Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hồ Chí Minh Người làm nên lịch sử
Ngày cập nhật 14/08/2015
Ảnh minh họa

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã kiên trì, bền bỉ, có lúc phải vượt qua những thử thách khắc nghiệt để vận dụng và phát triển lý luận cách mạng vô sản phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; xây dựng nên một học thuyết về cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc; từng bước giải quyết đúng những yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam, đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc đến thành công, kháng chiến chống đế quốc xâm lược đến thắng lợi, góp sức cùng nhân loại biến thế kỷ XX thành một thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân, đặt nền móng đưa đất nước vững bước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Người đầu tiên vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận cách mạng vô sản vào Việt Nam, xây dựng học thuyết giải phóng và phát triển dân tộc theo khuynh hướng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. 

Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Với việc xác định con đường đó, Nguyễn Ái Quốc mở đường để giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX, đồng thời khởi động tiến trình đưa cách mạng Việt Nam hội nhập vào trào lưu cách mạng thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Lý luận cách mạng vô sản không phải là một tín điều. Vì thế, C. Mác và V.I. Lê-nin đòi hỏi phải tiếp tục phát triển lý luận trong những điều kiện lịch sử mới. Hồ Chí Minh tiếp thu bản chất cách mạng, khoa học và tính nhân văn cao cả của học thuyết cách mạng vô sản nhằm giải phóng triệt để con người khỏi mọi sự áp bức về mặt dân tộc, sự bóc lột về mặt giai cấp và sự nô dịch về mặt tinh thần. 

Hồ Chí Minh trăn trở rất nhiều về sự khác nhau giữa xã hội châu Âu và xã hội phương Đông. Vận dụng phương pháp biện chứng của C.Mác để phân tích xã hội thuộc địa, Người chỉ ra rằng, do nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, nên sự phân hóa giai cấp ở đây khác với xã hội tư bản phương Tây, vì thế cuộc đấu tranh giai cấp ở đây không diễn ra giống như ở phương Tây. Giữa những giai cấp khác nhau vẫn có sự tương đồng lớn: đều chung một số phận của người dân mất nước. Nếu như mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, thì mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội thuộc địa lại là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược. Giai cấp tư sản dân tộc và một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ mặc dù vẫn có mặt hạn chế trong quan hệ với quần chúng lao động, nhưng trong quan hệ với đế quốc Pháp, họ đều là người Việt Nam mất nước. Đó không phải là những giai cấp thống trị, mà là giai cấp bị trị và có khả năng tham gia phong trào giải phóng dân tộc.

Hồ Chí Minh khẳng định, chiến lược cách mạng ở thuộc địa chưa phải là đấu tranh giai cấp, mà trước hết là giải phóng dân tộc; xác định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc. Lực lượng của cuộc cách mạng đó bao gồm toàn dân tộc, trong đó công nhân và nông dân là “chủ cách mệnh”, “gốc cách mệnh”, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là “bầu bạn cách mệnh của công nông”. Giải phóng dân tộc là một sự nghiệp to lớn, của cả dân tộc bị áp bức vùng dậy giành quyền sống, chứ không phải là sự nghiệp của một số ít người. Vì thế phải thành lập một “Đảng cách mệnh” để tổ chức và giác ngộ quần chúng, dùng bạo lực cách mạng của quần chúng lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân các dân tộc thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn và cần phải “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”. Người cũng khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Trong quá trình vận dụng lý luận cách mạng vô sản vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã kiên trì khắc phục những trở ngại của khuynh hướng giáo điều, nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp trong nửa sau những năm 20 và nửa đầu những năm 30 của thế kỷ XX, làm cho lý luận cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, mà tư tưởng cốt lõi là “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, có sức sống mạnh mẽ, thâm nhập trong đông đảo quần chúng nhân dân và trở thành thực tiễn sinh động ở Việt Nam bằng những thắng lợi chiến lược trong những cuộc khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân giành và giữ nền độc lập dân tộc. Những thắng lợi đó là đóng góp của dân tộc Việt Nam, cùng nhân loại biến thế kỷ XX trở thành một thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân trên thế giới. 

Đi theo con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh sớm xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng (tức cách mạng giải phóng dân tộc) và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Sau khi giành độc lập, phải tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người dành nhiều tâm trí vào sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hình thành nên những quan điểm hết sức cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa với những tàn tích phong kiến nặng nề; xác định những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, mục tiêu và bước đi để đạt tới chủ nghĩa xã hội. Đó là một quá trình cải biến cách mạng lâu dài, gian khổ, phải trải qua nhiều chặng đường khác nhau, tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người, làm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. 

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, xây dựng lý luận cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc theo khuynh hướng vô sản, giải quyết thành công mối quan hệ giữa đất nước và thời đại, giữa dân tộc và quốc tế. Đó là cống hiến xuất sắc nhất và cũng là cống hiến đầu tiên của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và phát triển lý luận cách mạng vô sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. 

 Sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân là quy luật chung cho sự ra đời của các Đảng Cộng sản trên thế giới. Nhưng sự kết hợp đó không theo một khuôn mẫu giáo điều, cứng nhắc. Điều đó đòi hỏi sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin về Đảng Cộng sản trong điều kiện lịch sử cụ thể ở thuộc địa. 
Sự phát triển của phong trào công nhân là cơ sở xã hội cho việc truyền bá lý luận cách mạng vô sản vào Việt Nam, nhưng đó không phải là cơ sở duy nhất. Phong trào yêu nước Việt Nam kết hợp với phong trào công nhân thành một làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo thống nhất và một đường lối chính trị đúng đắn. Đó là cơ sở thực tiễn để Hồ Chí Minh chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Vận dụng lý luận Mác - Lê-nin về Đảng Cộng sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ truyền bá lý luận cách mạng trong phong trào công nhân mà cả trong phong trào yêu nước, giải quyết vấn đề đường lối cứu nước, đồng thời tạo điều kiện chín muồi để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm trực tiếp của sự kết hợp lý luận giải phóng và phát triển dân tộc theo khuynh hướng vô sản với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, trong đó có phong trào công nhân nói riêng và phong trào yêu nước nói chung.

Phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin về Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp vô sản, đồng thời là đảng của dân tộc Việt Nam. Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo khẳng định: “Đảng là Đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Song, Đảng không chỉ là của riêng giai cấp công nhân, mà của toàn dân tộc. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Hồ Chí Minh phân tích: “Trong giai đoạn hiện nay, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Năm 1953, Hồ Chí Minh nhắc lại, Đảng Lao động Việt Nam là “Đảng của giai cấp lao động, mà cũng là Đảng của toàn dân”. Năm 1961, khi nhân dân miền Bắc đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định thêm một lần nữa: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”. 

Luận điểm trên đây của Hồ Chí Minh là sự phát triển và bổ sung thêm cho lý luận Mác - Lê-nin về Đảng Cộng sản, định hướng cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng có sự gắn kết chặt chẽ với giai cấp công nhân, với nhân dân lao động và cả dân tộc trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Đảng có trách nhiệm to lớn không chỉ đối với giai cấp công nhân, mà còn đối với nhân dân lao động và cả dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là một chính đảng cách mạng tiên phong, gắn bó với nhân dân, với dân tộc, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được nhân dân thừa nhận là đội tiên phong của mình. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã quy tụ được lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam. Đó là một đặc điểm, đồng thời là một ưu điểm của Đảng. Nhờ đó, Đảng đã nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất và trở thành nhân tố hàng đầu bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Vận dụng và phát triển lý luận về chuyên chính vô sản, xây dựng nền chuyên chính cách mạng với hình thức cộng hòa dân chủ, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vấn đề chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Thấm nhuần tính nhân văn cao cả của chủ nghĩa cộng sản, trong tác phẩn Đường Cách mệnh (năm 1927), Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

 Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo chủ trương “dựng ra chính phủ công nông binh”. Đó là hình thức chính quyền của đông đảo quần chúng lao động bị áp bức vùng dậy đấu tranh vì độc lập, tự do. Tuy nhiên, lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc. Vì thế, cần có một hình thức chính quyền rộng rãi hơn, chủ yếu là công nông, nhưng không đơn thuần chỉ có công nông. Mô hình chính quyền nhà nước phải được xây dựng dựa trên nền tảng mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, dựa trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân và trí thức, phù hợp với lực lượng và tính chất của cách mạng ở thuộc địa. 

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, thành lập ở mỗi nước một mặt trận, một chính quyền nhà nước riêng theo nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Hội nghị chủ trương “sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào, mà là của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam đều thảy được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”. Từ hình thức chính quyền công - nông - binh đến hình thức cộng hòa dân chủ là bước phát triển trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hình thức chính quyền cách mạng ở thuộc địa. 

Từ trong những ngày gấp rút chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu hình thành. Giữa tháng 8-1945, trong tình hình hết sức khẩn trương, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Trên cơ sở chuẩn bị lực lượng chu đáo, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đánh giá chính xác thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ tháng Tám năm 1945, đưa cả dân tộc vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 

Theo đề nghị của Hồ Chí Minh sau khi về Hà Nội (ngày 25-8-1945), Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời (ngày 28-8-1945) nêu rõ khẩu hiệu: “Toàn dân đoàn kết! Tranh thủ hoàn toàn độc lập!”. Đó “thật là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức”.

Ngày 2-9-1945, lễ Độc lập được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước đồng bào cả nước và toàn thế giới sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Lịch sử dân tộc chuyển sang kỷ nguyên cộng hòa dân chủ và hướng tới chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam thấy được chính quyền nhà nước mới do Đảng và Hồ Chí Minh lãnh đạo giành được và xây dựng là chính quyền của mình, là công cụ để xây dựng xã hội mới. Những nguyện vọng của nhân dân từng bước được thực hiện. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ tỏ rõ ý muốn duy nhất là làm sao đem lại cho dân chúng được tự do, độc lập hoàn toàn và để cho tất cả mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng Mặt trời”

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh sáng lập, sau này là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là nhà nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi còn phôi thai đến lúc được xây dựng và củng cố sau này đã trải qua những thử thách vô cùng cam go, không chỉ trong hơn một năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, mà còn trong suốt 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rồi bước vào thời kỳ điều hành đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong những biến đổi không ngừng của tình hình quốc tế. Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ cộng hòa rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên con đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại. 

Tóm lại, quá trình Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận cách mạng vô sản ở Việt Nam là một quá trình giải quyết những yêu cầu của lịch sử dân tộc, luôn xuất phát từ thực tiễn khách quan, hình thành nên một học thuyết về giải phóng và phát triển dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, được thâm nhập rộng rãi trong đông đảo quần chúng yêu nước và trở thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, làm nên những thắng lợi chiến lược của cách mạng Việt Nam và tiến lên xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thực tiễn đó khẳng định giá trị của ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định thành công của Hồ Chí Minh trong quá trình vận dụng và phát triển lý luận cách mạng vô sản vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; để lại những bài học lịch sử vô cùng quý báu, mà bài học lớn nhất là phải kiên định mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, luôn bám sát thực tiễn của đất nước, giữ vững tính độc lập về tư duy, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận và kinh nghiệm của cách mạng thế giới để xác định đường lối chính trị đúng đắn, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.

Hồ Đàm Giang - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.238.157
Truy câp hiện tại 4.462