Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xuân về trên quê hương những người mang họ Bác Hồ
Ngày cập nhật 06/02/2012

A Lưới không những nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng của Thừa Thiên - Huế, mà nơi đây còn ghi dấu ấn của các dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy… một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ.

Nhớ lại thời kỳ đầu mới giải phóng, được cử đi công tác ở A Lưới ai cũng ái ngại. Còn ấn tượng đối với A Lưới hôm nay là tuyến đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại - chạy dọc theo huyện lỵ A Lưới, kéo theo đời sống đồng bào không ngừng phát triển, đi lên… 

Nhớ mãi, năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, đồng bào ở nơi đây đã đồng loạt lấy họ Hồ của Bác làm họ cho chính mình. Ngày đó, vùng miền Tây Thừa Thiên - Huế ai cũng xúc động khi "muối Cụ Hồ, rựa Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ" đến với đồng bào trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Cũng chính từ ngày có Bác Hồ giúp gạo, muối, áo quần, được cán bộ Cụ Hồ dạy cái chữ, đồng bào đã thoát u mê tăm tối. Vì vậy, đồng bào nguyện một lòng đi theo ánh sáng cách mạng, phục vụ chiến đấu. Nhiều gia đình cả vợ, chồng và các con đều đi vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến đánh Mỹ. Gia đình Hồ A Nun, Hồ Dục thường xuyên gùi hàng, vũ khí vượt mưa bom bão đạn ra tiền tuyến, đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước thống nhất, hiện tính ra ở A Lưới có hơn 11.800 đồng bào thiểu số mang họ Hồ và thực sự đổi đời theo sự đi lên của dân tộc. Con em của họ trước đây chỉ biết lên nương, rẫy nay đã được học hành. Những cử nhân đại học, kỹ sư nông nghiệp người Pa Cô, Tà Ôi… hiện không còn là điều hiếm. Đến nay, đã có 12 Phó Chủ tịch UBND xã ở huyện A Lưới là người dân tộc, họ đang từng ngày từng giờ phấn đấu đổi thay mảnh đất A Lưới. Điển hình là Kê Sửu, người dân tộc đầu tiên ở A Lưới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hiện chị là Trưởng ban Dân tộc tỉnh.

A Lưới hôm nay

Những năm trước đây, lên A Lưới phải đi vòng qua Đăckrông (Quảng Trị) trên quãng đường dài tới 220 km, gần hai ngày ngồi ô tô mới đến nơi. Nay, từ Huế đi A Lưới theo đường mới mở chỉ với 70 km, mất khoảng gần 2 giờ đồng hồ thì đến nơi. Ấn tượng đối với A Lưới hôm nay là tuyến đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại - chạy dọc theo huyện lỵ A Lưới dài đến đâu, nhà cửa, phố xá kéo theo đến đó. Đêm đêm, nhà cửa, phố xá đèn điện sáng trưng, không còn cảm giác đó là thị trấn của một huyện vùng cao. Càng bất ngờ hơn khi đến xã Nhâm, phần đông đồng bào các dân tộc ở đây được thu nhận vào làm công nhân nông trường, đi chăm sóc cà phê bằng xe máy. Mới đưa vào trồng thử từ năm 1996, năm nay A Lưới dự tính phát triển thêm 1.000 ha, nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên khoảng 1.800 ha. Quá trình chăm sóc, người dân còn được nông trường đầu tư phân bón và hoàn trả tiền đầu tư sau khi có sản phẩm thu hoạch, nên nhận được dân đồng tình và hưởng ứng cao. Ngoài diện tích cà phê nông hộ của mình, hiện có hơn 1.000 hộ nhận khoán, chăm sóc và hưởng lợi trên toàn bộ diện tích của nông trường theo thỏa thuận với người lao động. Huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho đồng bào các dân tộc, phấn đấu đưa năng suất khoảng từ 4-5 tấn/ha như hiện nay lên hơn 10 tấn/ha.

Người dân ở A Lưới còn tham gia làm công nhân ở công trường Thủy điện A Lưới. Ngày chặn dòng, nhiều già làng, gái trai các bản làng vui như ngày hội, thức trắng đêm chứng kiến dòng sông A Sáp, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đại ngàn hùng vĩ phải khuất phục. Cán bộ và nhân dân A Lưới hiểu rằng, nay mai nguồn điện từ A Lưới sẽ thắp sáng ước mơ, biến vùng đất nghèo khó này cùng Thừa Thiên - Huế đi lên. Chính điều đó lý giải vì sao có 1.066 hộ dân trong vùng lòng hồ phải di chuyển đến nơi ở mới để phục vụ cho việc thi công công trình, nhưng mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi, bà con đều tự nguyện chuyển đến nơi ở mới, nhường chỗ cho công trình. Công trình thủy điện A Lưới có tổng vốn đầu tư là 3.234 tỷ đồng, với công suất lắp máy 170MW (2 x 85MW), sản lượng điện bình quân sau khi đưa vào sử dụng đạt 686,5 triệu KWh/năm. Được khởi công từ tháng 6-2007, đến nay, công trình thủy điện A Lưới đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu đưa tổ máy số 1 vào phát điện vào tháng 12-2011.


Đến với bản làng vùng cao Hồng Hạ, nơi có 5 dân tộc anh em, gồm: Ka Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy và dân tộc Kinh sinh sống, bà con biết chung sức trồng mới, bảo vệ làm cho một vùng rừng vốn bị tàn phá trong chiến tranh nay xanh tốt. Đến nay, Hồng Hạ đã trồng được 1.070ha rừng phòng hộ, dẫn đầu các xã trong toàn huyện. Xã tổ chức phát triển kinh tế trang trại, tận dụng nguồn đất bãi bồi đầu nguồn sông Bồ trồng được 50ha cao su tiểu điền, 10ha cây ăn quả, hơn 2.000 hố tiêu. Đời sống nhân dân nâng cao nhờ kinh tế rừng phát triển, toàn xã sắm được 57 chiếc xe máy, 65% số hộ có ti vi, 100% hộ có rađiô. Đối với người Tà Ôi ở A Roàng, còn được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã, huyện hướng dẫn lập vườn rừng, vườn đồi, vườn nhà để định cư, phát triển chăn nuôi. Nay, toàn xã đã có đàn trâu 249 con, đàn bò 308 con, đàn lợn 300 con, nuôi 60 con dê. Nay, A Roàng không còn hộ phá rừng, bà con đã nhận chăm sóc 500ha rừng đầu nguồn, trồng được 200ha cây bản địa, 200ha cây quế để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Ngày xuân bên ché rượu nồng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - Kê Sửu cho biết: Nếu ai có dịp lên vùng núi phía Tây Thừa Thiên - Huế sẽ cảm nhận được vẻ mặt rạng rỡ đến diệu kỳ của con người nơi đây. Bởi, dòng chữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" ngày càng ngấm vào máu thịt của họ khiến họ hành động để xứng đáng là con cháu Bác Hồ, con Rồng cháu Tiên. Các em nhỏ không còn lạ với cái chữ; các cụ già được ủ ấm với áo cơm; các chị các mẹ được bồi dưỡng kiến thức, hạch toán kinh tế bên cạnh biết lo toan việc bếp núc, rẫy nương. Các chú, các anh phần nào đã biết chia sẻ công việc gia đình với người phụ nữ… ; và nhiều gia đình nông dân đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Sự tiến triển này được đánh dấu qua kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm sau thấp hơn năm trước. Ở A Lưới, nếu tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 đến 48,47%, thì nay chỉ còn 17,6%... Môi trường sống xen kẽ, hòa đồng giữa người Kinh và người Thượng trên cùng địa bàn xã, thôn, tổ dân cư ngày càng phát triển. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo.

Mùa xuân đến, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây càng tri ân Đảng, Nhà nước, tổ chức và cá nhân từ thiện đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn. Ngoài ngân sách trung ương (7,450 tỷ đồng), năm nay tỉnh đã huy động kinh phí 13,983 tỷ đồng (Trong đó, ngân sách tỉnh 11,519 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 264 triệu đồng; nguồn từ mặt trận, đoàn thể và các tổ chức từ thiện 2,2 tỷ đồng) để tặng quà và hỗ trợ cho 93.005 người thuộc đối tượng chính sách, trợ cấp xã hội và hộ nghèo, cận nghèo vui tết, đón xuân.

Mùa xuân mới ở vùng cao A Lưới, Tết no ấm, an lành trong tiếng cồng chiêng của lễ hội Aya (tết truyền thống của các dân tộc thiểu số) vang lên khắp mọi miền, làm cho không khí càng thêm Xuân... 

Quốc Việt (Vietnam+)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.523.044
Truy câp hiện tại 3.898