Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác hoặc hợp tác xã
Ngày cập nhật 09/05/2013

(TTH) - Trong 25 năm qua, kể từ ngày Nghị quyết 10/NQ-TW đi vào cuộc sống, nền nông nghiệp nước ta trên tất cả các vùng miền nói chung và miền núi nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện.

Ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh ta, đồng bào các dân tộc không chỉ biết sản xuất thành thạo lúa nước mà còn phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, trồng rừng kinh tế,... tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Do thiếu thông tin, nông dân miền núi, nhất là đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông lâm nghiệp cả dịch vụ đầu vào và đầu ra. Đầu vào thì bị động trong dịch vụ cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... bảo đảm chất lượng, đầy đủ về số lượng. Đầu ra, thường bị ép cấp, ép giá sản phẩm. Một trong những nguyên nhân chính là miền núi thiếu các tổ chức cung cấp dịch vụ đáng tin cậy cho bà con nông dân. Trong lúc đó, truyền thống của đồng bào DTTS là tính cố kết trong cộng đồng dân cư rất cao, cả trong sản xuất lẫn đời sống văn hóa. Truyền thống này rất phù hợp với việc tổ chức sản xuất dưới các hình thức kinh tế hợp tác, như tổ hợp tác (THT) nếu quy mô nhỏ, và chỉ cần 3 cá nhân là có thể thành lập được hoặc HTX nếu quy mô lớn hơn, và chỉ cần ít nhất 7 thành viên là có thể thành lập được. Đến nay, có thể khẳng định các điều kiện cần và đủ để phát triển THT hoặc HTX ở miền núi đã được hình thành tương đối rõ nét như “tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ” trong nông lâm nghiệp đã thay đổi cơ bản; nhận thức về nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, quản lý dân chủ và cùng có lợi trong hoạt động của THT hay HTX đã được nâng cao trong cấp ủy và chính quyền cơ sở, cũng như trong nông dân; hoạt động của THT, HTX đã được pháp luật quy định rất cụ thể. Mặc dù vậy, việc xây dựng các hình thức hợp tác trong sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp ở miền núi vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Trồng rừng nâng cao hiệu quả kinh tế và độ che phủ. Ảnh: Anh Phong

Xét về phương diện pháp lý, Quốc hội đã ban hành Luật HTX là cơ sở cho việc phát triển mạnh mẽ HTX. UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 1000/ QĐ-UBND ngày 25/4/2008, theo đó, các HTX được thành lập sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng để tìm hiểu thông tin, nghiên cứu Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng điều lệ, tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 151/2007/NĐ -CP ngày 10/10/2007 Về tổ chức và hoạt động của THT tạo điều kiện pháp lý để phát triển các THT thường có quy mô nhỏ và thích ứng dần để khi đủ điều kiện sẽ áp dụng hình thức hợp tác cao hơn như HTX.
 
Theo Quyết định số 491/QĐ -TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thì tiêu chí thứ 13 là “có THT hoặc HTX hoạt động có hiệu quả”. Như vậy, việc phát triển THT hay HTX là một trong 19 tiêu chí bắt buộc để xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.Phát triển THT hay HTX ở các xã miền núi thật sự là một yêu cầu bức thiết không thể trì hoãn xét trên cả 2 mặt khách quan và chủ quan như đã nói trên.
 
Hiện nay, Nam Đông là huyện chỉ đạo điểm của tỉnh trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua vai trò hỗ trợ thúc đẩy của Dự án Mây bền vững, tại xã Hương Lộc đang tổ chức tập huấn đào tạo cho một nhóm hộ ngành đan lát sản phẩm mây theo mô hình liên kết với doanh nghiệp ngành mây tre. Bảo đảm toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ được doanh nghiệp tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết. Qua trao đổi với Ban quản lý Dự án Mây bền vững, cho thấy các thành viên làm nghề đan lát mây ở xã Hương Lộc dự kiến sẽ bàn bạc để thành lập một HTX hay THT để có đại diện trong quan hệ liên kết với đối tác doanh nghiệp ngành mây. Đây có thể xem là một trong những mô hình cần quan tâm thúc đẩy sớm hình thành THT hay HTX nhằm rút kinh nghiệm để phát triển loại hình kinh tế hợp tác trên lĩnh vực chế biến nông lâm sản.
 
Cũng có thể phát triển các mô hình THT hay HTX sản xuất và dịch nông lâm nghiệp ở miền núi theo hướng tự nguyện hợp tác giữa trí thức trẻ đã tốt nghiệp đại học nông, lâm nghiệp nhưng chưa có việc làm với đồng bào DTTS (và nhân dân) trên địa bàn huyện, đề xuất nhà nước giao, thuê rừng tự nhiên để phát triển sản xuất và hoạt động dịch vụ nông lâm nghiệp bằng giải pháp chính là trồng cây chịu bóng và chăn nuôi dưới tán rừng; đồng thời thực hiện cải tạo rừng nghèo kiệt để sản xuất nông lâm kết hợp, trồng rừng kinh tế, trồng cao su.
 
Làm được vậy, sẽ đáp ứng mục tiêu sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp, rừng tự nhiên nghèo kiệt, góp phần vào việc nâng cao chất lượng rừng, chất lượng độ che phủ; thực hiện quản lý rừng bền vững; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước xây dựng đời sống khá giả; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới.
 
Trong những dịp công tác ở miền núi, người viết bài này thường quan tâm trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và bà con nông dân về phát triển kinh tế hợp tác. Thật ngạc nhiên, khi hầu hết đối tượng tìm hiểu đều có nguyện vọng phát triển các loại hình THT hay HTX để bảo đảm sản xuất phát triển hiệu quả hơn, khắc phục những hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, tâm trạng chung của những người nông dân chủ chốt (có vai trò đầu tàu trong sản xuất) là lo sợ khi thành lập THT hay HTX làm ăn có hiệu quả, thì bị sự can thiệp thay đổi nhân sự quản lý theo ý của lãnh đạo địa phương(!?) mà theo họ có thể dẫn đến tình trạng kinh tế tập thể trì trệ như trước đây. Tình hình đó, cho thấy những nhược điểm, hạn chế của các mô hình hợp tác kiểu cũ vẫn còn ám ảnh họ. Để khắc phục tình trạng này, nên chăng, Liên minh HTX tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy có chỉ thị để đẩy mạnh phát triển HTX và THT, nhất là HTX, THT sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi; đồng thời giải tỏa nỗi lo đáng ghi nhận của người nông dân? Mặt khác, ngay trong năm 2013, các ngành liên quan cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cấp huyện chỉ đạo và vận động tổ chức một số mô hình THT hoặc HTX, nhất là trên lĩnh vực nông lâm nghiệp để rút kinh nghiệm nhân rộng trong những năm tiếp theo. Làm được vậy sẽ góp phần giúp các xã ở nông thôn miền núi và vùng DTTS nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp, cải thiện hơn nữa đời sống của người nông dân và đáp ứng đầy đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 
Võ Văn Dự
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.276.877
Truy câp hiện tại 9.135