Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Để có đất sản xuất, A Lưới tái cơ cấu quản lý rừng tự nhiên
Ngày cập nhật 28/09/2013
A Lưới là huyện có đất tự nhiên lớn nhất, chiếm tỷ lệ gần 1/4 diện tích đất đai toàn tỉnh. Là huyện có 86.647 ha rừng nhiên, chiếm tỷ lệ trên 42% rừng tự nhiên toàn tỉnh. Mặc dù vậy, quản lý và sử dụng rừng tự nhiên với nhiều hình thức đa dạng vẫn chưa thật sự hấp dẫn người dân nơi đây. Trong bối cảnh đất sản xuất nông nghiệp khó có thể mở rộng diện tích thì việc chính quyền địa phương tính đến sử dụng rừng tự nhiên để vừa bảo vệ tốt, vừa phát triển sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp là hướng đi đúng đắn; là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Vậy trở ngại nào làm hạn chế động lực quan trọng này?
Giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói chung và huyện A Lưới nói riêng trong những năm gần đây là 1 bài toán rất hóc búa, đầy thách thức; song không phải không có lời giải, nếu chúng ta thật sự tâm huyết và đầy trách nhiệm. Chính vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 539/NQ -UBTVQH13 ngày 30/10/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu chính phủ: “Tập trung chỉ đạo thực hiện đạt mục tiêu từ nay đến hết năm 2015 giải quyết căn bản tình trạng hộ đồng bào DTTS không có đất ở hiện nay. Nghiên cứu, ban hành chính sách giải quyết đất sản xuất gắn với giải quyết việc làm, trên cơ sở tính đến yếu tố đặc thù khó khăn của mỗi vùng, phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được 70% số hộ đang thiếu đất sản xuất hiện nay;”. Để thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 755/QĐ -TTg ngày 20/5/2013 Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Người viết bài này đã từng đề cập đến nan đề này trong một loạt bài đăng trên báo Thừa Thiên Huế như “Tái định cư: Chuyện cũ vấn đề mới, số 652 ra  từ ngày 19 đến 22/7/2012; “Sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi số  654 ra từ ngày 02 đến 5/8/2012; “Khoán đất, rừng ổn định lâu dài:Tại sao không?” số 661 ra từ  ngày 20 đến 23/9/2012.
Trong nhiều dịp công tác tại A Lưới, khi đề cập đến các nội dung bài viết nói trên để trao đổi với các anh lãnh đạo huyện. Thật bất ngờ, các anh nói rằng, đã đọc và thậm chí đọc rất kỹ, song cái khó chính là, rừng gần khu dân cư thì thuộc Ban quản lý rừng Phòng hộ A Lưới (BQLRPHAL), còn rừng xa khu dân cư thì thuộc diện “quy hoạch” để giao cho dân! Nên có giao cho dân cũng không có tính khả thi. Thầm nghĩ, hóa ra lâu nay, mình rất quan liêu, một thực tế “rõ như ban ngày” mà vẫn không biết. Thông tin này, tôi biết được tại một cuộc họp của UBND huyện A Lưới bàn về triển khai kế hoạch trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên năm 2013, trong tháng 4 vừa qua, tôi tham dự với tư cách là Tư vấn độc lập cho Dự án Mây bền vững thuộc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới.
Từ vướng mắc trên, chúng tôi đã bàn bạc tìm cách tháo gỡ, cho dù đây là việc rất khó, vì “ ván đóng thuyền rồi”. Đề án giao rừng, cho thuê rừng tự nhiên của tỉnh và của huyện đã được thông qua; quy hoạch rừng của BQLRPHAL đã xác định. UBND huyện phân vân, ngại “xới xáo” lại vấn đề đã giải quyết. Song tôi vẫn kiên trì thuyết phục BQLRPHAL và UBND huyện, nếu thấy bất hợp lý trong quản lý rừng tự nhiên, huyện cần mạnh dạn đề xuất tái cơ cấu bảo đảm thực hiện có hiệu quả  cao nhất 2 nội dung trong 1 mục tiêu là “quản lý rừng tự nhiên bền vững gắn với góp phần phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, nâng cao đời sống của đồng bào 1 cách bền vững”
Thật đáng hoan nghênh, khi đề cập đến vấn đề này, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã vô cùng sốt sắng, đầy tâm huyết và trách nhiệm, đề nghị huyện soát xét kỹ để đề xuất tổng thể tái cơ cấu rừng tự nhiên theo chủ quản lý, bảo đảm thực hiện có hiệu quả cao mục tiêu nói trên. Sau khi soát xét và thống nhất với các bên liên quan và UBND huyện A Lưới, chỉ trong thời gian 20 ngày, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã chủ động và nhanh chóng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản phúc đáp ngay cho UBND huyện A Lưới theo hướng những tiểu khu rừng xa khu dân cư, trước đây dự kiến giao cho dân nay điều chỉnh lại quy hoạch cho BQLRPHAL quản lý; và những tiểu khu rừng gần khu dân cư thuộc BQLRPHAL quản lý sẽ điều chỉnh để bàn giao cho huyện làm cơ sở tiến hành giao cho cộng đồng dân cư (CĐDC) và người dân quản lý, sử dụng lâu dài, bền vững. Kết quả có 6.060,72 ha rừng và đất lâm nghiệp của BQLRPHAL sẽ chuyển giao cho huyện, trong đó có 4.231,56 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất và 1.829, 16 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ; có 3897 ha rừng và đất lâm nghiệp ở xa các khu dân cư do huyện quản lý, trong đó có 1.928,7 ha thuộc quy hoạch phòng hộ và 1.950,3 thuộc quy hoạch sản xuất sẽ chuyển giao cho BQLRPHAL.
Với hơn 6.000 ha rừng được tái cơ cấu để huyện quản lý, UBND huyện đã có ý tưởng  bổ sung xây dựng Đề án giao cho từng CĐDC và từng hộ dân hay nhóm hộ để vừa quản lý và bảo vệ tốt, vừa tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp có hiệu quả. Huyện sẽ có kế hoạch giúp các đối tượng sau khi được giao rừng, soát xét kỹ từng lô rừng cụ thể nhằm lập các dự án đầu tư hoặc xây dựng các giải pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế, trồng cao su hay trồng mây, nuôi ong, chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng,...
Việc UBND huyện và Chi cục Lâm nghiệp tỉnh chủ động  phối hợp chặt chẽ “đón đầu chính sách” để tái cơ cấu chủ quản lý rừng tự nhiên ở A Lưới là cơ sở tiền đề giải quyết tốt bài toán đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đáp ứng rất kịp thời công tác chuẩn bị  xây dựng Đề án giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ -TTg nói trên.
Để hiện thực hóa có hiệu quả  chính sách nói trên, rất cần sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tăng cường năng lực cho cán bộ huyện, xã của các ngành liên quan cấp tỉnh, và các dự án phát triển lâm nghiệp hiện đang triển khai trên địa bàn; của các cơ quan tín dụng trong việc giải quyết bài toán “đầu tiên” là “tiền đâu” nhằm từng bước sử dụng có hiệu quả đất, rừng, giải quyết tích cực nan đề thiếu đất sản xuất; góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp, phát triển ngành nghề từ nguyên liệu tạo chỗ và nâng cao hơn nữa đời sống của người dân trên địa bàn.
Võ Văn Dự
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.333.128
Truy câp hiện tại 2.503