Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới: không gian sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ
Ngày cập nhật 27/08/2014

Để tìm kiếm những cảm hứng mới cho thõa niềm đam mê nghệ thuật, chúng tôi tình cờ đến với A Lưới, phía Tây Tỉnh Thừa Thiên Huế, để trải nghiệm nét hoang sơ, huyền bí của miền sơn cước. Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với dãy rừng nguyên sinh đan xen rừng trồng tái sinh trải dài trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Trong chuyến tham quan A Lưới ngày 09-10/8/2014 Hội VHNT Lệ Thủy, Quảng Bình đã đến Trung tâm thông tin Du lịch A Lưới và Nhà sinh hoạt văn hóa các dân tộc huyện A Lưới. Theo cảm nhận của chúng tôi đây là những ngôi nhà sàn đã được xây dựng theo kiểu bê tông giả gỗ, rất độc đáo và quả là rất đẹp.

Sau đó, Đoàn đã đến tham quan Đồi A Bia cách trung tâm thị trấn A Lưới khoảng 8 km theo hướng Tây Bắc. Đồi A Bia - với 853 bậc thang và chiều dài 1.567m. Hiện đồi A Bia là di tích lịch sử cấp quốc gia trên dãy Trường Sơn huyền thoại, thu hút nhiều du khách...mảnh đất chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh, nơi túi bom của quân thù, vùng trắng bởi chất độc da cam, nhưng cũng là mảnh đất ghi dấu những trận đánh oanh liệt với sự hy sinh anh dũng của biết bao chiến sĩ.

Hội VHNT Lệ Thủy, Quảng Bình chụp hình lưu niệm tại Nhà sinh hoạt văn hóa các dân tộc huyện A Lưới. Ảnh: Hoàng An

Đoàn cũng đến tham quan Địa đạo A Đon, nằm sát chân đồi A Đon thuộc xã Hồng Quảng, là nơi cất dấu và xây dựng Đài phát thanh giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế và chuẩn bị cho Chiến thắng Mùa xuân 1975.

Xe tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi ngang qua xã Hồng Thái, xã Sơn Thủy ngắm những cánh đồng lúa xanh ngát một màu, những ngôi nhà bê tông hóa, những vườn hồng sai trĩu quả. Ai cũng thốt lên rằng không ngờ quê hương A Lưới lại trù phú và có nhiều đổi thay như vậy. Dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Mính, các bác trong đoàn nhớ lại thời gian trước đã từng hành quân qua con đường này. Nhưng giờ đã có rất nhiều đổi thay, đường to và đẹp hơn, hai bên đường nhà cửa cũng khang trang hơn nhiều.

Đoàn tiếp tục tham quan Khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So thuộc địa phận thôn Sam, xã Đông Sơn, cách đường Hồ Chí Minh 2km về phía Đông. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng, vật chứng vẫn còn hiện hữu trên mảnh đất này. Những hố bom tử thần dày đặc, nồng độ chất độc điôxin vẫn còn rất cao... cây cối ở đây hầu như không thể sinh trưởng, chỉ toàn là cỏ dại. Chúng tôi bùi ngùi xúc động trước những hậu quả mà chiến tranh còn để lại cho con người và mảnh đất này.

Hội VHNT Lệ Thủy, Quảng Bình tham quan Đồi A Bia, huyện A Lưới.

Sau đó đoàn tiếp tục đến Suối khoáng A Roàng để tắm, xoá đi mọi sự mệt mỏi cho một ngày hành trình dài. Hôm đó có rất đông khách từ người dân địa phương cho đến du khách và cũng có đoàn khách đến từ Quảng Trị dừng chân tắm suối khoáng. Đúng thật khi nghe người dân ở đây nhận xét tắm khoáng này bạn sẽ thấy thư giãn, thoải mái và rất sảng khoái. Chúng tôi muốn ngâm mình lâu hơn nữa nhưng tiếng chiêng, tiếng khèn làm chúng tôi nóng lòng muốn đến tham quan và hòa mình vào không khí sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tà Ôi tại thôn A ka- A chi, cách suối khoáng A Roàng 50m.

Chúng tôi vừa đến thôn A ka - A chi thì bản làng đón chào chúng tôi bằng những điệu múa mừng khách vào làng kết hợp với những tiếng khèn, tiếng chiêng tạo nên một không khí hết sức thân mật khi đến nơi này. Chúng tôi đã khá là bất ngờ và thú vị với sự đón tiếp nồng nhiệt từ bà con, mọi người ai cũng tranh nhau chụp hình lưu niệm. Điểm đến mà đoàn mong chờ nhất trong chuyến hành trình này là đây.

Đoàn Hội VHNT Lệ Thủy, Quảng Bình chụp hình lưu niệm với bà con thôn A Ka - A Chi, xã A Roàng. Ảnh: Hoàng An

Chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng kỹ xảo dệt Zèng đặc biệt của các thiếu nữ Tà Ôi. Chúng tôi trò chuyện cùng các cô, các chị để hiểu thêm nét đặc sắc, khác biệt cũng như sự tỉ mỉ, cần cù của các thiếu nữ Tà Ôi.

Sau gần một ngày tham quan, chúng tôi thấy đói cồn cào trong bụng khi ngửi thấy mùi thơm từ những món ăn của miền sơn cước, mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Chúng tôi ăn tối tại nhà cộng đồng với những món ăn đặc sản của dân tộc Tà Ôi: rau rừng, cá suối… chúng tôi lại thêm một lần được khám phá nghệ thuật ẩm thực của một dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Sau khi dùng bữa tối, chúng tôi sẽ tham gia “Chương trình lửa trại, giao lưu cộng đồng”, cùng chung vui với những điệu múa của dân tộc Tà Ôi trong đêm vùng cao A Lưới.

Hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp và con người hiếu khách nơi đây, ai trong chúng tôi cũng mang trong mình những cảm xúc khó tả. Nhà thơ Trần Văn Khởi đã rất xúc động và nhận xét rằng: “Tôi đã đi tham quan nhiều nơi, từ Tây Bắc cho đến Tây Nguyên nhưng không có nơi nào còn giữ nguyên vẹn bản sắc và con người ở đây lại mến khách đến như thế. Đây là vùng đất rất lạ vừa đến nhưng chúng tôi có cảm giác rất gần gũi thân quen. Con người ở đây cũng rất tuyệt. Từ những em bé được gùi trên lưng mẹ đến những người già, họ rất chân thành và nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi”. Ông vừa nhảy lửa trại với bà con vừa ngâm các bài thơ về con người và mảnh đất A Roàng mến yêu.

Đoàn giao lưu lửa trại với Thôn A Ka - A chi. Ảnh: Hoàng An

Họa sỹ Lê Thuận Long - một họa sỹ trẻ nhưng rất đa tài, đã có nhiều tranh đạt giải cao tại các triễn lãm trong nước và quốc tế. Anh cũng say sưa với tiếng chiêng, tiếng khèn cùng với những làn điệu dân ca của bà con.

Lửa nồng ấm cho tình thêm say,
đêm vui ngất trời bên chén rượu Đoác,
dập dìu cơn say đưa ta vào giấc mộng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An - Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã đạt nhiều giải cao trong đó có giải đặc biệt tại cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ nhất-Rotary Club 2014 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến tham quan A Lưới lần này, A Roàng là nơi anh muốn đến để có thể lưu giữ lại các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự đón tiếp quá nồng hậu, những hoạt động giao lưu văn nghệ lửa trại đặc sắc, anh đã say sưa với các tác phẩm của mình mà quên hẳn ngày sinh nhật. A Lưới - đúng là nơi cho ta thõa niềm đam mê nghệ thuật khiến con người ta quên hết mọi vấn vương bụi trần.

Sau khi đã thấm mệt, chúng tôi ngồi nghỉ và trò chuyện cùng bà con, cùng thưởng thức chén rượu đoác bên ánh lửa hồng. Cùng bà con giao lưu văn nghệ để hiểu thêm về đồi sống của con người nơi đây. Đêm đã về khuya, chúng tôi tạm chia tay bà con để vào nghỉ tại nhà homestay. Không khí mát lành đưa chúng tôi và giấc ngủ say.

Sáng mai tỉnh giấc, chúng tôi được thưởng thức món súp sắn. Nhà thơ Vũ Thắng chia sẻ: “Cũng là món ăn đặc sản nhưng người Tà Ôi ở A Lưới lại có món súp sắn, sắn thì ở đâu cũng có nhưng súp sắn nấu với cá khe là đặc sản quý đãi khách, thật ra có người không ăn được nhưng tôi vẫn xơi ngon lành để thưởng thức hương vị, vừa có mùi cá quyện với mùi sắn tạo nên vị giác lạ đầy thích thú. Lại nữa sắn cắt nhỏ nấu với gạo nếp, thứ muối chấm là loại cây rừng giả nhuyễn vừa cay cay thơm thơm mà chỉ có người Tà Ôi mới thiết đãi khách quý.”

Chúng tôi chia tay quyến luyến bà con ở thôn A ka - A chi, chúng tôi đến tham quan cửa khẩu A Đớt, Thủy điện A Lưới. Buổi trưa dùng bữa cơm thân mật với người dân thị trấn A Lưới. Cùng giao lưu văn nghệ ở đây, chúng tôi mới vỡ lẻ ra thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây các chất giọng trời phú. Những người làm nghệ thuật như chúng tôi như gặp được bạn hiền, cùng giao lưu chia sẻ niềm ca hát của chúng tôi.

Trước khi chia tay A Lưới, tất cả chúng tôi ai cùng chung một cảm xúc quyến luyến con người và mảnh đất A Lưới. Chúng tôi đều cảm nhận đây mà một chuyến đi trải nghiệm đầy thú vị và nếu có dịp chúng tôi sẽ trở lại A Lưới vào một ngày không xa.

TÌNH A LƯỚI
Mai rồi ta phải chia xa
Tiếng cồng tiếng hát ngân nga núi rừng
Mắt ai lúng liếng ngập ngừng
Xôn xao lá vẫy rưng rưng gió đèo 
Ta về A Lưới về theo 
Ngọt ngào A Sáp trong veo tiếng cười
Lời thương chưa kịp trao lời
Lửa reo níu gọi tình người vấn vương

                                            10-8-2014 Đỗ Quý Dũng.

TT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.690.335
Truy câp hiện tại 7.406