Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới
Ngày cập nhật 13/05/2013

Có thể khẳng định, điều làm nên tính đặc sắc của hệ ẩm thực các dân tộc thiểu số không chỉ từ “thực đơn ăn-uống” mà còn là “không gian văn hóa-xã hội” mang đậm dấu ấn tộc người. Cũng như nhiều cộng đồng cư trú trên hệ sinh thái Trường Sơn, các tộc người Ka tu, Tà ôi, Pa cô trong quá trình tồn tại và phát triển, sự thích nghi với môi trường sống đã tạo nên nhiều giá trị đặc trưng trong văn hóa đảm bảo đời sống, mà cụ thể và rõ ràng nhất là sự phong phú và đa dạng của phong tục và tập quán trong ẩm thực đã thể hiện được bản sắc văn hóa tộc người.

Do hệ nguyên liệu phong phú của vùng rừng núi mang lại nên các món ăn của các tộc người thiểu số ở A Lưới thường rất đa dạng, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã cố gắng tạo ra nhiều món ăn cho cộng đồng, gia đình trong bữa ăn hàng ngày cũng như các dịp hội làng, dâng cúng thần linh, tổ tiên, đãi người anh em, mời khách quý...

 - Các món ăn truyền thống
+ Các món ăn được chế biến từ ngũ cốc như: xôi hông (adeep ihoat), xôi thui ống, cơm ống/lam (adeep ihoor)… phổ biến trong các lễ hội của người Tà ôi, Katu, Pa cô và là món đồng bào thường làm để cúng thần và đãi khách.Không riêng gì món cơm lam, rất nhiều món ăn của người Tà ôi được nướng như các loại bánh, phản ánh tập quán ăn uống của tộc người. Điều này tạo nên những hương vị lạ cho bữa ăn của chính mình và thực khách. Loại bánh đặc trưng của đồng bào Tà ôi, Pa cô là Akoat và Adeep man. Bánh Akoát còn gọi là bánh sừng do có hình dáng giống sừng trâu, được làm từ nếp dẻo không có nhân; bánh Adeep man là loại bánh nếp vừng. Đây là món ăn vừa ngon vừa tiện lợi, thường mang theo khi đi rừng, săn bắn hay lên rẫy. Đặc biệt, đây là loại phẩm vật không thể thiếu được trong bất kỳ lễ hội nào.
+ Các món ăn chế biến từ cá có; cá gói lá rừng vùi tro, cá nướng, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá (pa đẹec buỏi), các loại côn trùng nhuyễn thể (ếch, nhái, con sùng (ha vưr), mối (cláp), con dế (Anút), kiến chua(Aling ca xâu), kiến thơm, (Alinh ca do), kiến đỏ (Kasâu), nhộng ong (Càroi Acon Ghi zớ)...), thường hiện diện trong bữa ăn hàng ngày hay trong các dịp tết, lễ, cưới xin, hội làng....
+ Các món chế biến từ thịt có: thịt nướng tươi, nướng khô, nướng trực tiếp, nướng bằng ống tre, xào, lạp thịt, thịt heo muối chua cũng là một sự thú vị bất ngờ từ cách chế biến đơn giản, dùng lâu dài mà vẫn không mất mùi vị (Thịt thái nhỏ, cho vào hũ, ché hoặc ống tre, dùng tiêu rừng (amất), prí, muối gạo rang giã nhỏ, trộn đều lại với nhau, rồi ủ kín, gác trên giàn bếp, sau khoảng 7 - 10 ngày là dùng được).
 
 
Đặc biệt, từ sự ứng phó của đồng bào trong cách dự trữ nguồn thực phẩm lâu dài, cho mùa đông hay lúc đói kém, các tộc người ở đây đã tạo cho mình một cách dữ trữ thực phẩm đó là thịt xông khói rất hấp dẫn, bởi nó được treo dưới giàn bếp, hấp thụ khói bếp và hơi nóng làm cho thịt khô và săn dai, để càng lâu càng ngon.
+ Với hệ sinh thái rừng đa dạng, thuận lợi cho công việc khai thác nguồn thức ăn từ hệ cây rừng, do vậy các tộc người thiếu số ở A Lưới đã có nhiều món ăn từ thực vật như: các loại măng rừng (A Băng) như măng lồ ô (Abăng hơm), măng tre (Abăng cơrơđe). Các loại nấm khác nhau như nấm gỗ (Trika), nấm chuối (Tri Ariết), nấm nón (Amool), nấm tai trắng (Tri Ú), nấm mèo (Tri Tơơr)... Hệ củ ở đây chủ yếu như Abit (củ mài), Vơving (củ môn rừng), Atrâu, Aon (củ chuối), gốc chuối rừng (A riết)... Một số rau dại cũng góp phần qua trọng trong hệ thức ăn của đồng bào như rau dại ven suối (A Rui), rau dớn (A dong), rau má (Cờ bá), các loại rau tàu bày (Bhơi lúh, Bhơi bơn) làm món canh hay luộc chấm với nước mắm; lá cây Mơcha, thân cây Giơrông trắng, Giơrông đỏ mọc ở bờ suối dùng nấu canh chua, các loại gia vị như A mắt, lá Cazuch làm gia vị thay mì chính... Ngoài ra các tộc người ở đây còn có món chế biến từ cây Tà VạcTà đin để làm gỏi. Món gỏi Tà Vạc ăn giòn, có vị thơm và mát ngọt. Zờ rá là món ăn thập cẩm được ưa thích nhất của đồng bào, nó là một phương pháp giải quyết thức ăn khá sáng tạo trong điều kiện mỗi thứ kiếm được một ít, không thể đủ nấu thành một món ăn cho một gia đình đông người.(Zờ rá được làm hỗn hợp nhiều nguyên liệu khác nhau, gồm động vật (cá, thịt, lòng gà, vịt, ruột cá) thực vật (nấm, rau rừng, sắn, bắp chuối, mùng) và các loại gia vị (ớt, tiêu, mùi tàu, củ kiệu)…
+ Hệ cây trái trong rừng cũng là nguồn thức ăn dặm, đồng thời nó còn là nguồn lương thực phụ cho những lúc thức ăn khan hiếm. Vào mùa nắng nóng có các loại quả như: chôm chôm (Bhớc), hạt cây Đang, Ga Ươl (quả ươi), trái Bríu, khế rừng (xơ nia), dâu đất (Mơrlong), quả Pơ rang, Chaol, Mơ Xiêng, vị bùi béo của quả Ra đhiu/đhê, vỏ trái Bây, hạt cây Chơ vọc, chùm qủa chín Maracăng, Kaziza mọc bờ sông, vị ngọt của thân cây A Đung, Ta nông, vị chua của hạt Cỏ coi, hạt Chơ đhang ađhí, xoài rừng (Chơ rum), vỏ trái Trơ lúi, chùm quả A Pơớch chín đỏ, hạt Ta tác, quả cóc rừng (Apíc)
 - Các loại thức uống
Ở mỗi tộc người đều có những cách tạo ra mỗi thức uống khác nhau, sự đa dạng sẽ tùy thuộc vào hệ sinh thái, tư duy và kinh nghiệm của tộc người, nhưng mỗi thức uống nó có đặc trưng riêng của nó, điều này đã làm nổi bật lên đặc trưng văn hóa tộc người. Phổ biến các dạng thức uống của các tộc người Katu, Tà ôi và Pa cô ở A Lưới thường có hai dạng loại nước có nồng độ cồn (các loại rượu) và nước uống bình thường đó là nước nấu từ các loại lá.
Có thể nói, rượu là thức uống phổ biến nhất của loài người, đối với các tộc người thiểu số nói chung và các dân tộc thiểu số ở A Lưới nói riêng, rượu có một vai trò rất quan trọng trong đời sống ẩm thực, cũng như các vấn đề về tín ngướng tôn giáo… Sự hiện diện của loại thức uống đặc biệt này trong đời sống văn hoá tộc người mang nhiều chức năng: rượu làm giảm những cơn khát vô hình, đồng thời chuyển tải những ý nguyện của mình đến các thế lực siêu nhiên, giải bày những tâm sự cá nhân, cộng đồng trong những tình huống tế nhị, hay quanh co trước một sự việc cụ thể...
 
 
Sự phong phú về rượu ở các dân tộc thiểu số ở A Lưới làm cho chúng ta hiểu thêm về kho tàng tri thức bản địa của tộc người. Chúng ta có thể thấy các loại rượu của người Tà ôi, Ka tu và Pa cô rất đa dạng như Ariêu Tà vạc, Ariêu Par đin, Bhua/a riêu thăn (rượu sắn), Avíeet (rượu mía) (Mía được cạo sạch phần vỏ, đưa vào cần ép (Cưưng) lấy nước, đem bỏ vào ché (xđúc), sau đó bỏ vỏ cây chuồn chuồn vừa đủ độ lên men, để từ 7-10 ngày sẽ thành rượu, loại này đều phổ biến ở các tộc người Pa cô, Tà ôi, Ka tu.), Adương (rượu mây), Ariêu Chĩa (rượu dứa) và cả Alắc, Axiêu... Những loại rượu này có sự khác nhau về nồng độ, chất lượng, mục đích sử dụng, nhưng đều góp mặt trong bữa ăn thường ngày ở các gia đình cũng như các hội lớn của làng bản. Có thể nói rượu Tà vạc, Tà đin (loại cây mọc trong rừng hoặc được đem về trồng) là đặc sản phổ biến hầu hết đối với các tộc người ở A Lưới (Cách làm men để chế biến các loại rượu có một vai trò quan trọng, men rượu được làm từ nhiều loại cây như củ riềng (pari),rễ cây ớt (ria pơrớ),rễ cây abá atốc,rễ cây chơ rơ đhâng ađhi, rễ cây chè hăng v.v… giã nát, trộn lẫn bột gạo, vo thành viên nhỏ phơi khô. Công việc chế tạo men thường do người phụ nữ khéo tay và có kinh nghiệm đảm nhiệm và có một số kiêng kỵ).
Lê Loan
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 23.220.258
Truy câp hiện tại 6.083