Buổi chiều thu nắng vàng, men theo con đường đất nhỏ đầy bùn bởi trời mưa triền miên hơn 2 tháng nay, hôm nay mới tạnh hẳn. Đây là con đường dẫn lối đi vào ngôi nhà của cụ bà nghệ nhân nổi tiếng hát hay đối đáp giỏi từ xưa đến nay. Cụ bà Kả Kơi không chỉ là người sở hữu một giọng ca vàng mà còn biết hát tất cả các thể loại dân ca độc đáo của dân tộc Pa Kô. Đang lúi húi thổi bếp lửa trong căn nhà sàn nhỏ đã cũ được dựng bên cạnh ngôi nhà xây tình nghĩa khá khang trang của Đảng, Nhà nước trao tặng. Thấy tôi đến cụ đon đã mời vào. Trong ngôi nhà vắng vẻ, chỉ còn lại mình cụ, cụ ông đã mất hơn 10 năm nay, ba đứa con gái đã đi lấy chồng, nhìn cụ nay thêm gầy gò hơn, mái tóc đã nhiều sương hơn. Nhưng thật kỳ diệu, khi trò chuyện từ giọng nói của cụ vẫn toát ra âm sắc trong vắt như dòng suối không một chút đục ngầu so với cách đây mười năm tôi đã thu âm và gần đây, vào năm 2009 tôi đã nghe cụ hát trên sân khấu. Cụ vui vẻ cho biết “Từ nhỏ cụ đã rất mê ca hát, hễ nghe đâu có lễ hội, cưới hỏi, mừng nhà mới hay các công việc cần giải quyết giải hoà, hoặc đám tang là cụ lại tìm đến để lắng nghe các cụ hát hò, đối đáp, an ủi, khóc thương, tai nghe miệng hát theo”.
Dân ca Pa Kô có rất nhiều thể loại, mỗi thể loại có lối hát, giai điệu tiết tấu riêng biệt như: Ru A Kay, Ba bói, tâng ơơi, thun, xiềng, Kâr Kơi, Târ a, v.v … nhưng cụ thể hiện rất rõ ràng từng giai điệu, từng tâm hồn. “Đặc biệt khó nhất là thể loại cha chấp. Ngày xưa cha chấp chỉ dành riêng cho đàn ông hát, còn chị em phụ nữ mà hát cha chấp là bị đánh giá “không đúng đắn”, nhưng vì yêu quá, thích quá nên cụ phá lệ, chấp nhận tai tiếng, cứ tập, cứ hát.”, cụ tươi cười nói. Nếu ai đã từng nghe cụ cất lên lời ca cha chấp mới biết và thấy được, thật xuất sắc.
Già làng Vỗ Tô, người cùng trang lứa kể rằng: “Ngày xưa khi Kả Kơi còn trẻ, giọng hát hay hơn bây giờ rất nhiều, đối đáp, a lý cũng rất giỏi, không thua kém cánh đàn ông, Kả Kơi không chỉ được mời đến đối đáp giải quyết việc trong làng, hát an ủi bằng điệu Ra Rooi khi làng có tang ma mà còn các làng ở nơi xa khác như: Ta Lo, Ku Booi, A Hó, huyện Tu Muồi – Lào, ngày nay cũng đến mời rước để nghe Kả Kơi hát, không ít người vừa muốn học hỏi vừa muốn tranh tài, đối đáp, cuối cùng họ vẫn chịu thua và nể phục hơn”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ, cụ Kả Kơi cũng được cán bộ Ăm Mật mời đến các cuộc họp quan trọng của xã, huyện, nhờ cụ sử dụng bằng lời lẽ sắc bén, giọng hát cuốn hút để tuyên truyền chống tư tưởng phong chiến đi theo cách mạng. Chống quân xâm lược không làm cho giặc mà đi hãy đi theo Đảng, tin lời Bác Hồ để giải phóng quê hương đất nước. Minh chứng cho công lao đó của cụ là được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 vào năm 1999 “Đây là niềm vinh dự niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời của cụ” cụ xúc động nói.
Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn luôn dành tâm huyết cho dân ca truyền thống dân tộc mình, với mong muốn truyền lại cho lớp trẻ sau này, muốn giới thiệu bản sắc dân tộc nên cụ tích cực tham gia các cuộc biểu diễn văn nghệ của thôn, xã. Tham gia các cuộc Liên hoan, hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức. Kết quả khen thưởng mà cụ đã nhận được là: 02 giải A tại “Liên hoan các làng văn hóa toàn huyện lần thứ I” năm 2003; 02 giải A tại “Liên hoan cồng chiêng dân ca cha chấp lần thứ I” tại huyện năm 2006; 01 giải diễn viên xuất sắc lớn tuổi nhất trong cuộc “Liên hoan ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2009. “Trong thời gian tới nếu sức khoẻ cho phép cụ vẫn thích đi tham gia trước khi về với tổ tiên dù chỉ một lần”, cụ bộc bạch. Nhìn người cụ ốm yếu chân tay khẳng khiu, lớp da xanh mỏng bọc lấy xương khô gầy, nhưng tâm hồn tình yêu của cụ dành cho nghệ thuật, dành cho danh ca tinh hoa của dân tộc vẫn hừng hực như ngọn lửa, vẫn tràn trề như dòng suối, con thác, không hề vơi cạn làm cho tôi vừa cảm động vừa khâm phục.
Từ biệt cụ, tôi lại bước theo lối nhỏ ướt bùn, lòng tự hỏi: Tại sao lớp trẻ hôm nay chỉ muốn hát những ca khúc thời thượng hiện đại mà quên đi bản sắc văn hóa dân tộc quý giá mà cha ông xưa đã dầy công sáng tạo gìn giữ; Tại sao lớp trẻ chỉ tôn sùng thể loại nhạc “mỳ ăn liền” mà quên đi chính mình, tự biến mình thành cái bóng của người khác, quên đi cội nguồn gốc rễ, quên đi lời ru ngọt ngào đã nuôi dưỡng trái tim tâm hồn trong sáng mạnh mẽ, để rồi trở thành người con chứa đầy tình yêu đất nước, chứa đầy lòng tự hào tự tôn dân tộc, để rồi dù đi khắp bốn phương trời, khi cất lên giai điệu dân ca quê mình thì hình ảnh quê hương trìu mến lại hiện lên rõ ràng trước mặt, lòng càng thấy yêu thương và thiêng liêng biết mấy, như lời Bác Hồ kính yêu đã cố giọng thều thào dặn dò trước lúc đi xa: “Rằng đã yêu tổ quốc mình càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”. Nếu bạn trẻ nào yêu mến dân ca thì hãy tìm đến nghệ nhân tuổi 80 – cụ Kả Kơi thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới để nghe, cảm nhận và suy ngẫm.