Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Người thầy đầu tiên của núi rừng A Lưới
Ngày cập nhật 09/11/2011

Năm 2001, khi lên công tác tại huyện A Lưới, tôi được diện kiến thầy Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ ngay tại đây. Hồi đó ông còn minh mẫn lắm, ông và tôi chuyện trò huyên thuyên và không nằm ngoài mục đích tò mò là tôi hỏi ông hành trình đến với bộ chữ Pacô - Tà ôi như thế nào? Chuyện dài lắm, ông kể với niềm say sưa.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền). Từ nhỏ tôi đã được mẹ cho học chữ Quốc ngữ và học nghề may cùng người anh họ - Hồ Oanh. Anh họ tôi tham gia cách mạng bí mật trước, nên đã dìu dắt tôi đi theo cách mạng. Tháng 11/1944, anh họ đưa tôi dự lễ kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga tại đình làng Niêm Phò. Những lời phát biểu lần đầu tiên được nghe tại buổi lễ này đã để lại ấn tượng thật sâu sắc trong tôi. Tôi tham gia phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, dạy bình dân học vụ và hũ gạo cứu đói.


 
Thầy giáo Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ
 
          Tháng 06/1945 được đánh dấu như một bước ngoặt lịch sử lớn trong đời tôi - với những đóng góp của mình cho quê hương, tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đứng trước cờ Đảng, tôi nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho chủ nghĩa cộng sản. Tháng 11/1947, tôi được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ lên vùng miền núi huyện Phong Điền xây dựng cách mạng. Từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1949, với tư cách là đảng viên duy nhất, tôi đã giúp đỡ cho 5 thanh niên người dân tộc Pahy đọc thông, viết thạo, giúp việc đắc lực cho địa phương và được kết nạp Đảng. Đến ngày 09. 09. 1949, Chi bộ miền núi đầu tiên của tỉnh ta gồm 6 đồng chí do tôi làm Bí thư được thành lập. Sau đó tôi tiếp tục xây dựng phong trào cách mạng và xây dựng Đảng ở vùng này phát triển.
          Do yêu cầu công việc, tháng 7/1950, tôi lại được Tỉnh ủy điều lên vùng cao A Lưới tiếp tục cuộc vận động cách mạng. Lúc bấy giờ, A Lưới còn hoang sơ, bà con các dân tộc sống rất lạc hậu và nặng về các phong tục, tập quán cổ hủ, hầu hết không biết chữ. Hành trang tôi mang theo lúc bấy giờ là học thức và một bầu nhiệt huyết cách mạng. Tôi nghĩ, để làm cho đồng bào theo cách mạng thì cách tốt nhất là phải làm cho họ biết chữ để biết mình, biết ta. Thế là tôi tìm hiểu, mày mò ghép chữ quốc ngữ với những mẫu tự Latinh để cho ra đời chữ dạy cho người dân tộc (nay là chữ Pacô, Tà ôi). Sau này, mặc dầu được chuyển đến nhiều địa phương khác nhau, nhưng ở đâu, tôi cũng làm nhiệm vụ phụ trách xã, dạy học, tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, được nhân dân yêu mến, đùm bọc, bảo vệ. Bên cạnh việc góp phần đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu, dạy chữ cho người dân tộc, xóa đói, giảm nghèo, tôi được giao nhiệm vụ phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc này. Từ chỗ một chi bộ ban đầu 6 người, đến nay, Đảng bộ huyện A Lưới đã lớn mạnh với hơn 2000 đảng viên. Hơn 60 năm gắn bó với đồng bào dân tộc tôi đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; trong đó, có huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2004.
 
   
Làng mới Việt Tiến, xã Hồng Kim, huyện A Lưới
Trong kháng chiến là trường học cách mạng ở miền núi
 
Hiện tại, có rất nhiều người vừa là học trò của ông, vừa là bạn chiến đấu, vừa là hàng xóm như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kan Lịch vẫn thầm cảm ơn thầy Ku Nô vì thầy đã sáng chế dành riêng cho đồng bào, nhờ học cái chữ đó mà Kan Lịch đến được với cách mạng và nhiều người khác cũng vậy, như ông Hồ Văn Liên nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kim cũng từng là học trò của thầy Ku Nô tâm sự rằng thế hệ của ông biết đến cái chữ cũng nhờ thầy Ku Nô. Bà Kăn Min tâm sự: Chúng tôi được học cái chữ của đồng bào do thầy Ku Nô dạy. Từ đó mà giúp các đảng viên thâm nhập dễ hơn vào cuộc sống của đồng bào để vận động họ tham gia kháng chiến.
Trên nền bộ chữ viết Pacô - Tà ôi của ông mà đến nay đã có nhiều chương trình giáo dục song ngữ ở vùng dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế và kết quả đó đã được TS Nguyễn Thị Sửu - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Từ năm 2002, bộ sách dạy chữ cho đồng bào Pacô - Tà ôi đã được lồng ghép vào chương trình dạy từ mẫu giáo đến lớp 1, lớp 2, lớp 3 tại các trường Tiểu học trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới. Đến năm 2004, các cán bộ, lực lượng vũ trang…trong toàn tỉnh đều phải học bộ chữ này để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công lao của thầy Ku Nô rất lớn đối với đồng bào Pacô - Tà ôi.
Hiện giờ, thầy Ku Nô đã bước sang tuổi 86, sức khỏe suy yếu, ai muốn nói chuyện với thầy phải có người nhà nói lại qua chiếc máy trợ thính thầy vẫn đeo trên tai…Thỉnh thoảng, người ta vẫn thấy ông về với A Lưới, với đồng bào Pacô - Tà ôi trong mỗi ngày cuối tháng.
Tập tin đính kèm:
Hồ Ngọc Mỹ kể, Khánh Phong ghi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.588.269
Truy câp hiện tại 2.402