Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phòng chống nắng nóng và dịch bệnh gia súc, gia cầm
Ngày cập nhật 08/05/2020

Hiện nay, tình hình thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại; thời tiết bất lợi có thể làm phát sinh dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Để chủ động phòng chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, UBND huyện A Lưới đề nghị UBND các xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đến tận hộ chăn nuôi thực hiện tốt một số nội dung sau:

 

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi có biện pháp chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm như: Giãn mật độ chăn nuôi, tăng cường làm mát, thông thoáng chuồng trại (Giăng bạt làm la phông, phủ lá lên mái để làm giảm nhiệt). Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, thu gom, di chuyển phân và các loại chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi, xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường. Các hố ủ, đống ủ nên cách xa chuồng nuôi để tránh ảnh hưởng bởi nhiệt thải trong quá trình ủ phân.

2. Đối với gia cầm: Nhốt gia cầm với mật độ vừa phải, nếu quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng (Gà thịt nuôi nhốt trên sàn 8con/m²; nuôi nhốt trên nền 10 con/m², nếu nuôi gà thả vườn, mật độ thả đạt ít nhất 01 con/m²). Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần ăn, cho ăn thêm rau xanh, hòa thêm điện giải, Vitamin C vào nước uống để giải nhiệt

3. Đối với lợn: Tắm cho lợn 01 - 02 lần/ngày, cho uống đủ nước và uống Bcomplex, cho chất điện giải đặc biệt là Vitamin C vào thức ăn để giải nhiệt. Giãn mật độ nuôi đối với lợn nái, mật độ từ 03 – 04 m²/con; lợn thịt khoảng 02 m²/con.

4. Đối với trâu, bò, dê

- Buổi sáng đi chăn thả sớm: 06 giờ thả, 09 giờ đưa về chuồng; buổi chiều chăn thả muộn: 16 giờ thả, 18 giờ đưa về chuồng, buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu, bò, dê nghỉ ngơi.

- Cho uống đủ nước, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 01 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn, để đảm bảo sức khoẻ tăng khả năng chống nóng, chống bệnh.

- Tắm cho trâu bò 01 - 02 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và phòng chống các bệnh ngoài da.

5. Tiếp tục  tuyên truyền vận động và chỉ đạo người chăn nuôi thu gom, dự trữ rơm khô sau các vụ thu hoạch lúa để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò, dê trong mùa mưa rét; phấn đấu mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò, dê có 01 cây rơm để làm thức ăn cho gia súc. Không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm bảo vệ môi trường, tránh lãng phí nguồn thức ăn cho gia súc theo chỉ đạo của UBND huyện tại Chỉ thị số 09/CT-UBND A Lưới ngày 23 tháng 4 năm 2020 Về việc tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn huyện A Lưới.

6. Tăng cường giám sát dịch tễ các ổ dịch cũ, các cơ sở, chợ buôn bán, lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các khu vực tiềm ẩn có nguy cơ cao để chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng bệnh Dịch tả lợn Châu phi, Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm, Tai xanh lợn và các bệnh kế phát khác. Tăng cường kiểm tra đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn.

7. Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, các khu vực buôn bán gia súc, gia cầm tại địa phương.

8. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm, dại chó để tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi.

9. Thường xuyên nắm thông tin, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm phản ánh kịp thời cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp xử lý.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.195.552
Truy câp hiện tại 4.666