, huy chương các loại.

Nhân dịp buổi lễ long trọng này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, xin cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các ban ngành đoàn thể, các địa phương trên cả nước đã hỗ trợ về vật chất, tinh thần, sự đóng góp xương máu của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đồng chí tham gia giải phóng A So, để A Lưới có được độc lập trọn vẹn như ngày hôm nay.

- Kính thưa quí vị đại biểu!

- Thưa đồng bào, đồng chí!

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 3 năm 1976 huyện A Lưới chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 quận: Quận 1, quận 3, quận 4. Đi lên cùng cả nước, cả tỉnh, quân và dân huyện A Lưới vô cùng tự hào và phấn khởi trước những thành quả 40 năm xây dựng và phát triển.

Những ngày đầu xây dựng huyện nhà, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa khôi phục phát triển kinh tế trên cơ sở làm lại từ đầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc thiểu số huyện A lưới đã phát huy tốt tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, đoàn kết chung lưng đấu cật, vượt qua mọi khó khăn thử thách thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững Quốc phòng, an ninh và đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực.

Các quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện A Lưới đến năm 2020, Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 16 xã; Quy hoạch chung đô thị A Lưới mở rộng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch phát triển điện lực A Lưới giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất đến 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của huyện và các xã, Quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng A So - A Lưới.

Từ chỗ người dân chưa biết trồng lúa nước, đến nay tổng diện tích gieo trồng hàng năm bình quân 5.609 ha; sản lượng lương thực có hạt 16.650 tấn/năm, diện tích rừng kinh tế 11.584 ha, cơ bản đã phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trả loại màu xanh cho núi rừng A Lưới; Chăn nuôi có nhiều tiến bộ, tổng đàn gia súc trên 40.400 con. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,6 triệu đồng.

Từ cuộc sống du canh du cư, đến năm 1991, bà con nhân dân tại các thôn, xã đã định canh định cư, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương mới. Xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Từ chỗ cơ sở hạ tầng chưa có gì, đến nay hệ thống giao thông phát triển mạnh, có đường Hồ Chí Minh đi qua với chiều dài 106 km, khai thông hành lang Bắc - Nam. Hoàn thành thi công xây dựng nâng cấp mở rộng QL 49A giai đoạn 1; đường Tỉnh lộ 74; đường từ Hồng Thái đến Đồn biên phòng 635; đường từ Hồng Bắc đến Đồn biên phòng Nhâm; đường nội thị giai đoạn 3; kè chắn sạt lở đất dọc sông Tà Rình.  Đã hoàn thành xây dựng cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tai, A Đớt - Tà Vàng, mở ra triển vọng giao lưu thuận lợi đối với các huyện bạn Lào trong tương lai.  Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã được bê tông hoá, nhựa hoá. Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Hệ thống cầu, cống được xây dựng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Toàn huyện hiện có 86 hồ đập, công trình thủy lợi, đảm bảo tưới cho diện tích lúa nước, ao hồ nuôi cá. Hoàn thành công trình Thủy điện A Lưới, với công suất 170 MW, thủy điện A Roàng với công suất 7,2 MW; đang thi công thủy điện Lin-B1. Duy trì 03 mỏ khai thác đá; nhà máy gạch tuynel công suất 10 triệu viên/năm; xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn. Cụm công nghiệp - TTCN A Co đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 30 ha. Hoàn thành các dự án như: Trung tâm sinh hoạt cộng đồng giai đoạn 1, Bến xe trung tâm A Lưới; đường nội thị giai đoạn 2, đường giao thông từ khe Bùn đi Kăn Tôm, đường A Ngo đi Thôn Quảng Lợi, lát gạch vỉa hè đường HCM đoạn trung tâm huyện, Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư thủy điện A Lưới, khu tái định cư Pa Ay, Chương trình Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên…Tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển. Các ngành nghề thủ công truyền thống như chế biến lâm sản, rèn, mộc, nề, đan lát, chổi đót, dệt thổ cẩm từng bước phục hồi và phát triển. Đến nay, đã có 11 hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp có sản phẩm tham gia hội chợ để tìm kiếm thị trường. Du lịch, dịch vụ từng bước phát triển. Tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt: 22%/năm. Các điểm du lịch như thác A Nôr, suối nước nóng A Roàng, khu du lịch đồi A Bia, làng Việt Tiến, sân bay A So, điểm du lịch cộng đồng thôn A Ka 1 - A Chi, rừng nguyên sinh xã A Roàng, và thôn A Hưa - xã Nhâm đã bước đầu thu hút khách đến tham quan. Hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm Thông tin du lịch huyện A Lưới.

Hệ thống bưu chính, viễn thông tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho nhân dân trên địa bàn. Mạng di động đã được phủ sóng toàn huyện, dịch vụ bưu chính - viễn thông, internet phát triển nhanh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực. Xã Hương Phong đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân các xã đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

Từ chỗ người dân đa số chưa biết chử đến nay toàn huyện có 52 trường học các cấp, trong đó 16 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi. Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập bậc THCS.

Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân thường xuyên quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư khang trang, ngày một hiện đại; đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường và chuẩn hoá. Triển khai xây dựng mô hình “xã, thị trấn, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên” có hiệu quả thiết thực, có 18 thôn 5 năm liền không sinh con thứ 3 được UBND tỉnh khen thưởng. 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách xã hội được giải quyết một cách triệt để. Cơ bản giải quyết xong các chế độ cho người có công. Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở cho hộ nghèo, người có công với cách mạng cho 4.446 hộ. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được quan tâm và thực hiện kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, từ 61,58% năm 2001 đến nay còn 10% (theo tiêu chí cũ).

Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch đã chuyển biến tích cực và có bước phát triển mạnh mẽ. Chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nâng lên; việc bảo tồn các giá trị bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy. Hoạt động truyền thanh, truyền hình được duy trì tốt, việc tiếp sóng đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của nhân dân.

 Nhiệm vụ an ninh - quốc phòng luôn được giữ vững. Mối quan hệ với các huyện giáp ranh của nước bạn Lào được tăng cường và ngày càng chặt chẽ hơn. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định tuyến biên giới của hai nước.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền, mặt trận, đoàn thể có nhiều tiến bộ, qua mười một kỳ đại hội, hiện nay Đảng bộ huyện có: 61 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy; 253 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, hơn 4.400 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Đến nay, các thôn, tổ dân phố, các cơ quan đơn vị, trường học đều có tổ chức cơ sở đảng. Với những trăn trở tìm tòi và bước đi vững chắc, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống cách mạng; trong khó khăn thử thách vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ, tạo bước đi vững chắc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Kính thưa quí vị đại biểu!

- Thưa đồng bào đồng chí!

Những thành quả mà chúng ta có được ngày hôm nay chính là hiện thân của sự hy sinh bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ cha anh đi trước. Năm tháng sẽ trôi qua, những ký ức về chiến tranh của một thời đạn bom, hào hùng với những chiến công hiểm hách và sự hy sinh vô bờ bến của Cán bộ, Đảng viên, Nhân dân huyện A lưới, sự đóng góp sức người sức của của các địa phương trong cả nước vẫn còn in đậm trong tâm trí của chúng ta và được ghi vào sổ vàng truyền thống.      Những thành tự to lớn trong 40 năm xây dựng huyện, đặc biệt là 30 năm đổi mới thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của đồng bào các dân tộc, thể hiện ý chí tự lực, tự cường quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện nhà trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Đó là kết quả của sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, các tổ chức trong và ngoài nước. Để ghi nhận và động viên kịp thời cán bộ và nhân dân huyện A Lưới Thủ tướng Chính phủ đã tặng nhiều Bằng khen và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tặng thưởng “Huân chương lao động hạng ba” cho cán bộ và nhân dân huyện A Lưới, để chúng ta đón nhận trong dịp lễ trọng đại này.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, xin ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng, sự phấn đấu không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân trong 40 năm phấn đấu xây dựng để huyện A Lưới có được những thành quả như ngày hôm nay.

- Kính thưa quý vị đại biểu!

- Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!

Thời kỳ 2016 – 2020, có những thờì cơ và thuận lợi, phát huy lợi thế của hành lang giao thông Bắc Nam, các cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng, Hồng Vân – Cô Tài, tiềm năng đất đai, tài nguyên và lợi thế về du lịch, mối  quan hệ hợp tác kinh tế giữa Huyện ta với các huyện bạn Lào, để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ Công nghiệp hóa – hiện đại hóa huyện nhà.

Trong những năm tới mục tiêu tổng quát về phát triển KT-XH đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI xác định là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương; bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số; xây dựng nông thôn mới; chỉnh trang đô thị A Lưới xanh, sạch, đẹp; giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao”.

Đại hội cũng xác định 4 chương trình KT- XH lớn. 

1. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

2. Chương trình phát triển Giáo dục & Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

3. Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống.

4. Chương trình phát triển văn hóa, du lịch.

Trước mắt thực hiện tốt các hạng mục chính, trọng điểm của 5 năm 2016 - 2020:

1. Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội. Tiếp tục kiến nghị Trung ương, Tỉnh quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm về giao thông như nâng cấp quốc lộ 49A giai đoạn 2, xây dựng đường 74 kết nối với Nam Đông; đường 71 kết nối với Phong Điền; hoàn thành các đường vành đai biên giới; xây dựng đường đến các khu du lịch, cụm công nghiệp, đến vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, khu tái định cư. Đầu tư kiên cố hệ thống cầu, cống, giao thông nông thôn.

2. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cấp nước, cấp điện, hạ tầng viễn thông, vệ sinh môi trường. Tập trung xây dựng hoàn thành các đập, hồ chứa chủ yếu như hồ chứa A Tia, Khe Lớn, đập thủy lợi Ân Nier... Tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy nước thị trấn, bảo đảm 100% hộ sử dụng nước sạch khu vực đô thị A Lưới mở rộng. Từng bước cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện trung, hạ thế; hệ thống cáp viễn thông theo hướng ngầm hóa.

3. Xây dựng và phát triển đô thị: nâng cấp, mở rộng thị trấn A Lưới theo hướng đồng bộ. Chỉnh trang hệ thống giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị. Hình thành một số thị tứ mới tại Hồng Vân, A Đớt.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên cần tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.

2. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển.

3. Phát triển văn hóa, xã hội gắn với đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

4. Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại nhân dân với các huyện giáp biên giới với nước bạn Lào và các huyện giáp ranh trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

5. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

          - Kính thưa quý vị đại biểu!

          - Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!

Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện, 50 năm giải phóng A So và đón nhận huân chương lao đông hạng ba là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng; của dân tộc, của quê hương, nêu cao ý chí quyết tâm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong buổi lễ mít tinh trọng thể này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân huyện nhà hãy phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của nhân dân các dân tộc A Lưới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và sức sáng tạo, quyết tâm phát huy tối đa các nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Tạo thêm thế và lực mới để xây dựng quê hương A Lưới phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh.

Một lần nữa, xin kính chúc toàn thể quí vị đại biểu, các đồng chí và đồng bào sức khoẻ, hạnh phúc và dành nhiều thắng lợi mới.

Đảng cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm !

Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam muôn năm !

Chủ tịch  Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Ban Tổ chức
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.300.113
Truy câp hiện tại 6.406