Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Arieu Kar: Đại lễ đoàn kết cộng đồng của đồng bào Pa Cô
Ngày cập nhật 11/03/2014

Từ ngàn xưa, nơi hoang vu rừng núi, người Pa Cô sống trên những khu vực khác nhau, họ thường đối mặt với những đe dọa thử thách. Vì thế, liên kết để sống còn trở thành một nhu cầu. Và nhu cầu ấy đã chuyển hóa thành một đại lễ mà người Pa Cô gọi là Arieu Kar.

Để tạo sự gắn bó giữa các làng có mối quan hệ về họ tộc, khu vực cư trú, người Pa Cô tổ chức một đại lễ riêng cho sự đoàn kết ấy. Đó là đại lễ Arieu Kar, một lễ hội được tổ chức 5 – 7 năm một lần, hoặc 10 năm một lần. Các làng tổ chức Arieu Kar luân phiên nhau. Người Pa Cô tổ chức Arieu Car sau khi việc trỉa lúa rẫy đã xong.

Đầu buổi chiều, ngày diễn ra Arieu Kar, ở đầu làng tổ chức, các trưởng làng, các già làng, các chủ đất, những người có vai vế ở các làng đã tề tựu. Một già làng của làng tổ chức ra gần cổng làng, đánh một điệu chiêng có nhịp chậm để báo hiệu. Đoàn khách của làng bắt đầu đi vào làng. Họ vừa đi vào làng, hướng về nhà khách của làng, vừa đánh chiêng, đánh trống, thổi khèn, thổi sáo…

Tại nhà khách của làng, một tiệc rượu đón khách đã được bày sẵn. Tiệc có bánh sừng trâu, rượu cần, rượu mía, xôi, thịt gà luộc… Trong tiếng nhạc, đoàn khách của làng cùng người làng nhảy múa, hát hò. Ở nghi thức đón khách này, có phần đấu trí bằng lời ca tiếng hát được các trưởng làng thực hiện bằng các bài hát đầy tính ẩn dụ qua điệu Ba Bói. Ông Quỳnh Hồ, trưởng làng Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, dẫn giải: “Mỗi bài hát được các trưởng làng hát lên lấy những hình ảnh mang tính biểu tượng để diễn đạt các thách đố, mà qua đó, trưởng làng chủ nhà phải giải đáp hoặc hóa giải bằng các lý lẽ của mình. Khi đã bằng lòng với sự giải đáp của trưởng làng chủ nhà, đoàn khách của làng mới tiếp tục thực hiện nghi thức đâm trâu trong đại lễ đoàn kết Arieu Kar.”

Nơi diễn ra nghi thức đâm trâu là mảnh đất mà làng xem là đất công. Đoàn khách của làng sẽ vừa đi vừa múa, hát, vừa tấu nhạc và hướng về sân hành lễ. Ở đó, mỗi dòng họ có một con trâu, bò hoặc dê đã được cột sẵn vào cột. Làng chủ nhà còn có riêng một con trâu hoặc bò được cột ở cột lễ. Đó là cái cột dùng để cột con trâu, con bò dùng cho một trưởng làng khách mời dùng lao để đâm. Cái cột ấy có sự trang trí các hoa văn mang bản sắc Pa Cô với đỉnh cột là hoa văn hình mũi thuyền màu trắng viền các viền đỏ.   

Đoàn khách của làng, khi tới sân hành lễ, hòa cùng đoàn người của làng chủ nhà, vừa đi vòng quanh sân hành lễ theo hướng ngược chiều kim đồng hồ vừa ngâm vang những câu chúc tụng, vừa đánh chiêng, đánh trống một cách náo nhiệt. Người không có nhạc cụ thì cầm một ngọn cây mía để vừa nhịp chân vừa đung đưa ngọn mía. Người khác thì vác cả một ống nứa chứa rượu mía hoặc rượu sắn để rót vào những chiếc cốc bằng tre, nứa cho khách, cho những người tham dự lễ. Nghi thức múa hát quanh sân lễ đâm trâu được đồng bào Pa Cô gọi là múa Xía-ty-ría.   

Sau khi thực hiện 7 vòng quanh sân lễ, vị trưởng làng chủ nhà hát một bài theo thể Ba Bói mời một trong các vị trưởng làng khách mời thực hiện nghi thức đâm trâu. Thông thường, vị trưởng làng chủ nhà thường hát rằng: “Ai là người tinh mắt như chim đại bàng bay trên trời cao? Ai là khéo luồn lách như con cá dưới nước? Nâng tảng đá và dời được núi. Uy nghi ấy ai làm được chăng?” Trước đó, trong đoàn trưởng làng khách mời, các vị đã có sự thỏa thuận với nhau và chọn người đâm trâu giỏi nhất để thực hiện đâm trâm. Vì thế, vị trưởng làng khách mời được chọn sẽ ra hát đối đáp lại. Rằng: “Mũi tên bắn bay nhanh lắm nên có ai tránh né được đâu. Tháo cái kè thì nước suối chảy mạnh. Mũi tên để bảo vệ xóm làng ta. Cái kè để bảo vệ ruộng nương ta”.

Vừa hát, vị trưởng làng khách mời vừa nhún nhảy và cầm một con gà mái tiến ra giữa sân lễ. Vị trưởng làng khách mời sẽ hát một bài hát ca ngợi các yàng, ca ngợi sự ban ơn của các yàng cho người Pa Cô được yên bình và xây dựng cuộc sống vững bền. Con gà mái biểu trưng cho sự tiếp nối, sinh sản và phát triển. Đó còn là sợi dây ban ơn của các thần linh cho người Pa Cô. Hát xong, ông ta đưa con gà mái cho một người thanh niên để cột lên cột đâm trâu. Xong, vị trưởng làng khách mời tiến tới chỗ trưởng làng chủ nhà và hát tiếp một bài khác theo điệu Ba Bói. Vị trưởng làng chủ nhà sẽ trao cây lao cho trưởng làng khách mời. Vị trưởng làng khách mời cầm ngọn lao tiến về phía con trâu hiến lễ. Nhanh như cắt, vị trưởng làng khách mời phóng ngọn lao vào nách trái của con trâu. Chưa đầy 1 phút sau, con trâu đã nằm sóng soài dưới chân cột lễ.   

Ông Vỗ Hinh, vị trưởng làng kỳ cựu của làng Ale T’riêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới giải thích rằng: Vinh dự đâm trâu trong đại lễ Arieu Kar được dành cho một trưởng làng khách mời vừa thể hiện tình cảm vừa thể hiện sự nhún nhường, sự sẻ chia và lòng son sắt của tình anh em, bè bạn.

Nghi lễ đâm trâu đã xong. Các họ tộc của làng chủ nhà xẻ thịt những con trâu, bò, dê cúng tế của mình để chuẩn bị mời đoàn khách vào ban đêm. Đó là đoàn Ra-zoọc, đoàn khách tự do của các làng xung quanh và các làng kết nghĩa. Tuy nhiên, đoàn Ra-zoọc lại là một đoàn khách mang tính hiếu lễ, hiếu khách của mọi nhà. Ông Quỳnh Ngưm, trưởng làng Ta-ay, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, cho biết: “Trong đại lễ Arieu Kar, nếu nhà nào không có đoàn Ra-zoọc đến có nghĩa là nhà đó không may mắn, không được lòng mọi người, thần linh sẽ không ban ơn cho nhà đó. Vì thế, ai cũng cố gắng làm những món ngon, chuẩn bị rượu ngon để đoàn Ra-zoọc ghé đến.”

Cùng lúc đó, tại nhà khách của làng chủ nhà, một buổi tiệc âm nhạc đang được các trưởng làng, già làng và chức sắc ở các làng mở ra. Đây là buổi mừng vui có ý nghĩa tạo sự liên tục không ngừng nghỉ trong thời gian diễn ra đại lễ Arieu Kar. Những người tham gia sẽ múa, sẽ tấu nhạc đến khi diễn ra nghi thức Ra-zọoc. Vẫn là điệu hát chủ đạo Ba Bói, các vị trong hội đồng già làng của làng chủ nhà sẽ phải hát Ba Bói để đối đáp những thử thách, những ẩn ý từ khách mời. Nếu chủ nhà không đối đáp được thì sẽ bị cười chê. Buổi hát đối đáp đó thường diễn ra từ 6h chiều cho đến hơn 8h tối. Họ chỉ dừng khi tất cả đã hài lòng. Đâu vào đấy thì đoàn Ra-zoọc mới bắt đầu đi đến các nhà.

Đoàn Ra-zoọc đủ mọi thành phần, nhiều lứa tuổi khác nhau, có thể bao gồm cả những già làng. Đó vừa là một đoàn khách vừa là một nghi thức hòa hợp của các làng, các tầng lớp. Nghi thức Ra-zọoc còn là nghi thức mừng cho sự chuyển giao thời gian giữa đất trời và con người. Đến trước mỗi nhà, những người trong đoàn Ra-zoọc nhảy múa và hát những bài hát ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc cộng đồng.

Sau khi nhận sự chia sẻ của các chủ nhà xong, các nhóm của đoàn Ra-zọoc hướng về sân trung tâm để thực hiện phần kết thúc của nghi thức Ra-zọoc. Cả đoàn Ra-zoọc cùng người làng chủ nhà đứng quanh sân và chuẩn bị. Một đống lửa được đốt lên. Mọi người nhảy múa một cách tự do tuỳ thích. Họ chỉ quan trọng là sự hoà đồng giữa người với người. Họ sẽ hát, múa đến khi nào đống lửa giữa sân hết cháy thì thôi. Khách mời sẽ ra về khi mặt trời chưa kịp nhú lên. 

Đại lễ Arieu Kar là dịp hiếm hoi để các tầng lớp của cộng đồng Pa Cô thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc và yêu thương ở quy mô liên làng. Sự ngăn cách của rừng núi khiến cho các làng ít có cơ hội giao lưu, vì thế, Arieu Kar trở thành ngày hội lớn nhất trong các ngày hội để cộng đồng Pa Cô gắn bó bền chặt hơn./.

trt.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 22.996.455
Truy câp hiện tại 44.236