Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sách về A Lưới ra mắt tại Paris
Ngày cập nhật 29/01/2014

(TBKTSG) - Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hạc Đạm Thư đã sang Paris nhận cuốn sách Sự hồi sinh của thung lũng A Lưới sau bom đạn Mỹ và chất độc da cam hồi tháng 10-2013. Dưới đây là cuộc trao đổi của TBKTSG với bà xung quanh câu chuyện về cuốn sách, những nỗ lực đặc biệt của các trí thức Pháp với các vấn đề hậu chiến của Việt Nam.

TBKTSG: Thưa bà, vì lý do gì bà được mời sang Paris dự lễ tưởng niệm ông J. Maitre và ra mắt cuốn sách?

- Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư: Tôi có tham gia công trình này từ lâu, trong sách có những phần tôi làm phóng sự tại A Lưới và những câu chuyện kể đường đời của nhiều người dân A Lưới. Đây là công trình tập thể của nhóm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau về khoa học xã hội và nhân văn như nhân học, xã hội học, phân tâm học lâm sàng, kiến trúc... do ông J. Maitre chủ biên(*).

Đây là dự án nghiên cứu của hai tổ chức là CEDRATE (Trung tâm Nghiên cứu và Hành động chống những chấn thương bởi chiến tranh - do bác sĩ Bernard Doray làm Chủ tịch, ông J. Maitre là thành viên) và CGFED (Trung tâm Nghiên cứu về giới, gia đình và môi trường trong phát triển - Hà Nội, do cố Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết làm Giám đốc). Dự án này bắt đầu từ năm 2002 đến 10 năm sau mới hoàn chỉnh.

Trước khi trở thành phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, tôi vốn xuất thân là giáo viên dạy hóa. Đặc biệt, tôi từng làm chủ nhiệm lớp có con em dân tộc thiểu số ở Trường Sơn và Tây Nguyên ra học tập ở miền Bắc từ năm 1962-1970. Tôi cũng là một Việt kiều về nước đã lâu và tham gia làm thành viên Hội VNED ở Pháp bắt đầu giúp cho mấy chục cháu tàn tật vì chất độc da cam ở A Lưới. Tôi hay đi cùng bác sĩ Doray và vợ ông là nhà tâm lý lâm sàng để hiểu biết thêm về cách tiếp cận trẻ em tàn tật.

TBKTSG: Và bà đã thực sự trở thành tác giả nghiên cứu, tham gia viết trong cuốn sách? Công việc chắc tiến hành khó khăn lắm nên mới kéo dài tới 10 năm?

- Năm 2002, khi tôi lần đầu nhận đi với nhóm CEDRATE về A Lưới, tôi nghĩ mình chỉ là người phiên dịch và giúp họ tiếp cận với đồng bào. Cũng phải mất công và biểu cảm tấm lòng đôn hậu, có khi mất mấy chuyến đi, những “ông Tây” mới nhận được sự tin cậy của đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khổ đau, con cái tật nguyền, chịu kể ra chuyện đời của họ.

Mỗi chuyến đi thật sự gian khổ và công phu. Nhóm tác giả cũng nhiều lần trải qua những xúc động lớn khi họ nghe chuyện kể và tiếp xúc, nhìn tận mắt các hoàn cảnh thật đau đớn do chiến tranh gây ra cho những người vô tội và trẻ em. Ông Maitre nhận đào tạo năm nghiên cứu viên Việt Nam trong năm tháng tại Paris để tiếp cận phương pháp mới phục vụ cho công việc này. Chúng tôi phải dự nhiều hội thảo, tập huấn và có năm buổi thực hành với nhà nghiên cứu xã hội học bậc thầy ở Viện Nghiên cứu chính trị Pháp - ông Guy Michelat. Phải đi thực địa rất vất vả để quay phim phỏng vấn, từ chuyện già làng Quỳnh Hiêm 104 tuổi, chứng kiến từ thời quân đội Pháp lên sửa sân bay dã chiến, những chuyện giết chóc kinh hoàng đến phản ánh những chính sách phát triển hậu chiến như chuyện học nghề, điện khí hóa, xây dựng nhà cửa và thủy điện... Chúng tôi phải gỡ băng, dịch và gửi sang Pháp.

TBKTSG: Vì sao họ lại chọn A Lưới để nghiên cứu?

- Năm 2003, khi hợp tác về đề tài liên quan đến phụ nữ, chúng tôi thấy họ thiệt thòi nhất không chỉ vì chiến tranh đói nghèo mà còn vì mất quyền sinh ra những đứa con bình thường. Ông Maitre và bác sĩ Doray thống nhất chọn địa bàn A Lưới vì đây là một trong những nơi bị hậu quả chiến tranh hóa học nặng nhất lại ở nơi biên giới giáp Lào xa xôi hẻo lánh, giao thông khó khăn...

TBKTSG: Theo bà, cuốn sách đã nghiên cứu và phát hiện được vấn đề gì cho việc phát triển những vùng miền núi khó khăn ở Việt Nam?

- Đọc cuốn sách ông Maitre biên soạn đầy tâm huyết này, có thể hiểu rất sâu sắc về vùng đất và con người Việt Nam và những gì cần thiết phải làm hôm nay.

Từ các thông tin khoa học đa ngành được phân tích, người đọc có thể thấy được mọi khía cạnh sâu xa về lịch sử văn hóa xã hội của các dân tộc bản địa để có cái nhìn nhân văn và sự giúp đỡ cụ thể phù hợp, tránh sự thiển cận đơn giản cắt đứt với văn hóa truyền thống khi bị cuốn vào sự thay đổi quá nhanh của hiện đại hóa và kinh tế thị trường. Có rất nhiều thí dụ chi tiết và đề xuất từ kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại, phát triển ngành nghề. Cách làm dự án phải giúp cho dân nghèo vừa là chủ thể tham gia vừa hưởng lợi từ nó. Cuốn sách làm sáng tỏ nhiều vấn đề của phát triển hiện tại. Không chỉ cuốn sách, mà nhóm nghiên cứu của ông Maitre còn giúp đỡ rất thiết thực cho người dân A Lưới, giúp cán bộ quản lý địa phương...

TBKTSG: Có phải ông Maitre làm việc này vì truyền thống các nhà khảo cứu Pháp thường nghiên cứu phong tục ở Đông Dương trước đây, ưa “thám hiểm” vùng đất lạ?

- Đây không phải một cuộc du hí mà là làm việc với thái độ thực tế, nhân văn và vô cùng gian khổ. Cha của ông Maitre là kỹ sư thủy điện bị phát xít bắn chết trong chiến tranh. Ông noi gương cha, vào du kích từ khi 14 tuổi, luôn ủng hộ Việt Nam, là bạn của bà Nguyễn Thị Bình từ khi có hội nghị Paris về Việt Nam.

Khi đi thực địa với ông, tôi thật kinh ngạc trước sức làm việc của một người cao tuổi và tình yêu thương con người của ông. Mỗi tối ông cặm cụi ghi chép, nghe tôi báo cáo lại các cuộc phỏng vấn. Tôi nghĩ mình thật may mắn và hạnh phúc được làm việc nhiều năm với một nhà khoa học kỳ cựu, một chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình, nặng lòng ưu ái với người dân A Lưới, nơi biên cương xa xôi bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.

TBKTSG: Xin bà miêu tả một chút về buổi lễ nhận sách ở Paris?

 

- Cuốn sách ra mắt trong lễ tưởng niệm ông Maitre, có mặt các chủ tịch đầu ngành khoa học xã hội và nhân văn. Con gái ông đọc bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình. Tôi nhận sách tặng vào ngay tối hôm sau tại nhà riêng trong không khí đầm ấm, có đầy đủ gia đình con cháu, bạn bè thân thiết của ông. Các đồng tác giả trong nước có bốn người được mời nhưng chỉ mình tôi tham dự.

(*) Ông J.Maitre là chủ nhiệm nghiên cứu ở CNRS (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp), đang làm việc dở dang với nhà xuất bản để hoàn thành cuốn sách thì lâm bệnh và qua đời vào tháng 3-2013, thọ 88 tuổi. Các con của ông tiếp tục hoàn thành công việc với Nhà xuất bản L’Harmattan để sách ra mắt đúng dịp các cộng sự ở CNRS tổ chức buổi lễ tưởng niệm ông tại Paris ngày 17-10-2013. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.293.884
Truy câp hiện tại 3.615